Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

Brexit: Sầu xẻ nửa, đường chia hai?



Nguyễn Giang - BBC

Thuyền của phái Brexit vận động Anh bỏ EU và thuyền phao của phái 'Ở lại'

Trước ngày cử tri Anh bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử 23/06 này, ở Anh đang nảy sinh rất nhiều câu hỏi, có thể nói là 'rối tinh rối mù' về các khả năng pháp lý tiếp theo.

Nếu đa số cử tri bỏ phiếu ở lại, thì phái 'Ở' (Remain) sẽ thở phào. Nhưng nếu đa số muốn bỏ EU (Leave) thì hệ quả lại là một loạt kịch bản rất khác nhau.

Đầu tiên là câu hỏi về hiệu lực của chính cuộc trưng cầu dân ý.

Nó có tính bắt buộc (binding) hay là không?

Câu trả lời là 'Không' về mặt pháp lý nhưng 'Có' về chính trị.

Theo lời giải thích trong một bài trên BBC News, tác động của kết quả cuộc đầu phiếu còn tùy tỷ lệ phần trăm nghiêng về bên 'Ra' hay 'Ở' lại EU.

Nếu một đa số rõ rệt quá bán cử tri Anh bỏ phiếu ra trong ngày 23/06 này thì Quốc hội Anh sẽ phải tuân theo 'ý dân' và bắt đầu thủ tục xin ra khỏi EU bằng việc thông qua một loạt luật.

Không dân biểu nào muốn "tự sát chính trị" và công khai vận động chống lại quyết định "ý dân là ý Trời" như thế.

Nhưng hiện trong Quốc hội Anh, đảng Bảo thủ cầm quyền chỉ nắm đa số mong manh là 16 phiếu nghị sỹ, còn đảng Lao động, SNP đều muốn ở lại, nên thông qua luật rút khỏi EU trong khóa này không dễ.

Một số người cũng dọa rằng chức Thủ tướng của ông Cameron khó mà giữ vững, nếu Brexit thắng.

Nhưng Anh Quốc sẽ không rời EU ngay sáng thứ Sáu tuần này.


Kịch bản ra đi trong vòng 2 đến 10 năm

Nếu trưng cầu dân ý là 'Ra', trong vòng hai năm trước mắt, mọi chuyện sẽ vẫn được giữ nguyên.

Bởi thời gian nhanh nhất cho kịch bản đàm phán về quan hệ tương lai của Anh quốc với EU sẽ cần ít nhất là hai năm.

Quốc hội Anh phải ra các luật rút lại quyết định năm 1972 vốn đã mở đường cho Anh vào EU năm 1973.

Đem ra bỏ phiếu thì có nghĩa là các điều khoản trong luật vẫn có thể bị bác bỏ toàn bộ hoặc từng phần.

Đồng thời, Anh Quốc sẽ phải đàm phán lại các hiệp định đa phương với EU và song phương với các nước trong EU.

Dựng lại kiểm soát biên giới trên 300 dặm giữa Bắc Ireland thuộc Anh Quốc và Cộng hòa Ireland ở phía Nam hòn đảo cũng là chuyện không dễ.

Vì Cộng hòa Ireland thuộc EU nên nhiều vùng dọc đường biên mà nay đi lại tự do đã dùng cả đồng bảng và đồng euro.

Họ sẽ phải thay đổi cách đi lại, sinh hoạt, chi tiêu ra sao, không ai biết được.

Thời gian để Anh kết thúc đàm phán có lợi nhất ngắn dài ra sao còn tùy thuộc vào hảo tâm của các nước EU.

Một cựu thành viên nội các Anh, Lord O'Donnell cho rằng việc hoàn tất đàm phán ra khỏi EU "sẽ mất ít nhất là 10 năm".

Trong thời gian đó, Anh sẽ vẫn chịu ràng buộc của mọi điều khoản trong các luật lệ EU nhưng sẽ không còn được bỏ phiếu cùng quyết định các chính sách lớn của EU.

Nó hơi giống cảnh đã ly thân và phải ngủ ngoài phòng khách, không còn quyền xét việc sửa nhà, mua xe mà chỉ đóng gói chờ ngày dọn đi.

 Anh có tranh luận căng thẳng về người nhập cư và kiểm soát biên giới

Kịch bản ra mà không ra

Còn có kịch bản "bỏ phiếu ra để dọa EU".

Chẳng hạn trang Sunday Times cuối tuần qua đề nghị cử tri Anh cứ bỏ phiếu ra rồi chính phủ lấy đó làm đòn bẩy để thúc đẩy EU cải tổ mà không cần phải ra.

Điều này khả thi đến đâu thì không ai rõ.

Kịch bản đảo ngược trưng cầu dân ý

Một khả năng nữa, theo các nhà bình luận tại Anh Quốc, là sau khủng hoảng Brexit, các đảng trong Quốc hội sẽ nhân đây đòi bầu cử sớm, trước hạn 2020.

Theo kịch bản này phe ủng hộ ở lại châu Âu thậm chí có thể dùng một đa số phiếu đông đảo trong nghị trường để lật lại quyết định đạt được từ kỳ trưng cầu dân ý.

Nhưng đây cũng chỉ là một kịch bản mà thôi và đa số các nhà bình luận tin rằng Brexit là lối đi ra.

Ra rồi lại vào?


Trước câu hỏi giả sử Anh Quốc bỏ phiếu trong trưng cầu dân ý rời EU rồi có vào lại được không, chủ biên châu Âu của BBC, bà Katya Adler nói điều đó là có thể được.

Căn cứ vào hai điều 49 và 50 của Hiệp ước Lisbon, muốn vào lại EU, Anh Quốc hoàn toàn được nộp đơn.

Nhưng bà Adler nói khi đó Anh sẽ phải đàm phán lại từ đầu, và mọi quốc gia thành viên EU đều phải thông qua quyết định cho Anh Quốc tái nhập.

Lúc đó, khoản tiền 'miễn trừ' (rabate) Anh giành được từ EU hồi bà Margaret Thatcher làm thủ tướng sẽ không còn nữa.

Hiệp ước Lisbon, ở điều 50 đã tiên liệu trường hợp này:

"Nếu một quốc gia đã rút ra rồi muốn gia nhập lại thì thủ tục sẽ phải tuân theo được quy đ̣ịnh trong điều 49."

Nhưng nếu vào lại EU, khi ấy Anh Quốc sẽ phải chấp nhận đồng euro làm tiền tệ chính thức của mình, như quy định ghi trong điều 49.

Đây lại là thứ mà mà cả Thủ tướng David Cameron cùng nhiều chính trị gia Anh thuộc các phe tả và hữu nói là họ không muốn.

Kinh tế có trên hết?

Đồng bảng có hình Nữ hoàng Elizabeth II không chỉ là tiền tệ Anh hoàn toàn là chủ, một công cụ hữu hiệu để điều tiết các chỉ số tài chính, kinh tế, mà còn là một biểu tượng lâu đời.

Những ngày qua, đồng tiền này đã ít nhiều tăng giá trước tin của một số báo rằng khả năng phe 'Ở lại' tăng cơ hội.

Vì cuộc trưng cầu dân ý này thực chất là câu hỏi về bản sắc của Anh Quốc và các mâu thuẫn đi kèm.

Anh vừa muốn có vị thế riêng, vừa duy trì các di sản lịch sử hào hùng một thời nhưng cũng muốn bị thiệt thòi ít nhất trong cuộc chơi chia sẻ chủ quyền với các thành viên bên lục địa châu Âu.

Câu hỏi về bản sắc cũng làm vấn đề di dân và người nhập cư bỗng nổi bật lên.

Xã hội Anh sẽ ra sao nếu hàng triệu người tứ xứ cứ điềm nhiên kéo đến, theo cách nhìn từ phái chống di dân.

Vì đây là chuyện tâm lý, cảm xúc và văn hóa nên đôi khi còn quan trọng hơn đồng tiền bát gạo.

Dù bỏ phiếu thế nào thì Anh cũng đã làm cả thế giới phải ngạc nhiên về tinh thần 'đi đầu' đánh lên tiếng chuông về các vấn đề khá cơ bản của EU.

Cho đến nay, các nước EU khác mới chỉ dùng trưng cầu dân ý để xét từng phần của cơ chế liên minh, chọn hay bỏ một hiệp định EU chứ không "chơi kiểu Ăng Lê" là ở lại hoặc ra thì ra luôn.

Hàng triệu người ở Anh sẽ chọn bỏ EU hay ở lại

Ai định chê Anh là không độc đáo thì hãy sớm nghĩ lại.

Còn với người đang sống ở đây thì để thực hành quyền dân chủ cơ bản ai cũng phải trả cái giá là sự điên đầu cùng cả nước từ đầu năm đến nay.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét