Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

‘Nghề phóng viên là phải như con chó ấy’



Đôi lời: Đọc bài viết của anh Nguyễn Như phong, TBT Báo Năng lượng Mới, mà không nhịn được cười. Anh Phong viết: “Chó muốn giỏi thì cũng phải nuôi dạy và phóng viên, nhà báo muốn giỏi thì ngoài năng khiếu trời cho, cũng phải được dạy dỗ, rèn luyện tử tế. Và chó khôn nhờ chủ, muốn có phóng viên giỏi cũng phải nhờ chủ“. Theo cách nói này thì anh Phong đúng là một con chó xuất sắc! Anh Phong viết quá thật, quá đúng với các nhà báo/ phóng viên “lề đảng”, phải trung thành với đảng giống như chó vậy. Những nhà báo “lề dân”, họ phục vụ dân, họ không chịu “làm chó”, trung thành với một thế lực nào đó, giống như anh đâu!
____

PetroTimes

Nguyễn Như Phong

10-6-2016

Khi tôi mới tập tọng bước vào làm phóng viên, tôi đã được đọc một bài báo trong đó có dẫn lời ông chủ bút của tờ Bangkok Post nói rằng: “Nghề phóng viên là phải như con chó ấy…”. Rồi ông lý giải rất hay về nghề phóng viên và con chó.

Lại có một câu nữa cũng rất hay về nghề phóng viên, đó là của cố Tổng thống Mỹ Kennedy. Khi được hỏi, Tổng thống định nghĩa thế nào về nghề nhà báo, thì Kenney trả lời rằng: “Nghề nhà báo là nghề viết ra một nửa những điều mình biết và che giấu đi một nửa những điều mình biết”.

Sau hơn 35 năm làm báo, tôi càng ngẫm, càng thấy sao mà chí lý thế.

Trở lại chuyện ví nhà báo với con chó, thì trước hết phải nói đến những phẩm chất cao quý của con chó.

Trong các loài vật, có lẽ không có loài nào gắn bó với con người hơn con chó.

Chó trung thành với chủ, gần như tuyệt đối.

Chó tôn thờ chủ, yêu chủ bằng một tình cảm trong sáng, vô tư không bao giờ có tính hai mặt.

Chó biết vui cùng chủ và cũng biết buồn cùng chủ.

Đã có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động rơi nước mắt về những chú chó nhịn đói ngồi chết bên mộ chủ; những chú chó lăn xả vào hiểm nguy để cứu chủ; những chú chó sẵn sàng tấn công lại kẻ địch để bảo vệ chủ. Và những chú chó sẵn sàng chờ đợi chủ về ngày này qua tháng khác ở một sân ga, hay một bến tàu. Rồi chó giúp đỡ những người tàn tật trong cuộc sống thường ngày, kể cả chuyện đi chợ cho chủ, đưa chủ đi chơi…

H1Phóng viên chiến trường sát cánh cùng các các binh sỹ lực lượng gìn giữ hòa bình. Ảnh: internet

Bất luận vào những hoàn cảnh nào, khi bị chủ mắng, thậm chí bị đánh đòn nó chỉ đau khổ cúp đuôi chui vào một xó, nhưng rồi chỉ ít phút sau nó lại ngoe nguẩy đuôi để đón chủ về.

Thế mới có câu “khuyển mã chi tình” và câu “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”.

Chó có đôi tai cực thính, để phát hiện mọi tiếng động khả nghi và kể cả những tiếng động báo hiệu tin vui. Chó có cái mũi thính, để phát hiện ra có chất độc hay không, có thuốc nổ, có ma túy hay không, hay bất cứ điều gì bất bình thường trong một khối bừa bộn vật chất.

Chó phải biết sủa lên khi có tiếng động lạ, để cảnh báo cho chủ có sự bất thường sắp tới mà cảnh giác. Nó phải biết sủa lên ngăn cản chủ khi phát hiện ra món đồ ăn có chất độc, hay một túi đồ có ma túy hay có thuốc nổ… Và khi chủ có nguy cơ bị xâm phạm, nó phải lăn xả vào chống trả kẻ thù để bảo vệ chủ.

Chó là như vậy đó. Thử hỏi có con vật nào có được những phẩm chất cao quý như chó hay không.

Vậy còn nghề nhà báo thì như thế nào?

Đã làm phóng viên thì cũng phải có đôi tai thính, để phát hiện ra những sự kiện, những vấn đề đang được quan tâm, đang được cần giải đáp; phát hiện ra những sự kiện quan trọng có giá trị, để cung cấp thông tin cho bạn đọc. Phải có đôi tai thính để nghe ngóng tìm ra những chi tiết điển hình, những nhân vật điển hình, những hoàn cảnh điển hình… Nói nôm na là một bài báo muốn hay được thì phải có rất nhiều những chi tiết điển hình đó.

Rồi phóng viên cũng phải có cái “mũi thính”, nghĩa là phải biết phân biệt được: hay – dở; thật – giả; đúng – sai trong những mớ thông tin hỗn độn, dày dặc; trong những sự kiện lớn và trong những đống tài liệu mà rất có thể ở đó người cung cấp tài liệu đã gài bẫy, cho nhà báo ăn thông tin giả. Rồi cũng phải biết phân biệt được rằng nên như thế nào, có đáng viết hay không, có nên viết hay không, mà viết rồi có nên đăng hay không và nếu đăng thì liệu có làm ảnh hưởng đến sự tốt đẹp của xã hội hay thậm chí ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc hay không.

Thế rồi, nghề làm báo là cũng phải đưa những thông tin để cảnh báo về một  nguy cơ nào đó sắp xảy ra mà để cho những người quản lý, điều hành biết mà lường trước, để cho nhân dân biết mà phòng tránh. Rồi người làm báo cũng phải biết dũng cảm bảo vệ cái đúng và phải dũng cảm đấu tranh với sai trái, những gì gây tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Người làm báo phải biết đấu tranh với kẻ địch bằng ngòi bút của mình…

Vậy nếu so sánh giữa nghề làm báo với những phẩm chất cao quý của con chó thì xem ra rất giống nhau.

Một con chó sẽ chẳng có giá trị gì nếu như chỉ biết ăn rồi làm cảnh cho chủ. Một nhà báo cũng sẽ chẳng có giá trị nếu viết theo kiểu “ăn theo nói leo” hoặc ngồi một chỗ nhặt nhạnh thông tin từ nơi này, nơi khác biến thành của mình. Một nhà báo, mà không biết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, bảo vệ những cái đúng và dám đấu tranh với những điều sai trái thì cũng thật vô tích sự!

Chỉ có một điều rằng, muốn có được một chú chó hay, mang tất cả những phẩm chất cao quý của loài chó, thì ngoài tình thương yêu chăm sóc của chủ ra, nó cũng phải được dạy dỗ, chỉ bảo từng li từng tí. Nó cũng sẽ bị phạt như phạm lỗi và cũng sẽ được thưởng khi có công.

Nói đến đây, tôi nhớ lại trong lực lượng công an nhân dân cách đây 50 năm đã có một chú chó huyền thoại tên là Ruslan. Chú chó này nguyên là một con chó lai béc-giê của Pháp đời F3, 4 gì đó và hoàn toàn mang đặc trưng của chó ta là “đầu riềng tai húng”.

Ấy vậy mà khi vào tay huấn luyện Trần Đình Thảo thì Ruslan đã trở thành một con chó trinh sát, giám định vào loại độc nhất vô nhị, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Đến nỗi, các chuyên viên nuôi cảnh khuyển của CHLB Đức ngày xưa sang nghiên cứu về khả năng đặc biệt của Ruslan. Nó giá trị đến mức mà Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn ngày ấy đã có văn bản chỉ đạo, rằng chỉ được điều chó Ruslan đi làm nhiệm vụ khi có lệnh của Bộ trưởng. Nó đã được Cục trưởng Cục Cảnh sát nhân dân Lê Hữu Qua ra lệnh cho tăng khẩu phần ăn. Từ một đồng hai, lên một đồng tám mỗi ngày. (Vào thời đấy, một bữa ăn của cán bộ, công nhân viên bình thường chỉ có ba hào).

Chú chó này đã lập nhiều chiến công hiển hách. Trong lực lượng đội quân cảnh khuyển của Công an Việt Nam và Bộ đội biên phòng cũng không có con chó nào được như nó.

Nhắc lại điều này là để bạn đọc thấy rằng, chó muốn giỏi thì cũng phải nuôi dạy và phóng viên, nhà báo muốn giỏi thì ngoài năng khiếu trời cho, cũng phải được dạy dỗ, rèn luyện tử tế.

Và chó khôn nhờ chủ, muốn có phóng viên giỏi cũng phải nhờ chủ.

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin tâm sự với các bạn nhà báo đôi điều như vậy và mong rằng nếu như ai có chạnh lòng khi bị ví mình như… chó thì hãy nghĩ về những phẩm chất tuyệt vời của con chó.


Nguồn: anhbasam.wordpress.com 

 ***(Tác giả Nguyễn Ngư Phong trước đây là một đại tá của Bộ Công An)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét