Hoàng Dung, thông tín viên RFA
Người Việt sống tại Đài Loan biểu tình do nước thải công ty
Formosa khiến cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung Việt Nam. Ảnh chụp ngày
18 Tháng 6 năm 2016.
Trong một số tuần trở lại đây các cuộc biểu tình của người
dân để yêu cầu chính phủ minh bạch về nguyên nhân cá chết không còn diễn ra, dù
chính phủ vẫn chưa công bố nguyên nhân. Tại sao các cuộc biểu tình không còn diễn ra và phải chăng cần
có giải pháp đấu tranh mới?
Từ lúc sự kiện cá chết đến nay đã gần 80 ngày, nhưng nguyên
nhân gây ra sự kiện cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung vẫn chưa được công
bố.
Sự kiện cá chết không những ảnh hưởng trực tiếp đến các ngư
dân mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến mọi người dân trên đất nước Việt Nam. Nhiều
lời kêu gọi biểu tình ôn hòa để yêu cầu chính phủ minh bạch về nguyên nhân cá
chết đã được lan truyền trên các trạng mạng xã hội, và cuộc biểu tình ôn hòa diễn
ra lần đầu tiên là ngày 01 tháng 05 năm 2016 ở Hà Nội và Sài Gòn với số lượng
người biểu tình đông đảo nhất từ trước đến nay.
Tiếp đó nhiều cuộc tuần hành biểu tình của người dân cũng diễn
ra ở một số tỉnh thành trên cả nước. Lần này ngư dân bị tác động ở những tỉnh
miền Trung cũng tham gia lên tiếng như tại Nghệ An với cuộc biểu tình của giáo
dân giáo xứ Phú Yên ở huyện Quỳnh Lưu hôm 12 tháng 6. Số lượng lên đến hơn 1000
người dưới sự hướng dẫn của linh mục quản xứ Antôn Đặng Hữu Nam.
Biểu ngữ biểu tình chính vừa qua là: ‘Tôi chọn tôm cá’, ‘Biển
sạch, môi trường sạch’, ‘Minh bạch thông tin’…
Đàn áp
Tuy nhiên, hầu hết những cuộc biểu tình đó đã bị chính quyền
cộng sản Việt Nam huy động một lực lượng công an, dân phòng… đàn áp và đánh đập
nhiều người dân biểu tình, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.
Chia sẻ với chúng tôi tại sao trong một số tuần trở lại đây
các cuộc biểu tình ôn hòa yêu cầu chính phủ minh bạch về nguyên nhân cá chết và
ai là thủ phạm gây ra không diễn ra, thì nhiều người dân cho biết là do họ bị
đàn áp một cách mạnh tay từ nhà cầm quyền, nhiều người đi biểu tình bị đánh đập,
nhiều người bị công an câu lưu tại nhà.
Anh Nguyễn Huy Tuấn, một người dân ở thành phố Hà Nội, cũng
là người đã đi biểu tình trong sự việc yêu cầu chính phủ minh bạch nguyên nhân
cá chết chia sẻ một số nguyên nhân mà một số tuần trở lại đây không có những cuộc
biểu tình của người dân:
“Thứ nhất, là đán áp hay hành hung những người xuống đường
biểu tình vì môi trường một cách rất dã man. Thứ hai, nhà cầm quyền chuyên gửi
tin mật để khủng bố tinh thần của những người dám xuống đường để yêu cầu việc
công bố nguyên cá chết. Thứ ba, một số nguyên nhân bị loãng do sự việc của cô Cấn
Thị Thêu.”
Blogger Lê Dũng ở thành phố Hà Nội cũng chia sẻ một số
nguyên nhân, bên cạnh đó anh cho biết bây giờ để yêu cầu chính phủ minh bạch
nguyên nhân cá chết là việc của các nhà truyền thông báo chí và của chính quyền:
An ninh ngăn chặn người biểu tình vì môi trường tại Sài Gòn
vào ngày 8 tháng 5 năm 2016. RFA VIDEO
“Ở Hà Nội hàng loạt các vụ việc nóng xảy ra, về quân đội, về
Biển Đông cũng nóng, ngoài ra sự đàn áp của nhà cầm quyền gia tăng, ra mặt đàn
áp, gần như là khủng bố nhân dân. Những nhà hoạt động xã hội người ta cảm thấy
làm vậy là đủ rồi, việc còn lại là của truyền thông, của báo chí và của chính
quyền.”
Anh Nguyễn Thiện Nhân ở thành phố Sài Gòn chia sẻ nguyên
nhân, và anh cũng cho biết dù người dân không còn biểu tình, nhưng người dân vẫn
thể hiện sự quan tâm trên các mạng xã hội, và bằng nhiều cách khác nhau:
“Nhà cầm quyền đã ra tay đàn áp dã man và bỉ ổi, nên những
người biểu tình cũng có hoang mang và lo sợ, cho nên sự việc biểu tình không
còn diễn ra. Tuy nhiên bằng cách này hay cách khác người ta vẫn thể hiện tiếng
nói của mình để quan tâm đến môi trường sống, môi trường biển.”
Anh Trần Bang ở thành phố Sài Gòn cũng biết, hiện nay sự kiện
và 2 chiếc máy bay rơi phần nào làm loãng về thông tin sự kiện cá chết:
“Về sự kiện 2 chiếc máy bay rơi, dư luận đang tập trung vào
2 chiếc máy bay này và nguyên nhân cũng chưa được làm rõ.”
Phương pháp đấu tranh mới
Khi các cuộc tuần hành biểu tình yêu cầu chính phủ minh bạch
nguyên nhân cá chết đều bị chính quyền cộng sản Việt Nam huy động một lực lượng
lớn công an, bộ đội, dân phòng, đoàn thanh niên… thì nhiều người đấu tranh
trong nước cho rằng thay vì đi biểu tình thì người dân có thể thể hiện bằng
cách này hay cách khác để lên tiếng, tuy nhiên anh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng,
đấu tranh thì có nhiều cách, nhưng xuống đường là một cách hữu hiệu tốt nhất.
Anh Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ:
“Đấu tranh thì có nhiều cách, nhưng xuống đường là một cách
thể hiện tinh thần cộng đồng, tiếng nói chung của quần chúng và sự đàn áp nó chỉ
có tác dụng ngắn hạn, người dân bất bình trước sự đàn áp đó và sự bất bình đó dồn
nén thì đến 1 thời gian lâu dài sẽ có tác dụng lớn ảnh hưởng đến tình hình đất
nước.”
Bên cạnh các cuộc biểu tình để yêu cầu chính phủ minh bạch
nguyên cá chết thì vẫn có nhiều nhóm thể hiện bằng cách khác như là đi xe máy,
một mình quay Video hô khẩu hiệu, gõ mâm và một phương pháp hiện nay đang có
nhiều người thực hiện đó là thổi còi Stop Formosa.
Khi nói về những phương pháp này Blogger Lê Dũng cho rằng,
đó là những phương pháp và số lượng người tham gia ít.
Anh Lê Dũng chia sẻ:
“Thực ra cộng đồng mạng và những người đang quan tâm người
ta vẫn tiếp tục lên tiếng trên mạng xã hội, bằng các hình thức ở nhà, gõ mâm,
tuần hành trên xe máy, thổi còi ở các khu công cộng giờ này, giờ kia, nhưng thực
ra những cái đó ở các nhóm nhỏ, những người tham gia và quan tâm rất ít.”
Anh Nguyễn Thiện Nhân cũng chia sẻ với chúng tôi, chính phủ
đã hứa là trong tháng 6 này sẽ công bố nguyên nhân cá chết. Đến hôm nay là ngày
20 tháng 6, hầu hết mọi quan tâm đang chờ đợi câu trả lời ai là thủ phạm gây ra
thảm họa cá chết. Hẳn nhiên nếu nguyên nhân không được công bố thì khó có thể
giữ được niềm tin của dân đối với chính quyền!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét