Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Ngõ hẹp cho Nguyễn Tấn Dũng


Người Buôn Gió
 

Ngày 20 tháng 1 trong phiên họp trù bị cho đại hội Đảng. Trương Tấn Sang [DL: Nguyễn Phú Trọng?] đã đưa được nghị quyết 244 vào đại hội đảng CSVN khoá 12.

Nói lại về nội dung nghị quyết này.

Nghị quyết 244 quy định nếu uỷ viên trung ương nào không có tên trong danh sách ở hội nghị trung ương 14 đã duyệt , mà được đại hội đề cử phải xin rút. Nếu đại hội không đồng ý cho rút, lúc đó tiến hành lấy phiếu bầu. Nếu đạt số phiếu tất nhiên sẽ trúng cử.

Ông Nguyễn Tấn Dũng không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính Trị, Trung ương 14. Bởi vậy ông cần phải có một số lượng đại biểu ở đại hội 12 đề cử ông ở lại. Đây là việc rất khó, bước 1 phải cần đến những đại biểu có ảnh hưởng đứng lên khởi xướng, châm ngòi việc đề nghị ông ở lại.

Khi đề nghị đó được đưa ra, lại phải có cuộc lấy phiếu trong đại hội bỏ xem ông Dũng có đủ số phiếu đồng ý đề cử ở lại hay không, đó là bước 2. Tiếp đó ông Dũng xin rút lui, đại hội lại bỏ phiếu xem có đồng ý cho ông rút lui hay không đó là bước 3 . Nếu số phiếu không đồng ý cho rút đủ lớn, ông Dũng được vào danh sách đề cử đó là bước 4. Sau đó thì mới đến đại hội bỏ phiếu bầu ông vào chức gì.

Trong 4 bước phải qua này, bước nào cũng rất khó khăn.

Khó khăn lớn nhất bắt đầu ở bước 1, khi có đại biểu cất tiếng nói đề nghị ông ở lại. Các đối thủ của ông Dũng sẽ cản trở bằng cách tung ra những ý kiến, đơn thư tố cáo, bằng chứng khuyết điểm của ông Dũng, để chặn họng những ý kiến đề cử. Gây tranh cãi căng thẳng để nhằm mất thời gian. Mục đích dập tắt bước 1 của ông Dũng ngay từ ban đầu. Không cho ý kiến đề cử được chấp nhận. Hoặc nếu buộc phải chấp nhận thì cũng khiến cho ông Dũng bị mất điểm khi tổ chức lấy phiếu đề cử.

Nếu bước 1 qua được, đến bước thứ 2 là lấy phiếu đề cử, làm sao có được số phiếu đề cử cần thiết từ đại biểu , trong khi các đối thủ của ông Dũng áp đảo tại hội trường và luôn nhăm nhe rình phá hoại. Số phiếu đề cử có đủ rồi, ông Dũng lại phải xin rút và đại hội lại bỏ phiếu lần nữa xem ông có đồng ý cho ông rút không. Hai lần lấy phiếu như thế thật sự là một cuộc hành hạ những người ủng hộ ông Dũng. Họ sẽ bị mỏi mệt, căng thẳng, nhiều tác động nếu phải kiên trì sự ủng hộ của mình.

Đó là chưa kể những cách phá hoại khác, chẳng hạn như ý kiến đề cử ông Dũng cất lên, bị phản bác, tranh luận đã đành. Nếu thấy thua, phe đối thủ của Dũng cũng bày trò đề cử thêm vài nhân vật dự phòng nữa, để làm phân tán lá phiếu những người ủng hộ ông Dũng.

Về phần đại biểu đi dự, ông Dũng đã bất lợi. Vì phe của ông Nguyễn Phú Trọng có ông Tô Huy Rứa, trên cương vị trưởng ban tổ chức trung ương. Trước đó ông Rứa có điều kiện, thời gian để đi nhiều nơi nói chuyện, vận động, sắp xếp đại biểu dự hội nghị.

Phe Nguyễn Phú Trọng dường như đã tính chặt chẽ để Nguyễn Tấn Dũng khó lòng đi tiếp được. Nhiều người cho rằng Nguyễn Tấn Dũng sẽ rải tiền ra mua phiếu ở đại hội. Đây là chuyện hoang đường, làm sao có thời gian để đi bàn bạc, mặc cả với từng đại biểu. Chưa kể những đại biểu tay trong của bên đối thủ, vờ nhận tiền rồi tố cáo ông Dũng mua phiếu thì hậu quả trắng tay luôn.

Tất cả 4 bước ông Dũng phải đi qua đều đã hẹp, nhưng đáng sợ hơn là đã thế còn bị các đối thủ tìm cách ngăn cản, phá hoại.

Nếu chấp nhận đi theo trình tự 4 bước này, có lẽ ông Dũng sẽ phải dừng ở bước thứ 1 hoặc bước 2.

Để người ta bày trận, rồi mình tìm cách phá trận. Như cờ thế ngoài đường, người bày thế bao giờ cũng nắm phần thắng cao hơn rất nhiều. Cách tốt nhất là đòi xoá ván cờ thế đó, bày cờ trận sòng phẳng mỗi bên 16 quân ở vị trí ban đầu để phân tài cao thấp.

Ông Dũng nên cùng đồng minh phản bác ngay việc áp đặt nghị quyết 244 vào đại hội, dựa theo lá thư của ông Lê Đức Anh, cựu chủ tịch nước. Vạch rõ ông Trọng chuyên quyền, áp đặt đại hội theo luật chơi của ông ta, mà trước đó bao đời TBT khác quyền lực hơn cũng không dám làm.

Hoặc ông Dũng và đồng minh không đi vào việc đề nghị đại hội đề cử ông Dũng, để rồi sa vào chuyện các đối thủ vạch vòi chuyện nọ, chuyên kia của ông. Hãy chọn cách khác, là nếu phản bác nghị quyết 244 không được, lập tức tung những đơn thư, tố cáo, bằng chứng bán nước, tham nhũng, làm sai điều lệ Đảng của những nhân vật trong danh sách mà phe đối thủ đưa ra. Đẩy đại hội vào thế phải tranh luận căng, có thể qua đó đi đến giàn xếp ông có một chân trong 4 chức vụ đề cử.

Không quyết đoán làm vậy, đi theo cái ngõ hẹp mà đối thủ mở cho ông, đấy là đi vào trận đồ của họ. Họ ra vẻ độ lượng mở cho ông đường đi để lấy lòng dư luận, nhưng họ sẽ chặn được ông ở bước nào đó. Rồi hả hê giải thích, đó đã cho ông cơ hội nhưng ông không được tín nhiệm, không đủ phiếu bầu.

Dư luận ủng hộ ông Dũng đang lên cao độ bức xúc vì nghị quyết 244, bỗng nhiên lại chùng xuống bởi những nhà tuyên giáo bậc thầy đăng đàn trên báo chí vẽ cho họ niềm hy vọng - Đại hội mới quyết định thực sự nhân sự. Đấy là cách mà phe Nguyễn Phú Trọng làm giảm nhiệt những người ủng hộ ông Dũng.

Những mối lo ai sẽ là người chống TQ như ông Dũng đã lác đác được trấn an dư luận bằng tuyên bố của Ngô Xuân Lịch mới đây:


Không những thế, nhiều cây bút xuất hiện và diễn giải cho dân chúng yên tâm rằng nếu không có ông Dũng, bộ chính trị mới vẫn không nghiêng về Trung Quốc cũng như sẽ tiếp tục cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ.

Ông Dũng chỉ còn hy vọng vào đám đông đại hội ủng hộ mình đi qua những bước trên, hoặc tác động của các chính phủ là chủ nợ của Việt Nam, hoặc khai màn đại náo đại hội bằng cách tố cáo những hành vi sai trái của phe Nguyễn Phú Trọng.

Tất nhiên ông Dũng sẽ không chịu số phận như Chu Vĩnh Khang, người ta sẽ cần ông thêm thời gian nữa để xin ý kiến giải quyết nhiều việc đang dang dở. Một chút hào quang le lói trước khi ông mất hút hẳn trong ký ức mọi người.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét