Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

Chữ và Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa


Ði tìm một nội dung mơ hồ mà chình ình trước mắt

Tuần qua, vụ khủng bố tại thành phố Orlando của tiểu bang Florida khiến 49 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương lại khiến mực chảy hơn máu. Người ta tranh luận về nguyên nhân và trong không khí hực lửa của cuộc tranh cử tổng thống, cuộc tranh luận khiến chúng ta ngao ngán về nền dân chủ Hoa Kỳ.

Nổi đình đám và gây âm vang dữ dội nhất là bài diễn văn của ứng cử viên Donald Trump bên đảng Cộng Hòa. Nhiều người chẳng thèm xem kỹ bài diễn văn được phóng lên truyền hình, nhưng lại dựa vào lời tường thuật của truyền thông về bài diễn văn. Ðâm ra ta có ba tầng mây khói về cùng một sự kiện: vụ khủng bố, cách nhìn của ứng viên đang muốn xin phiếu của quần chúng và cách loan tải của báo chí về bài diễn văn.

Nhìn từ bên ngoài, chữ và nghĩa tại Hoa Kỳ có tầm quan trọng bất ngờ!

Về vụ khủng bố, hung thủ là một thanh niên sinh tại Hoa Kỳ trong một gia đình di dân đến từ xứ Afghanistan - đất của dân Afghan - tên là Omar Mateen. Ngay tại hiện trường, trong khi đang nã súng vào đám đông, ba lần hung thủ xác nhận với cảnh sát qua đường dây 911, rằng hắn hành động như vậy để làm sáng danh Thượng Ðế Allah và đấng Tiên Tri Mohamed của đạo Hồi, theo sự hướng dẫn của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ISIS và lãnh tụ Abu Bakr al-Baghdadi.

Tức là chẳng còn ai có thể nghi ngờ gì về nguyên nhân hay động lực.

Nhưng hôm 20, khi Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ công bố nội dung cuộc điện đàm của Omar Mateen qua một bản sao chép thì các chi tiết liên quan đến Hồi Giáo đều hoặc bị xóa hoặc bị sửa, chỉ để lại một chữ Thượng Ðế (God) rất mơ hồ. Nhà chức trách, ở cấp cao nhất của Bộ Tư Pháp, trên cả thẩm quyền của cơ quan điều tra FBI, đã cạo sửa một hồ sơ pháp lý. Vì lý do chính trị?

Bước qua tầng thứ hai, là bài diễn văn của Donald Trump về vụ khủng bố. Ông đả kích chánh sách bảo vệ an ninh nội địa của chính quyền Barack Obama và chú trọng đến danh tánh của hung thủ đã bị hạ sát tại hiện trường:

“Kẻ sát nhân là một người Afghan, có cha mẹ là dân Afghan đã di tản qua Mỹ. Người cha của hắn từng công bố việc ủng hộ lực lượng Taliban tại Afghanistan, một chế độ đã sát hại những ai không đồng ý với quan điểm quá khích của họ. Ông ta còn nói rằng đang tranh cử chức tổng thống tại xứ này. Kết cuộc thì chỉ có một lý do ban đầu khiến hung thủ sống tại Hoa Kỳ là chúng ta đã cho phép gia đình hắn vào đây. Chúng ta có một hệ thống di dân lệch lạc khiến ta không được biết ai đã được nhập cư và khiến ta không bảo vệ được công dân của mình.”

Qua đến tầng ba thì truyền thông báo chí gây thêm nhiễu âm bằng màn khói ngôn ngữ.

Nhật báo The Washington Post đi tựa đề theo phép quy nạp: “Dường như Donald Trump muốn liên hệ Tổng Thống Obama vào vụ bắn súng tại Orlando.” Xin để ý đến chi tiết nhạt nhẽo là “vụ bắn súng,” với cái tội là cây súng, khác với “vụ khủng bố hay tàn sát tại Orlando.” Chữ nghĩa nặng ngàn cân.

Người không hiểu nội vụ, hoặc sẵn thiên kiến với ứng cử viên năng nổ này, có thể lướt tin đó của tờ WaPo rất nhanh và kết luận, rằng The Donald kết án tổng thống đã bí mật gặp Omar Mateen! Nếu không, tại sao lại nói Tổng Thống Obama có liên hệ đến vụ bắn súng tại Orlando? Liên quan là đồng lõa?

Dĩ nhiên, kết luận ấy sai vì Donald Trump chẳng hề nói vậy. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cảm quan và ấn tượng về cách loan tin.

Hơn 10 năm trước, cũng tờ Post đã dùng thủ thuật ngôn ngữ đó để liên kết Tổng Thống George W. Bush với trại tù Guantanamo và vụ ngược đãi tù nhân trong trại tù Abu Ghraib và giải thích hiện tượng chống Mỹ trong thế giới Hồi Giáo. Trách nhiệm là Tổng Thống Bush, từ chiến trường Iraq tới trận bão Katrina. Dù hay ứng khẩu nói liều, ứng cử viên Donald Trump không hề nhảy cóc như thế!

Chẳng riêng gì tờ Post, đài truyền hình MSNBC cũng nhảy cóc khi “mở cuộc điều tra” về lời phát biểu của Trump: “Ứng cử viên này nói sai khi bảo Omar sinh tại Afghan.” Nàng xướng ngôn viên Katie Tur của đài này không phân biệt được chi tiết tối thiểu, mãi hôm sau MSNBC mới sửa. Afghan là tên sắc dân và Afghanistan mới là đất của dân Afghan. Donald Trump chỉ nói hung thủ Omar Mateen là người Afghan, sinh tại Hoa Kỳ.

Chi tiết ấy khiến chúng ta phải đi xa hơn một chút về chữ và nghĩa khi người ta cần chụp mũ.

Một kẻ cuồng tín đã sát hại đám đông vô tội - như tại Orlando, San Bernardino, cuộc chạy bộ Boston Marathon, trại Fort Hood, v.v... - được truyền thông phải đạo loan tin đúng là “người Mỹ.” Ðúng mà không đủ khi họ cố che giấu xuất xứ hoặc đặc tính sắc tộc, văn hóa và tôn giáo. Các hung thủ đến từ Afghanistan, Pakistan, Saudi Arabia, hay Dagestan, nhưng đều sùng chuộng tư tưởng Hồi Giáo quá khích. Tư tưởng đó mới là chuyện chính.

Nhưng khi nói đến khía cạnh tích cực như đã tốt nghiệp đại học thì xuất xứ của đương sự được nhấn mạnh. Và khi hung thủ bị nêu tên thì người nào đả kích được truyền thông chụp cho cái mũ, rằng ông này bà kia kể tội người Afghan, người Pakistan hay Lebanon, Dagestan. Quốc tính và quốc tịch có sự khác biệt và nói đến quốc tích, gốc gác sắc tộc hay văn hóa, là mang tội kỳ thị.

Hàng ngày, chúng ta thường tiêu thụ loại tin chất chứa nội dung sai lạc ấy, mà không biết.

Nhìn từ bên ngoài thì sau mỗi vụ khủng bố, dư luận Hoa Kỳ lại lên cơn sốt và cãi nhau về chuyện bên lề. Tội là ở khẩu súng, súng lục hay súng liên thanh có giấy phép hay không là chi tiết nhỏ. Tội là ở chánh sách tiếp nhận di dân, dù Hoa Kỳ thành hình từ di dân tứ xứ. Tội là do chánh sách đối ngoại của Mỹ tại Trung Ðông, dù Hoa Kỳ đã yểm trợ dân Hồi Giáo tại Âu Châu khi Cộng Hòa Liên Bang Nam Tư tan rã mà vẫn bị khủng bố Hồi Giáo tấn công từ năm 1993 dưới thời Bill Clinton, trước khi có vụ khủng bố 9-11 và các chiến trường Afghanistan rồi Iraq, dưới thời Bush 43 rồi các chiến trường Libya và Syria dưới thời Obama...

Người ta tranh luận chuyện bên lề để tìm thắng lợi chính trị ngắn hạn, qua lối tường thuật có ẩn ý của truyền thông.

Nhìn trong viễn ảnh trường kỳ thì Hoa Kỳ là quốc gia quá trẻ nên nhiều người chẳng cần biết rằng mọi thể chế chính trị đều có thể bị nạn khủng bố, dưới tên gọi khác nhau, cho nhiều mục tiêu khác biệt. Chiến tranh bùng nổ từ các hành vi khủng bố và có thể dẫn tới sự hình thành của một hệ thống chính trị mới. Các tiểu vương quốc, rồi vương quyền, đế quốc hay quốc gia rồi ngày nay, chế độ kinh tế thị trường nhất thể hóa, đều từng bị khủng bố. Ðộng lực của hành vi khủng bố xuất phát từ một hệ thống tư tưởng, hay ý thức hệ, nhằm xây dựng một trật tự chính trị khác bằng sự hãi sợ.

Trong cả ngàn năm, các tiểu vương quốc đã sống bên nhiều trào lưu tôn giáo biết sử dụng bạo lực lẫn kẻ chém thuê giết mướn. Khi hội tụ thành vương quyền thì hoàng gia tích cực có thể lập ra các đội hải tặc bắn phá thương thuyền vô tội nên nhiều thương quyền, quyền lực thương mại kiểu công ty Ðông Ấn của Anh hay của Hòa Lan, cũng tự trang bị quân đánh thuê để loại bỏ đối thủ bằng phương pháp khủng bố. Khi Âu Châu thành lập các quốc gia dân tộc - nation-states - thì nhiều tổ chức vô chính phủ cũng phát động khủng bố. Khi các quốc gia này thành đế quốc thuộc địa họ chẳng từ nan hành động khủng bố chống các phong trào đấu tranh giành độc lập. Khi ấy, lịch sử hay báo chí có thể gọi đấy là “quân khủng bố” hay “giải phóng quân.” Cũng lại chữ và nghĩa!

Ngày nay, nền văn minh Tây phương đã tự cải thiện và đề cao quyền tự do, sự khác biệt và tinh thần sống chung dưới thể chế dân chủ trong thị trường mở rộng. Nhưng nền văn minh đó đang bị khủng bố tấn công, nhằm tiêu diệt một tuần báo châm biếm như tờ Charlie Hebdo tại Paris hoặc một câu lạc bộ giải trí của người đồng tính tại Orlando. Vấn đề không chỉ là quyền châm biếm hay đồng tính, hoặc chế độ kiểm soát súng đạn chặt chẽ như tại Pháp hay tự do như tại Hoa Kỳ.

Vấn đề là nhiều người cho rằng chế độ tự do hội nhập ấy không được quyền tồn tại.

Nền tự do chúng ta coi như hiển nhiên có giá trị của nền văn minh Tây phương đang bị kết án tử hình mà giới chính trị và truyền thông cận thị lại đi tìm điểm lẻ ở ngoài da, với chữ và nghĩa về di dân và võ khí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét