Hoàng Giang
Cuối năm 2015 Google Search công bố một loạt các “từ khóa” (key word)
được tìm kiếm nhiều nhất trong năm tại mỗi nước. Dựa vào đó, dân tình Việt khẳng
định rằng dân trí nước mình là vô cùng thấp, khi mà từ khóa đứng đầu là tên bài
hát Vợ người ta, tiếp đến là hàng loạt các bài hát khác của ca sĩ trẻ Sơn Tùng
MT-P và một số chương trình phim truyện truyền hình khác. Kết luận trên được
rút ra vì đa số người so sánh với từ khóa tìm kiếm tại các nước khác như
Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… và hầu hết dân chúng các nước đó tập trung vào
các vấn đề thời sự nóng hổi như ISIS, MERS hoặc ô nhiễm môi trường đất, nước.
Thực ra thì bản thân tôi cho rằng những kết quả công bố như vậy chỉ mang tính
chất “cho vui” chứ khó có thể rút ra được kế luận dân trí các nước thấp hay
cao. Bởi vì cao/thấp thế nào thì cứ nhìn tổng thể sự phát triển của mỗi đất nước
là quyết định được liền, không cần đến Google.
Tuy nhiên, tôi cho rằng đất nước mình là một đất nước rất hạnh phúc,
khi mà người người nhà nhà quan tâm cực kỳ sát sao đến ăn chơi nhảy múa, ngắn gọn
lại là “showbiz”. Họ cũng có một mối đoàn kết lạ lùng khi bàn tán về showbiz Việt.
Có một sự việc mà bất cứ ai ở Việt Nam
cũng biết đó là cô ca sĩ, được mệnh danh là “Nữ hoàng giải trí Việt”, Hồ Ngọc
Hà, đang bị lên án kịch liệt vì tội danh “cướp chồng.” Tôi cá rằng tên cô ca sĩ
này cũng sẽ nằm ở top bảng xếp hạng tìm kiếm năm 2016. Phải nói thêm rằng, đa số
người Việt rất “hóng” các vụ việc vợ chồng ghen tuông. Các bộ phim, clip, video
về việc đánh ghen cướp chồng của các nhân vật vô danh được chia sẻ với tần số cực
nhanh và mạnh, huống chi sự việc này liên quan đến một người nổi tiếng. Một
ngày lướt facebook, báo mạng, trang tin thì 80% là về Hồ Ngọc Hà.
Đọc thì thấy vui lắm, các tay viết mổ xẻ dọc ngang, từ trong ra ngoài,
từng chi tiết về các nhân vật trong cuộc, update tình hình trang mạng cá nhân
còn hơn các sự kiện kinh tế chính trị trong, ngoài nước. Người đọc click vào
xem càng nhiều, bài viết mới càng ra nhanh như điện. Ý kiến chung thì đa số dân
tình xúm vào lên án cô ca sĩ, một số blogger có tiếng nói một chút thì thường
nhân danh công lý xã hội đạo đức cổ xúy mọi người tẩy chay các nhãn hàng mời cô
làm đại diện quảng cáo. Có kẻ “dửng mỡ” nhắn tin cho cả các cấp lãnh đạo, ban
trung ương, văn hóa để “phế truất” cô ca sĩ khỏi thị trường âm nhạc Việt… Chung
chung hiện trạng thì xã hội đang tán loạn nháo nhào với vô số các nhà đạo đức học
hoạt động tích cực vì một xã hội “xanh-sạch-đẹp.”
Họ nói người nổi tiếng dính vào “scandal” có quá nhiều người hâm mộ,
trong đó có các con nhỏ, chúng sẽ nhìn vào đó để học tập, gia đình xã hội sẽ đi
về đâu? Các giá trị đạo đức tốt đẹp, thuần phong mỹ tục sẽ đi về đâu? Nên học tập
nước Hàn khi các ca sĩ chỉ cần dính đến một scandal thì ngay lập tức sẽ bị tẩy
chay chỉ trong một đêm. Việc họ quỳ xuống xin lỗi khán giả một cách thành khẩn
còn chưa chắc đã nhận được sự thứ lỗi. Tôi công nhận đó là một luận điểm rất
dân chủ, rất có trách nhiệm. Tuy nhiên nói một phải biết đến hai, thái độ như vậy
ở người Hàn đã là một hệ thống văn hóa, không chỉ các ca sĩ diễn viên, mà các
chính trị gia còn cúi đầu xin lỗi. Cũng cần phải nói rõ ràng, nếu cô Hồ Ngọc Hà
có nói lời xin lỗi, thì người cô xin lỗi là fan của cô ấy, cứ không phải những
kẻ đang ganh ghét chửi bới mình. Bởi hành động của cô, nếu có lỗi, là có lỗi với
sự ủng hộ lâu dài của những khán giả luôn bên cạnh và yêu mến cô.
Nhưng trên hết, nếu các bạn tìm hiểu, sự gay gắt từ phía dân chúng tại
nước Hàn Quốc không chỉ dừng lại ở vấn đề giải trí showbiz. Người trẻ, họ tham
gia bất cứ cuộc tranh cãi lên án nào về mọi vấn đề của đất nước, kinh tế chính
trị giáo dục. Và tất cả vì mục đích, quyền lợi của tương lai. Như tôi đã từng
nhắc đến việc hàng ngàn sinh viên Hàn Quốc xuống đường giơ biển phản đối tổng
thống vì ra chính sách “độc quyền” bộ môn lịch sử. Hay mới đây họ tập trung tại
bức tượng “Thiếu nữ hòa bình”, tượng trưng cho các cô gái Hàn bị ép mua vui,
làm nô lệ tình dục cho lính Hàn những năm Thế chiến thứ hai, để phản đối việc
di dời tượng của chính phủ Hàn Quốc.
Vì thế tôi cứ mong, giá mà cái tinh thần nhiệt huyết hừng hực như vụ cô
Hồ Ngọc Hà được thể hiện ở những vấn đề khác quan trọng hơn thế. Gần gũi như kịch liệt nói “không” với thực phẩm,
quán ăn bẩn tràn lan khắp đường phố, xa hơn chút nữa là nạn tham nhũng đang gặm
nhấm từng cá thể, hay trong tương lai không xa, một cuộc cách mạng xanh, đỏ nào
đó đòi quyền tự do dân chủ? Chợt nghĩ về một bộ phim tài liệu quay những hình ảnh
xác thực nhất về cuộc cách mạng Cam tại Ukraine năm 2014 Winter on Fire:
Ukraine’s Fight for Freedom. Người trẻ, già xuống đường ròng rã cả mùa đông
không về nhà để thương thuyết bằng được với chính phủ thân Nga về những chính
sách độc quyền, độc tài. Nhưng thật lòng mà nói, khi sự quan tâm của phần lớn
tri thức trẻ tại đất Việt vẫn còn vẩn vơ ở những câu chuyện vô thưởng vô phạt
như thế, thì hy vọng về một đất nước có sự đổi mới mãnh liệt vẫn còn là quá xa
vời.
Nguồn: VOA Tiếng Việt