Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Hun Sen phản đối phán quyết quốc tế: Lợi bất cập hại

Trương Nhân Tuấn



Báo chí hôm qua có đăng tải tin tức ông Hunsen, Thủ tướng Campuchia, rằng ông này sẽ không ủng hộ phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực (CPA) tại La Haye, Hòa Lan. Theo ông Hunsen, vụ Phi kiện TQ về việc diễn giải và áp dụng sai Công ước 1982 về Luật Biển, là "một âm mưu chính trị". Ông Hunsen cũng cho rằng vấn đề giữa Phi và TQ là chuyện riêng của hai nước, không liên quan đến ASEAN.

Theo tôi, nếu đây là quan điểm chính thức của Vương quốc Campuchia, thì việc này sẽ mở màn cho những rắc rối về lãnh thổ giữa nước này với Thái Lan trong tương lai. Lãnh thổ của Campuchia hiện nay khoảng 50% diện tích đã được Pháp lấy lại từ Thái Lan qua những kết ước quốc tế. Mà nền tảng của "quốc tế công pháp" là gì nếu không phải là những kết ước quốc tế?

Nếu Campuchia không nhìn nhận phán quyết của Tòa thì chắc chắn Thái Lan cũng sẽ nhanh chóng vịn vào lý do này để phủ nhận mọi kết ước có liên quan đến biên giới đã ký kết (dưới áp lực của Pháp) từ đầu thế kỷ 20. Thái cũng có thể phủ nhận các phán quyết của Tòa đã xử trước đây về tranh chấp biên giới giữa hai nước.

Campuchia không thể phản biện lại Thái Lan, bởi vì chính Campuchia đã ủng hộ việc phủ nhận pháp lý quốc tế.

Quan điểm của Hunsen về ASEAN cũng có vấn đề. Nên biết, quan điểm của ASEAN trong vụ Campuchia kiện Thái Lan năm 2011, là "tôn trọng phán quyết của Tòa và yêu cầu các bên thi hành án lệnh của Tòa tùy theo luật pháp của mỗi quốc gia".

Vụ này Campuchia kiện Thái Lan lên Tòa Công lý Quốc tế (CIJ) tháng 4 năm 2011 về việc "giải thích lại nội dung án lệnh của Tòa CIJ năm 1962 về chủ quyền ngôi đền Preah Vihear".

Vụ kiện này Campuchia thắng. Tòa tuyên bố ngôi đền và vùng đất chung quanh (4,5km²) thuộc về Campuchia.

Trong vụ kiện nay thái độ chung của các nước ASEAN là không ủng hộ bên nào chống bên nào mà thể hiện ý chí "thượng tôn pháp luật" (quốc tế pháp trị).

Nếu Hunsen (vì được viện trợ của TQ) phản đối ASEAN ra quan điểm chung về phán quyết của Tòa CPA sắp tới, mặc nhiên Hunsen đã đi ngược lại các nguyên tắc về "pháp trị - rule of law".

Hunsen ủng hộ đòi hỏi phi lý của TQ ở Biển Đông, phủ nhận các nguyên tắc nền tảng của công pháp quốc tế. Phía Thái Lan nhân cơ hội này sẽ đặt lại toàn bộ các kết ước về lãnh thổ mà nước này đã phải ký kết vì áp lực của đế quốc Pháp trước kia.

Trước hết là chủ quyền ngôi đền Preah Vihear.

Tòa Công lý Quốc tế phán (năm 1962) ngôi đền này thuộc chủ quyền của Campuchia, mặc dầu trong văn bản công ước phân định biên giới (1904 và 1907) ngôi đền này thuộc về Thái Lan.

Rắc rối đến từ việc bản đồ phân định (do Pháp vẽ) không đúng với nội dung văn bản.

Theo văn bản, đường biên giới là đường phân thủy của rặng núi Dangrek, tức ngôi đền thuộc về Thái Lan. Nhưng bản đồ (do Pháp vẽ sau này) thì ngôi đền thuộc Kampuchia.

Theo tập quán quốc tế, văn bản có giá trị cao hơn bản đồ. Nhưng trong vụ này Tòa xử Thái Lan (bị estoppel) "đã mặc nhiên nhìn nhận bản đồ", vì đã không phản đối trong một thời gian dài.

Dĩ nhiên vụ này Thái Lan bị "xử ép". Nước này có thể nại cớ, nếu Campuchia không tuân thủ các phán quyết của tòa (vụ Phi kiện TQ), thì không có lý do gì Thái Lan phải tuân thủ các phán quyết của CIJ.

Sau đó là chủ quyền các tỉnh Battambang, Sisophon, Siemreap... tức vùng lãnh thổ phía hữu ngạn sông Cửu Long. Các vùng lãnh thổ này đã thuộc về Thái Lan trước khi Pháp vào Đông Dương

Nhờ Pháp can thiệp (bằng vũ lực), Thái Lan trả các vùng đất này cho Campuchia năm 1893.

Tuy vậy, đến năm 1941 (nhờ liên minh với Nhật) Thái lấy lại được các vùng lãnh thổ này. Đến tháng 12 năm 1946, Nhật thua trận, lãnh thổ này trả lại cho Pháp.

Tức là những lời tuyên bố của Hunsen "lợi bất cập hại". Ông này làm thủ tướng mà không thuộc lịch sử. Tệ hại hơn nữa là ông không biết những nguyên tắc về luật.

Campuchia hiện hữu và được bảo toàn lãnh thổ đến hôm nay là nhờ "luật quôc tế" bảo vệ. Đối với VN và Thái Lan, Campuchia phải dựa vào các tấm bản đồ mà Sihanouk đã nộp cho LHQ từ thập niên 60. Nếu không có, không biết Nam Vang hiện nay đã thuộc về Thái Lan hay Việt Nam.

Tuyên bố của Hunsen đi ngược lại (nếu không nói là phản bội) các nguyên tắc của Luật quốc tế. Từ nay về sau Campuchia lấy cái gì để tự bảo vệ đây?


Nguồn: FB Trương Nhân Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét