Cao Huy Huân
Ca dao Việt Nam có câu “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở
chùa lại quét lá đa”. Cá nhân tôi không hoàn toàn cho rằng việc cha truyền con
nối là hoàn toàn tiêu cực, bản chất nằm ở chỗ tính minh bạch và sự đồng thuận
chính trị, tức sự tín nhiệm thực sự cần phải được đảm bảo đến mức chấp nhận được.
Vụ ông Vũ Quang Hải, 28 tuổi, con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy
Hoàng, được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng ở Bộ Công Thương và Tổng CTCP
Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng như vậy.
Trước hết cần nói về tính minh bạch. Chưa bàn về vấn đề đúng
sai, phải quấy, vụ việc ngay khi được báo chí công bố đã cho thấy những khuất tất
gây nhiều tranh cãi, trong đó phần lớn thông tin cần phải được khai thác, điều
tra, đào xới để tìm ra sự thật. Việc bổ nhiệm một người không có quan hệ thân
thuộc vào những chức vụ quan trọng đã cần phải cẩn trọng, đừng nói chi đến việc
người được bổ nhiệm là con trai của một quan cấp bộ. Thế nhưng, cũng như rất
nhiều lần trước, với nhiều vụ “con quan” tương tự, thông tin và quy trình bổ
nhiệm dường như còn quá nhiều vấn đề phải bàn cãi. Sự thỏa mãn thông tin đối với
dự luận dường như chưa được đảm bảo, để lại một khoảng trống khiến phía dư luận
hoàn toàn có khả năng tự bơm lấp bằng hoàn loạt những giai thoại, những câu
chuyện của họ.
Việc khuất tất và thiếu thông tin được chính phía Hiệp hội
Các nhà Đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) chứng minh trên báo Người Lao Động (Việt
Nam). Một là về vấn đề ông Vũ Quang Hải có làm công ty Đầu tư tài chính dầu khí
(PVFI) thua lỗ hay không? Nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tức cha của ông Hải,
khẳng định khi bổ nhiệm con trai làm tổng giám đốc PVFI, công ty này đã thua lỗ
từ trước, với số tiền hơn 200 tỷ đồng. Việc kinh doanh lỗ trước đó không thuộc
trách nhiệm của Hải. Thực tế, qua hai năm Hải làm ở PVFI đã chặn được, không lỗ
tiếp nữa, thậm chí sau này còn có lời (dù không nhiều).
Phản biện quan điểm này, VAFI khẳng định thông tin Vũ Quang
Hải làm thua lỗ 220 tỉ đồng là căn cứ vào báo cáo tóm tắt đăng trên website của
PVFI. Trên trang Web của PVFI, phần giới thiệu lịch sử PVFI có nói rằng PVFI đã
kinh doanh có lãi khoảng 100 tỉ đồng trong 3 năm 2007, 2008, 2009. Đúng như
VAFI đặt vấn đề, đâu là thông tin đúng, thông tin sai? Báo cáo trên website
đúng (thực tế thì báo cáo trên website về nguyên tắc là báo cáo chính thức,
post báo cáo lên không thể làm thay đổi số liệu), hay là lời ông Hoàng, ông Hải
đúng? Nhất thiết phải giải quyết vấn đề này một cách minh bạch, rõ ràng, thuyết
phục.
Phản biện thứ hai nằm ở chỗ, giai đoạn ông Vũ Quang Hải làm
việc ở Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng xuất hiện mâu thuẫn. Bản
thân ông Vũ Quang Hải nói cá nhân ông về Cục này không theo ngạch công chức nhà
nước. Như vậy có thể hiểu rằng ông Vũ Quang Hải không phải công chức nhà nước.
Tuy nhiên phải nhớ rằng, chỉ có công chức nhà nước mới được bổ nhiệm làm Kiểm
soát viên. Đó là chưa tính đến việc trong thời gian ở Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu
(Cục Xúc tiến Thương mại), ông Hải lại được nhận chức Kiểm soát viên tài chính ở
Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam (một đơn vị độc quyền kinh doanh thuốc lá với
thu nhập rất cao và đặc biệt), còn ông Hoàng (cha của ông Hải) tại thời điểm ấy
lại đang là người đại diện của Tổng Công ty này. Sự mâu thuẫn trong lời nói của
ông Hải cũng cần được giải thích một cách thõa đáng, vì nó liên quan đến “quy
trình” – điều mà nhiều cá nhân vẫn cho rằng ông Hải đã theo đúng khi được bổ
nhiệm.
Phản biện thứ ba cũng rất cần được lưu ý chính là khi ông Hải
đến làm việc tại Sabeco, việc bổ nhiệm dường như có vấn đề pháp lý. TS Nguyễn
Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, phát biểu
trên báo Dân Trí (Việt Nam) rằng Sabeco là công ty cổ phần, không còn là doanh
nghiệp Nhà nước, Bộ Công Thương chỉ được quyền đề cử người vào thành viên Hội đồng
Quản trị, sau đó Đại hội đồng cổ đông bầu Hội đồng Quản trị rồi Hội đồng Quản
trị mới bổ nhiệm các chức danh Tổng Giám đốc và các Phó Tổng giám đốc... Khi bổ
nhiệm các chức danh đó thì có thể phải hỏi ý kiến Hội đồng Quản trị. Việc
Sabeco chủ động đi “xin” Bộ Công Thương là trái luật. Cần lưu ý, người đứng đầu
Bộ Công thương lại là ông Hoàng, cha của ông Hải. Thay vì hỏi ý kiến Hội đồng
Quản trị, vốn trong đó cũng có ít nhất 20% cổ phần của các đơn vị ngoài nhà nước
thì Sabeco lại chạy đến Bộ Công thương. Việc làm này, như ông Cung phân tích, vừa
trái luật, vừa không để ý đến lợi ích chung của cổ đông.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là làm sao để giảm thiểu và tiến đến
xóa bỏ những vụ “con quan thì lạt làm quan” gây bức xúc dư luận. Thứ nhất, nói
hoài và nói mãi, chính là tính minh bạch trong việc tuyển người. Tôi đồng tình
với quan điểm cho rằng Luật Doanh nghiệp của Việt Nam đã được cải thiện rất
đáng kể, thậm chí việc quy định bổ nhiệm, quyền và nghĩa vụ của đại diện vốn
Nhà nước, cơ cấu Ban giám đốc đúng với chuẩn mực quốc tế. Việc nói Luật có nhiều
kẽ hở thật ra không thuyết phục. Luật nói rất rõ là những người liên quan như
ông Hoàng (trong vai trò làm cha của ông Hải) là không được làm gì liên quan đến
bổ nhiệm. Báo chí đã nhiều lần đề cập đến việc cần phải tổ chức thi tuyển công
chức, lãnh đạo như vị trí của ông Hải. Nếu chỉ dựa vào đề xuất của Sabeco (suy
cho cùng cũng dưới trướng của ông Hoàng, cha của ông Hải) rằng ông Hải giỏi tiếng
Anh, có kinh nghiệm (khi tuổi đời còn quá trẻ) thì không thuyết phục, hoặc ít
nhất không thể thuyết phục người dân. Các tiêu chí của Sabeco như thế nào, hội
đồng chấm thi là ai, thì hình thức gì, barem điểm ra sao,... tất cả mọi thứ nhất
thiết phải được đưa ra minh bạch, rõ ràng, công bằng để ai đủ điều kiện đều có
thể dự thi.
Phải nhấn mạnh lại rằng ông Hải hoàn toàn có thể làm chức vụ
cao cấp nếu đủ năng lực và điều kiện. Quan trọng là, khái niệm “đạt yêu cầu” đó
phải do một đơn vị độc lập đánh giá dựa trên quy trình rõ ràng, tiêu chuẩn rõ
ràng, người chấm có năng lực và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ ai. Tất cả thông
tin này phải đảm bảo công luận muốn biết sẽ có ngay lập tức – minh bạch tuyệt đối.
Tổng thống Mỹ cũng có cha làm, con nối nghiệp, thì việc cha làm quan con nối
nghiệp cha không phải không chấp nhận được. Quan trọng là cách làm và mọi thứ
phải mang lại sự đồng thuận cao, hài lòng cao của người làm chủ - tức nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét