Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Tìm ra nguyên do nhưng ’chưa đủ lý lẽ nên không công bố’



Phạm Nhật Bình

Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau gần hai tháng im lặng trong Sự Kiện Vũng Áng nhưng lại dồn sức đàn áp các cuộc biểu tình của dân chúng, nay bắt đầu ngập ngừng mở miệng.

Trong cuộc họp báo thường kỳ hàng tháng chiều ngày 2 Tháng 6, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đã đưa ra câu trả lời về hiện tượng cá chết hàng loạt ở Miền Trung từ đầu Tháng 4/2016. Theo ông Dũng, hiện nay các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân cá chết. Nhưng trước khi có kết luận chính thức, chính phủ phải chờ phản biện của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

                           JPEG - 153.3 kb
    Ông Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo chiều ngày 2 Tháng 6, 2016. Ảnh: 24h

Lối nói mập mờ, đầu đuôi bất nhất ấy đã lại một lần nữa không những gây thất vọng ê chề nơi quần chúng mà còn tạo thêm nghi vấn về cái gọi là “đã xác định được nguyên nhân”, vốn đã chờ đợi mỏi mắt câu trả lời từ những người cầm quyền có trách nhiệm cao nhất.

Tại sao đã biết nguyên nhân cá chết mà còn chờ “phản biện” rồi mới công bố?

Ấn tượng đầu tiên của người dân là sự né tránh và câu giờ của lãnh đạo CSVN qua vụ cá chết. Hai tháng kiên nhẫn và lịch sự chờ đợi của họ được đáp trả bằng sự lập lờ khó hiểu: “đã biết nguyên nhân nhưng chờ phản biện”. Đây không có gì khác hơn là lối hành xử khinh thường người dân ép họ phải nghe và chấp nhận những gì đảng nói.

Thông thường, trước một tai họa xảy ra rõ ràng như vụ cá chết vừa qua, các nhà khoa học, các cơ quan chính phủ có trách nhiệm sau khi đã xác định được nguyên nhân, lập tức phải kết luận và công bố cho người dân được biết. Người dân có quyền được biết vì họ là người trực tiếp bị ảnh hưởng trong đời sống hàng ngày.

Tại sao lại phải chờ phản biện? Điều này cho thấy là kết quả của nhà nước đưa ra rất phản khoa học nên mới phải phản biện. Cho dù chính phủ khoe rằng đã vận dụng “hơn 30 cơ quan bộ ngành” và “hàng trăm nhà khoa học” trong nước và quốc tế cùng tham gia để thu thập chứng cứ tìm ra nguyên nhân cá chết.

Sự câu giờ này không có gì khác hơn là chính phủ đang tìm một lời giải thích sao cho hợp lý và "tròn" kết quả nhất để dư luận không phẫn nộ.

 JPEG - 164.8 kb
    Nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ đã nổ ra đòi chính quyền phải minh bạch vụ cá chết hàng loạt. Ảnh: Facebook

Từ đầu tháng 5 đã nổ ra các cuộc biểu tình ở Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh khác chỉ với nguyện vọng chính phủ phải minh bạch và sớm công bố nguyên nhân vì sao cá chết. Nhưng nguyện vọng chính đáng và ôn hòa ấy đã bị công an mật vụ của chế độ ngăn chận, đàn áp đổ máu. Sự bịt miệng thô bạo ấy là ngón nghề của chế độ độc tài khoác áo dân chủ giả hiệu.

Trở lại thời gian đầu khi cá bắt đầu chết ào ạt ở vùng biển Hà Tĩnh và sau đó lan nhanh xuống các tỉnh phía Nam, trong con mắt dư luận cả nước, Formosa chính là thủ phạm.

Sự cáo buộc này không phải không có lý do. Vì vào lúc xảy ra tai họa này, cũng là lúc Formosa nhập về hàng trăm tấn hóa chất để súc rửa đường ống. Vậy nếu không phải Formosa xả thải chất độc thì là ai? Cộng với lối im lặng rồi lúng túng giải thích của các bộ trong chính phủ càng làm sự suy đoán của người dân về câu “ngậm miệng ăn tiền” của quan chức cộng sản thêm vững chắc.

                  JPEG - 28 kb
  Cá voi trôi giạt vào bờ biển Nghệ An. Ảnh: Thái Văn Dung

Cá chết, thợ lặn chết và gần đây cá voi nặng hàng chục tấn trôi giạt vào bờ biển Nghệ An để chết cũng không làm chính phủ mở mắt nhìn nhận sự thật. Đặc biệt là hồ sơ bệnh lý của các thợ lặn tại Vũng Áng, khám nghiệm sau khi phát hiện cá chết hàng loạt đã bị biết mất.

Nói cách khác, “chờ phản biện mới công bố nguyên nhân cá chết” không gì khác hơn CSVN muốn che giấu tội lỗi cho Formosa. Mà che giấu vì giữa Formosa và chính quyền cộng sản đã hình thành một liên minh ma quỷ trên số đô-la thu vén được từ dự án gang thép bất chấp tai họa gây ra cho môi trường sinh thái.

Giờ đây trước áp lực của quần chúng, lãnh đạo CSVN cảm thấy không còn ngậm miệng được nữa. Nhưng bằng mọi cách phải tìm ra một thủ phạm khác làm con dê tế thần thay thế cho Formosa. Và trong thời gian này, chưa có lý lẽ nào vững chắc để lấp liếm cho Formosa nên phải “chờ phản biện”, một hình thức bàn mưu tính kế để gian lận quần chúng một lần nữa.

Từ đó, người dân nhận thấy rõ ràng rằng Hà Nội rất sợ phải công bố nguyên nhân cá chết. Vì dù Formosa là thủ phạm hay không phải là Formosa, cả hai điều đó đều sẽ tạo một làn sóng phản đối dữ dội của dân chúng.

Kết luận ở đây là gì?

Thứ nhất, nếu nguyên nhân do Formosa gây ra, lập tức người dân sẽ đặt câu hỏi: tại sao ngay từ đầu ai cũng biết là Formosa mà chính phủ cứ giấu biệt, cho đến bây giờ mới chịu công bố? Cái gì làm cho chính phủ muốn nuốt trôi câu trả lời mà không nuốt nổi? Và rồi dự án hàng chục tỷ đô-la này hứa hẹn biết bao mờ ám cần phanh phui.

Thứ hai, nếu chính phủ nói nguyên nhân không phải là Formosa gây ra thì dân chúng sẽ vô cùng phẫn nộ. Vì không còn gì rõ ràng hơn, đám lãnh đạo từ địa phương đến trung ương lại đi theo Tàu và bao che cho Formosa một cách trắng trợn.

Nói tóm lại, Hà Nội đang ở vào thế tiến thoái lưỡng nan, công bố nguyên nhân nào cũng gặp rắc rối và sự phẫn nộ của dân chúng. Hãy cứ tạm tin và tiếp tục chờ đợi với lời của Bộ Trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn trong cùng cuộc họp báo ngày 2/6: “dự kiến trong tháng 6” sẽ công bố nguyên nhân cá chết.

Nhưng sẽ không có gì bảo đảm những cuộc biểu tình vì môi trường không tiếp tục diễn ra, bất chấp sự đàn áp ngày càng thô bạo.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét