Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Ông Bob Kerrey và món súp cá

Nguyễn Hùng BBC Tiếng Việt

 
Image copyright Neilson Barnard Getty Images for The New York Times: Ông Bob Kerrey trở thành tâm điểm của sự chú ý ở Việt Nam vì vai trò Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Vietnam

Trong những ngày truyền thông Việt Nam tạm thời vắng bóng tin về khủng hoảng cá, ngoại trừ chương trình '60 Phút Mở' đi tìm "động cơ" chia sẻ tin cá chết, lời xin lỗi cho những gì xảy ra năm 1969 của cựu Thượng Nghị sỹ Bob Kerry được đưa ra và trở thành đề tài gây nhiều bàn luận.

Ngoại trừ trang Zing, trang đầu tiên nhắc lại vụ thảm sát, các báo khác đều có vẻ không đặt nặng vấn đề ông Bob Kerry, một cựu binh bị cáo buộc liên quan tới vụ thảm sát phụ nữ và trẻ em ở Bến Tre hồi năm 1969, trở lại làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác, vai trò mà ông Kerrey giải thích là chủ yếu để gây quỹ cho Hiệu trưởng Đàm Bích Thủy của Đại học Fulbright Vietnam.

Những ý kiến khác nhau về việc bổ nhiệm ông Kerrey cũng là đề tài của thảo luận trực tuyến của BBC Tiếng Việt hôm 2/6/2016.

Bản thân ông Kerrey không thể tham gia thảo luận vì vướng bận việc khác khi thảo luận trực tuyến diễn ra.

Nhưng trước đó ông đã nói với BBC ông tham gia phát triển đại học đẳng cấp ở Việt Nam từ thập niên 1990 và góp phần vào việc thuyết phục Quốc hội Hoa Kỳ cấp ngân khoản hàng chục triệu USD để hỗ trợ một nửa nguồn tài chính cho Đại học Fulbright Vietnam.

'Thảm sát Thạnh Phong'

Về những gì xảy ra đêm 25/2/1969, hiện có nhiều cách "nhớ" khác nhau và các nhân vật cũng thay đổi những gì họ kể lại vào những thời điểm khác nhau.

Điều không có gì tranh cãi là ông Kerrey nhận đã chỉ huy một tiểu đội biệt kích (Navy Seals) vào làng Thạnh Phong, Thạnh Phú (Kiến Hòa) để truy tìm một thủ lĩnh "Việt Cộng" ở địa phương, theo các báo Mỹ.

Sau cú đột nhập kết thúc, ông Kerrey báo cáo lên cấp chỉ huy là đã tiêu diệt được 21 "Việt Cộng" nhưng thực tế hơn 10 người trong số đó là phụ nữ và trẻ em.

Từ trước tới nay ông Kerrey vẫn luôn phủ nhận chuyện ông cố tình giết thường dân không vũ trang mặc dù một đồng đội của ông trong đêm đó nói chính ông ra lệnh giết và thậm chí còn trực tiếp tham gia.

Cũng có những cách kể chuyện khác nhau về chuyện nhóm biệt kích của ông Kerrey có bị bắn trước nên chỉ bắn trả hay thậm chí có ai bắn họ hay không trong đêm đó.

Cho tới nay chưa có điều tra tường tận nào để chứng minh rõ ràng những gì xảy ra ngoài điều tra của các nhà báo.

Bản thân bài viết đầu tiên đăng trên trang Zing phản đối việc chọn ông Kerrey vào vị trí chủ tịch Đại học Fulbright Vietnam cũng dẫn lại phần lớn những gì truyền thông Hoa Kỳ đăng tải từ cách đây 15 năm.

Tuy nhiên những chi tiết về cuộc "thảm sát" sau đó cũng đã bị xóa khỏi bài của Zing.

 
Image copyright Horst Faas AP-58.000 lĩnh Mỹ đã chết trong Cuộc chiến Việt Nam trong khi thương vong từ phía Việt Nam lên tới hàng triệu

Điều này cộng với cách đưa tin dè dặt của các báo khác cho thấy chính quyền Việt Nam dường như không muốn làm lớn chuyện này vào thời điểm hiện nay.

Đây cũng không phải là điều gì khó hiểu vì Cuộc chiến biên giới 1979, vốn xảy ra gần đây hơn, phần lớn đã rơi vào quên lãng khi Hà Nội cần tới Bắc Kinh.

Nay có vẻ là lúc Việt Nam đang cần Hoa Kỳ và ngược lại.

Với cách chính quyền Hà Nội thường xuyên phớt lờ dư luận, ví dụ mới nhất là cách họ dẹp những phản đối trong khủng hoảng cá, điều khó xảy ra là sức ép của một bộ phận người Việt có thể chuyển thành sức ép lên chính quyền đòi họ phản đối lựa chọn chủ tịch của Đại học Fulbright Vietnam.

Về phía dư luận Hoa Kỳ, nơi có lẽ ông Bob Kerrey sẽ gây được nhiều quỹ nhất, cho tới nay chưa có nhiều báo lớn ở Hoa Kỳ đưa tin về câu chuyện mấy ngày qua.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng từ Đại học George Mason nói với thảo luận trực tuyến của BBC Tiếng Việt hôm 02/6 rằng những người Mỹ ông có dịp bàn chuyện này hôm trước ở Washington đều không coi việc bổ nhiệm ông Kerry là vấn đề.

'Món súp cá và con cá'

Bất chấp chuyện còn có những tranh cãi xung quanh thảm sát Thạnh Phong, ông Kerrey đã lên tiếng xin lỗi và đây là nguyên văn những gì Zing trích dẫn lại:

"Tôi đã xin lỗi người Việt về những gì tôi gây ra trong chiến tranh và giờ tôi xin lỗi lại một lần nữa. Một cách chân thành và cùng những nỗi đau của ký ức mãi mãi ám ảnh, tôi xin lỗi những người mà tôi đã gây hại tới...

"Nhưng một lời xin lỗi sẽ luôn là không đủ. Nó giống như món súp cá mà thiếu con cá vậy. Vì thế, tôi cố gắng giúp người Việt mỗi khi có thể. Như đóng góp chấm dứt đạo luật TWEA (coi Việt Nam như nước thù địch), bình thường hoá quan hệ, ủng hộ đàm phán BTA, và đặc biệt là ủng hộ nỗ lực cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam thông qua chương trình Fulbright."

Ông Kerrey cũng nói với BBC ông không nghĩ là việc ông trở thành chủ tịch sẽ gây tranh cãi nhưng cũng không ngạc nhiên với các tranh luận hiện nay.

"Giảng hòa khó chính vì trí nhớ của chúng ta không bao giờ rõ như cảm xúc."

Một nhân chứng người Việt từng được coi là nhân chứng chính về phía Việt Nam trên truyền thông Hoa Kỳ về sau này thậm chí nói bà chưa bao giờ chứng kiến những gì xảy ra, theo lời cô Đỗ Minh Thùy, người từng về Thạnh Phong.

Nhưng ngay chỉ với những gì ông Kerrey nhận trách nhiệm, chính quyền Việt Nam cũng từng coi ông là người đã có hành vi "vô cùng tàn bạo" trong chiến tranh cách đây nhiều năm.

Nhà văn được giải Pulizer Nguyễn Thanh Việt thậm chí coi đây là "tội ác chiến tranh" và nói chuyện cải thiện quan hệ Việt Mỹ không nhất thiết phải phụ thuộc vào chỉ một người.

Chính ông Kerrey cũng nói có nhiều người khác đủ khả năng để thay ông và ông sẵn sàng rút lui nếu cảm thấy ông gây bất lợi cho sự phát triển của Đại học Fulbright Vietnam.

Theo những gì ông trả lời trên báo chí Hoa Kỳ có thể thấy ông đã mang một 'bản án chung thân' về đạo đức khi phải sống với những ký ức kinh hoàng từ năm 1969.

Ông nói ông từng nghĩ tới việc tự tử và nhận ra rằng điều khủng khiếp nhất không phải là "chết cho đất nước" mà là "giết [người] vì đất nước".

Câu hỏi đặt ra là liệu ông Bob Kerrey được chấp nhận đến đâu trong những ngày tới, bất chấp những gì đã xảy ra trong quá khứ, để làm điều mà ông có ý nói lấy công chuộc lại những sai lầm khi xưa?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét