Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Thời bao cấp mến yêu



NGÔ MAI PHONG


                                      Hòn Gai thập niên 1970. Ảnh: ĐOÀN ĐỨC CHÍNH

Bao cấp - một phương thức phân phối sản phẩm xã hội của nền kinh tế phi thị trường được vận hành trong lòng một xứ sở vừa thoát thai khỏi chế độ phong kiến là đất nước chúng ta. Phương thức đó đã kéo dài gần 30 năm kể cả sau khi Tổ quốc không còn chia cắt.

Giai đoạn lịch sử ấy khép lại vào năm 1986 và được dán nhãn trong hồi ức của những thế hệ từng được “chia bôi” dưới một tên chung: “Thời bao cấp”. Tôi, phóng viên quèn của một đài địa phương: Gạo mười ba cân, thịt ba lạng, vải bốn mét... nửa thập niên 1980 vẫn còn bị vây hãm giữa “khu rừng đói kém”. Những người xung quanh tôi cũng đều giống nhau ở cái dạ dày lép kẹp. Nhưng tuyệt vời làm sao - đó lại là một thời trong trẻo nhất!

Vui thực phẩm

Săn đón hàng tết bao giờ cũng là niềm vui đặc biệt vào những ngày cuối tháng chạp. Đường phố tinh mơ đã xe đạp tít mù. Chợ búa hớt hải. Công sở nhấp nhổm. Các cửa hàng lương thực, thực phẩm xung quanh Hòn Gai 23 giờ đêm đã có những dòng người ngủ ngồi gà gật trên những hàng gạch xếp lốt. Đây là nơi sẽ bán ra gạo nếp và thịt lợn - hai nguyên liệu quan trọng không có để mua ngoài. Đậu xanh, tiêu sọ và lá dong cũng đều phân phối theo tiêu chuẩn gia đình nhưng bán ở quầy khác, dễ mua hơn và có thể đi vào lúc khác. Chầu chực ở những nơi này từ đêm chủ yếu các bà nội trợ, viên chức nhà neo người, lũ trẻ choai những gia đình đông con. Có đứa giúp bố mẹ. Có đứa xếp hàng chỉ để chờ sáng ra bán lốt. Cha tôi là thương binh, được mua ở cửa ưu tiên không phải xếp hàng. Vì thế, dù đã sang tuổi 70, dịp cuối năm nào cha cũng nhận phần làm tiếp phẩm cho cả nhà. Ông vẫn phải đi từ đêm. Bởi dịp tết nhà nhà đều săn thực phẩm. Có nơi bốn năm giờ sáng người ta đã mở quầy. Tới muộn, cửa ưu tiên cũng chẳng còn chỗ chen. Mà nếu muộn hơn nữa có khi chỉ còn toàn bạc nhạc. Cha tôi thường trở về rất sớm. Ông ném xâu thịt xuống chậu rửa hân hoan như người đi săn đã hạ xong con thú. Rồi cũng chẳng vào nhà, ông lại vội vã đẩy chiếc xe đạp cũ xuống ngõ. Ông sẽ ra phố tiếp tục công việc mua sắm với mớ tem phiếu gói sẵn từ đêm trước.

Cứ như thế, ngày nào cha tôi cũng đi cho đến tận 28 - 29 khi nồi bánh chưng được bắc ngay ngắn trên kiềng và nổi lửa. Hai đứa bé con tôi nhảy tung tăng xung quanh. Chốc chốc lại hỏi: “Ông ơi, bánh của con sắp chín chưa?”. Năm nào cha tôi cũng gói thêm một cặp dành riêng cho bà cụ Bé, một bà lão độc thân ngoài tám mươi bên hàng xóm vốn thân thiết với gia đình và một xâu bánh nhỏ để sáng ra vớt sớm cho lũ trẻ. Bên góc vườn rét mướt của ngôi nhà ngoại ô, cha tôi ngồi úp chuông suốt đêm canh lửa và chế nước cho nồi bánh. Các nhà xung quanh cũng thế, tiếng thùng chậu và củi lửa hồng rực thâu canh. Hôm sau là một ngày thật vui. Mùi hương bài, mùi ngũ quả, mùi trà hồng đào, mùi mứt, mùi xôi gấc, mùi giò, mùi canh miến... Những thứ mùi của bếp núc thiên đường như tụ cả về đây để rồi sau giao thừa vài hôm lại trở thành giấc mơ của ba trăm sáu mươi lăm ngày!

Buồn thực phẩm

Khu lắp ghép toàn giáo viên và công chức ở cột 3 chúng tôi sống những năm đầu thập niên 80 chẳng nhà nào không nuôi lợn. Nhưng cũng chẳng nhà nào có thịt ăn. Lợn phải bán cho công ty thực phẩm quốc doanh hoặc đổi cho xí nghiệp đời sống của ngành than để lấy mì chính hoặc vải cân. Tuy nhiên, đổi được con lợn để lấy mì chính cũng phải là chỗ thân quen hoặc có thế lực. Còn không thì chỉ có “khiêng ra lại khiêng về”. Ngày đó, gà vịt ngoài chợ đã bị nhồi bánh đúc. Lợn xuất chuồng cũng bị để đói vài bữa rồi nấu một nồi cám cá to vật “dỗ” cho xơi bằng hết sau đó mới đưa đi. Có nhà ních cho “thủ trưởng” (tiếng lóng ám chỉ lợn thời bao cấp) căng quá không chịu nổi nên khi tới nơi, vừa bệ lên bàn cân “ngài” đã phụt ra đến một nia nguyên cả cháo lẫn phân. Cười nôn ruột. Cơ quan tôi cũng thế. Nhân viên thường hay mất tích giữa giờ làm. Người đi mua cá lợn, người ra bến đò đón dây lang, người đảo về nhà thăm lợn ốm. Đài họp cộng tác viên, mổ hai con lợn. Pha thịt xong, thấy thiếu một cỗ lòng. Truy ra, anh trưởng ban tổ chức hội nghị “biển thủ” đãi đám nhân viên đồ tể. Vậy là một cuộc đấu tố tung tóe. Đến mức anh trưởng ban tổ chức bị truất khỏi cương vị trưởng phòng. Thật chua chát.

Dân văn phòng thời đó rảnh rỗi đàn ông thì lôi xe đạp ra lau. Rồi nghiêng xe quay, thưởng thức tiếng lách tách của “râu tôm”. Ngồi chầu hẫu hàng giờ quanh quẩn chỉ ba chuyện “cái xích của tớ”, “cái líp của tớ”. Phụ nữ thì khâu khâu đan đan, hết chuyện chồng con lại quay về chuyện rau rợ, cá tàu và cuối cùng là “Con nhà em”. “Con nhà em nết ăn bôm bốp như vỗ tay, nghe mát cả ruột gan”; “Con nhà em cho uống cloxite mấy bữa nay lại bị táo cứ như vít lỗ, thông thì nó cắn”; “Con nhà em ăn xong là vào gầm giường nằm, ngoan như chó”... Nhà nội tôi cũng nuôi lợn. Mươi ngày cha tôi lại phải cất một nồi rượu vài chục lít chủ yếu lấy bỗng cho lợn ăn. Dĩ nhiên đó là rượu lậu. Nếu bắt quả tang sẽ bị tịch thu sạch cả nồi niêu cùng nước lẫn cái. Nhưng thiếu bỗng thì lợn còi cọc, cũng gay. Đành phải liều. Vào ngày bắc bếp, cha tôi thường đóng chặt cả cửa lẫn cổng, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Một bữa đang lúi húi với “mai rùa”, chai phễu trong bếp, không hiểu trên nhà, thằng con 7 tuổi của tôi nghịch ngợm gì bị bà nội vụt mông, nó bèn phóng thẳng xuống cổng, mở toang 2 cánh rồi bắc loa tay gào rõ to: “A lô, các ông các bà ơi... bà cháu canh cho ông cháu nấu rượu lậu!”. Cha tôi chạy ra, chân dậm liên hồi: “Tôi đã bảo bà rồi: Ngày này là đừng có trêu vào nó!”...

Những câu chuyện xung quanh con vật cho người ta miếng thịt là cả một bể bi hài nói quanh năm không hết. Tôi có cô bạn gái khá ngoan báo tin vừa yêu một chàng dạy tiếng Pháp người thành phố. Tuần sau gặp lại, thấy hai mắt đã sưng mọng. Hỏi tại sao, cô bảo: “Họ chê tớ ngón tay thô, móng lại còn cáu nhựa khoai lang”. Tôi văng rất tục khiến cô bạn phải phì cười. Nhưng khi cô ta cười được lên thì tôi lại muốn khóc. Tôi nghĩ tới sự nhếch nhác của áo cơm đè nặng lên mình và bao nhiêu gương mặt thân yêu đã trở nên tiều tụy.

Một thời đáng sống

Tôi sợ nhất tiếng đài thể dục lúc 5h15 vang lên từ chiếc loa công cộng bắc ngoài đường cách khu nhà tôn chừng 50m. Thứ đầu tiên tôi nghĩ tới là đôi thùng gánh nước. Dù mệt đên đâu tôi cũng phải quẩy về ít nhất 4 gánh. Đó là lượng nước không thể thiếu cho một ngày. Từ nhà vào giếng trong khe núi mỗi chuyến cả đi và về mất gần 30 phút. Mỗi ngày, chỉ riêng chuyện nước nôi, tôi đã tiêu một tiếng rưỡi đồng hồ. Chuyến cuối cùng, tôi thường ghé qua lò rượu của một gia đình trong núi mua một chai 65 (650ml) thả luôn vào thùng nước gánh về. Tôi gọi đó là “nước khỏe”. Mà khỏe thật. Sáng sáng, chỉ vài điếu Nhị Thanh (loại thuốc lá sợi vụn - 3 hào) và một cốc rượu trắng rót đầy trong chiếc cốc thủy tinh Liên Xô cao ngót một gang tay coi như thay suất ăn.

Thực ra thu nhập của chúng tôi rất thấp. Tiêu chuẩn gạo của gia đình cũng chỉ đủ cho hai bữa chính. Riêng hai đứa con tôi đang ở tuổi mẫu giáo thì nhất nhất mỗi đứa sáng ra phải được một nắm xôi hoặc một chiếc bánh chưng lá ỏng hoặc một bát cơm nguội bớt lại từ bữa tối hôm trước. Con gái út của tôi có biệt danh “Jô trứng vịt” là bởi từ bé nó đã phải ăn bột quấy trứng vịt. Bốn năm tuổi, vài ngày lại phải có cho con một quả trứng vịt để khỏi thiếu đạm vì tiêu chuẩn thịt của cả nhà mỗi tháng không quá 1kg và một nửa đã phải dành rán mỡ. Con bé thèm thịt, thắc mắc: “Sao lâu đến mùa thịt nạc thế mẹ nhỉ?”. Nhà tôi ngửa mặt lên trần nhà để giấu hai hàng nước mắt.

Cách kiếm thêm duy nhất của tôi là gửi bài cho một vài tờ báo ở Hà Nội và làm vượt định mức của đài. Trong căn phòng 16m2 chật như chiếc hộp còn không có cả bàn ăn, mùa đông tôi trải chiếu xuống đất, kê vali làm bàn. Mùa hè và mùa thu tôi khuân vali ra hè cửa sau làm việc. Trừ những ngày đi công tác, đêm nào tôi cũng ngồi hì hục mài bút lên mặt sau của những tờ hóa đơn ráp và bạc phếch như phân bò khô. Vừa làm vừa nghĩ ngày mai nhà sẽ ăn gì và hố mùn cưa trong bếp đã vét sắp đến đáy. Thời đó, báo chí cũng là một thị trường bao cấp nên nhuận bút vô cùng bèo bọt. Và nếu chỉ nghĩ đến đồng tiền chắc tôi sẽ chẳng đủ sức đeo đuổi một cái nghề nhiều khi như hư huyễn. Nhìn ra xung quanh, thấy mọi người chẳng mấy khác mình. Cũng gạo 13kg, vải 4m, thịt 3 lạng. Cũng xếp hàng, chen chúc, cãi vã. Hài hước nhất là mỗi lần cơ quan phân phối hàng công nghệ phẩm. Được quần đùi thì thôi may ô; được xà phòng thôi thuốc đánh răng; cần chiếc bóng điện thì lại được phân cái vỏ phích nước. Đến chiếc đũa xe đạp cũng bị tháo rời thân riêng, chân đũa riêng để bảo đảm ai cũng có phần. Phân xong, nhiều người cứ bần thần chẳng biết lúc nào mới có được thứ hàng mình cầu. Cách nhanh nhất là thảy ra chợ đen. Chợ đen muôn đời tham lam và dễ tính.

Những năm tháng tất cả đều nghèo như nhau ấy, mọi người sống giản đơn và lòng tốt cũng giản đơn. Chủ cũ căn nhà của tôi là một người như vậy. Biết tôi cần chỗ ở mà mãi không tìm được, vậy là trước hôm chuyển cả gia đình về Cẩm Phả, anh gọi tới dúi cho tôi chiếc chìa khóa, dặn phải dọn vào ngay, thủ tục thuê trú làm sau bởi một cán bộ quản lý nhà đất đã tìm anh ngấp nghé muốn chồng tiền. Riêng tôi, anh không lấy một đồng nào. Còn để lại cho chiếc chum có thể chứa hơn năm gánh nước và một bóng đèn chiếu sáng 25W. Kỳ thực, nó là chiếc bóng sơn vàng vốn chỉ dùng để thắp trang trí đã tróc nham nhở nhưng lại được treo ở chính giữa căn nhà. Nhà có tiền, chẳng đời nào cam chịu cái thứ ánh sáng lem nhem như đom đóm đực kia. Nó cho thấy rất rõ gia cảnh của con người vừa giúp tôi. Anh cũng quá nghèo. Nhưng đích thực là một tấm lòng đôn hậu. Mấy bữa sau, một đồng nghiệp bên thông tấn xã ào qua thả xuống cho tôi một chiếc hòm mìn đựng gạo mới tinh. Anh Đặng Tuấn - Giám đốc XN Đóng tàu thuyền Tiên Yên - một người quen biết cũ, sau một lần ghé thăm gửi vào tặng tôi một giá sách nhỏ, chiếc bàn làm việc và hai chiếc ghế tựa xếp vừa in căn phòng. Tôi đứng ngắm gia tài giản dị của mình, chợt nhận ra cuộc sống nghèo khó nhưng vô cùng ấm áp và đáng sống bởi tình con người.

Năm tháng trong veo

Tôi vừa sợ mùa hè bởi điện bị cúp liên miên và khu nhà tôn không khác một dãy lò bánh mì. Lại vừa thích mùa hè với những trận mưa dài ào ạt về đêm. Tôi thích nhất nằm im nghe mưa như hàng nghìn vó ngựa rền vang tràn qua trên mái tôn, hết đợt này sang đợt khác, phả hơi lạnh ẩm ướt xuống căn phòng và đó là bản giao hưởng trác tuyệt khó có một dàn nhạc nào có thể trình diễn sống hơn. Sau cơn mưa, sáng ra các chum, phuy, nồi, chậu chúng tôi xếp hứng trước hiên đã tràn trề nước thỏa sức dùng cho vài ngày. Với tôi, đó là một ngày biết trước mình sẽ được nghỉ ngơi có thể ngủ muộn một chút hoặc tha hồ đọc sách hay mơ mộng. Dĩ nhiên mùa thu thì khỏi phải nghĩ bàn. Tôi có cái thú vào cuối chiều thường leo lên nóc tôn nơi đã được giàn mướp nhà trồng phủ kín từ mùa hè và bây giờ là mùa hái quả. Tôi đi men theo các ô tre vuông, cứ mỗi lần vạt lá lên là một lần thấy quả. Cả dãy tôi được chia phần từ cái giàn mướp cầu âu này.

Hoàng hôn, gió từ biển thổi vào mát rượi. Tôi cắp đứa con gái nhỏ lên, hai cha con cùng ngồi nhìn qua vai núi Bài Thơ, dõi theo những đàn ó biển chầm chậm chao như phơi lụa, ẩn hiện rồi chìm dần vào bóng núi. Mái tôn cũng là sân phơi cá tàu của tôi. Vào vụ nam, tôi thường theo cánh ngư dân đi thả lưới đèn có khi rong ruổi cả tuần dọc các ngư trường Long Châu, Cô Tô hoặc Cát Hải. Tôi vốn là phóng viên thuộc mảng Nông - Lâm - Ngư nên quen biết khá nhiều chủ tàu nghề cá. Họ dặn: Chú muốn đi chỉ cần xuống bãi sau chợ Hòn Gai ới một tiếng bọn anh khắc cho xuồng vào đón. Vụ nam tức mùa cá nổi. Chủ yếu là cá nhâm. Mỗi mẻ được dăm ba tấn là sự bình thường. Nếu gặp đàn, có mẻ được tới mười lăm mười bảy tấn. Non tay là vỡ lưới. Sau chuyến đi, bà con lại dúi cho tôi một lồ cá bốn năm mươi cân và khiêng đỡ vào tận trong bờ. Tôi lại gọi mấy đồng nghiệp trong tổ đến san sẻ. Phần của mình, tôi mang rải lên mái tôn. Được nắng, chỉ hai ngày đã khô đanh. Nhà tôi gói báo treo lên bếp, ăn rả rích cả tháng trời.

Chúng tôi từ giã căn nhà của mình đã 30 năm. Nhưng ký ức về mái ấm của một thời vẫn còn tươi rói. Đó là nơi “Jô trứng vịt” của tôi đã ra đời. Là nơi tôi hì hụi vừa chạy ăn, vừa gắng gỏi làm nghề. Là Tao Đàn bé nhỏ, mỏng manh của tôi và những người bạn cũ... Tất cả đều là lý do để hiểu tại sao tôi vẫn yêu thời đói khổ đã qua bằng một tình yêu đầy đặn, trong trẻo nhất.


Ngô Mai Phong (Lao Động online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét