Blogger/ nhạc sĩ Tuấn Khanh. Ảnh: internet
Có nhiều nhà báo đã được trao giải trong dịp này và nhiều tờ
báo cũng tôn vinh một số cây bút trong hệ thống báo chí nhà nước. Nhiều tờ báo,
như thường lệ, lại viết về “sức mạnh báo chí” và “báo chí nhân dân”. Tuy nhiên,
chẳng tờ báo nào dám đụng đến truyền thông xã hội, một đề tài “rất nhân dân”;
cũng như tác động thật sự của truyền thông xã hội lên cộng đồng lẫn hệ thống
báo chí thuộc quản lý nhà nước. Viết về chân dung những nhà báo tự do càng
không dám. Dĩ nhiên báo chí nhà nước chỉ được khen phóng viên nhà nước. Một số
cây bút tự do, trong thực tế, luôn xứng đáng được trân trọng, xét về ảnh hưởng
và tác động xã hội. Tôi muốn nói đến một người: Tuấn Khanh.
Tuấn Khanh không hẳn là nhà báo. Một cách chính xác, anh là
nghệ-sĩ-viết. Khanh viết đẹp. Văn của Khanh rất “người” và rất Việt Nam. Khanh
không viết chữ. Khanh viết bằng cảm xúc, nhiều khi hơi đậm, nhưng không cây bút
nào viết “ra nước mắt” và thẩm thấu ruột gan bằng anh. Một số bài của Khanh,
tôi có cảm giác, anh thấu thị nó bằng cái nhìn khác thường. Anh đặt nó ở một
góc mà chỉ anh mới thấy và miêu tả được. Cách sắp xếp cấu trúc trong tư duy của
Khanh rất đặc biệt. Trong một bài, Khanh có thể xâu chuỗi và móc nối nhiều sự
kiện lại thành một mạch liền lạc với kỹ năng dệt chữ mượt mà trôi chảy đến mức sửng
sốt và đưa đến một kết luận có thể gây bàng hoàng.
Văn của Khanh thể hiện tính cách của Khanh. Anh nhạy cảm với
diễn biến xã hội. Khanh dễ dàng trầm uất và “trốn” vào một góc để một mình tự dằn
vặt. Tuy nhiên, anh không bao giờ chạy trốn cuộc đời. Anh cũng là con người của
tự do. Khái niệm tự do rất lớn và bao trùm trong Khanh. Từ rất lâu, Khanh đã là
một nhà báo của tự do ngay khi anh còn làm trong hệ thống báo chí nhà nước.
Tôi còn nhớ, lúc ấy, khoảng giữa thập niên 1990, Khanh đã
“gây sốc” với bài báo “Nghĩ về dòng âm nhạc hôm nay” đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật.
Bài báo viết về sự cần thiết phải thay đổi tư duy sáng tác để phù hợp với thế hệ
trẻ hiện đại. Ngay lập tức, Hội âm nhạc TP lẫn Hội âm nhạc trung ương vây vào
“đánh” Khanh tơi tả. Họ nói Khanh khước từ và phủi bỏ cống hiến của dòng “nhạc
cách mạng”. Họ nói anh “phản động”. Họ nói anh là “phần tử xấu”. Tuấn Khanh trở
thành “sự kiện” ở thời điểm đó, với bài báo đó. Khanh, dĩ nhiên, bị đẩy khỏi Tuổi
Trẻ. Khanh bắt đầu “đi bụi”. Anh đi vào xã hội. Anh đến tận cùng lớp đáy nơi
người nghèo lam lũ và nhặt nhạnh từng xu qua ngày. Rồi Khanh sáng tác. Một lần
nữa, như có thể “hiểu” được, một số ca khúc của anh cũng bị làm khó và thậm chí
bị cấm.
Có lúc Khanh bỏ hết. Học đến năm thứ ba ngành quan hệ ngoại
giao Đại học Luật, Khanh bỏ. Học đến năm thứ ba khoa Anh Đại học Tổng Hợp,
Khanh cũng bỏ. Anh bỏ vì người ta không muốn anh học. Thậm chí với trường nhạc,
Khanh cũng suýt bỏ vì bị trù dập bởi cái mác “thành phần phản động”, nếu không
nhờ một số người thầy đứng ra bênh vực. Có một thứ Khanh không thể bỏ: viết.
Anh không muốn là trí thức trùm chăn. Anh viết, về đời, về những gì anh thấy chứ
không phải được áp đặt để thấy, về những gì rất gần với lương tri, bằng cảm xúc
của một tâm hồn Việt Nam tinh tuyền.
Theo FB Mạnh Kim
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét