Biên dịch: Chu Tuấn Việt
Nguồn: James D. J. Brown & Andrei I. Kozinets, “Japan
courts Russia at Sochi summit”, East Asia Forum, 18/05/2016
Hai đặc điểm nổi bật nhất của chính sách đối ngoại Nhật Bản
là sự cẩn trọng và quan hệ liên minh với Hoa Kỳ. Vì vậy quyết định của Thủ tướng
Nhật Bản Shinzo Abe đến Sochi tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống
Vladimir Putin vào ngày 6 tháng Năm là một cử chỉ đáng chú ý. Chuyến thăm diễn
ra vào thời điểm Nga vẫn đang chịu lệnh cấm vận quốc tế và Hoa Kỳ tỏ rõ dự định
duy trì chính sách cô lập đất nước này. Thật vậy, tháng Hai vừa qua Tổng thống
Obama đã trực tiếp gọi điện cố thuyết phục ông Abe hủy chuyến thăm. Vậy nguyên
nhân của bước đi táo bạo bất thường này là gì? Và nó có đáng giá hay không?
Dường như có hai lý do dẫn đến chuyến thăm. Lý do đầu tiên
và quan trọng nhất là mong muốn của ông Abe đạt được giải pháp cho vấn đề tranh
chấp lãnh thổ đã tồn tại dai dẳng và ký được hiệp ước hòa bình với Nga trước
khi ông kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng.
Lý do thứ hai liên quan đến các tính toán chiến lược tại
Đông Á. Một trong các mối quan tâm an ninh lớn nhất của chính quyền Abe là liệu
về lâu dài họ có thể trông cậy vào Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Nhật Bản khỏi các mối
đe dọa trong khu vực hay không, đặc biệt là từ một Trung Quốc ngày càng hung
hăng. Trong một nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ, chính quyền Abe đã cố
gắng tăng cường năng lực các lực lượng vũ trang của nước này và xây dựng quan hệ
chặt chẽ hơn với các nước khác trong khu vực. Trong bối cảnh đó, quan hệ tốt đẹp
hơn với Nga nhằm kéo Moskva rời xa Bắc Kinh và bảo đảm quan hệ hữu hảo với một
trong những láng giềng gần nhất của Nhật Bản.
Hai mục tiêu này cho thấy quan hệ với Nga đã trở thành một
ưu tiên trong suốt nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai của ông Abe. Abe đã gặp Putin 13
lần, nhiều hơn số lần ông gặp Tổng thống Obama. Nhưng phần lớn trong số đó là
các cuộc gặp ngắn bên lề các diễn đàn quốc tế và một cuộc gặp thượng đỉnh toàn
diện vẫn chưa được tiến hành kể từ tháng Tư năm 2013. Như vậy hội nghị Sochi có
tầm quan trọng đặc biệt.
Những kết quả của hội nghị này là gì?
Về tranh chấp lãnh thổ, nổi bật nhất là tuyên bố của ông Abe
rằng ‘chúng tôi đã nhất trí tự giải quyết vấn đề hiệp ước hòa bình với việc nỗ
lực xây dựng một mối quan hệ hướng tới tương lai. Chúng tôi sẽ tiến hành đàm
phán với cách tiếp cận mới, bỏ đi những tư duy cũ’. Ông cũng nói với báo chí là
‘tôi cảm nhận là chúng tôi đang tiến tới một bước đột phá’.
Nhưng dường như ông Abe đã lạc quan quá đà khi mà đến nay vẫn
chưa có tiến bộ thực chất nào trong vấn đề lãnh thổ. Kết quả cụ thể duy nhất là
sự khẳng định rằng cuộc gặp kế tiếp trong chuỗi các cuộc hội đàm cấp thứ trưởng
ngoại giao giữa hai bên sẽ diễn ra vào tháng Sáu.
Đáng chú ý hơn lại là điều không được tuyên bố ra. Không có
lời nào đề cập đến ngày tổ chức chuyến thăm Nhật Bản vốn bị trì hoãn lâu nay của
ông Putin, mà lẽ ra đã phải tiến hành từ năm 2014. Trước hội nghị Sochi, có tin
đồn rằng ông Abe dự định mời ông Putin thăm quê ở tỉnh Yamaguchi. Một chuyến
thăm như vậy sẽ làm tăng thêm sự kỳ vọng của người Nhật về việc sắp đạt được đột
phá trong tranh chấp lãnh thổ.
Việc không tuyên bố ngày (ông Putin) thăm Nhật Bản cho thấy
vẫn khó đạt được tiến bộ trong vấn đề lãnh thổ. Dĩ nhiên là các quan chức Nga
đã không đề cập chút nào về ‘cách tiếp cận mới’ trong vấn đề này. Trong cuộc họp
báo sau hội nghị, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov không nói câu nào về tranh chấp
lãnh thổ.
Dù sao cũng có tiến triển thực sự trong hợp tác kinh tế. Nga
mong muốn tăng cường thương mại song phương và thu hút nhiều hơn đầu tư từ Nhật
Bản, vốn được đánh giá cao tại Nga. Như vậy, phía Nga sẽ rất quan tâm đến kế hoạch
hợp tác kinh tế 8 điểm của ông Abe, trong đó có các đề xuất làm sao để Nhật Bản
có thể góp phần phát triển vùng Viễn Đông của Nga.
Để tận dụng đà hợp tác tích cực, Putin đã mời Abe dự Diễn
đàn kinh tế phía Đông tại Vladivostok vào ngày 2 – 3 tháng Chín. Yuri Trutnev,
Đại diện của Tổng thống Nga tại vùng Viễn Đông, cũng sẽ thăm Nhật Bản vào giữa
tháng Năm để thảo luận về các cơ hội đầu tư. Một trong những lĩnh vực có nhiều
triển vọng tăng cường hợp tác là dầu khí. Igor Sechin, Tổng giám đốc công ty dầu
khí quốc gia Nga Rosneft, đã có mặt tại hội nghị và hăng hái thúc đẩy các cơ hội
đầu tư của Nhật Bản trong các dự án năng lượng của Nga.
Nhật Bản dự định dùng triển vọng tăng cường quan hệ kinh tế
để vận động Nga nhân nhượng trong vấn đề lãnh thổ. Rõ ràng những khó khăn kinh
tế gần đây của Nga thúc đẩy Nhật Bản sử dụng biện pháp này. Nhưng đến nay vẫn
chưa có dấu hiệu cho thấy các đòn bẩy kinh tế có thể khiến Nga nhượng bộ nhiều
hơn so với cam kết hiện tại là chuyển giao hai hòn đảo nhỏ nhất trong diện
tranh chấp cho Nhật Bản sau khi ký hiệp ước hòa bình.
Nhìn chung, Nga sẽ hài lòng với hệ quả của hội nghị thượng đỉnh
Sochi hơn là Nhật Bản. Chuyến thăm của Abe không chỉ nâng cao triển vọng tăng
cường hợp tác kinh tế mà còn gia tăng đáng kể những nghi ngờ về sự đoàn kết của
các nước G7 trong chính sách với Nga. Theo ông Lavrov, hai nhà lãnh đạo đã thảo
luận triển vọng nối lại các cuộc gặp ‘2 + 2’. Công thức hội đàm giữa các bộ trưởng
ngoại giao và quốc phòng của cả hai nước này thường được dành cho các đối tác gần
gũi, và báo hiệu rõ hơn về việc tình trạng cô lập của Nga sắp chấm dứt.
Về phía Nhật Bản, tuy không đạt được tiến bộ thực chất nào
trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nhưng chuyến thăm của ông Abe không hẳn là một
thất bại. Việc quyết định thăm Nga bất chấp lời cảnh báo của Hoa Kỳ và đề xuất
một cấp độ hợp tác kinh tế mới có thể là một nước đi quan trọng trong việc theo
đuổi một quan hệ dài hạn chặt chẽ hơn với Nga.
---
James D. J. Brown là Phó giáo sư về khoa học chính trị tại
chi nhánh Nhật Bản của Đại học Temple.
Andrei I. Kozinets là Phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại
học Viễn Đông, Vladivostok.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét