Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Chuồng lợn thông minh và nút giải cứu



Theo FB Nghiêm Hoa


Cái anh Thăng nên làm là xây dựng một cơ chế bảo vệ bền vững để quyền lợi của người dân, chứ không phải đi giải quyết từng sự việc tủn mủn.

Một chị bạn kể, trong chuyến đi lần nọ đến một thôn miền núi, chị tình cờ được chiêm ngưỡng một phát minh thú vị: Chuồng lợn thông minh.

Cái chuồng nhìn bề ngoài cũng giống như mọi cái chuồng khác. Có điều nó không có máng uống nước tràn trề đến ngập ngụa hoặc khô cong như những chuồng lợn bình thường. Con lợn khi nào khát sẽ chạy ra ủi mõm vào một tấm gỗ, một hệ thống truyền động sẽ nghiêng ống nước đổ đủ vừa một lần uống. Máng nước vì vậy luôn sạch sẽ, không lo có bệnh. Con lợn dường như cũng thông minh hơn, muốn uống nước là cũng phải học ủi tấm gỗ.

Còn phải nói, mình mê tít câu chuyện của chị bạn. Mê cả cái chuồng lợn, chủ nhân chuồng lợn. Khéo mà mê cả con lợn.

Mấy ngày nay, cứ nghĩ đến ông bí thư của Sài Gòn là mình nghĩ đến cái chuồng lợn thông minh nọ. Nhiều người cho rằng ông Thăng mỵ dân hay chỉ làm những việc tủn mủn. Mình không rõ bí thư một thành phố thì phải làm gì và ông có làm đúng việc không. Nhưng những việc ông Thăng đang làm thì rõ là ở đây đang thiếu: biến một cái chuồng lợn bình thường thành một cái chuồng lợn thông minh: Tạo ra một cái nút giải cứu công dân, à quên, con lợn, để khi nào khát nước thì ra ấn một cái.

Cái nút giải cứu công dân này không chỉ có ở Sài Gòn. Năm 1967, Na Uy ra Luật Hành chính công, trong đó quy định các thứ dịch vụ công phải được làm thế nào. Khi làm luật, họ cân nhắc mãi: nhiều dịch vụ thế này, mà quyền định đoạt lại nằm cả trong tay công chức, nếu công dân thấy không ổn thì làm thế nào? Cỗ máy dịch vụ công cần được tra dầu mỡ liên tục, cũng cần được trông chừng tháo gỡ các vướng mắc. Nếu có thiệt hại oan uổng thì giải quyết làm sao? Nếu cần cải thiện thì cải thiện thế nào. Vậy là ra đời một Ombudsman về Hành chính công. Ombudsman, nhiều người vẫn gọi là “thanh tra”, thực ra có nghĩa là “người đại diện”/”người bênh vực”. Ombudsman Hành chính công ở Na Uy là một cơ chế đặt trong Nghị viện, và có lẽ là cơ chế Ombudsman đầu tiên trên thế giới thay mặt dân (trước đó có các Ombudsman thay mặt vua, kiểu được trao thượng phương bảo kiếm). Sau này có thêm rất nhiều Ombudsman khác ra đời: về quyền trẻ em, về nhân quyền nói chung, về các quyền cụ thể như tiếp cận thông tin. Báo cáo viên đặc biệt với Hội đồng Nhân quyền của LHQ cũng là một dạng Ombudsman - dù khả năng can thiệp là thấp do vướng chủ quyền của các nước thành viên.

Cái nút giải cứu/bênh vực/lắng nghe công dân này được thiết kế rất tinh tế, nhưng xin để một lúc khác bàn về chuyện ấy.

Túm lại, mình nghĩ anh Thăng đang làm cái việc rất duyên. Vì dù sao, nếu là con lợn, mình cũng thích sống trong một cái chuồng lợn thông minh hơn là một cái chuồng lợn ngập ngụa. Haiz.


Theo FB Nghiêm Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét