Hùng Tâm/Người Việt
Miến Điện thực hiện giấc mơ dang dở từ 70 năm trước
Tháng Bảy này, lãnh tụ Aung San Suu Kyi của Liên Minh Quốc
Gia vì Dân Chủ Miến Điện (NLD) sẽ tái diễn lịch sử với “Hội nghị Panglong của
thế kỷ 21.” Bà tái diễn lịch sử vì Tháng Hai năm 1947, thân phụ của bà là Thiếu
Tướng Aung San đã chủ tọa một hội nghị tại trị trấn Panglong trong tiểu bang của
tộc Shan (Đàn) cùng nhiều sắc tộc khác để thảo luận về quy chế liên bang cho Miến
Điện trong tương lai. Khi ấy, xứ này còn là thuộc địa của Đế Quốc Anh, và Tướng
Aung San vừa đạt thỏa ước với chính quyền Anh rằng Miến Điện sẽ có độc lập
trong kỳ hạn một năm.
Không ngờ là Tháng Bảy năm đó, ông lại bị ám sát trong Phủ Bộ
Trưởng tại thủ đô Rangoon - Ngưỡng Quang theo tên gọi năm xưa. Khoảng trống
chính trị sau khi lãnh tụ tạ thế khiến sáng kiến liên bang cũng tiêu tan dần và
nhiều sắc tộc thiểu số còn đấu tranh võ trang với chính quyền Miến Điện sau khi
xứ này có độc lập kể từ 1948. Từ đấy, xứ Miến Điện chẳng có hòa bình và cũng mất
luôn dân chủ sau khi quân đội nắm quyền với chế độ độc tài quân phiệt của các
tướng lãnh từ năm 1962.
Ngày nay, chế độ quân phiệt bắt đầu thoái lui kể từ năm 2011
và con gái của Tướng Aung San là Aung San Suu Kyi đang trở thành lãnh tụ thực tế
của Miến Điện trong tiến trình dân chủ hóa và ổn định xứ sở. Bà tổ chức Hội nghị
Panglong của thế kỷ 21 với ước mơ hâm nóng sáng kiến năm xưa của thân phụ hầu
xây dựng một nền móng chính trị khác cho Miến Điện.
Hồ sơ Người Việt sẽ tìm hiểu tiến trình gian nan này của Miến.
Địa dự lịch sử Miến Điện là một tai ách
Từ 1962 đến 2011, Miến Điện trải qua nửa thế kỷ nội chiến giữa
chính quyền trung ương của các tướng lãnh và lực lượng võ trang của các sắc tộc
đòi ly khai. Sau đấy, chế độ quân phiệt bắt đầu nhượng bộ và đề nghị giải pháp
ngưng bắn trên toàn quốc đổi lấy quyền lợi kinh tế và chính trị cho các sắc tộc
thiểu số. Nhưng tiến trình này còn nhiều bất trắc và sau khi Liên Minh NLD của
mình đại thắng, bà Aung San Suu Kyi đang phải làm một lúc hai việc: thỏa hiệp với
quân đội để từng bước dân chủ hóa xứ sở trong khi xây dựng một nền móng chính
trị bền vững hơn cho Miến Điện. Nền móng đó phải hội nhập được các sắc tộc thiểu
số, nó khó bền vững vì một tai ách xuất phát từ địa dư hình thể.
Về lịch sử thì Miến Điện chưa khi nào là một nước trong ý
nghĩa quốc gia dân tộc, nation-state. Lãnh thổ xứ này là một thách đố cho lãnh
đạo vì bị địa dư chia cắt thành hai vùng núi đồi hiểm trở của nhiều sắc tộc và
tôn giáo từ hay ngả Tây và Đông nhìn xuống bình nguyên phì nhiêu của sông
Irrawaddy ở giữa. Các cường quốc cấp vùng, như Ấn Độ tại hướng Tây, Trung Quốc ở
mạn Bắc và cả Thái Lan ở phía Đông đều tìm cách khai thác tình trạng bất thường
ấy qua các sắc tộc thiểu số và góp phần gây thêm xung đột. Vì vậy, sau khi có độc
lập, lãnh đạo Miến mới cần quân đội mạnh để bảo vệ chính quyền trung ương và đối
ngoại thì tìm cách tự cô lập để ngăn ngừa ảnh hưởng ngoại bang. Trong thời Chiến
Tranh Lạnh, từ 1949 trở đi, ảnh hưởng ngoại bang còn là các nhóm dân quân Cộng
Sản do Trung Quốc đào tạo và huấn luyện. Những vụ xung đột đầu tiên mà bùng nổ
là do hoạt động của các tổ chức Cộng Sản.
Việc chế độ quân phiệt tập trung sức mạnh vào trung ương
không đơn giản là vì quyền lực chính trị hay quyền lợi kinh tế mà còn có một động
lực sinh tử hơn: cho quốc gia khỏi tan rã. Yếu tố ý thức hệ - theo chủ nghĩa Cộng
Sản hay xã hội chủ nghĩa sau này - cũng có nhiều lý do khác. Ít ai để ý là Tướng
Auug San là sáng lập viên và bí thư thứ nhất của đảng Cộng Sản Miến Điện và khi
còn là sinh viên tại Anh Quốc, bà Aung San Suu Kyi cũng thấm nhuần tư tưởng xã
hội chủ nghĩa cực tả khá thịnh hành tại Tây phương vào thời đó. Sau khi Tướng
Ne Win đảo chánh từ năm 1961 và nắm chính quyền, chế độ quân phiệt cũng có lúc
áp dụng hệ thống kinh tế kế hoạch kiểu xã hội chủ nghĩa.
Vì vậy, từ khía cạnh địa dư, người ta có thể hiểu ra một đòi
hỏi của lãnh đạo Miến Điện là có một quân đội mạnh, xây dựng được hệ thống bảo
vệ biên phòng và một kế hoạch kinh tế có thể phân bố quyền lợi tương đối hài
hòa cho các sắc tộc. Họ đã thiên đô từ Rangoon vào Naypyidaw ở giữa rừng già
trên mạn Bắc cũng cho yêu cầu đó, về an ninh.
Huống hồ, từ khía cạnh lịch sử, Miến Điện còn lãnh một di sản
dã man khác của Đế Quốc Anh: từ trăm năm trước, nước Anh đưa dân Ấn vào phụ
trách phần vụ kinh tế, cho sắc dân đa số là người Miến một ít quyền hạn chính
trị và hành chánh, nhưng dùng các sắc dân thiểu số vây quanh vào nhiệm vụ bảo vệ
an ninh và quân sự. Chỉ sau khi thực dân Anh bị Nhật đánh bại trong Thế Chiến
II, dân Miến mới được quyền tham gia vào lãnh vực quân sự và từ đó mới dần dần
xuất hiện các thế hệ sĩ quan hay tướng lãnh đang cầm quyền ngày nay.
Sinh thời, Tướng Aung San đã phải giải quyết những bài toán
quá phức tạp ấy mà không thành. Ngày nay, con gái ông là Phu nhân Aung San Suu
Kyi đang xây dựng một chính quyền dân sự với chủ đích tương tự. Bà thừa hưởng
uy tín của thân phủ và được kính trọng vì ý chí đấu tranh cho dân chủ, đã qua
15 năm bị các tướng giam lỏng mà không thối chí, nên được đại đa số coi như người
mẹ của một nước Miến Điện hiện đại.
Nhưng con đường trước mặt còn nhiều gian nan.
Những thiểu số nổi loạn
Gian nan trước tiên của Miến Điện là chính quyền xứ này -
dân chủ hay chưa - không thể kiểm soát được vùng biên vực.
Trên lãnh thổ, có hơn hai chục nhóm thiểu số võ trang, với
vài trăm hay vài vạn tay súng, đang hùng cứ các vùng biên giới và coi đó là chủ
quyền chính đáng của họ. Từ cuối năm 2015, chế độ quân phiệt đã ký một tạm ước
định ngưng bắn với tám tổ chức, nhưng có bảy tổ chức vẫn từ chối tham gia, chưa
kể nhiều lực lượng mạnh nhất tại vùng biên giới Hoa-Miến thì không được mời vào
vòng đàm phán vì họ đang chiếm đóng các khu vực trọng yếu và rộng lớn nhất.
Đa số các nhóm võ trang này đều có đặc tính sơn cước, giỏi
du kích chiến, được trang bị võ khí tinh nhuệ. Họ còn có ưu thế địa dư là có thể
vượt biên giới để bảo toàn lực lượng khi bị tấn công và lợi thế kinh tế là kinh
doanh ma túy để tìm nguồn tài trợ. Trong hoàn cảnh đó, một số lực lượng võ
trang này chưa thấy sự nhượng bộ của chính quyền trung ương, từ các tướng lãnh
hay bà Aung San Suu Kyi, là đủ hấp dẫn.
Khi so sánh các tướng lãnh và đảng đa số hiện nay là Liên
Minh Quốc Gia vì Dân chủ, thì Aung San Suu Kyi tương đối là đáng tin cậy hơn
khi đề nghị hòa giải. Hậu thuẫn của quốc tế cho vị nữ lưu này cũng là sức mạnh
đáng kể. Vì vậy, trong khung cảnh vẫn còn tranh tối tranh sáng, nhiều nhóm thiểu
số đang suy tính lợi hại. Họ có thể tham gia sinh hoạt chính trị thay vì dùng
giải pháp bạo động quân sự.
Đấy là một lợi thế cho Aung San Suu Kyi khi đàm phán với các
tướng lãnh.
Quân phiệt và dân chủ
Chế độ quân phiệt đang từng bước nhượng bộ kể từ năm 2011
trong tinh thần gỡ bỏ màu sắc quân đội và cho tổ chức bầu cử khiến Liên Minh
NLD thắng lớn vào Tháng 10 năm ngoái. Thật ra, từ quân phiệt qua “bán độc tài,”
chế độ này vẫn nắm dao đằng chuôi với bản Hiến pháp và có thể cản trở việc cải
cách của Liên Minh NLD. Cũng chính hiến pháp ấy đã khiến bà Aung San Suu Kyi
không thể ra tranh cử tổng thống và phải đưa tay chân của mình vào một vị trí
chỉ còn tượng trưng mà ít thực quyền.
Sau khi bà Aung San Suu Kyi đề nghị đàm phán với mọi khuynh
hướng sắc tộc về một thể chế liên bang, là nội dung của Hội Nghị Panglong sắp tới,
chi tiết của sáng kiến vẫn chưa được công bố. Nhưng các tướng lãnh vẫn có thể
nêu ra phản đề nghị. Thí dụ như chỉ có thể nói về thể chế liên bang sau khi các
lực lượng võ trang thiểu số tự giải giới. Hoặc không thể gỡ bỏ các đặc quyền
kinh tế sẵn có của quân đội. Nếu giới quân sự đòi hỏi hai điều kiện ấy thì coi
như hội nghị tan vỡ.
Từ mấy tháng qua, một số chỉ dấu cho thấy quan hệ giữa bà
Aung San Suu Kyi với giới tướng lãnh đang cải thiện. Họ cho rằng bà có vẻ linh
động và hòa hoãn hơn, nhất là giữ niềm sắt son với quân đội mà bà khéo gọi là
“Quân đội của cha tôi.” Chính quyền dân sự của bà vẫn cần tới hào quang của Tướng
Aung San và các tướng lãnh có thể duy trì được một phần thế lực chính trị của họ
nếu dám nhượng bộ. Vả lại, bà Aung San Suu Kui cũng xác nhận rằng việc bảo vệ
biên giới là một đòi hỏi chiến lược cho sự tồn vong của xứ sở, nên họ tin rằng
lãnh tụ dân sự này không dại khờ đến nỗi cột tay quân đội.
Sau cùng, họ cũng biết Tây phương đang theo dõi nội tình để
quyết định về các giải pháp ngoại giao, kinh tế và thậm chí quân sự. Chẳng những
các nước Âu-Mỹ có thể gỡ bỏ lệnh cấm vận mà còn nói đến huấn luyện và trang bị
quân sự cho chính quyền Miến.
Tuy nhiên, mấy chục năm mâu thuẫn giữa hàng tướng lãnh và những
người đấu tranh cho dân chủ nay đang ngồi trong chính phủ vẫn để lại nhiều chướng
ngại. Và sau khi chiếm đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử quốc hội, Liên Minh
NLD có vẻ như hết cần tới lá phiếu của các thành phần thiểu số nên bà Aung San
Suu Kyi càng có vẻ sát cánh với quân đội thì thành phần này lại càng nghi ngờ.
Và cả hai phe - quân đội lẫn các lực lượng võ trang thiểu số
- đều e ngại một điều: Aung San Suu Kyi say đòn chính trị và muốn trở thành
lãnh tụ tuyệt đối. Nhiều người đã thấy ra điều ấy.
Kết luận ở đây là gì
Hội Nghị Panglong chưa thể có kết quả lập tức vì quá nhiều
mâu thuẫn chất chứa từ quá lâu.
Bà Aung San Suu Kyi đã được giải Nobel Hòa bình vì đấu tranh
bất bạo động cho dân chủ.
Bây giờ, bà cần hành động tỉnh táo để mở ra một trang sử
khác cho Miến Điện. Không dễ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét