Nước Anh tổ chức kỳ trưng cầu dân ý vào thứ Năm 23/6 về
việc nước Anh ở lại hay rời khỏi Liên minh Âu châu (EU). Dưới đây là những nét
căn bản.
Trưng cầu dân ý là gì?
Là một kỳ bỏ phiếu mà mọi người (hoặc hầu hết mọi người)
trong độ tuổi đi bầu được quyền tham dự, thường là để chọn một trong hai
phương án, "Đồng ý" hoặc "Không" đối với câu hỏi được đưa
ra. Phương án nào được quá nửa cử tri tán thành sẽ là phương án
được lựa chọn.
Tại sao tổ chức trưng cầu dân ý?
Thủ tướng Anh David Cameron hứa sẽ tổ chức một kỳ trưng cầu
dân ý nếu như ông thắng trong kỳ tổng tuyển cử 2015, nhằm phản hồi những lời
kêu gọi ngày càng gia tăng từ các dân biểu thuộc Đảng Bảo thủ của ông và các
dân biểu của Đảng Anh quốc Độc lập (UKIP).
Các dân biểu này nói rằng Anh đã không có tiếng nói gì kể từ
1975 tới nay, khi nước này trong kỳ trưng cầu dân ý đã quyết định ở lại EU.
EU kể từ đó đã thay đổi rất nhiều, có thêm quyền kiểm soát đối
với cuộc sống hàng ngày của người dân, các dân biểu lập luận.
Ông Cameron nói: "Đây là lúc người dân Anh có tiếng nói
của mình. Đây là lúc để giải quyết câu hỏi về châu Âu trong nền chính trị
Anh."
Liên minh Âu châu là gì?
Liên minh Âu châu (EU), là một khối hợp tác kinh tế, chính
trị gồm 28 quốc gia châu Âu.
Tổ chức này được hình thành sau Đệ nhị Thế chiến nhằm tăng
cường hợp tác kinh tế giữa các quốc gia thành viên.
Ý tưởng được đưa ra là các nước làm ăn thương mại cùng nhau
thì sẽ tránh gây chiến với nhau.
Kể từ đó, EU đã được phát triển thành "một thị trường",
cho phép hàng hóa và người dân trong khối được tự do di chuyển.
EU có đồng tiền riêng, đồng euro, hiện đang được 19 quốc
gia thành viên sử dụng, có nghị viện riêng và hiện cơ quan này đưa ra các quy
định pháp lý trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ môi trường, vận tải, quyền lợi
của người tiêu dùng cho tới thậm chí cả những thứ như bộ phận xạc điện thoại
di động.
Câu hỏi trong kỳ trưng cầu dân ý là gì?
"Anh quốc nên tiếp tục là thành viên của Liên minh Âu
châu hay nên rời khỏi Liên minh Âu châu?"
'Brexit' nghĩa là gì?
Đây là từ được viết tắt từ hai từ để nói Anh quốc (Britain)
rời khỏi EU (exit), tương tự như từ Grexit được dùng để nói về khả năng Hy Lạp
rời khỏi EU trước đây.
Ai được phép bỏ phiếu?
Các công dân Anh, Ireland và công dân các nước thuộc khối
Thịnh vượng Chung đủ 18 tuổi trở lên hiện đang thường trú tại Anh, cùng các
công dân Anh sống ở nước ngoài có đăng ký bầu cử tại Anh trong vòng 15 năm qua.
Các thành viên Thượng viện và các công dân khối Thịnh vượng
Chung ở Gibralta cũng được phép bỏ phiếu, khác với kỳ tổng tuyển cử.
Công dân từ các nước EU, trừ Ireland, Malta và Cyprus, không
được phép bỏ phiếu.
Bỏ phiếu thế nào?
Tương tự như khi bỏ phiếu các kỳ bầu cử khác.
Đầu tiên, nếu bạn đã đăng ký bầu cử, bạn sẽ được gửi thẻ
thông báo địa điểm bỏ phiếu của bạn trong ngày 23/6.
Vào ngày đó, khi tới phòng phiếu, bạn sẽ được trao cho tờ giấy
có ghi câu hỏi trưng cầu dân ý.
Bạn đứng vào khoang ghi phiếu, ở đó có sẵn bút chì cho bạn,
rồi đánh dấu X vào ô có câu trả lời bạn muốn chọn.
Hoặc bạn cũng có thể chọn đăng ký bỏ phiếu qua đường bưu
điện.
David Cameron đã không cố gắng thay đổi quy địn về quy chế
thành viên EU của Anh à?
Có. Đây là tin lớn hồi tháng Giêng và tháng Hai, khi ông
David Cameron tìm cách đạt thỏa thuận với các lãnh đạo EU về việc thay đổi
các điều khoản đối với vị thế thành viên của Anh.
Ông nói rằng thỏa thuận, vốn có hiệu lực ngay lập tức nếu
Anh chọn ở lại với EU, sẽ trao cho Anh vị thế "đặc biệt" trong khối
28 quốc gia, và sẽ giúp giải quyết được một số vấn đề mà người Anh nói là là họ
không ưa về EU, như mức nhập cư cao và mất khả năng điều hành các quan hệ
riêng của nước Anh.
Những người chỉ trích nói thỏa thuận của ông không tạo được
mấy khác biệt và còn cách xa những gì ông đã cam kết khi công bố kế hoạch tổ
chức trưng cầu dân ý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét