Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

Sở hữu súng: Bi kịch văn hóa và chính trị Mỹ

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

 
 external

Lại một lần nữa cả nước Mỹ kinh hoàng khi biết tin hai nhà báo Alison Parker (nữ, 24 tuổi) và Adam Ward (27 tuổi), bị một kẻ nổ súng giết hại ngay tại một cuộc phỏng vấn được truyền hình trực tiếp trong chương trình chào buổi sáng của đài WDBJ ngày 28/8/2015 vừa qua. Hung thủ Vester Flanagan, cũng là một nhà báo, từng làm việc chung với các nạn nhân. Theo tin sơ bộ, Flanagan sát hại Parker và Ward là do thù hằn cá nhân. Sau khi giết hai nạn nhân, Flanagan đã tự bắn súng vào mình.

Năm 2012 người Mỹ từng hãi hùng khi nghe tin vụ thảm sát xảy ra tại rạp chiếu phim Century ở thị trấn Aurora bang Colorado vào nửa đêm hôm 20/7 làm 12 người chết và 59 người bị thương. Hung thủ John Holmes mang theo một súng trường AR15 và 3 súng ngắn đi vào rạp rồi xả súng vào đám đông khán giả đang xem bộ phim Người Dơi. Holmes mới 24 tuổi, đã tốt nghiệp đại học; hắn giết người không vì thù hận ai mà chỉ vì hoang tưởng mình là anh hề Joker, một nhân vật trong bộ phim này từng xả súng vào khán giả xem phim.

Những vụ bắn giết bừa bãi vô cớ như vậy thường xuyên xảy ra ở nước Mỹ. Năm 2007 tại trường Đại học Công nghệ Virginia, một sinh viên dùng súng bắn chết 32 người rồi tự tử.

Thường thấy báo đăng những chuyện bi thảm đại loại thế này: vợ chồng nhà nọ đang to tiếng cãi nhau về chuyện có ly dị hay không thì bỗng một tiếng nổ vang lên ở phòng bên; hai người chạy sang thì thấy cậu con trai đã tự tử bằng súng của ông bố.

Tai họa súng ở Mỹ từng gây rắc rối quan hệ quốc tế. Tại Baton Rouge thuộc bang Louisiana ngày 17/10/1992 xảy ra vụ thảm sát Yoshihiro Hattori, một thiếu niên Nhật 16 tuổi sang Mỹ theo chương trình trao đổi học sinh. Đêm ấy Hattori cùng cậu bạn người Mỹ hóa trang làm quỷ sứ đi dự dạ hội; họ gọi nhầm cửa một gia đình không quen biết, bà chủ nhà khi mở cửa sợ quá hét lên, ông chồng chạy ra nổ súng giết chết Hattori. Cả nước Nhật kinh hoàng không hiểu ra sao. Sau đó chương trình trao đổi học sinh giữa hai nước bị trục trặc một thời gian.

Sáu trong số 44 Tổng thống Mỹ là nạn nhân của các vụ ám sát bằng súng. Nhưng kinh khủng nhất là những vụ xả súng bừa bãi vô cớ giết người hàng loạt như mấy vụ kể trên.

Nước Mỹ đứng đầu thế giới về tai họa do súng gây ra: trung bình hàng năm có khoảng 100.000 người thương vong bởi súng, trong đó chết chừng 30.000 (thí dụ năm 1997 có 32.436 người chết). Tổng số người Mỹ chết vì tai nạn súng trong nước nhiều hơn tổng số lính Mỹ chết trong tất cả các cuộc chiến tranh ở ngoài nước. Tự tử bằng súng là một vấn nạn lớn. Tổng thống Obama thừa nhận cứ 36 giờ thì có 12 người Mỹ trẻ chết vì tội phạm bạo lực.

Những tai họa thảm thương nói trên không thể không liên quan tới việc từ xưa tới nay tất cả các đời chính phủ Mỹ đều cho phép dân chúng được quyền sở hữu và mang súng theo người.

Trên thế giới không nước nào dân chúng sở hữu súng với mức độ cao như nước Mỹ. 314 triệu dân Mỹ hiện nay làm chủ hơn 270 triệu súng các loại; bình quân mỗi người lớn có hơn 1 khẩu súng. Tỷ lệ này vượt xa Yemen, một nước do các bộ lạc họp thành chứ chưa phải là quốc gia có bộ máy hành chính tổ chức hiện đại như nước Mỹ.

Dư luận quốc tế ngày càng mạnh mẽ ủng hộ việc cấm súng ở Mỹ. Sau cái chết của Hattori, 1 triệu người Mỹ và 1,65 triệu người Nhật cùng ký vào đơn thỉnh nguyện đòi cấm súng gửi tới Tổng thống Clinton.

Nhưng phần lớn người Mỹ lại nghĩ khác. Họ lên án các vụ bắn giết nhưng sau đó tình hình kiểm soát súng vẫn thế, chẳng có gì thay đổi, mặc dù lâu nay họ bàn cãi nhiều về vấn đề này. Có điều họ chủ yếu bàn cãi chuyện quản lý súng đạn như thế nào chứ không đụng tới chuyện cấm súng. Một điều tra của Viện Gallup cho thấy số người Mỹ phản đối cấm súng tăng lên theo thời gian: năm 1990 là 20%, năm 2010 là 54%. Đây thật là điều khó hiểu đối với người dân các nước khác: chả lẽ người Mỹ chưa “ớn” nạn tự do sở hữu súng, chả lẽ họ không muốn bảo vệ tính mạng mình và con cháu mình ư?

Khi tuyên bố về vụ thảm sát hôm 20/7/2012, hai ứng viên Tổng thống hồi đó là Obama và Romney cũng không nói gì tới việc phải sửa đổi luật kiểm soát súng cho chặt chẽ hơn. “Quan điểm của Tổng thống là chúng ta có thể tiến hành các biện pháp nhất định để cách ly súng đạn khỏi tay những kẻ không nên có súng dưới các điều luật hiện hành” — người Phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney chỉ nói thế khi Obama tới Colorado để tưởng niệm các nạn nhân. Nhưng Obama không nói rõ đó là những biện pháp nào. Romey nói ông tôn trọng quyền người dân mang theo vũ khí.

Tờ Washington Post viết: “Chúng tôi không kỳ vọng vụ thảm sát sẽ dẫn tới sự xiết chặt luật lệ. Chúng tôi hiểu bầu không khí chính trị hiện nay”, và kết luận: “Luật súng của Mỹ hiện thật khó chấp nhận”. Bầu không khí tờ báo muốn nói là nếu bây giờ ứng viên Tổng thống nào đề nghị cấm súng thì chẳng khác gì tự sát về chính trị. Trong vụ xả súng tại bang Arizona năm ngoái, nghị sĩ Gabby Giffords của bang này bị thương nặng nhưng chính quyền Arizona đâu có vì thế mà tăng cường kiểm soát súng.

Rõ ràng nước Mỹ không cấm được súng. Đây là một bi kịch của nền dân chủ Mỹ. Vì sao vậy? Để trả lời câu hỏi ấy, cần xem xét các yếu tố lịch sử và văn hóa của nước này.

Lịch sử nước Mỹ gắn liền với súng đạn

Những tốp người châu Âu đầu tiên vượt biển tới đây khai phá đất hoang đều phải dùng súng để tự vệ, chống thú dữ, đánh đuổi người bản xứ để chiếm đất, xây dựng nên các vùng đất thuộc địa dưới sự thống trị của thực dân Anh. Luật pháp một số nơi yêu cầu người khẩn hoang phải có vũ khí để cùng mọi người chiến đấu với kẻ địch. Toàn bộ đàn ông các thuộc địa này đều tự vũ trang thành các đội dân quân. Khi nhà cầm quyền thực dân Anh đòi dân quân Mỹ nộp súng, thì họ không nộp, hơn nữa dân Mỹ ở 13 thuộc địa tuyên bố thành lập một quốc gia độc lập với Anh Quốc. Tiếp đó họ tiến hành cuộc chiến tranh Độc lập 1775-1781 chống lại thực dân Anh và giành thắng lợi.

Trong cuộc Nội chiến tàn khốc 1861-1865 giữa hai miền Nam Bắc, rồi cuộc Tây tiến tranh cướp đất và vàng, mọi mâu thuẫn đều giải quyết bằng súng đạn. Tiếp đó nước Mỹ mạnh dần lên và dùng vũ lực chiếm đất xung quanh, mở rộng lãnh thổ. Như cuộc chiến tranh 1846-1848 buộc Mexico phải nhượng cho Mỹ các vùng đất Texas, California v.v…hoặc cuộc chiến tranh năm 1898 buộc Tây Ban Nha phải nhượng cho Mỹ các lãnh thổ Philippines, Puerto Rico và Guam. 100 năm sau ngày độc lập (1776), diện tích nước Mỹ mở rộng gần 10 lần, đều là kết quả của “ngoại giao súng ống”. Nước này cũng sản xuất nhiều súng đạn nhất thế giới.

Trong cuốn Nước Mỹ vũ trang: Câu chuyện đáng nhớ về việc Vì sao và như thế nào súng trở thành cái bánh Táo của người Mỹ (Armed America: The Remarkable Story of How and Why Guns Became as American as Apple Pie),[1] Clayton Cramer viết: “Súng là cốt lõi của phần lớn lịch sử nước Mỹ, cũng là tiêu điểm của phần lớn các câu chuyện huyền thoại và khủng bố.”

Hiến pháp Mỹ thông qua năm 1789 chỉ có 7 điều nhưng lại có tới 27 tu chính án; trong đó 10 tu chính án đầu tiên gọi là Tuyên ngôn Nhân quyền (Bill of Rights). Tu chính án số 2 có tiêu đề Quyền giữ và mang vũ khí, được thông qua ngày 15/12/1791 bảo đảm các công dân Mỹ có quyền sở hữu và mang súng. Về sau chính quyền hơn một nửa số bang ở Mỹ tán thành Học thuyết Castle, tức học thuyết chủ trương cho phép cá nhân được tự vệ chính đáng kể cả sát thương thay vì rút lui khi bị tấn công, và thể hiện nó bằng luật Stand your Ground (Đứng nguyên tại chỗ), tức luật cho phép nổ súng khi bị đe dọa.

Trên vấn đề ủng hộ hay phản đối kiểm soát súng, người Mỹ đang có sự chia rẽ rõ ràng Trong thực tế số người muốn cấm súng là thiểu số, mà ở nước Mỹ hầu như cái gì cũng quyết định theo đa số.

Những người phản đối cấm súng nói: thông thường cảnh sát chỉ đến hiện trường sau khi đã xảy ra hành động phạm tội, vì thế mang theo súng là cách tự vệ tốt nhất của người dân khi đối mặt với hung thủ. Nếu tước quyền mang súng của những công dân tôn trọng pháp luật thì sẽ không thể ngăn chặn được tội ác. Một số bang thi hành lệnh cấm súng đã làm cho mức độ phạm tội tăng lên.

Tuy vậy vẫn có không ít người Mỹ đòi hỏi phải kiểm soát súng thật chặt chẽ, sao cho súng không lọt vào tay những kẻ xấu, người tâm thần. Đảng Dân chủ ủng hộ quan điểm tiến bộ này. Nhưng phe bảo thủ gồm Hiệp hội Súng trường Quốc gia (National Rifle Association – NRA) và đảng Cộng hòa phản đối việc cấm súng. Hai bên tranh cãi không dứt về hàm nghĩa không rõ ràng của Tu chính án số II.

Tu chính án này có hai vế: vế đầu nói Dân quân được quản lý tốt là cần thiết cho an ninh của bang tự do; vế sau nói không được xâm phạm quyền mọi người giữ và mang vũ khí (A well regulated Militia being necessary to the security of a free State, the right of the people to keep and bear Arms shall not be infringed).

Có hai cách giải thích khác nhau về nội dung đó.

Phái tiến bộ giải thích hai vế này có quan hệ nhân quả: vế đầu là tiền đề của vế sau, chỉ ai tham gia dân quân mới được có vũ khí, tức quyền sở hữu súng là sở hữu tập thể, Hiến pháp không quy định người nào cũng được có súng. Nói cách khác là nên cấm súng.

Phái bảo thủ giải thích hai vế đó không có quan hệ nhân quả mà là quan hệ ngang hàng; vế sau mới là quan trọng nhất; Hiến pháp Mỹ chưa hề nói không được vi phạm quyền người tham gia dân quân giữ và mang vũ khí. Phái này lập luận: Cấm súng không giải quyết được vấn đề; Na Uy cấm súng thế nhưng vẫn xảy ra vụ hôm 22/7/2011 khi kẻ cực hữu Anders Behring Breivik nổ bom và xả súng giết chết 77 người đấy thôi.

Sau nhiều năm né tránh cuộc tranh cãi này, tháng 11/2007, Tòa Tối cao Mỹ đồng ý thụ lý vụ chính quyền đặc khu Washington D.C. bị kiện vì đã ra lệnh cấm súng lục. Đây là lần đầu tiên trong 70 năm Tòa án Tối cao thụ lý vụ việc liên quan đến súng, cũng là lần đầu tiên Tòa ra phán quyết rõ ràng về quyền có súng của người dân.

Tòa có 9 thẩm phán thì 5 vị nói sở hữu súng là quyền của cá nhân; giữ súng là để tự vệ, để săn bắn, để hoạt động thể thao; dĩ nhiên cũng có liên quan tới việc tham gia dân quân.

Bốn vị có tư tưởng tự do thì nói không nên xét theo câu chữ mà nên xem xét ý định của các nhà lập pháp nêu ra cách đây hơn 200 năm: hồi ấy Quốc hội đưa Tu chính án số II vào Hiến pháp là do Quốc hội e ngại chính phủ Liên bang có thể vi phạm quyền lực của các bang; để tự bảo vệ thì mỗi bang phải tự xây dựng lực lượng dân quân (tên chính thức là Đội Cảnh vệ Quốc dân); vì thế quyền sở hữu súng nói ở đây là quyền tập thể chứ không phải quyền cá nhân.

Ngày 26/7/2008, Tòa án Tối cao ra phán quyết trên cơ sở biểu quyết của 9 thẩm phán. Kết quả phái bảo thủ thắng phái tự do với tỷ số 5:4 — nghĩa là Tòa không cấm quyền cá nhân sở hữu súng. Tòa án Tối cao đã phán như thế thì chẳng ai dám nói cấm súng nữa, kể cả Tổng thống.

Nhìn chung các Tổng thống Dân chủ đều cố gắng tìm cách đưa ra luật lệ để tránh súng lọt vào tay kẻ tội phạm hoặc tâm thần.

Ngày 13/9/1994, Tổng thống Clinton ký lệnh cấm súng tấn công (là loại có thể sát thương nhiều người cùng một lúc), nhằm mục đích giảm thương vong do các tai nạn súng, quy định việc buôn bán 19 loại súng tấn công quân dụng và hộp đạn trên 10 viên là bất hợp pháp. Nhưng lệnh có kèm một điều là chỉ có thời hạn 10 năm, sau đó nếu Quốc hội không ủy quyền kéo dài thời hạn thì lệnh cấm này tự động hết hiệu lực. Năm 2004 (thời Tổng thống Bush con), dưới sức ép của NRA, Quốc hội Mỹ không tuyên bố kéo dài thời hạn thi hành lệnh trên, như vậy nghĩa là lệnh cấm đó thất bại. Hậu quả là những loại súng như AK-47, súng lục TEC-9 là những vũ khí tấn công vốn chỉ cảnh sát mới được dùng, nay cũng được bán cho dân.

Nhiều người Mỹ tự hào với quyền tự do sở hữu súng được Hiến pháp bảo đảm

Họ thấy việc công dân có súng là chuyện rất bình thường. Hầu như không ai để ý tới một sự thật là trong số họ có những kẻ điên rồ ngu xuẩn hoặc tâm thần có thể dùng súng để giết mình hoặc đồng loại. Chính quyền một nửa số bang cho phép dân được mang súng tại các nơi công cộng, cho phép được bắn người khi tính mạng mình bị đe dọa.

Người nước ngoài đến Mỹ đều vô cùng ngạc nhiên khi thấy súng đạn được bày bán khắp nơi như một mặt hàng bình thường. Luật pháp Mỹ quản lý súng lỏng lẻo “không bằng quản lý đồ chơi của trẻ em”. Người mua chỉ cần có đủ các điều kiện về tuổi quy định, không có tiền sử phạm tội hoặc bệnh tâm thần và được cảnh sát cho phép thì có thể được mua súng và cấp Giấy phép sở hữu súng. Người mua chỉ cần tự khai vào một biểu mẫu. Người bán gửi bản khai đó cho cảnh sát; sau khi đối chiếu với hệ thống hồ sơ lưu trữ toàn quốc về nhân thân của công dân Mỹ, cảnh sát sẽ trả lời có cho phép mua súng hay không (mọi liên lạc đều qua mạng); nếu thấy có vấn đề, cảnh sát lập tức đưa người đó về đồn thẩm tra. Nơi bán súng thường có bãi thử súng. Ai chưa biết cách dùng súng thì không được mua súng. Người mua súng phải qua sát hạch tương tự khi lấy bằng lái xe: sát hạch lý thuyết rồi sát hạch thực tế khả năng dùng súng. Có giấy phép rồi hàng năm phải trình xét.

Quản lý súng không nghiêm như vậy là kết quả các cuộc vận động lobby của NRA, vốn là một tổ chức ôn hòa do những thợ săn và người thích súng lập ra năm 1871, theo kiểu một tổ chức tương tự của người Anh.

Có tới 8 Tổng thống Mỹ từng là thành viên NRA: Ulysses S. Grant, Theodore Roosevelt, William Howard Taft, Dwight D. Eisenhower, Richard M. Nixon, Ronald Reagan và George H.W. Bush. Ông Bush con được coi là Tổng thống thân thiện nhất với súng, nhưng tháng 5/1995 ông đã xin rút ra khỏi NRA.

Thời xưa, khi việc dân có súng chưa gây ra lắm rắc rối thì NRA chủ yếu mở các khóa huấn luyện cách sử dụng súng an toàn, kỹ thuật bắn súng và săn bắn. Từ thập niên 1960 trở đi, khi nhiều người Mỹ đòi kiểm soát súng thì NRA đã từ vai trò câu lạc bộ những người yêu súng trở thành đoàn thể chính trị phản đối việc cấm súng.

Ngày nay NRA có 4,3 triệu hội viên và là đoàn thể có thế lực nhất nước. Họ đã chi 10 triệu USD cho cuộc tranh cử Tổng thống năm 2008. Tờ Washington Post cho biết trong lần bầu cử Quốc hội gần đây, 4/5 ứng viên do NRA ủng hộ đều trúng cử. Vì thế các chính khách rất ngại chống lại NRA. Năm ngoái, khi từ chối thảo luận với Tổng thống Obama về vấn đề kiểm soát súng, Phó Chủ tịch NRA là Wayne LaPierre nói: “Vì cớ gì mà tôi hoặc NRA lại có thể ngồi cùng với nhóm người bỏ cả đời họ để tìm cách hủy diệt Tu chính án số II của Hiến pháp Mỹ nhỉ?”

Sau vụ xả súng ở Colorado, Steve Schmidt, một chiến lược gia của đảng Cộng hòa, nói tại chương trình Meet the Press của công ty NBC rằng “Mọi người sẽ không phản đối NRA đâu. Đó là nhóm lợi ích có quyền thế nhất ở Washington.” Cũng tại chương trình ấy, bà Carolyn McCarthy, nghị sĩ đảng Dân chủ, nói: “Rất nhiều chính khách hiểu rằng đấu tranh cứu tính mạng người dân là đúng. Nhưng bây giờ họ đã không còn thẳng lưng nữa. Ai cho họ tiền thì họ theo người ấy”; chống lại NRA sẽ cứu được tính mạng của người Mỹ. Nghị sĩ Cộng hòa Louie Gohmert lập luận: Nếu khán giả trong rạp chiếu bóng Century đêm 20/7 ấy có mang súng và bắn lại hung thủ thì có lẽ số thương vong sẽ bớt đi. Nhưng một cựu Cảnh sát trưởng lại phát biểu rằng James Holmes toàn thân trang bị chống đạn, rất khó có thể bắn hạ được hắn.

Có điều kỳ quặc là sau thảm họa ấy, số người mua súng ở bang Colorado lập tức tăng vọt; những người mua nói bây giờ họ thấy cần có súng để tự vệ.

Tác động của văn hóa bạo lực

Sẽ là thiếu sót nếu nói nước Mỹ không thể cấm súng chỉ là do Hiến pháp Mỹ có Tu chính án số II và do NRA tích cực hoạt động chống cấm súng.

Ai cũng biết người Mỹ từ xưa đã ưa phiêu lưu mạo hiểm, chuộng những mẫu người dũng cảm, tài trí vượt trội, trong đó có tài bắn giết. Các siêu nhân như vậy trở thành mẫu người lý tưởng của giới trẻ. Bộ máy văn hóa khổng lồ của nước Mỹ, từ giới nhà văn cho tới giới điện ảnh, truyền thông hầu như tất cả đều cổ súy cho “típ” người như thế. Trước những vụ thảm sát hàng loạt xảy ra tại Mỹ, dư luận không thể không đặt câu hỏi liệu đây có phải là cái giá phải trả cho vô vàn tiểu thuyết, bộ phim và trò chơi máy tính đầy rẫy cảnh bạo lực hay không. Đúng là người Mỹ thích các tác phẩm văn hóa như vậy nhưng không thể nói là họ thích hành động bạo lực. Thực ra hầu hết họ yêu người yêu vật, yêu cộng đồng, yêu nước, yêu công bằng chính nghĩa. Các phim và trò chơi đều có kết thúc rất nhân văn; những cảnh bạo lực hầu như chỉ để thu hút khán giả, để làm cho họ khoái trá trước tài tưởng tượng và dàn dựng của tác giả.

Nhưng không thể phủ nhận một sự thực là không ít thanh thiếu niên có tâm lý không vững vàng đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền văn hóa bạo lực ấy. Đa phần hung thủ trong các vụ thảm sát đều là thanh thiếu niên mê xem phim hoặc chơi game bạo lực. John Holmes nói với cảnh sát rằng hắn là Joker, kẻ thù của Người Dơi Batman; Joker từng xông vào rạp hát, ném lựu đạn hơi cay, giết sạch người xem phim; bây giờ Holmes cũng làm hệt như vậy. Nhân thân của Holmes không có gì đáng ngờ: tốt nghiệp đại học khoa Thần kinh học, không có tiền sử phạm tội và không có liên hệ với các nhóm khủng bố. Nhưng hắn mê chơi game bạo lực và có lẽ do chịu ảnh hưởng của phim Người Dơi đầy cảnh bạo lực, hắn đã mắc bệnh hoang tưởng, muốn trở thành nhân vật Joker.

Văn hóa chính trị Mỹ: quyền lợi cá nhân lấn át trách nhiệm xã hội

Xu thế này tồn tại đã lâu trong đời sống người Mỹ, nhưng từ các biến đổi xã hội hồi thập niên 1960 trở đi lại càng mạnh lên, nó xóa nhòa sự bất đồng giữa hai phái tả và hữu. Trào lưu xã hội cổ súy công chúng ủng hộ hôn nhân đồng giới và hợp pháp hóa sử dụng ma túy cũng khuyến khích họ hiểu Tu chính án số II của Hiến pháp Mỹ theo một nghĩa rộng hơn — ủng hộ tự do cá nhân. Dân Mỹ ưa tự do dân chủ vốn có xu hướng không tin vào kẻ cai trị, tức chính quyền; họ luôn cho rằng từng cá nhân phải tự quyết định số phận mình là chính, chớ nên trông mong vào chính quyền, kể cả việc bảo vệ mạng sống của mình và gia đình.

Điểm chung của tất cả các vấn đề nói trên là chủ nghĩa cá nhân ở nước Mỹ vốn đã rất mạnh, nay lại ngày càng mạnh lên. Trong mọi cuộc tranh luận, quan điểm đề cao quyền lợi cá nhân đều lấn át các quan điểm đạo đức và chính trị. Những người chủ trương bảo lưu quyền sở hữu súng cổ súy cho quyền lợi của “các công dân tôn trọng pháp luật”. Điều đó chẳng khác gì đề xướng quyền tự do của “những người lớn tự giác tự nguyện” trong phong trào ủng hộ quyền của những người luyến ái đồng giới. Tổng thống Obama cũng ủng hộ quyền ấy.

Vụ đối đầu giữa Cục Quản lý đất đai Mỹ (U.S Bureau of Land Management, BLM) với chủ nông trại Cliven Bundy 67 tuổi ở Đông Nam Nevada là một thí dụ có thể giải thích vì sao dân Mỹ muốn sở hữu súng.

Năm 1993, vì để phản đối sự thay đổi Quy tắc chăn thả gia súc nhằm tăng thuế đánh vào gia súc ăn cỏ trên đất công, Bundy đã ngừng đóng thuế cho đàn bò của ông ăn cỏ trên một mảnh đất do BLM quản lý, với lý do tổ tiên mình đã làm chủ vùng đất này từ thế kỷ 19, trước khi có Luật Chăn thả gia súc Taylor năm 1934 (Taylor Grazing Act of 1934). Theo Luật này thì gia súc ăn cỏ trên đất công phải nộp thuế.

Đầu năm 2014, Tòa án ra lệnh Bundy phải nộp hơn 1 triệu USD tiền nợ thuế trong 20 năm. Bundy phản đối và huy động rất nhiều nông dân từ khắp nơi, kể cả bang gần đấy (gọi là dân quân) mang theo súng ống đến vây toán cảnh sát được cử tới để cưỡng chế bắt giữ đàn bò hơn 400 con của ông đang thả rông ở đây. Tháng 4/2014, Chính phủ Obama đã chủ động kết thúc vụ đối đầu này bằng sự nhượng bộ của nhà nước, nhằm tránh đổ máu. Vả lại chi phí cho vụ cưỡng chế này lên tới 2-5 triệu USD, quá tốn kém so với tiền thuế có thể thu được.

Sau vụ này, dân Mỹ càng tự hào về giá trị của việc họ được phép sở hữu súng.

Tóm lại, văn hóa bạo lực, văn hóa súng và văn hóa chủ nghĩa cá nhân đã trở thành các bộ phận trong nền văn hóa đa nguyên ở nước này. Như mọi người đều biết, cái gì đã trở thành văn hóa thì rất bền vững, khó thay đổi.

Từ các trình bày ở trên có thể thấy còn lâu nước Mỹ mới cấm được súng hoặc kiểm soát súng một cách nghiêm ngặt hơn. Đây là bi kịch của nền chính trị và văn hóa Mỹ./.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét