Tú Anh
Một điểm bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại Luân Đôn về việc đi ra
hay ở lại Liên Hiệp Châu Âu.
Tương lai nước Anh và Liên Hiệp Châu Âu sẽ ra sao sau cuộc
trưng cầu dân ý ngày 23/06 tại Anh Quốc ? Lo ngại một cơn bão kinh tế, tài
chính và chính trị một khi Anh ra đi, giới lãnh đạo châu Âu và thế giới kêu gọi
thần dân của nữ hoàng Elisabeth II « sáng suốt ». Cho dù kết quả như thế nào,
quan hệ Liên Hiệp Châu Âu-Anh Quốc sẽ không thể như trước.
Anh Quốc quyết định tương lai của mình vào ngày hôm nay thứ
Năm 23/06/2016, ngày mà 46,5 triệu cử tri trả lời câu hỏi « ở lại » hay « đi ra
» khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Cho đến sáng nay, trong khi các kết quả thăm dò ý kiến cuối
cùng công bố hôm qua cho tỷ lệ hai bên ngang ngửa nhau, thì các nhật báo lớn tại
Luân Đôn, trong nỗ lực chót, nhấn mạnh đến yếu tố lịch sử của cuộc trưng cầu
dân ý. The Sun, ủng hộ phe Brexit, chạy tựa : "Hôm nay là ngày độc lập".
Ủng hộ xu hướng ở lại với Liên Hiệp Châu Âu, The Times mượn lời thánh kinh :
"Hôm nay là ngày phán xét cuối cùng".
Vì vận mệnh của cả châu lục và thế giới, giới lãnh đạo các
nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và cả Thổ Nhĩ Kỳ, kêu gọi Anh Quốc đừng tách ra.
Nếu « Brexit » chiến thắng, người ta lo ngại khối Liên Hiệp
Châu Âu rạn nứt. Ngoài hệ quả trước mắt như thị trường tài chính rối loạn, đồng
bản Anh mất giá, Brexit còn đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Anh. Scotland,
vì quyền lợi sống còn, thực hiện dự án trưng cầu dân ý và dân tộc tự quyết để độc
lập và gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, thì nước Anh ra sao ?
Một hệ quả nữa, là cho dù không tỏ ra « thù hằn » phe
Brexit, nhưng chắc chắn là Liên Hiệp Châu Âu sẽ áp dụng đường lối cứng rắn hơn
với Luân Đôn trong các cuộc đàm phán tương lai. Bruxelles lo ngại một vài thành
viên khác như Thụy Điển, Hà Lan hay Đan Mạch lợi dụng thời cơ bắt chẹt để đòi
ưu quyền, nên phải chận trước.
Nhưng trong trường hợp phe chống Brexit chiến thắng, Anh Quốc
ở lại, thì quan hệ hai bờ eo biển Manche cũng sẽ khó có thể như xưa.
Để thuyết phục dân Anh bầu chống Brexit, thủ tướng Anh David
Cameron hứa là sẽ thi hành ngay biện pháp giảm trợ cấp xã hội cho công dân châu
Âu, đa số là Đông Âu, để chận làn sóng di dân . Nếu Bruxelles nhượng bộ Luân
Đôn thì một số nước thành viên như Ba Lan, Hungary có lý do để sử dụng lá bài «
Brexit » để gây áp lực đòi đặc quyền.
Chiến dịch của phe chống châu Âu đã tạo ra không khí hận thù
đến mức độ luận điểm bài ngoại không còn là cấm kỵ và đã xảy ra vụ ám sát nữ
dân biểu Jo Cox mà thủ phạm khai là vì quyền lợi nước Anh độc lập.
Ở mức độ châu lục, xu hướng co cụm cũng lên cao. Ngày 17/06
vừa qua, hai đảng cực hữu Pháp và Áo, đã tổ chức chung một ngày « mít-tinh » với
thông điệp bài ngoại và chống châu Âu kịch liệt.
Nói cách khác, cho dù kết quả trưng cầu dân ý ra sao, tình
hình ở Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu sẽ không như trước.
Theo nhà phân tích kinh tế Pháp François Lenglet, không nên
ngại Anh Quốc đi ra, không nên sợ châu Âu tan rã. Mô hình cũ không thể tồn tại
được. Trưng cầu dân ý tại Anh là một « cú sốc » để Liên Hiệp Châu Âu đổi mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét