Cuối cùng thì Tổng thống Barack Obama đã đến thăm Việt Nam
(23-25/5/2016), sau khi kế hoạch thăm bị hoãn vào cuối năm ngoái. Tuy việc hoãn
gây “hồi hộp” (suspense), nhưng điều đáng mừng là chuyến thăm đã thành công hơn
cả mong đợi. Thay vì “Muộn còn hơn không” (better late than never), Obama nói
ông “dành điều hay nhất cho sau cùng” (Save the best for the last). Nhưng có
người lại nói, “điều hay nhất vẫn còn chưa đến” (the best is yet to come). Như
một vở bi hài kịch, chuyến thăm muộn màng càng hấp dẫn và đầy kịch tính, với một
chút bất ngờ và bí ẩn, đã làm sống lại “Cơn sốt Obama” (Obamania), và làm bộc lộ
tâm thức phức tạp của người Việt, với những dư chấn và ẩn số cần tiếp tục giải
mã.
Cơn sốt “Obamania”
Nếu cho điểm, chắc Barack Obama sẽ được điểm cao (ngang với
Bill Clinton). Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, vì cả hai tổng thống Mỹ đều
có tài hùng biện và năng lực truyền thông, lại có đội ngũ cố vấn và trợ lý tài
giỏi phục vụ. Lần này đi cùng Obama còn có một nhân vật nổi tiếng của CNN là
Anthony Bourdain, dẫn chương trình “Những miền đất lạ” (Parts Unknown). Chương
trình “Parts Unknown” đã trở thành một điểm nhấn ẩn dụ cho chuyến thăm Việt Nam
của Obama. Có lẽ sự kiện “Bún chả Thượng đỉnh” là một thành công bất ngờ của
Nhà trắng (và CNN) bên cạnh tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí đầy kịch tính. Đúng là
người Mỹ thực dụng, kết hợp một công đôi việc, “vẹn cả đôi đường”.
Sự kiện “Obama ăn Bún chả” trên phố Lê Văn Hưu còn hấp dẫn
hơn sự kiện gia đình Clinton mua sắm trên phố Hàng Gai (năm 2000). Hình ảnh tổng
thống Obama giản dị, thân mật, dễ gần, đã tạo ra cơn sốt “Obamania”. Bên cạnh
tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí vào thời điểm “nhạy cảm” tại Biển Đông trong hai
tháng tới (như TNS McCain đã cảnh báo), Obama nổi bật lên như một ngôi sao truyền
thông trong chương trình “Parts Unknown” (mà CNN sắp tới sẽ phát). Đối với Việt
Nam, hình ảnh đúp đắt hàng của Obama gắn liền với hai vấn đề “nhạy cảm” là “Cam
Ranh và Nhân quyền”, vừa là điều kiện vừa là hệ quả của bỏ cấm vận vũ khí. Điều
đáng nói là luật chơi “đổi nhân quyền lấy vũ khí” đã thay đổi (vì hết tác dụng).
Bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam là bước khởi đầu (prelude) để
đột phá (breakthrough) cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, góp phần
tái cân bằng lực lượng tại Biển Đông. Người Mỹ không bao giờ bỏ mục tiêu nhân
quyền, nhưng lúc này chắc họ cần ưu tiên mục tiêu chiến lược trước. Có thể nói
đây là sách lược “lùi một bước để tiến hai bước”, nhằm khuyến khích Hà Nội “tham dự tích cực” (constructive engagement)
với hai đòn bẩy chính là TPP và hợp tác quốc phòng theo tầm nhìn chung, để từng
bước “thoát Trung”.
Tiến bộ về nhân quyền tại Việt Nam luôn phụ thuộc vào tiến bộ
về “thoát Trung”. Nếu không “thoát Trung” thì những tiến bộ nhỏ giọt về nhân
quyền, như thả một vàì tù chính trị để đánh đổi lấy một cái gì đó sẽ chỉ như
trò chơi “mèo vờn chuột”, để đối phó tình huống chứ không thể bền vững. Vì vậy,
muốn đổi mới cơ bản và bền vững, thái độ đối với vấn đề nhân quyền và dân chủ
phải dựa trên xây dựng lòng tin chiến lược và hợp tác chiến lược. Xét theo tinh
thần đó thì quyết định bỏ cấm vận vũ khí của Obama có ý nghĩa chiến lược.
Tâm thức bất an
Khác với thái độ vui vẻ, giản dị, thân thiện, đầy tự tin của
Obama, thái độ của lãnh đạo Việt Nam hầu như lạnh lùng, vô cảm, đầy căng thẳng
như đang lo lắng về điều gì đó bất an. Đây không phải chỉ là sự khác biệt về
dân trí và văn hóa ứng xử, mà còn do tâm thức và não trạng của họ lúc này. Hình
như có điều gì đó bất an đang diễn ra đằng sau hậu trường, mà hầu hết khán giả
không biết rõ. Nếu có, chắc chắn phải liên quan đến ông bạn “láng giềng lạ”.
Tuy Hà Nội rất muốn Washington bỏ cấm vận vũ khí, nhưng lại sợ Bắc Kinh nổi giận
phản ứng, nên có lẽ Mỹ-Việt buộc phải phối hợp diễn một cách miễn cưỡng.
Có mấy hiện tượng bất thường dễ thấy:
Thứ nhất, an ninh Mỹ có nhiều dấu hiệu đề phòng đặc biệt,
còn hơn cả đối phó với nguy cơ khủng bố của IS. Ngày giờ đến thăm “chính thức”của
Obama không được ấn định trước (như đón các nguyên thủ khác) mà thay đổi liên tục
(chỉ có “dự kiến”). Giờ hạ cánh của Air Force One được giữ bí mật tuyệt đối, đến
phút chót mới thông báo (sớm hơn 2 giờ so với “dự kiến”), đến vào lúc gần nửa
đêm một cách bí ẩn. Thủ tục đón tiếp tại sân bay rất sơ sài, chẳng có lãnh đạo
nào trên cấp thứ trưởng ra đón. Công tác đảm bảo an ninh tại khách sạn cũng như
những nơi đoàn đến được bố trí vô cùng chặt chẽ. Phải chăng họ biết có vấn đề
gì đó mà chúng ta không biết? Hoặc là để tránh làm “phật lòng” ông bạn “láng giềng
lạ”, hoặc là có nguy cơ về an ninh nên phải đề phòng tối đa, để đảm bảo an toàn
tuyệt đối.
Thứ hai, lễ tân cũng có nhiều điểm bất thường. Mặc dù Obama
thăm Việt nam “chính thức”, nhưng thủ tục lễ tân sơ sài khác hẳn với lễ đón
“sang trọng” khi CTN Trương Tấn Sang và TBT Nguyễn Phú Trọng đến thăm
Washington. Không có 21 phát đại bác chào mừng (như đón các nguyên thủ khác).
Obama không được mời đến Quốc Hội (như đồn đoán) để đọc diễn văn (như Tập Cận
Bình). Tại sao lại phải khiêm nhường như vậy, trong khi Obama là nguyên thủ của
siêu cường đứng đầu thế giới mà Việt Nam đang tranh thủ? Có điều gì đó không
logic. Tuy nhiên, phía Mỹ không “phật lòng” mà còn hợp tác “chiều” Việt nam,
như để phối hợp đối phó với một vấn đề gì đó rất nhạy cảm liên quan đến ông bạn
“láng giềng lạ”.
Thứ ba, thái độ các bên cũng rất bất thường. Trước và trong khi
Obama thăm Việt Nam, thái độ Trung Quốc tỏ ra khá mềm mỏng, “vui mừng” trước
chuyến thăm của Obama. Nhưng sau khi Obama “đơn phương” tuyên bố bỏ cấm vận vũ
khí, thì thái độ Trung Quốc thay đổi hẳn, phản ứng ra mặt. Trong khi đó, thái độ
của lãnh đạo Việt Nam khi đón Obama không những sơ sài mà còn tỏ ra lạnh lùng
như miễn cưỡng, thậm chí hơi lo lắng và căng thẳng (không biết là thật hay diễn).
Phải chăng phía Việt Nam lo ngại phía Trung Quốc sẽ nổi giận trả đũa, nên phải
làm như mọi chuyện là do phía Mỹ “đơn phương” bầy đặt ra, chứ không phải do
phía Việt Nam chủ động muốn thế. Tóm lại Là “vừa đ… vừa run”.
Thứ tư, vấn đề nhân quyền cũng khá phản cảm. Trong chương
trình, Obama sẽ gặp đại diện các nhóm nhân quyền và xã hội dân sự. Nhưng kết quả
chí có 6 người đến dự (trong tổng số 15 người được mời). Hầu hết những người
không đến được là do an ninh ngăn cản bằng nhiều cách. Trong khi báo chí mạng
và truyền thông xã hội lên cơn sốt “Obamania”, thì báo chí nhà nước đưa tin sơ
sài, thậm chí cố ý dịch sai lạc nội dung và cắt xén hẳn một số đoạn “nhạy cảm”
nói về nhân quyền trong diễn văn của Tổng thống Obama. Đây là một cách ứng xử lạc
hậu, thiếu chuyên nghiệp và thiếu văn hóa, gây phản cảm. Trong thời đại
Internet với truyền thông trực tuyến kỹ thuật số, thì cách “kiểm duyệt” thô thiển
đó không thể bưng bít được thông tin và không thể đánh lừa được ai, mà còn phản
tác dụng.
Thứ năm, thái độ người dân đón Barack Obama cũng phấn khích
như đón Bill Clinton trước đây. Một phần là do tác phong giản dị, thân mật và gần
gũi của Obama đã cuốn hút họ (do truyền thông và quan hệ công chúng làm tốt). Mặt
khác, do tâm lý sính ngoại và thích Mỹ của đa số người Việt. Theo khảo sát của
Viện nghiên cứu Pew, có 78% người Việt thích Mỹ, cao hơn nhiều so với các nước
khác trong khu vực. Người Việt ngày càng thất vọng và mất lòng tin vào thể chế
trong nước, nên lại càng có tâm lý dựa vào nước ngoài (cả kinh tế lẫn chính trị).
Trước đây trong chiến tranh, người Miền Nam đã dựa vào Mỹ, người Miền Bắc dựa
vào Trung Quốc hoặc Liên Xô (với tư duy “đã có Liên Xô lo”). Nay người Việt lại
muốn dựa vào Mỹ (cũng như dựa vào Trung Quốc). Tuy Obama tỏ ra rất thân thiện,
nhưng không muốn can thiệp vào nội bộ Việt Nam, mà khuyến khích người Việt tự lực
tự cường. Đã đến lúc người Việt phải hòa giải với nhau, để chung tay chấn hưng
đất nước. Nếu “không chịu phát triển”, cứ phân hóa, ném đá và chửi nhau về những
cái không đáng, thì chắc Mỹ cũng chịu.
Khẩn cấp: Mayday!
Đối với Mỹ, trong giai đoạn “hậu Obama” (từ 2017), khi tổng
thống mới có thể là bà Hillary Clinton (có nhiều khả năng) hoặc ông Donald
Trump, thì câu chuyện TPP và vấn đề Biển Đông chưa biết kết cục sẽ ra sao. Hầu
hết người Châu Á (trừ Trung Quốc) đều mong bà Hillary thắng cử, mặc dù mức độ
cam kết của bà ấy đối với TPP và xoay trục không còn như trước. Nhưng Donald
Trump mà thắng cử thì có thể là thảm họa. Hãy tận dụng tối đa thời gian còn lại
của chính quyền Obama, để tạo ra dòng chảy đối tác chiến lược.
Đối với Việt Nam, Mỹ đã bỏ cấm vận Vũ khí, nên cánh cửa hợp
tác quốc phòng đã rộng mở, quả bóng đang trong sân Việt Nam. Ngoài TPP (là chuyện
đã rồi) còn hai vấn đề chưa ngã ngũ mà Việt Nam phải sớm khẳng định hướng hợp
tác với Mỹ là vấn đề nhân quyền và quy chế sử dụng căn cứ Cam Ranh. Đó là hai vấn
đề quan trọng nhất. Còn Việt Nam định mua vũ khí gì, định tham gia huấn luyện
và tập trận thế nào, là vấn đề kỹ thuật cụ thể. Triển khai quan hệ đối tác chiến
lược (trên thực tế) nhanh hay chậm, nông hay sâu, chủ yếu là do phía Việt Nam.
Chính Obama đã nhấn mạnh đến yếu tố nội lực và thiện chí.
Tháng năm đánh dấu hai bước ngoặt mới: Một là Obama sang
thăm Việt Nam, với món quà bỏ cấm vận vũ khí. Hai là, nay Obama đã thăm và về rồi
thì chính phủ phải công bố kết luận về thảm họa môi trường tại Vũng Áng. Đây là
vấn đề cấp bách, không nên kéo dài thêm nữa, vì nó liên quan đến môi trường sống
và quyền sống của con người, mà Mỹ và Việt nam có thể hợp tác để khắc phục hậu
quả (cũng như về đồng bằng sông Me Kong).
Tháng năm hoa phượng đỏ rực các tuyến đường, nhưng “Hà Nội
hè này vắng tiếng ve kêu!” như một dấu hiệu bất thường về thay đổi khí hậu. Tại
sao loài ve sầu bé nhỏ đã sống sót qua nhiều triệu năm trên mặt đất cũng đang lặng
lẽ ra đi (như con người)?
NQD. 30/5/2016
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 30-5-16
Nguồn: viet-studies
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét