Ai cũng biết quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ là vấn đề lớn nhất
trên mặt trận bang giao quốc tế trong thế kỷ 21. Châu Âu, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ
sẽ chỉ đóng vai phụ. Trong cuộc tranh hùng này này, vùng biển đảo phía Đông nước
ta sẽ là nơi sôi động hơn cả. Vì đó là mục tiêu bành trướng duy nhất còn lại
cho “Giấc Mộng Đại Hán” bắt đầu từ hai ngàn năm trước.
Trong lịch sử, dân tộc Hán đã tiến dần về phía Tây, chiếm
đóng vùng Thiên San và Hán hóa Cam Túc, Tân Cương, bây giờ đã đụng tới giới hạn.
Phía Bắc, Hán tộc đã làm chủ Mông Cổ và Mãn Châu, nhưng khó mở mang lên Tây Bá
Lợi Á. Giờ chỉ còn con đường tiến về phía Nam. Cuộc “Nam Tiến“của dân Hán được
Tần Thủy Hoàng vạch ra khi sai Đồ Thư và Sử Lộc chỉ huy 500,000 quân sĩ vượt
Trường Giang, mở sông đào trong ba năm để tiến chiếm đất Mân Việt, Âu Việt nhòm
ngó Lạc Việt. Trong một ngàn năm sau đó, các triều đình Trung Hoa chiếm đóng một
nửa đất Việt Nam bây giờ, nhưng dân Việt luôn luôn vùng lên kháng cự. Sau cùng,
làn sóng xâm lăng của Hán tộc về phương Nam phải ngừng, vì đụng phải sức sống bền
bỉ và tinh thần quật khởi của dân tộc Việt.
Tới giữa thế kỷ 20, Mao Trạch Đông đã làm sống lại giấc mơ Tần
Thủy Hoàng, ông Hoàng Đế Đỏ xâm lăng bằng ý thức hệ cộng sản, tính nhuộm cả
vùng Đông Nam Á một mầu đỏ như mầu cung điện trong Tử Cấm Thành. Đầu thế kỷ 21,
Tập Cận Bình tiếp tục sự nghiệp bành trướng của Mao Trạch Đông và Tần Thủy
Hoàng, với chương trình Hán Hóa “Đường Lưỡi Bò.” Kết quả ra sao phải coi hồi
sau mới rõ, nhưng hiện giờ chúng ta đang chứng kiến nước Mỹ cũng dính líu tới
miền Tây Thái Bình Dương.
Trên bàn cờ vùng biển Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông nước
ta, Tập Cận Bình mới đề ra một mục tiêu chiến lược trong khi vẫn đi những nước
cờ chiến thuật để giành phần thắng. Về chiến lược lâu dài, lãnh tụ Cộng Sản
Trung Quốc vạch hướng đi lớn là hòa hoãn với Mỹ trong mọi trường hợp. Nhưng
trong nhất thời, Bắc Kinh vẫn tìm cách đe dọa, dụ dỗ, chia để trị các nước
trong vùng, lần lần chiếm thêm biển, đảo muốn cho các nước này phải chấp nhận
Trung Quốc là bá chủ.
Tập Cận Bình tỏ thái độ cầu hòa với Mỹ trong bài diễn văn
ngày Chủ Nhật vừa qua, khai mạc hội nghị “Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ -
Trung” (SED) ở Bắc Kinh, nhấn mạnh rằng: “Điều cơ bản là hai nước phải giữ vững
các nguyên tắc, không xung đột hay đối đầu với nhau, kính trọng lẫn nhau.” Công
nhận hai nước đang có những xung khắc quan điểm và quyền lợi, Tập Cận Bình đề
nghị: “Những vấn đề chưa thể giải quyết được ngay thì hai bên cứ nhìn nhận vị
thế thực tế của nhau và tháo gỡ trong chiều hướng xây dựng.”
Nhưng đó chỉ là đường nét chính trong quan hệ lâu dài Mỹ -
Trung Quốc. Trong một thế hệ sắp tới, người nào lãnh đạo nước Tàu cũng thấy phải
sống trong hòa bình để có thời gian phát triển kinh tế, mong lên được ngang với
Nhật Bản, Nam Hàn và các nước Âu, Mỹ hiện nay. Hơn nữa, họ phải công nhận chưa
đủ sức đối đầu với Mỹ về quân sự trong một cuộc thế chiến mới.
Tuy nhiên, khi bước qua phạm vi chiến thuật, đứng trước các
quốc gia Đông Nam Á đang tranh chấp vùng Biển Đông với nước Tàu, giới lãnh đạo
Trung Nam Hải vẫn biết sử dụng kho sách mưu mẹo “thần cơ diệu toán” mấy ngàn
năm do Quản Trọng, Tôn Tử, Tô Tần, Trương Nghi truyền lại!
Trung Cộng muốn nuốt trọn vùng biển Đông Nam Á cũng giống
như nước Tần thời Chiến Quốc muốn gồm thâu thiên hạ. Một mưu mẹo của các vua Tần
là chia rẽ lục quốc, để lần lượt bẻ từng chiếc đũa một. Đứng trước khối ASEAN,
một tổ chức hợp tác kinh tế của 10 nước Đông Nam Á giống như thế Liên Hoành,
Trung Cộng tìm cách mua chuộc Cambodia , Lào, và trước đây đã thao túng Miến Điện;
đồng thời lập ra Ngân Hàng Phát Triển Hạ Tầng Cơ Sở Châu Á để dùng đồng tiền
trung lập hóa các nước khác; bầy một trò không khác gì thế Hợp Tung.
Trong số bốn nước xung đột trực tiếp về chủ quyền các quần đảo
và những bãi đá ngầm trong vùng được khoanh trong Cửu Đoạn Tuyến, Bắc Kinh dùng
mưu “Bóc lá cải,” lần lần bóc từng lá một, với những thủ đoạn khác nhau. Trước
hết là bóc lá cải Việt Nam, rồi tới Philippines, Malaysia và Brunei sẽ tính
sau. Mưu mẹo họ Tập đang áp dụng là chia để trị.
Trung Cộng đã nắm được Việt Nam trong tay từ năm 1950, dùng
ý thức hệ Cộng Sản. Cho nên Phạm Văn Đồng đã ủng hộ bản tuyên bố về hải phận của
Chu Ân Lai từ năm 1958. Vì thế Việt Cộng cũng ngậm tăm không dám phản đối khi
Trung Cộng chiếm Hoàng Sa năm 1974 và mấy đảo ở Trường Sa năm 1988. Khi dân
chúng Việt Nam bừng tỉnh nhìn rõ cảnh mất nước, biểu tình phản đối trong những
năm gần đây, Trung Cộng đã thay đổi chiến thuật: Mềm nắn, rắn buông. Năm 2013,
Việt Cộng đã ngoan ngoãn ký một thỏa hiệp cùng khai thác dầu khí dưới đáy Vịnh
Bắc Việt. Việt Cộng gọi thỏa hiệp cộng tác giữa Petro-Việt Nam và Cnocc là “Cộng
tác phát triển” nhưng Trung Cộng đặt tên là “Khai thác chung,” bao hàm ý nghĩa
trùm lên nhau, không phân biệt hai phía đang cộng tác bình đẳng. Dựa trên thỏa
hiệp này, năm 2014, Trung Cộng đã ngang nhiên đưa tàu giàn khoan thăm dò HD 981
vào hải phận Việt Nam. Khi toàn thể dân tộc Việt Nam nổi lên biểu tình phản đối,
Việt Cộng mất mặt, Trung Cộng đưa giàn khoan đi thăm dò nơi khác để nhất thời
xoa dịu cơn phẫn nộ; nhưng Bắc Kinh không hề nói một lời nào thú nhận đã xâm phạm
chủ quyền lãnh hải của nước Việt Nam.
Đối với Philippines, Trung Cộng dùng chiến thuật khác, xâm
chiếm dần dần các bãi đá ngầm của Philippines, nhưng tiến từng bước vừa đủ để
chính phủ Mỹ không có đủ lý do can thiệp theo hiệp ước an ninh Mỹ - Phi. Năm
2012, tầu Hải Giám Trung Cộng đã tới chiếm vùng biển quanh bãi đá Scarborough,
nơi mà Philippines đã xác nhận chủ quyền và đặt hải đăng từ nhiều thế hệ. Vì vụ
xung đột này, dân chúng và chính quyền Philippines đã kêu gọi Mỹ ủng hộ. Nhưng
Bắc Kinh biết rằng không một chính phủ Mỹ nào lại muốn can dự vào một cuộc chiến
tranh chỉ vì mấy bãi đá ngầm ở nơi xa tắp. Tập Cận Bình sẽ tìm cách làm cho
Philippines nhụt chí kháng cự và chia rẽ nước này với Mỹ.
Điều gây rắc rối cho Trung Cộng là chính phủ Philippines
không “hiền lành, ngoan ngoãn” như cộng sản Việt Nam. Họ đã đưa đơn kiện trước
Tòa Trọng Tài thường trực của thế giới. Ai cũng đoán rằng bản phán quyết của
tòa, sắp công bố, sẽ nghiêng về phía Philippines. Cho nên trong dịp nước Phi mới
bầu tổng thống, Bắc Kinh đã tìm cách mua chuộc chính quyền mới. Tập Cận Bình đã
gửi lời chào nồng nhiệt tới tân Tổng Thống Rodrigo Duterte, người được gọi là
Donald Trump của Châu Á vì những ý kiến khác thường và nói năng thô tục. Từ lúc
ông Duterte đắc cử, tàu hải giám Trung Cộng đã ngưng không quất nhiễu các tàu
đánh cá Philippines ở vùng Scarborough nữa.
Theo báo Philippine Daily Inquirer , trong khi tranh cử
Duterte đã hứa sẽ thay đổi chính sách của cựu tổng thống Aquino đối với vấn đề
lãnh hải; và ông ta sẽ yêu cầu Trung Cộng đáp lại bằng các nhượng bộ kinh tế.
Ông Duterte đang cần tiền để xây dựng một đường xe lửa trên hòn đảo Mindanao,
là nơi xuất thân của ông. Bắc Kinh sẵn sàng lấy tiền của Ngân Hàng Phát Triển Hạ
Tầng Cơ Sở để “hối lộ.” Cũng trong khi tranh cử, ông Dutierte còn nói sẽ xét lại
đường lối bang giao với Mỹ. Nghe câu đó chắc Tập Cận Bình đã mở cờ trong bụng!
Tuy nhiên, trước khi ngồi xuống bàn chuyện mở hầu bao đưa tiền,
Trung Cộng đã chơi trò mèo vờn chuột, yêu cầu chính phủ Rodrigo Duterte rút lại
lá đơn kiện trước Tòa Trọng Tài thường trực. Đây là một đòi hỏi lố bịch, vì
chính Cộng Sản Trung Quốc vẫn luôn luôn nói rằng không công nhận thẩm quyền của
tòa án này, và sẽ bất cần dù Tòa sẽ phán quyết ra sao. Mặt khác, ông Trump của
Châu Á cũng không thể nào muối mặt rút lại lá đơn yêu cầu Tòa Trọng Tài bác bỏ
Cửu Đoạn Tuyến, cũng như ông Trump thật ở Mỹ dù lên chức tổng thống cũng không
thể xóa bỏ hiệp ước NAFTA hay TPP. Cùng lắm, là ông Duterte hứa sẽ không kêu gọi
Mỹ và Nhật Bản giúp thực hiện chủ quyền trên biển, và không làm gì khác sau khi
có bản phán quyết của tòa, để giữ thể diện cho Trung Cộng.
Ngoại trưởng Trung Cộng cũng ngỏ ý sẽ thương thuyết song
phương với Philippines để giữ nguyên trạng trong vùng biển, và hai bên cùng hợp
tác khai thác các tài nguyên. Đó là lá bài Bắc Kinh đã đưa ra cho Hà Nội khi ký
thỏa hiệp khai thác Vịnh Bắc Việt. Những đó cũng là một đề nghị mới được chính
phủ Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan nhắc lại!
Đài Loan đóng vai một đồng minh thực tế của Bắc Kinh trong mặt
trận pháp lý. Họ cũng không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài, vì đường Cửu
Đoạn Tuyến do chính quyền Quốc Dân Đảng vẽ ra từ năm 1947. Nhưng trong trận cờ
Đông Nam Á, Đài Loan là một đồng minh của Mỹ và có thể đứng về phía Việt Nam,
Philippines và cả khối ASEAN, khi chúng ta nghe vị bộ trưởng quốc phòng mới
trong chính phủ Thái Anh Văn khẳng định rằng Trung Hoa Dân Quốc không bao giờ
công nhận Vùng Phòng thủ Trên không mà Bắc Kinh đang đe dọa sẽ công bố ở Biển
Đông. Trong bản tuyên bố này, Đài Loan cho biết sẽ gia tăng phòng thủ những quần
đảo mà họ đang chiếm đóng, trong đó có đả Ba Bình (Itu Aba) mà họ gọi tên là
Thái Bình, với các vũ khí phòng không mới. Điều đáng chú ý là lời tuyên bố trên
được đưa ra ngay sau khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ Itu Aba đã nói chính phủ Mỹ sẽ
coi việc Trung Cộng thiết lập Vùng Phòng thủ Trên không là một hành động gây hấn.
Tóm lại, trong chiến lược lâu dài Tập Cận Bình chọn đấu dịu
với Mỹ; nhưng trong ngắn hạn Cộng Sản Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng mưu mẹo để
chia rẽ, mua chuộc và đe dọa các nước đang tranh chấp chủ quyền biển đảo. Giống
như trong hai ngàn năm đã qua, dân tộc Việt Nam vẫn là nạn nhân đầu tiên trước
âm mưu bành trướng về phía Nam của đế quốc Hán tộc. Chỉ có một con đường là phải
thoát khỏi vòng kiềm tỏa của các hoàng đế đỏ. Sau khi “Thoát Trung” rồi, Việt
Nam mới có thể hợp tác với các nước khác cùng đối đầu với Trung Cộng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét