Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Ưa hay không ưa

Lê Phan


Là công dân của một quốc gia dân chủ, chúng ta có một nhiệm vụ nhiều khi rất khó khăn, công việc đi bỏ phiếu. Bởi khác với các quốc gia độc tài đảng trị như ở Việt Nam hay ở Trung Cộng, lá phiếu của chúng ta ở những quốc gia dân chủ hết sức quan trọng. Cái khổ là nhiều khi quyết định bỏ phiếu cho ai, hay bỏ phiếu thế nào trong một cuộc trưng cầu dân ý, trở thành một quyết định hết sức khó khăn, nhất là khi phải phân biệt giữa lý trí và tình cảm.
Đối với người dân Anh hiện nay, vấn đề khó khăn đó là Brexit hay không Brexit, bỏ phiếu rút khỏi Liên Hiệp Âu Châu hay tiếp tục ở lại trong Liên Hiệp trong cuộc trưng cầu dân ý tới đây. Hôm nọ tôi đi dự một khóa họp trong xóm để hai phe trình bày những lập luận của mình cho cử tri. Bà bạn hàng xóm, dân Ăng-lê chính hiệu, một người đã sống ở khu này từ khi được xây lên vào thập niên 1930 để cung cấp nhà cho dân chúng của một thành phố Luân Đôn ngày càng quá đông đúc. Hai vợ chồng tự coi mình là thuộc giới “bình dân,” ông là thợ máy cho công ty xe bus thành phố, bà đi bán rau. Nhưng suốt đời tận tụy họ nay về hưu, đủ sống, và khá lạc quan về tương lai.

Trên đường về bà tâm sự “Nghe bên nào cũng có lý. Tuy tôi không lo ngại về di dân nhưng quả là nay có quá nhiều người ngoại quốc đến ở đây. Ồ, ông bà thì không phải, ông bà ở đây lâu rồi. Nếu tôi bỏ phiếu theo tình cảm thì chắc là sẽ phải bỏ phiếu cho Brexit nhưng cái đầu của tôi nó bảo là không Brexit có lý hơn vì đứa con gái của tôi đang làm cho một công ty đa quốc và họ đang tính đổi nó sang làm ở Pháp. Nó bảo tôi cơ hội đó sẽ khó thành nếu Brexit xảy ra. Vả lại nếu nó được sang làm bên Pháp, vợ chồng chúng tôi có dịp đi chơi thăm con cháu cũng sướng.”

Quyết định đi hay ở này của dân Anh sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người vì nó sẽ hoặc là củng cố cho Liên Hiệp Âu Châu hoặc là làm cho liên hiệp yếu đi với hậu quả khôn lường. Nhưng so với quyết định của dân chúng Anh thì quyết định của dân chúng Hoa Kỳ còn có ảnh hưởng to lớn hơn nữa. Là cường quốc duy nhất và là trụ cột của thế giới hiện nay, người mà dân Mỹ lựa chọn sẽ quyết định tương lai của tất cả con người trên địa cầu này. Và quyết định đó nay cũng đang dựa trên cùng một vấn đề nan giải như bà bạn hàng xóm của tôi: Chọn theo con tim hay chọn theo lý trí.

Dĩ nhiên là có một cái gì khoan khoái và sung sướng khi chúng ta nghe những lời nói đầy lý tưởng, hay khi có người dám nói lên những gì mà ta thầm nghĩ nhưng không dám nói, dầu cho đó là lý tưởng thật cao siêu của ông Bernie Sanders hay sự bốc đồng không được kiểm soát của ông Donald Trump. Và trước những lời tuyên bố nảy lửa đó, bà Hillary Clinton có vẻ như chả có gì hấp dẫn.

 Trong khi ông Sanders cho Wall Street là quỷ dữ rút tỉa xương máu nhân dân và ông Trump đổ vấy tất cả mọi vấn đề của nước Mỹ cho di dân, và họ đều thề sẽ lật ngược lại tình trạng phát triển èo uột hiện nay của nền kinh tế, bà Clinton đã chỉ đưa ra những chính sách thực tế tuy là kiên quyết nhưng không nảy lửa. Lời hứa đáng ghi nhớ nhất của bà là bà bảo bà sẽ không “hứa quá mức.” Bà nói với cử tri “Chúng ta không cần điều đó nữa.”

Nhưng điều mà bà thiếu trong tài hùng biện, bà đã thay thế bằng sự chân tình, bằng cách lắng nghe những vấn đề của người khác và tìm kiếm giải pháp. Bà đã nhỏ lệ khi nói chuyện với một người đàn ông bà mẹ bị Alzheimer và một bà mẹ mất con vì tai nạn súng.

Và khác với lần trước, khi bà nghĩ là phải chứng tỏ một sự đanh thép vì người ta bảo một phụ nữ không thể làm tổng tư lệnh của quân đội Hoa Kỳ được, tìm cách giải trừ những nghi ngờ là bà không đủ cứng rắn cho Văn Phòng Bầu Dục, lần này bà đã chứng tỏ “người” hơn. Trong một lần tranh luận với ông Sanders, bà đã thẳng thắn nói “Tôi không phải là một chính trị gia tự nhiên, nếu quý vị chưa thấy, như chồng tôi hay Tổng Thống Obama.”

Có vẻ như người ta đang chờ đợi ở bà một thứ phép lạ, một người có thể chứng tỏ sự cứng rắn và cương quyết của một vị tổng tư lệnh, sự hấp dẫn của một người bạn nhậu, và sự ấm áp của người mẹ hay một bà cô. Nữ ký giả Tina Brown đã đặt vấn đề đó như sau: “Bạn phải bị buộc vừa tình cảm dạt dào, tươi cười nhưng lại phải có bộ da dầy như da voi ư?” Những người ủng hộ bà bảo đó là một tập hợp không thể nào đạt được. Vả lại, nếu bà làm được như vậy thì lại sẽ có một phẩm chất tối quan trọng nào mà bà chưa bày tỏ, bởi hiện nay chưa có một khuôn mẫu nào cho một nữ tổng thống Hoa Kỳ.

Thượng Nghị Sĩ Kirsten Gillibrand, Dân Chủ tiểu bang New York, thì giải thích kiểu khác: “Người ta không quyết định được là người ta cảm thấy ra sao về một nữ lãnh đạo, và đó chính là điều mà nhiều người đang gặp khó khăn. Sự rối loạn về Hillary là bên ngoài bà. Nó đến từ tâm trạng của các người khác.”

Nhà bình luận David Aaronovitch của tờ The Times của Luân Đôn thì nói đến vấn đề “không ưa được-unlikeable.”

Ông kể lại là hồi năm 2007, ông đi vào một tiệm bán đồ lưu niệm ở thủ đô Washington DC thì ông thấy một cái đồ bẻ hạt dẻ Hillary nutcracker giá 13 đô la. Cái hộp bên ngoài mỉa mai quảng cáo “đùi bằng thép không rỉ,” và nó sẽ “bẻ được những hạt cứng nhất!” Đó là lúc mà thượng nghị sĩ tiểu bang New York đang tính tuyên bố ra ứng cử và triển vọng của bà rất huy hoàng. Trong những món đồ lưu niệm đó, món của bà là đáng nhớ nhất.

Mỉa mai là món đồ này cho thấy thành kiến của người ta rõ hơn bao giờ hết. Có vẻ như có gì về người phụ nữ ở vị trí quyền lực làm người ta nổi khùng chăng, ông Aaronovitch hỏi. Thí dụ, ông chỉ ra, thái độ của ông Bernie Sanders, sau khi thua bà ở California, nhưng vẫn tuyên bố sẽ “đưa cuộc tranh đấu đến Phialadelphia” và Đại Hội Đảng Dân Chủ. Bà Clinton không cần cả thắng California để được bầu lên đại diện đảng. Ngay sau khi bà thắng New Jersey bà đã thắng rồi. Bà đã thắng nhiều triệu lá phiếu và nhiều trăm đại biểu hơn ông Sanders. “Cuộc tranh đấu,” hẳn ai cũng nghĩ, nay là để đánh bại ông Donald Trump chứ?

Có biết bao bài vở, biết bao lời bình luận nói là bà có một cái gì đó thiếu sót. Một phóng viên đài BBC bảo bà đã để lại cho những người ủng hộ bà một cảm giác “không kích thích.” Phải chăng là vì bà là “một ứng cử viên của phe establishment (phe cai trị), và năm nay là năm mà họ bị đánh tơi tả ở khắp nơi. Những kẻ thích cái lạ, bao gồm nhiều nhà báo và các giới thanh niên, hy vọng là ông Sanders sẽ thắng ở California. Ông ta mới lạ, ông ta “cool.” Vả lại ông ta sẵn sàng hứa cho chúng ta những gì mà không thể nào đạt được. Giáo dục miễn phí ư? Ai chịu đóng thuế để có tiền chi cho giáo dục miễn phí. Đến cả đường xá ở Hoa Kỳ đang xuống cấp trầm trọng, nhưng khi hỏi người dân Mỹ có bằng lòng tăng thuế xăng không thì họ bảo không.

Vấn đề thứ nhì của bà Clinton là vì bà mang cái tên Clinton. Đã có lần người ta nghe diễn tả bà là “đáng khinh.” Ông Larry Sanders, anh của ông Bernie, vốn nghĩ bà là “đáng khinh” vì bất đồng với chính sách y tế của ông anh. Nếu quý độc giả chưa biết đến ông Larry là vì ông đã di dân sang sống ở bên Anh này. Nhưng không phải chỉ có ông ta. Những người bên Cộng Hòa thường xuyên gọi bà như vậy. Còn ông Donald Trump thì bảo bà là “crooked-lươn lẹo, không thật thà.”

Cái ý tưởng là bà Hillary có một cái gì “sai lầm” trong cá tính đã thấy rõ trong các cuộc thăm dò dư luận. Hơn một nửa người Mỹ nghĩ một cách tiêu cực về bà, và hầu hết là vì điều mà người ta gọi là sự “không tin cậy được.” Thực ra nếu công tâm mà nói, là một chính trị gia, bà là người trước sau như một. Dĩ nhiên một số này phát xuất từ ông chồng bà. Từ khi ông Bill lên làm tổng thống, chấm dứt thời đại hoàng kim của ông Reagan khi đảng Cộng Hòa chế ngự, bên Cộng Hòa đã cho ông là tiêu biểu của “cái ác.” Đã có biết bao cuộc điều tra của quốc hội từ Whitewater đến Monica Lewinsky.

Và họ cũng đối xử với bà như ông Bill khi bà làm ngoại trưởng cho ông Obama. Một trong những cảnh trên truyền hình mà tôi còn nhớ mãi là cử chỉ thản nhiên của bà, giơ ngón tay búng một cái bụi trên áo mình, sau 9 giờ đồng hồ bị quốc hội “quay” về vụ đại sứ Hoa Kỳ bị sát hại ở Benghazi. Mới đây hơn là vụ email, một vụ mà chính tất cả những ngoại trưởng tiền nhiệm đều làm mà chả thấy ai nói gì cả.

Khá nhiều bạn trẻ và những người cánh tả của Hoa Kỳ muốn bỏ phiếu cho ông Sanders. Khi được hỏi tại sao không bỏ phiếu cho bà Clinton thì họ bảo tại “bả không ưa được.”

“Unlikeable-không ưa được” là vì sao? Bà lúc nào cũng căng thẳng, không biết thư giãn, ít nhất ở chỗ công cộng. Bà phải “nhẹ nhàng lên đi chứ.” Giọng bà “rè rè.” Bà “không tự nhiên.” Và còn rất nhiều lời phê bình nữa.

Và vì những phản ứng đầy cảm tính đó, chúng ta sẽ đi bỏ phiếu.

Là công dân Anh tôi sẽ đi bỏ phiếu để nước Anh ở lại Âu Châu. Nếu tôi là công dân Hoa Kỳ tôi sẽ bầu cho bà Clinton. Tôi bầu cho bà vì điều mà Tổng Thống Barack Obama mới nhắc lại trong bài diễn ủng hộ bà. Phải là một con người vô cùng can đảm và đầy tinh thần phục vụ khi nhận làm ngoại trưởng cho một người đã đánh bại mình. Và bà đã là một trong những ngoại trưởng giỏi nhất của Hoa Kỳ. Ở Anh quốc này chúng tôi có một phụ nữ cũng từng bị coi là “unlikeable,” đó là bà Margaret Thatcher.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét