Nhân kỷ niệm cuộc chiến 1979, BBC tổng hợp lại một số tư liệu tiếng Anh về bối cảnh và bài học của cuộc xung đột này:
Sau chiến thắng 1975, miền Bắc Việt Nam đã chọn ưu tiên chiến
lược là Liên Xô xa xôi và xa dần kẻ thù lịch sử, láng giềng Trung Quốc, theo
bài trên Bách khoa Toàn thư Anh Quốc, Britannica, mục về Việt Nam.
"Với thành công nhanh chóng trong chiến dịch bài Hoa,
đuổi đi giới thương nhân gốc Hoa, Việt Nam còn mở vịnh Cam Ranh cho hải quân
Liên Xô vào, và ký kết Hiệp ước hữu nghị với Moscow.
"Quân đội Việt Nam cũng đã xâm chiếm Campuchia để trục
xuất quân Khmer Đỏ.
"Rất sớm sau khi Đặng Tiểu Bình có chuyến thăm được ca
ngợi tới Mỹ, Bắc Kinh đã tuyên bố ý định trừng phạt Việt Nam vào tháng 2 năm
1979."
Reg Grant, trong một cuốn sách về Chiến tranh Việt Nam đã
đặt xung đột Trung - Việt vào nhóm các cuộc chiến mới nảy sinh ở vùng Đông
Dương sau 1975.
Cuộc chiến Biên giới 1979 là hệ quả của chiến tranh
Campuchia, khi xung đột nhỏ lẻ ở vùng biên giới với Việt Nam nổ ra vì các
cuộc tập kích của Khmer Đỏ.
Theo tác giả này, các diễn biến ở biên giới khiến Việt Nam
"đưa quân xâm lược Campuchia toàn diện vào Giáng Sinh 1978, và đến
7/01/1979 thì chiếm Phnom Penh và thiết lập một chính phủ mới".
"Quân Khmer Đỏ bị đẩy ra khỏi các đô thị và tiếp tục quấy
nhiễu quân Việt Nam ở các tuyến dọc biên giới Thái Lan."
"Trung Quốc là nước hỗ trợ chính cho chế độ Pol Pot.
Ngày 17/02/1979, Trung Quốc tung quân xâm lược Việt Nam. Họ không muốn chiếm
nước này mà chỉ muốn ngăn sự hung hãn của Việt Nam."
"Nhưng quân Trung Quốc không thể nào tiến được trước sức
chống trả bền bỉ của phía Việt Nam và đến ngày 6/3/1979, họ phải rút quân về."
Các bên cùng thất bại
Theo Britannica, cuộc chiến Trung - Việt diễn ra khi Hoa Kỳ,
dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, đã ủng hộ Trung Quốc, một phần vì dư âm của
sự thù ghét với Bắc Việt sau chiến tranh.
Liên Xô đáp trả với lời đe dọa chống lại Trung Quốc, nhưng
Trung Quốc cũng không thắng được lực lượng dân quân biên giới của Việt Nam.
Sau ba tuần với những trận giao tranh dữ dội, Việt Nam
tuyên bố gây ra con số 45,000 thương vong cho phía Trung Quốc và Trung Quốc đã
rút quân.
Đặng Tiểu Bình thăm Hoa Kỳ
tháng 2/1979
Chính sách của Mỹ đem lại hậu quả tiêu cực.
"Uy tín quân đội chính quy của Trung Quốc bị phá tan,
Campuchia vẫn ở lại trong phe Liên Xô-Việt Nam, và các chiến thuật sử dụng lá
bài Trung Quốc của Hoa Kỳ trở nên vô duyên," Britannica viết.
Với Trung Quốc, một mục tiêu của việc phát động cuộc chiến
đánh vào đồng minh của Liên Xô còn là nhằm để chia rẽ Washington và Moscow.
Nhưng trái với mong đợi của Bắc Kinh, chiến tranh biên giới
Việt-Trung cũng không ngăn được cuộc gặp Mỹ- Xô được lên kế hoạch từ trước đó,
cũng như việc kí kết Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công chiến lược lần thứ hai
(SALT II).
Bắt tù binh Trung
Quốc
Đàm phán đã đi đến thỏa thuận ở Vladivostok và cuối cùng hai
bên cũng đi đến bản Hiệp ước dự thảo.
Quá trình hòa hoãn Liên Xô và Mỹ chỉ ngưng lại khi Moscow
đưa quân vào Afghanistan, bắt đầu một cuộc dính líu quân sự mới cho tới khi
Liên Xô tan rã.
Còn Hà Nội sau cuộc chiến lại càng phụ thuộc vào Moscow
cho tới khi Liên Xô sụp đổ, với các hệ luỵ về thể chế cho nước Việt Nam cộng
sản.
Bài học cho Trung Quốc
Riêng với Trung Quốc, đây là cuộc chiến lớn nhất về mặt
quân sự kể từ Chiến tranh Triều Tiên.
Và bài học Bắc Kinh có thể rút ra thì rất nhiều, theo một
tác giả gốc Trung Quốc, Zhang Xiaoming.
Trong bài trên The China Quarterly 2005, ông xác định qua
các tài liệu Trung Quốc rằng Đặng Tiểu Bình là nhà lãnh đạo cổ vũ cho chuyện
tấn công để "dạy cho Việt Nam một bài học".
Dù Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, gồm cả Hoa Quốc
Phong không phản đối, nhưng ban lãnh đạo Trung Quốc cũng không hoàn toàn đồng
thuận về cách dùng quân của ông Đặng.
Rốt cuộc, người ủng hộ rõ nhất cho Đặng là Trần Vân, nhân
vật kỳ cựu trong Đảng.
Nhưng Zhang Xiaoming cho rằng chính Trung Quốc "mới là
bên nhận một bài học".
Ông Đặng bỏ qua cơ chế chỉ huy bình thường, và trực tiếp
giao cho Hứa Thế Hữu tấn công từ phía Đông (Quảng Tây), và điều động Dương Đắc
Chí, từ quân khu Vũ Hán (miền Trung Trung Quốc) xuống chỉ huy cánh quân phía
Tây từ Vân Nam đánh vào Việt Nam.
Ông Đặng, bắt chước Mao Trạch Đông, đã trực tiếp chỉ đạo
cuộc chiến và chỉ 'tham vấn trước' với một số nhân vật lão thành trước khi
đưa ra một cuộc họp kéo dài 5 tiếng ở Bộ Chính trị.
Đặng học cách 'trực tiếp
cầm quân' của Mao khi ra lệnh đánh Việt Nam năm 1979
Ông cũng bỏ qua vai trò của tư lệnh quân khu Côn Minh, tướng
Vương Tất Thành.
Quyết định này của Đặng Tiểu Bình có hệ quả nghiêm trọng
cho quân Trung Quốc: vì thiếu phối hợp hai cánh quân, họ bị tổn thất nặng nề,
theo Zhang Xiaoming.
Đến giữa tháng 1/1979, chừng 320 nghìn quân Trung Quốc đã
tập kết ở các tuyến dọc biên giới Việt Nam.
'Dùng dao mổ trâu chém gà'
"Cách dụng binh của Hứa Thế Hữu là "dùng dao mổ
trâu chém gà" (niudao shaji - ngưu đao sát kê) tấn công tổng lực và toàn
diện vào mọi điểm phòng vệ của Việt Nam."
Mục tiêu của chiến dịch "phản kích tự vệ" - cách
Trung Quốc chuẩn bị dư luận trong và ngoài nước về cuộc xâm lăng - là nhanh
chóng "tiêu hao sinh lực địch".
Pháo Việt Nam
trong cuộc chiến 1979
Trung Quốc đưa 9 quân đoàn đánh xuyên biên giới và huy động
cả hơn 200 nghìn dân Quảng Tây phục vụ chiến dịch, trong đó 26 nghìn dân quân
tham chiến trực tiếp, theo Zhang Xiaoming.
Tại một số mặt trận như ở Cao Bằng, tỷ lệ quân Trung Quốc
so với lực lượng Việt Nam là 8:1.
Nhưng tổn thất của phía Trung Quốc là rất lớn.
Bài của Zhang Xiaoming nhắc lại rằng Trung Quốc từng nói họ
giết và làm bị thương 57,000 quân Việt Nam, còn Đài Tiếng nói Việt Nam vào thời
gian đó nói họ giết và làm bị thương 42,000 quân Trung Quốc.
Nhưng theo tác giả này, các nghiên cứu được cập nhật (cho
đến 2005) tin rằng số quân Giải phóng Nhân dân TQ bị giết trong cuộc chiến là
25 nghìn, và số bị thương là 37 nghìn.
Ngay cả con số Bắc Kinh thừa nhận (6700 tử sĩ và 15000
thương binh) cũng đưa số thương vong lên 21 nghìn, trên tổng quân số chừng 300
nghìn tham chiến, một tỷ lệ rất cao.
Trung Quốc đã tổng kết, rút ra nhiều bài học về chiến
thuật, về thông tin liên lạc, vũ khí.
Dù vậy, Zhang Xiaoming cho rằng vẫn có một bài học Trung
Quốc chưa rút ra từ cuộc chiến với Việt Nam.
"Vì bị ảnh hưởng của tư tưởng Mao, coi chiến tranh là
'sự nối dài của mục tiêu chính trị', Trung Quốc vẫn chưa đánh giá lại xác đáng
về chiến thắng hay thất bại nhìn từ góc độ quân sự thuần tuý."
Cuộc chiến 1979, nhìn từ phía Trung Quốc, là cách Bắc Kinh
phản ứng lại sự bành trướng ra Đông Nam Á của Hà Nội, và cũng là cách ngăn
chặn tham vọng toàn cầu của Moscow, theo Zhang Xiaoming.
Và đây có thể là bài học lớn nhất cho các quốc gia trong
vùng đang tiếp tục có các tranh chấp trong một bối cảnh địa chính trị mới như
ngày nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét