Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Quan ngại chung về Trung Quốc đẩy Việt-Nhật xích lại gần nhau



Dương Trường Phúc - Lê Hồng Hiệp

Nguồn: Nguyen Manh Hung, “Shared concerns about China bring Vietnam and Japan closer”, East Asia Forum, 02/06/2016.


Hình: Morishita Osamu, chỉ huy hai con tàu của Nhật cập cảng Cam Ranh hồi tháng 4/2016, đọc phát biểu tại lễ đón tàu.
Hình: Morishita Osamu, chỉ huy hai con tàu của Nhật cập cảng Cam Ranh hồi tháng 4/2016, đọc phát biểu tại lễ đón tàu. Nguồn: Tuổi Trẻ. - See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/06/21/quan-ngai-chung-ve-tq-day-viet-nhat-xich-lai-gan-nhau/#more-16652
Hình: Morishita Osamu, chỉ huy hai con tàu của Nhật cập cảng Cam Ranh hồi tháng 4/2016, đọc phát biểu tại lễ đón tàu. Nguồn: Tuổi Trẻ. - See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/06/21/quan-ngai-chung-ve-tq-day-viet-nhat-xich-lai-gan-nhau/#more-16652


Sau ba tuần nhậm chức, vào ngày 22 tháng 04 năm 2016, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã được dẫn lời nói rằng Nhật Bản là “một trong những đối tác hợp tác quan trọng của Việt Nam”. Tầm quan trọng của quan hệ Việt-Nhật đối với hai bên đã được tăng cường do sự thay đổi cấu trúc quyền lực ở châu Á.
Cơ sở cho sự hợp tác an ninh sâu rộng và ngày càng gia tăng giữa Việt Nam và Nhật Bản chính là mối quan ngại chung về tham vọng bành trước lãnh thổ của Trung Quốc. Sự áp đặt các yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc đã thúc đẩy Việt Nam áp dụng chiến lược “cân bằng mềm” chống lại quốc gia này. Chiến lược này dựa trên hai thành phần: một chính sách “ba không”, không căn cứ nước ngoài, không liên minh quân sự, không dùng quan hệ với quốc gia này để chống lại quốc gia khác – nhằm xoa dịu nỗi sợ bị bao vây của Trung Quốc; và phần còn lại là những gì mà Hà Nội gọi là chính sách “đa dạng hóa và đa phương hóa các mối quan hệ” nhằm cân bằng lại áp lực từ Trung Quốc.

Thậm chí trước khi những tranh chấp nổi lên trên Biển Đông như hiện nay, Việt Nam đã xem Nhật Bản là một người bạn tốt nhất và mạnh nhất ở châu Á. Là một đồng minh thân cận của Mỹ, Nhật Bản là mối liên kết với Phương Tây quan trọng nhất của Việt Nam. Chính sách của Nhật Bản cũng mang tính hỗ trợ đối với Việt Nam nhiều hơn so với các chính sách của Mỹ. Nhật Bản cũng là quốc gia đầu tiên bình thường hóa quan hệ với Việt Nam sau khi Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973  được ký (trong khi đó, Mỹ phải đến 22 năm sau mới thực hiện điều này). Nhật Bản cũng là quốc gia đầu tiên trong nhóm các nước phương Tây nối lại viện trợ cho Việt Nam vào năm 1992, một bước tiến quan trọng giúp chấm dứt tình trạng cô lập về ngoại giao và kinh tế do việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia.

Nhật Bản đã ký một hiệp định thương mại và trao đổi quy chế tối huệ quốc với Việt Nam vào năm 1991, bảy năm trước khi Quốc hội Mỹ làm như vậy. Năm 2011, Nhật Bản đã chính thức thừa nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, trong khi Hoa Kỳ vẫn chưa thực hiện điều này. Kết quả là Nhật Bản trở thành đối tác tài trợ lớn nhất cho Việt Nam thông qua hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nhà đầu tư lớn thứ hai sau Hàn Quốc, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Trong lĩnh vực nhạy cảm là hợp tác quốc phòng, Nhật Bản đồng ý thành lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào năm 2006, trở thành quốc gia thứ hai thực hiện điều này sau Nga, một đồng minh truyền thống của Việt Nam. Sự hợp tác này được nâng lên thành “đối tác chiến lược sâu rộng” vào tháng 3 năm 2014.

Trong số các nước lớn thích hợp có thể đối trọng lại Trung Quốc, Nga đã đứng về phía Trung Quốc trong việc phản đối quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Các vấn đề nhân quyền và sự nghi ngại kín đáo của Việt Nam về các ý định và cam kết của Mỹ đã ngăn cản mối quan hệ với Mỹ phát triển đầy đủ tiềm năng.

Điều này khiến Nhật Bản trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn có thể kết hợp cùng Hoa Kỳ đóng vai trò như một đối trọng với Trung Quốc. Nhật Bản là một quốc gia châu Á, vì vậy Việt Nam không phải lo lắng về việc quốc gia này rút khỏi khu vực. Do các tranh chấp hàng hải của Nhật Bản với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, và tầm quan trọng của Biển Đông đối với thương mại và an ninh của Nhật, nên quốc gia này có lợi ích quan trọng trong việc ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát Biển Đông. Nhật cũng đã có những bước đi nhằm tăng cường vai trò của mình trong việc bảo vệ tự do hàng hải, duy trì sự can dự của Mỹ ở châu Á và cung cấp hỗ trợ quốc phòng cho Philippines và Việt Nam.

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan HYSY-981 trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5 năm 2014 cũng như những nỗ lực sau đó của Trung Quốc nhằm xây dựng và quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo ở vùng biển tranh chấp đã tạo ra một sự “xoay trục” nhẹ trong chính sách của Việt Nam hướng về Phương Tây. Tìm kiếm các đối trọng lại Trung Quốc đã trở nên quan trọng hơn sự lo sợ làm mếch lòng nước này. Chính bối cảnh này đã giúp hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản tăng tốc.

Một tháng sau sự cố giàn khoan dầu, trong tháng 6 năm 2014, tàu đổ bộ Kunisaki của Nhật Bản đã cập cảng Tiên Sa như một phần của chương trình Đối tác Thái Bình Dương do Hải quân Hoa Kỳ hậu thuẫn. Hai tháng sau đó, vào tháng 8, Nhật Bản tuyên bố họ sẽ cung cấp cho Việt Nam sáu tàu tuần tra để nâng cao năng lực an ninh hàng hải. Vào tháng 5 năm 2016 Nhật Bản cam kết sẽ cung cấp thêm hai tàu nữa. Hai bên cũng đã nhất trí tổ chức các cuộc diễn tập hải quân chung.

Dấu hiệu cụ thể nhất của quan hệ đối tác quốc phòng mới chính là việc Nhật Bản được sử dụng nhiều hơn căn cứ hải quân chiến lược tại Vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Hai nước đã đồng ý cho phép tàu chiến Nhật Bản cập cảng ở Cam Ranh để tiếp nhiên liệu và vật tư. Hai máy bay trinh sát P3C Orion và hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Nhật đã quá cảnh ở đó trong năm nay.

Sự hiện diện của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tại vịnh Cam Ranh là tín hiệu cho cam kết rõ ràng của Nhật đối với Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông và báo trước một chương mới trong hợp tác quốc phòng song phương. Nói rộng hơn, việc tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản là minh họa về cách các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang thúc đẩy các quốc gia Đông Nam Á tăng cường quan hệ với các đối tác mới trong khu vực như thế nào.

Nguyễn Mạnh Hùng là Giáo sư về Quản trị Chính quyền và Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Mason và Nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Washington DC.




nghiencuuquocte.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét