Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Bùi Đoàn, "Sự im lặng của cha tôi", nhà xuất bản L’Iconoclaste, 2016.


Thu Hằng




Le silence de mon père (tạm dịch : "Sự im lặng của cha tôi") là tác phẩm mới của Bùi Đoàn, phóng viên của tuần báo Pháp nổi tiếng l’Obs, được nhà xuất bản L’Iconoclaste (Pháp) phát hành vào tháng Ba năm 2016.



Cuốn tự truyện được đan xen giữa các thể loại hồi kí, điều tra, trinh thám và nghiên cứu lịch sử. Đằng sau câu chuyện của gia đình chị, của riêng cha mẹ chị, mỗi người Việt xa xứ đều có thể tìm thấy một sự tương đồng, hay một mảnh đời riêng của mình trong đó.


Le Sielence de mon père phản ánh đầy đủ, từ những cố gắng để hòa nhập vào cuộc sống mới nơi đất khách quê người, từ những bươn chải để có cuộc sống vật chất tốt hơn, từ những ước vọng của người mẹ, người cha mong con cái có một nghề nghiệp được xã hội trọng vọng đến những xung đột rất đời thường giữa hai thế hệ, những bất đồng ngôn ngữ (cha mẹ nói tiếng Việt, con trả lời bằng tiếng Pháp), đến những bất đồng vì rào cản văn hoá…



Thế nhưng, trong gia đình nhà Bùi Đoàn còn có một bí mật "động trời" khác mà cô phát hiện trong hành trình đi tìm quá khứ của cha. Một bí mật mà thực ra nhiều người đã biết và chỉ có các con của người cha không hề hay biết. Bí mật được giấu kín ít nhất từ khi Bùi Đoàn, cô chị cả, ra đời năm 1974 và có lẽ còn được chôn giấu vĩnh viễn nếu như cha của cô không bị tai biến mạch máu não (AVC). Tai nạn đã khiến người cha 68 tuổi sống trong im lặng. Còn Bùi Đoàn luôn dằn vặt tự hỏi cha mình là ai ? Chị giải thích với ban tiếng Việt đài RFI :

 

Nhà báo Bùi Đoàn, tác giả cuốn sách "Sự im lặng của cha tôi" (Le Silence de mon père), nhà xuất bản L’Iconoclaste, 2016.



Bùi Đoàn : « Tôi cho rằng, đối với mỗi người con trong mỗi gia đình, thật khó biết được chính xác về người cha vì chúng ta không biết được cuộc sống của ông trước khi chúng ta được ra đời. Ví dụ, tôi thấy cha mình là một người luôn nhớ tới quê hương. Tôi luôn nghĩ là ông hối hận vì không trở về được Việt Nam. Đúng là ông đau khổ vì cuộc sống tha hương này. Nhưng ngược lại, có một phần trong ông mà tôi không biết khi ông đặt chân đến Pháp. Lúc đó ông còn rất trẻ, mới có 20 tuổi. Tâm trạng phấn chấn được khám phá một đất nước mới, được có mặt trên đất Pháp và có thể là ông muốn ở lại. Nhưng ở điểm này, tôi không thể biết được vì bây giờ cha tôi không thể giải đáp thắc mắc của tôi được nữa.



Khi đi làm phóng sự về người nhập cư, tôi đặt rất nhiều câu hỏi với những người nhập cư, tị nạn từ Syria, Algeria, Maroc hay Mali. Thế nhưng, những câu hỏi như vậy, tôi chưa bao giờ đặt cho cha mình. Có thể vì chính các con của ông không cùng chung tiếng nói và có thể có những chuyện mà người ta chỉ dễ dàng chia sẻ được khi nói cùng ngôn ngữ.



Tôi tự hỏi về nguồn gốc của mình đúng lúc cha tôi bị tai biến. Khi ông hoàn toàn lặng câm cũng là lúc tôi sinh con gái đầu lòng. Tôi muốn truyền lại câu chuyện này và tôi muốn các con mình tự hào là người Việt Nam. Nhưng tôi lại không thể kể lại câu chuyện bằng tiếng Việt vì chính bản thân tôi cũng đã quên tiếng nói này ».



Đấu tranh để thành công



Đến Pháp trong những năm 1960 để học tập, cha của Bùi Đoàn buộc phải ở lại Pháp sau sự kiện 1975. Hết hy vọng quay về Việt Nam, ông ở lại Pháp làm việc, sau đó lập gia đình và có năm người con. Để hòa nhập tốt hơn vào xã hội Pháp, cả nhà cô chuyển đến Le Mans, nơi gia đình Bùi là những người Á đông đầu tiên đến sinh sống. Dĩ nhiên, rất dễ nhận ra « nhà họ Bùi dáng nhỏ có cặp mắt xếch » ở ngoài phố. « Nếu họ trêu trọc các con, hãy nói với họ rằng lòng đỏ (vàng) trứng gà ngon hơn lòng trắng », dường như lời khuyên không thuyết phục được những đứa trẻ nhà họ Bùi. Bùi Đoàn nhớ lại :



Bùi Đoàn : « Tôi vẫn nhớ như in một kỉ niệm về tiếng Việt khi còn nhỏ, tôi muốn mình giống các bạn người Pháp cùng lớp. Một lần, cha tôi nói tiếng Việt và tôi nhìn thấy người Pháp qua đường ngoái lại nhìn. Tôi xấu hổ vô cùng vì tôi không muốn người ta quay lại nhìn chúng tôi.



Dĩ nhiên là khi lớn lên, tôi cảm thấy xấu hổ vì đã xấu hổ với tiếng Việt, ngôn ngữ của cha mẹ mình, tiếng nói của đất nước nơi tôi xuất thân. Bây giờ, khi nhìn lại quá khứ, tôi xấu hổ vì không biết nói tiếng Việt, vì không thể trả lời bằng tiếng Việt, trong khi tôi là người Việt Nam ».



Ở trường, con cái nhà họ Bùi vẫn thường được nhảy lớp và họ giỏi môn toán theo gien của người châu Á. Họ tưởng tượng ra tương lai của con mình trong trường Hành Chính Quốc Gia (để theo đuổi nghiệp chính trị) hay trường Bách Khoa nổi tiếng. Một tương lai sán lạn mà người mẹ « sẵn sàng giết người vì các con ». Giống như nhiều gia đình Việt Kiều khác, bà không muốn gia đình mình bị so sánh là những "boat people". Bà, một phụ nữ Việt trí thức, can đảm và cá tính, đóng vai trò đối nội, đối ngoại trong nhà và có vẻ lấn át cả vai trò của người chồng, người cha, thường xuyên về trễ vì công việc.



Bùi Đoàn:« Trong một thời gian dài, tôi muốn được là con gái của mẹ nên tôi trở nên xa cách với cha hơn và ít quan tâm đến chuyện bên nhà nội. Còn mẹ tôi là một người mẹ bảo vệ, che chở chở con cái, vì bà muốn điều tốt đẹp nhất cho chúng tôi ở Pháp, điều mà bà cho là quan trọng nhất nên bà không buộc chúng tôi phải học tiếng Việt. Chính vì vậy, chúng tôi có kết quả học tập tốt và chúng tôi hòa nhập vào nước Pháp nơi chúng tôi xây dựng cuộc sống riêng của mình.



Đây cũng là một lý do giải thích sự phân chia vai trò trong gia đình chúng tôi. Cha tôi được cho là buồn nhớ quê hương hơn, truyền thống hơn và gắn bó với Việt Nam hơn. Trong khi đó mẹ tôi lại là hiện thân của hình mẫu Pháp, của sự hội nhập, của tương lai mà bà muốn gây dựng cho gia đình mình ».



Trái với tính cách của người vợ thích nói chuyện, ông là một người chồng trầm tĩnh, ít nói. Một người cha luôn bận rộn ở bệnh viện để âm thầm phân tích những tế bào ung thư. Sự im lặng của ông liệu có phải do thói quen nghề nghiệp? Hay do những xung đột văn hóa, xung đột thế hệ và quá khứ mà ông bỏ lại ở quê hương?



Bùi Đoàn :« Với tôi, gần như những lý do này giải thích sự im lặng của ông. Sự im lặng của ông cũng là do chúng tôi, những đứa con của ông, gây ra, vì bất đồng ngôn ngữ. Trong suốt thời gian trưởng thành, tôi đã đi ngược lại với cha mình một cách vô thức, chống lại ngôn ngữ của cha mẹ mình để hòa nhập vào xã hội Pháp và để trở thành một người Pháp thực thụ như những người khác. Đây chính là sự chia rẽ : Cha tôi nói tiếng Pháp với giọng người Việt hay chúng tôi chỉ trả lời ông bằng tiếng Pháp. Chính vì muốn hòa nhập và trở thành người Pháp thực thụ mà chúng tôi từ chối bản sắc Việt Nam.



Sự im lặng của cha tôi, tôi nghĩ rằng, là do lịch sử của đất nước, lịch sử của gia đình với nhiều nỗi đau trong quá khứ. Và chúng tôi thường không nhắc đến những chuyện đau buồn hay phức tạp. Chính vì vậy, ông buộc phải im lặng về lịch sử gia đình và những sự kiện xảy ra tại Việt Nam và việc ông phải đi tị nạn, phải sống tại Pháp và có một danh tính nước ngoài hoàn toàn mới cũng buộc ông phải im lặng ».



Chuyến đi hóa giải quá khứ



Cha mẹ Bùi Đoàn từng về thăm quê. Bùi Đoàn cũng từng đi Việt Nam, để làm phóng sự về chiến thắng Điện Biên Phủ và tiếp theo là để điều tra về quá khứ của người cha. Trong chuyến đi năm 2014, cô cảm thấy đơn độc khi về quê nội.



Bùi Đoàn :« Tôi chỉ có một mình và tôi muốn cha mẹ tôi cũng có mặt ở đó với tôi đến nhường nào. Nhất là khi tôi về ngôi làng nơi ông bà của cha tôi được an táng, và cha tôi chưa bao giờ nhìn thấy mộ, tôi nhớ cha vô cùng. Tôi là người đầu tiên trong gia đình đến thắp hương cho ông bà và tôi tự hứa : Phải đưa cha tôi đến đây, để ông có thể thắp hương tổ tiên, ông bà, điều mà trước đây ông không làm được do nhiều biến cố lịch sử của đất nước ».



Vì thế, Bùi Đoàn tổ chức một chuyến về quê cho cả ba thế hệ. Thế hệ "đầu gà đít vịt", cụm từ mà Bùi Đoàn thấy rất ngộ nghĩnh, chính là hai cô con gái lai Á-Âu của cô. Thế hệ "chuối" mà đại diện là Bùi Đoàn. Đây là cách so sánh để chỉ những đứa con châu Á sinh tại Pháp, bên ngoài vàng như vỏ chuối, còn ruột thì lại trắng. Rất nhiều Việt Kiều Pháp mang phong cách hoàn toàn Pháp trừ mỗi khuôn mặt và một chút giáo dục theo Á đông.



Chuyến đi đã hóa giải được những bất đồng, những xung đột và cả bí mật động trời nhất. Cha mẹ cô đã có thể chỉ cho các cháu quê hương của họ, những nơi mà họ từng sinh sống. Dù cha mẹ không tìm lại được đất nước mà họ biết trong những năm 1960, dù họ vẫn còn bỡ ngỡ vì đất nước thay đổi nhiều quá, Bùi Đoàn vẫn cảm nhận được sự nhẹ nhàng và nguôi ngoai trong lòng họ với lịch sử của đất nước và lịch sử của gia đình. Chuyến đi mà cô cho là họ đã làm lành với quá khứ và làm cầu nối tương lai cho hai cô cháu ngoại.









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét