Nợ công Viêt Nam đang ở mức 2,6 triệu tỉ đồng
Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra dự báo nợ công 2016 của VN sẽ
tăng ở mức 63,8% GDP, lên 64,4% vào năm tới và lên 64,7% vào 2018. Với mức trần
nợ công cho phép là 65%, viễn cảnh 'đụng trần' nợ công của VN sẽ diễn ra trong
tương lai gần.
Sử dụng vốn vay không hiệu quả
Nhưng rủi ro hơn lớn nhất, theo báo cáo của trung tâm thuộc
BIDV, nằm ở việc sử dụng đồng vốn vay. Việc đầu tư dàn trải, nhất là đầu tư
công và doanh nghiệp nhà nước, dẫn tới hiệu quả sử dụng không cao. Theo Ngân
hàng thế giới, ICOR của Việt Nam trong giai đoạn 2001 - 2005 là 4,88; giai đoạn
2006 - 2010 lên đến 6,96 và sau 5 năm, vẫn ở mức 6,92 vào giai đoạn 2011 -
2014, chỉ đứng sau Ấn Độ là 7,31 tại châu Á.
Ngoài ra, một phần đáng kể của nợ công được sử dụng để trả nợ
thay cho đầu tư phát triển. Cụ thể, tỷ lệ trả nợ trong kỳ/dư nợ vay của Chính
phủ và khoản vay được Chính phủ bảo lãnh ở mức khoảng 14,2% năm 2014 (số liệu mới
nhất được Bộ Tài chính công bố) và lên đến 16% năm 2015 theo ước tính của Ngân
hàng Thế giới. Việc dành đến 14% - 16% dư nợ công trong kỳ để trả nợ gây hạn chế
đến đầu tư phát triển và chi để tăng năng suất lao động, giáo dục, y tế và các
lĩnh vực thiết yếu khác.
Ngoài ra, cơ cấu chi ngân sách không bền vững, ảnh hưởng đến
hiệu quả sử dụng nợ công. Trong giai đoạn 2010 - 2015, chi ngân sách chủ yếu là
chi thường xuyên với mức tăng trưởng là 18,44%/năm. Ngược lại, chi đầu tư phát
triển có xu hướng giảm, nhất là từ năm 2013 đến nay, chỉ ở mức 4,8%/năm.
Vay để trả nợ gốc ngày càng tăng
Hiện nay, theo các tổ chức quốc tế và trong nước, khả năng vỡ
nợ của Việt Nam là khá thấp. Tuy nhiên, trên thực tế, nợ công vẫn đang là vấn đề
cấp bách. Cụ thể, chỉ tiêu nợ phải trả (nợ gốc và lãi) có nguy cơ tiến sát vượt
ngưỡng cảnh báo. Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài
trung dài hạn/thu NSNN đã tăng lên 22,3% (ngưỡng an toàn 25%).
Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh trong khi nguồn trả
nợ công không bền vững. Theo Bộ KH-ĐT, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ/thu NSNN tăng
lên 38% vào năm 2014 và 45% năm 2015. Hệ quả là tình trạng vay để trả nợ gốc
ngày càng tăng, lên đến 80.000 tỉ đồng năm 2014 và 150.000 tỉ đồng năm 2015.
Tuy nhiên, khả năng gia tăng thu ngân sách/GDP giảm mạnh, cụ thể năm 2011 là
25,9% xuống 22,1% năm 2015 và dự kiến tiếp
tục giảm.
Anh Vũ – Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét