Hồng Nga viết từ Đối thoại Shangri-La 15 ở Singapore
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch hủy tham gia diễn
đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La vào phút chót, hiện chưa rõ lý do. Thay vào ông, Thứ trưởng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu
đoàn Việt Nam và sẽ có bài tham luận vào ngày Chủ nhật 5/6.
Đây là năm thứ hai Việt Nam cử cấp thứ trưởng tham gia diễn
đàn thường niên do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), trụ sở chính tại
London, tổ chức.
Đối thoại Shangri-La, bước vào năm thứ 15, được cho là hội
nghi quan trọng về an ninh, nơi giới chức quốc phòng cao cấp của các nước có thể
thảo luận và đối thoại trong môi trường không chính thức.
Tuy nhiên nhiều năm nay, diễn đàn này nóng lên vì tuyên bố
nhiều khi cứng rắn của các bên, thí dụ trong vấn đề Biển Đông.
Mỹ-Trung tiếp tục đối đầu?
Ngoại trừ một năm Bắc Kinh điều bộ trưởng Quốc phòng tham
gia hội nghị (Bộ trưởng Lương Quang Liệt năm 2011), trưởng đoàn Trung Quốc các
năm là cấp Phó Tổng tham mưu trưởng.
Năm nay, cũng giống như năm ngoái, đó là Đô đốc Tôn Kiến Quốc.
Một trong các lý do là Bắc Kinh muốn giảm nhẹ tầm quan trọng
của diễn đàn an ninh mà họ cho là luôn bị Hoa Kỳ thống lĩnh.
Hoàn Cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong bài xã
luận sáng thứ Sáu 3/6 nói “không có gì lạ là Mỹ lại cầm đầu cuộc họp” tại
Singapore lần này.
Còn hơn thế, vào buổi sáng trước khi Đối thoại Shangri-La mở
màn, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter và người đồng nhiệm Singapore Ng
Eng Hen đã có chuyến bay thị sát ngoài Biển Đông trên máy bay do thám P8 của
Hoa Kỳ.
Hành động này được cho là nhắm vào Trung Quốc, cũng giống
như ‘phép thử’ nhắm vào Washington mà Bắc Kinh đưa ra ngay trước hội nghị khi
tung tin sắp thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Liệu các động thái này có làm diễn đàn an ninh khu vực lần
này nóng lên hay không?
Chủ nhật 5/6 này, Mỹ-Trung sẽ có vòng Đối thoại Chiến lược-Kinh
tế cấp bộ trưởng thường niên.
Trước các cuộc họp chính thức, giới quan sát cho rằng Hoa Kỳ
muốn tăng áp lực để làm đòn bẩy thế nhưng Trung Quốc sẽ không để cuốn theo áp lực
của Hoa Kỳ.
Không phải ngẫu nhiên mà một trong các chủ đề trên nghị
trình của Đối thoại Shangri-La lần này là ‘quản lý cạnh tranh’.
Ngay trước thềm hội nghị, Đại tá Chu Ba từ Trung tâm Quan hệ
Quốc phòng Trung-Mỹ thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc trong một bài viết
đã cảnh báo rằng mấu chốt của quan hệ Mỹ-Trung là ‘quản lý bất đồng’.
Thứ trưởng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu
đoàn Việt Nam
Đối thoại Shangri-La diễn ra ngay trước khi Tòa trọng tài quốc
tế đưa ra phán quyết được trông đợi là sẽ bất lợi cho Bắc Kinh về vụ kiện của
Philippines đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc nhiều lần tuyên bố không tham gia vụ kiện và do
đó sẽ nỗ lực không để hội nghị bàn luận quá nhiều về các vấn đề pháp lý liên
quan Biển Đông mà nước này gọi là Nam Hải.
Hoạt động của đoàn Việt Nam
Ngược lại với Trung Quốc, Biển Đông là một trong các chủ đề
quan tâm chính của Việt Nam tại các diễn đàn an ninh quốc tế.
Các cấp cao nhất của Việt Nam đều từng có phát biểu nêu quan
tâm và quan ngại về căng thẳng liên quan trực tiếp quyền lợi của Việt Nam tại
vùng biển này.
Người ta trông đợi trưởng đoàn Việt Nam lần này sẽ nói gì
trong bài phát biểu của mình.
Bên cạnh ông Nguyễn Chí Vịnh, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó
Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng có mặt tại Shangri-La.
Đặc biệt lần đầu tiên, Việt Nam cử lãnh đạo công an tham gia
hội nghị, chứng tỏ chủ đề Biển Đông không chỉ là trách nhiệm của quân đội. Thứ
trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam sẽ đọc tham luận trong phiên họp kín về “Quản trị
căng thẳng ở Biển Đông”.
Đoàn Việt Nam có các tiếp xúc song phương với quan chức quốc
phòng Hoa Kỳ, Singapore, Australia, New Zealand, Trung Quốc, Canada, Anh, Ý, Nhật
Bản, Philippines và lãnh đạo một số tập đoàn quốc phòng.
Đối thoại Shangri-La là gì?
Diễn đàn an ninh khu vực mang tên Đối thoại Shangri-La bắt đầu
từ năm 2002 dưới sự chủ trì của Việt Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) và
Chính phủ Singapore.
Hội nghị này mang tên của khách sạn nơi các cuộc gặp diễn
ra.
Đối thoại Shangri-La tổ chức hàng năm, năm nay là lần thứ
15. Nó quy tụ quan chức quốc phòng cao cấp từ 28 quốc gia châu Á và Thái Bình
Dương để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực trong bối cảnh không chính thức.
Một số quốc gia không nằm trong khu vực nhưng quan tâm chủ đề
an ninh châu Á-Thái Bình Dương cũng tham gia hội nghị.
Những ai tham gia hội nghị lần này?
Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật, Hàn Quốc,
Malaysia, New Zealand và Singapore tham gia ở cấp bộ trưởng.
Trung Quốc cử Phó Tổng tham mưu trưởng, Đô đốc Tôn Kiến Quốc.
Trưởng đoàn Việt Nam là Thứ trưởng, Thượng tướng Nguyễn Chí
Vịnh.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha sẽ có bài phát biểu chủ
đạo (keynote speech) vào tối thứ Sáu 3/6.
Các chủ đề chính tại Đối thoại Shangri-La 15
Khủng hoảng hạt
nhân Bắc Triều Tiên
Căng thẳng Biển
Đông
An ninh liên quan
di dân, an ninh mạng, chống khủng bố và hợp tác quốc phòng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét