Mươi, mươi lăm năm nữa, khi Việt Nam đã có một đổi thay nào đó, hình ảnh những ngày chủ nhật biểu tình vào tháng 5 tháng 6/2016 ở hai thành phố Sài Gòn – Hà Nội hẳn sẽ làm cho những kẻ hậu sinh ngẩn ngơ không hiểu nổi. Cũng giống như hiện nay, khi nghe ông bà cha mẹ kể chuyện trước thập niên 1990, cuộc sống người dân bị quản lý 100% bằng tem-phiếu: từ gạo-mắm-thịt-cá-đường-sữa-dầu-mỡ-xà phòng-thuốc lá-vải vóc-kim chỉ-quần đùi-áo may ô-vỏ-ruột xe đạp… tất tần tật đều phải xếp hàng mua ở cửa hàng mậu dịch một giá; mỗi tháng một nhân khẩu chỉ có tiêu chuẩn mấy trăm gam thịt/cá cùng mấy ký gạo để được độn với khá nhiều bột mì/sắn lát/bo bo… thì thế hệ sau cười một cách nghi ngờ diễu cợt, như cho rằng người lớn đang mắc bệnh siêu tưởng nhằm nhát ma con trẻ. Họ không hiểu là nếu không có những phản ứng quyết liệt từ chính trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ ấy, thì có thể “chế độ tem phiếu” sẽ vẫn tiếp tục duy trì đến tận hôm nay.
Các chủ nhật 1, 8, 15 tháng 5, 5 tháng 6… mỗi ngày là một bộ phim tài liệu hành động nhiều tập, trung thực, hiển nhiên, mạnh mẽ, thuyết phục hơn ngàn vạn lời lẽ ngôn từ. Bởi vì, chẳng cần bất cứ sự dàn dựng, cắt cúp, kiểm duyệt nào, tất cả đều LIVE. Sự thật thế nào thì hình ảnh hiện lên đúng như vậy, và luôn được ghi vào những thời điểm trong-đời-chỉ-có-một-lần…
Nếu chủ nhật 1 tháng 5 tưng bừng hàng ngàn người biểu tình vui-vẻ-hô-khẩu-hiệu trên khắp các con phố trung tâm Sài Gòn đúng phẩm cách một đại đô thị, thì chủ nhật 8 tháng 5 đánh dấu một bước nhảy vọt về quyết tâm đàn áp của nhà cầm quyền. Nhiều người đã bị đánh bầm dập với những hình ảnh xứng đáng trở thành biểu tượng. Tới chủ nhật 15 tháng 5, mọi chuyện đã thật sự sang trang: phố phường bị khóa chặt, con muỗi cũng khó lòng lọt qua, vậy mà vẫn nổ ra cuộc biểu tình hàng trăm người ở công viên 23 tháng Chín và cuộc “đào thoát” để tọa kháng thành công của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh. Chủ nhật 22 tháng 5 không có biểu tình vì là ngày bầu cử. Chủ nhật 29 tháng 5 thì dư âm cuộc xuống đường rầm rộ chào đón tổng thống Mỹ Obama ở cả hai thành phố Sài Gòn- Hà Nội vẫn còn ngập tràn cảm xúc, lấn át hết mọi chuyện thời sự khác…
Và rồi, những người hay nghĩ ngợi bắt đầu đặt câu hỏi, sau những đàn áp mạnh tay, liệu những cuộc Biểu Tình Cá có còn tiếp tục? Và vấn nạn Formosa sau hơn hai tháng liệu đã đủ tiêu chuẩn và đẳng cấp được đưa vào danh mục “để lâu cứt trâu hóa bùn” hay chưa… Bởi vì, người dân Việt đã được tập dượt quá nhiều lần đủ để tự ám thị rằng, gì thì gì, rồi đâu lại vẫn hoàn đấy, chuyện thế nào thì sẽ vẫn tiếp tục như vậy. Sẽ chẳng có ai từ chức, mất chức hay đứng ra giải quyết, nên đừng có hy vọng hão huyền…
Chủ nhật 5 tháng 6, ngày Môi trường Thế giới. Trên Facebook đã có lời kêu gọi biểu tình nhưng nhà cầm quyền, sau “thành công vang dội” của ngày 15 tháng 5, đã tổ chức ngăn chặn/dàn chào biểu tình còn kỹ lưỡng, bài bản hơn nhiều.
Sáng chủ nhật 5 tháng 6, ở Sài Gòn chừng vài trăm người đứng ngồi quẩn quanh trong khu vực công viên 30 tháng Tư. Mặc dù chưa hề có động thái nào của biểu tình, một số vẫn bị hốt lên xe, chở về công an phường và đến tối thì bị chuyển đến Trung tâm Bảo trợ xã hội- số 463 Nơ Trang Long- Bình Thạnh.
Ở Hà Nội, nhóm Green Trees- Vì một Hà Nội xanh với khoảng bốn mươi người, xuất phát từ Nhà thờ Lớn đã giăng biểu ngữ và đi được một quãng phố Lý Quốc Sư khá khí thế với các khẩu hiệu: Vì cá- Vì nước- Cả nước xuống đường; Biển chết- Dân chết- Yêu cầu chính phủ minh bạch thông tin; Chúng tôi muốn biết vì sao Cá Chết; Vì một Việt Nam Xanh Sạch- chúng ta phải hành động; Hãy cứu biển- Đừng vô cảm- Đừng đánh dân; Đại họa 2016- Biển chết Cá chết- Bạn đã làm gì?; Quốc hội ở đâu?… Nhưng chỉ sau mấy phút, dàn đồng phục/thường phục hùng hậu cùng với xe buýt đã lập tức ập tới, đón chặn và hốt sạch…
NGƯỜI BIỂU TÌNH CÔ ĐƠN?
Trong những hình ảnh và clip về biều tình ở Sài Gòn- Hà Nội ngày 5 tháng 6, có thể thấy khi người biểu tình bị rất đông người nhà nước vây dồn, lôi lên xe buýt, dân chúng quanh đó chỉ lấy mắt nhìn mà không dám có bất cứ động thái nào.
Có phải vì dân chúng thờ ơ? Hoặc họ không ủng hộ biểu tình? Có phải họ không hề hay biết những nguy cơ khủng khiếp đang đe dọa cuộc sống khi biển miền trung (và có thể cả nước) đang bị đầu độc, và cá nhiễm chất giết người có thể đang ở trong bếp ăn nhà họ?…
Tôi không nghĩ vậy. Việc dân chúng đổ xô đi mua mắm muối dự trữ cho thấy họ đang thật sự hoảng hốt. Họ biết rõ vì sao có biểu tình. Họ cũng biết người biểu tình lên tiếng đòi thực phẩm và môi trường sạch không cho riêng mình mà còn cho chính họ. Nhưng thói quen “không có ý kiến” trước mọi quyết định của nhà cầm quyền sau thời gian quá dài đã trở thành quán tính, chính xác hơn là tập tính, trong họ. Im lặng và cầu an luôn là lựa chọn hàng đầu.
Thế nhưng, dù chưa bao giờ bị bắt bớ, đánh đập hay giam giữ, trong mỗi ngày sống, người dân đang phải đối mặt với những thực tế kinh hoàng, không phương tránh né. Những cuộc tra tấn thần kinh, hoang phí thời gian một cách phi lý bởi nạn kẹt xe mỗi sáng đi làm và mỗi chiều trở về. Nỗi kinh sợ ngã xe, chết máy trên những con đường mùa mưa đã biến thành biển nước. Những buổi trưa nắng nóng nung người trên những mặt đường hừng hực lửa, bởi vừa mất đi bóng mát của những hàng cây. Cứ một thời gian lại thấy giá xăng lên, thực phẩm lên, viện phí lên, học phí lên… trong khi thu nhập ngày càng giảm. Lúc đau ốm vào bệnh viện dù tốn bao nhiêu thì giờ và tiền bạc cũng khó mong có được chỗ nằm tươm tất, chưa kể nguy cơ phải uống thuốc dỏm được độc quyền phân phối. Không chỉ thịt đỏ/thịt trắng bị “hô biến” bằng đủ loại chất độc Trung cộng, không chỉ rau, trái cây bị tẩm ướp/xịt/bơm hóa chất cũng từ Trung cộng, mà cá biển đang chết thành núi, cá nuôi cũng chết trắng bè, và ngày mai, không biết trên mâm cơm có còn sót lại thứ gì đủ sạch để bỏ vào miệng hay không…
Có phải đức nhẫn nhục của người dân Việt đã được luyện tới cực điểm? Và họ sẽ vẫn tiếp tục im lặng, cho dù im lặng để chết?
Tôi không nghĩ vậy.
Dù khá muộn màng, đã có những dấu hiệu thức tỉnh. Dân tình đã thấy rõ, nếu tiếp tục trốn tránh thì chính con cháu họ sẽ gánh chịu những hậu quả không thể lường được. Song họ muốn nếu phải trả giá, đó sẽ là giá thấp nhất. Một tính toán thật ra cũng bình thường, có thể lý giải được.
Biết rõ nguy cơ hủy diệt đến từ các kế hoạch có tính chiến lược của Trung cộng, nhưng họ vẫn lảng tránh việc bày tỏ thái độ, kể cả khi Tập Cận Bình được mời sang Việt Nam, khi những công dân Việt Nam quyết liệt nhất đã xuống đường với chân dung Tập Cận Bình bị gạch chéo mặt.
Thế nhưng khi Tổng thống Mỹ Obama sang thăm Việt Nam, hàng vạn người bình thường vốn “ôn hòa” và ít-quan-tâm-chính-trị đã rủ nhau ra đứng chật hai bên đường, kiên nhẫn chờ suốt nhiều giờ chỉ để được vẫy tay khi xe của Obama lướt qua, trong chớp mắt. Trước rất đông lực lượng đồng phục đứng đối diện, hàng ngàn smartphone đã được giơ lên để chụp/quay cảnh xe của Obama chạy ngang… Và cả khi Obama rời Sài Gòn, vẫn có rất đông người ra đứng hai bên đường để đưa tiễn.
Những hình ảnh, hành động này có thể được hiểu thế nào?
Tôi nghĩ, đó là khi người dân Việt công khai bày tỏ nỗi hân hoan đón chào tổng thống Mỹ vì họ biết, chỉ nước Mỹ mới đủ sức mạnh để ngăn chặn một Trung cộng tham tàn và lộng hành, không để cho Trung cộng tác oai tác quái.
Đó chẳng khác nào một cuộc “bỏ phiếu” khi phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung cộng, giữa Obama và Tập Cận Bình.
SAU LƯNG NHÂN DÂN LÀ NHÂN DÂN
Bạn có muốn trả lời câu hỏi: Những cuộc Biểu Tình Cá rồi sẽ thay đổi thế nào để đối phó với sự đàn áp? Và tại sao dù nhà cầm quyền đã ngăn chặn tối đa mà vẫn không thể dập tắt được biểu tình? Ngày 5 tháng 6, Sài Gòn vẫn có biểu-tình-nhóm ở vài địa điểm xa trung tâm trên một hình thức rất mới: biểu tình di động bằng xe máy. Cả Sài Gòn- Hà Nội vào chiều tối 5 tháng 6 đều xảy ra những cuộc “biểu tình đòi người”, và đã “giải cứu” thành công những người bị bắt một cách bất hợp pháp vào buổi sáng.
Người biểu tình dựa vào đâu để làm như vậy? Họ chỉ dựa vào nhau, vào niềm tin đã được trui rèn qua thời gian, qua thực tế cuộc sống, qua chia sẻ thông tin trên hệ thống mạng xã hội trong và ngoài nước.
Chỉ dựa vào dân, những cuộc Biểu Tình Cá có vẻ đang tạo ra khác biệt. Nó khiến nhà cầm quyền một mặt nỗ lực để đối phó, đồng thời cũng phải tự điều chỉnh trước công luận trong nước và quốc tế.
Từ khi mạng xã hội công khai danh tính của cả nạn nhân lẫn nhân viên công lực liên quan, những vụ “người bị bắt tự tử trong đồn công an” đã giảm đi thấy rõ. Người dân đã có thêm kiến thức về luật pháp để biết mình có những quyền hiến định nào không thể bị xâm phạm. Người thừa hành pháp luật cũng không còn bất chấp khi biết việc mình làm có thể bị phơi bày cho cả nước tỏ tường. Một người biểu tình bị bắt vào sáng 5 tháng 6 đã kể, anh đã bị đánh đổ nhiều máu xuống chiếc áo khoác đang mặc và chiếc áo này đã được nhân viên công quyền đem giặt trước khi mang trả lại anh. Rõ ràng họ không muốn chiếc áo đẫm máu đó sẽ được chụp hình và đăng lên facebook.
Mạng xã hội đang xuất hiện ngày càng nhiều những cái tên mới, những bài viết mới, những tác phẩm mới. Những ca-khúc-phong-trào được dàn dựng công phu với chất lượng cao đang trở thành tài sản quý giá trên hành trình của người Việt yêu nước thế kỷ 21. Lượng view rất cao ở nhiều clip có nội dung chính trị cho thấy công chúng đang tìm đến mạng xã hội để có được thông tin nóng-và-trung-thực, thứ mà họ không bao giờ có thể tìm thấy trên báo chí chính thống…
Đa số thầm lặng đã dự phần vào cuộc chuyển động, cho dù chỉ với tư cách người xem. Nhưng đến một lúc nào đó, có thể họ sẽ thay đổi, sẽ chủ động thay vì thụ động.
Vấn nạn Formosa vẫn tiếp tục là câu hỏi chưa có lời đáp sau rất nhiều thông tin mập mờ và những tuyên bố lập lờ. Đã có thêm tin xấu bổ sung: trong lô cá được thu mua ở Quảng Trị đang đông lạnh để chờ bán cho dân đã tìm thấy chất phenol cực độc.
Người dân đang tự hỏi, sự-thật-khó-nói nào đang lẩn trốn đàng sau vụ Formosa Vũng Áng? Ai là người phải chịu trách nhiệm cao nhứt? Ai đã mời kẻ-hủy-diệt-môi-trường Formosa vào Việt Nam và để Formosa muốn làm gì thì làm?
Nếu việc xử phạt Formosa không đủ nghiêm, không đủ khiến các doanh nghiệp đang và sẽ hoạt động biết sợ mà tuân thủ luật pháp thì sẽ có vô số những Formosa khác sẵn sàng biến Việt Nam thành vùng đất chết và nòi giống Việt Nam sẽ bị suy thoái dẫn đến diệt vong.
Ai có thể đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân nếu nhìn vào hậu quả Formosa đang gây ra hôm nay?
Ai sẽ đứng sau lưng nhân dân trong “cuộc chiến” này?
Sau lưng nhân dân chỉ có thể là nhân dân.
Sau lưng người Việt chỉ có thể là chính người Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét