Nam Nguyên RFA
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Phủ
Chủ Tịch ở Hà Nội ngày 25 tháng Tư năm 2016.
Đảng cộng sản Việt Nam nhìn nhận tình trạng tham ô nhũng lạm,
con ông cháu cha, đặc quyền đặc lợi, cánh hẩu, lợi ích nhóm đang làm uy tín của
Đảng lung lay, nhân dân mất tin tưởng. Thế nhưng chống tham nhũng ở Việt Nam được
ví von như một trận đánh với kẻ thù nghìn mặt nghìn tay, không có kết quả.
Việt Nam đã ban hành Luật Chống tham nhũng từ hơn 10 năm
qua. Nhưng tình trạng tham ô nhũng lạm không hề giảm bớt mà ngày một thêm nhiều,
nở rộ trên mọi lãnh vực. Trong vài năm qua, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều
sử dụng ngôn từ rất kêu như tham nhũng là giặc nội xâm, tham nhũng là nguy cơ
diệt vong của đất nước. Nhưng nếu dựa vào xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế
thì Việt Nam vẫn chưa có sự cải thiện, cả ba năm 2013, 2014 và 2015 điểm số về
cảm nhận tham nhũng không nhúc nhích vẫn là 31/100, về thứ hạng thì năm ngoái
Việt Nam xếp thứ 112/168 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Dư luận Việt Nam và Quốc tế từng cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng
là người quyết tâm bảo vệ sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thành tích
không tai tiếng về tham nhũng đã giúp ông ngồi lại chức Tổng Bí Thư thêm một
nhiệm kỳ nữa. Giới đảng viên trung kiên và những người còn ủng hộ Đảng đã lóe
lên hy vọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi củng cố quyền lực sẽ mạnh tay
chống tham nhũng, thực hiện một hình thức như chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” bên
Trung Quốc. Giới thạo tin từng nối kết sự kiện Tổng Bí thư ra lệnh cho 9 cơ
quan Đảng và Nhà nước vào cuộc để làm rõ vụ xe Lexus tư nhân mang biển số công
và quá trình điều chuyển công tác của một Phó chủ tịch tỉnh ở Hậu Giang. Vụ việc
này dính líu tới Cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Tiếp ngay sau đó báo
chí đồng loạt phanh phui một số việc được cho là sai trái của cựu Bộ trưởng, kể
cả việc bổ nhiệm con trai ông là Vũ Quang Hải, một cán bộ 28 tuổi, quá trình
công tác rất xấu vào một chức vụ lãnh đạo bổng lộc lớn ở Tổng Công ty Bia rượu
nước giải khát Saigon (SABECO).
TS Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự nguyên Viện
trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS, từ Hà Nội nhận định:
“Ông Nguyễn Phú Trọng muốn học ông Tập Cận Bình để đả hổ diệt
ruồi, nhưng tình hình ở Việt Nam khác với Tàu. Ông Nguyễn Phú Trọng khó có thể
tập trung quyền lực một cách thô bạo như Tập Cận Bình để mà làm được những việc
của một nhà độc tài khủng khiếp như ông Tập Cận Bình. Nhiều khả năng, đây cũng
là những việc làm cho xì bớt những bức xúc của người dân, rồi đâu cũng vào đấy…
vì nếu mà đả hổ diệt ruồi hết cả Việt Nam thì là họ tự dẹp họ, nói chung là
không khả thi.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cho là nhân vật có rất nhiều
phát ngôn ấn tượng về chống tham nhũng. Hồi tháng 10/2014, ông Trọng có phát biểu
ở Hà Nội gây nhiều chú ý, diệt chuột đừng để vỡ bình. Hàm ý diệt tham nhũng
nhưng phải giữ được sự ổn định cho chế độ.
Giấy điều động Vũ Quang Hải làm thành viên Hội đồng Quản trị
đại diện cho cổ phần nhà nước, kiêm chức phó tổng giám đốc Công ty Bia rượu nước
giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Trong những dịp tiếp xúc cử tri Hà Nội, nhiều lần ông Nguyễn
Phú Trọng đã được nghe những lời nhận xét ai oán. Điển hình như cử tri Nguyễn
Khắc Thịnh phát biểu vào ngày 27/9/2013 khi gặp gỡ Tổng Bí thư. Theo
VietnamNet, vị cử tri đứng tuổi đã nói xin dẫn nguyên văn: “Trước đây chỉ là những con sâu đơn lẻ đục
khoét xã hội, giờ là những con sâu đầy quyền lực, liên kết thành những nhóm lợi
ích, thành những vòi bạch tuộc trong chính các cơ quan công nguyền, khiến người
lương thiện e ngại, ngày càng ít ai dám đứng lên chống tham nhũng.”
Chung quanh chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam, Luật sư Trần
Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Từ Saigon nhận định rằng, nếu
thực sự muốn chống tham nhũng thì phải bắt đầu từ những người đương chức đương
quyền. Ông nhắc lại vụ bê bối của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh Tra
Chính phủ, bị báo chí phanh phui có nhiều bất động sản giá trị lớn và 5 tháng
trước khi về hưu năm 2011, ông Truyền đã ký quyết định bổ nhiệm 60 cán bộ cấp vụ
và tương đương, Luật sư Trần Quốc Thuận tiếp lời:
“Tôi nghĩ có làm thì làm ngay những người đương chức, hồi
trước đã làm vụ ông Trần Văn Truyền nguyên Tổng Thanh Tra Chính phủ, nhưng thực
tế bây giờ nếu rà soát thì bao nhiêu người có nhiều nhà cửa như ông Truyền, bao
nhiêu người có tài sản ngổn ngang như ông Truyền, họ có hàng trăm, hàng nghìn tỷ,
hàng mấy chục nghìn tỷ. Ở đất nước này người dân đều biết, nhưng họ chán rồi bởi
vì những người chỉ ra cụ thể thì không có cơ chế để bảo vệ người tố cáo.
Chuyện tố cáo là rất nguy hiểm, như ông Tổng Cục chống tham
nhũng cũng từng nói, mình muốn điều tra người ta thì người ta đã xử mình trước
rồi. Hoặc là Phó Giám đốc Công an TP.HCM Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng nói, muốn
điều tra theo dõi thì phái báo cáo cấp này cấp kia đủ thứ… cho nên một cơ chế
như thế thì những cuộc đấu tranh chỉ làm để tuyên truyền, chứ thực tế nó không
mang lại kết quả gì.”
Ông Nguyễn Phú Trọng, lấy lại chức Trưởng Ban Chỉ đạo Trung
ương về Phòng chống tham nhũng từ tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2013.
Tuy vậy ông đã không đạt kết quả gì đáng chú ý, lúc đó giới phân tích cho là
ông không có đủ quyền lực, dù là Tổng Bí Thư. Các diễn biến thể hiện việc ông
không đưa được ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban nội chính Trung ương vào Bộ
Chính trị. Tiếp sau đó là cái chết bất ngờ của nhân vật được tiếng là nói thẳng
nói thật, ông Nguyễn Bá Thanh từng thề bắt hết nhốt hết bọn tham nhũng.
Hiện nay trong nhiệm kỳ thứ nhì, theo giới phân tích chính
trị Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã có được một Bộ Chính trị như ý muốn, hoặc
ít nhất không có ai chống lại ông. Tuy vậy việc thực hiện lời hứa cùng nỗ lực chống tham nhũng của ông cũng chưa rõ
nét lắm.
Làm thế nào để có thể chống tham nhũng trong cơ chế chính trị
một Đảng độc quyền ở Việt Nam, ở nơi không nhìn nhận nguyên tắc tam quyền phân
lập. Luật sư Trần Quốc Thuận nêu ý kiến:
“Phải thực hiện những cam kết về nhân quyền, về các quyền
chính trị kinh tế xã hội mà Việt Nam đã ký kết, Việt Nam bây giờ là thành viên
của tổ chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Thực hiện đúng những công ước mà Việt
Nam ký kết, làm đúng theo Hiến pháp qui định, đừng treo nó, thì tình hình có thể
khá lên… vấn đề là có làm hay không làm mà thôi. Việt Nam có luật đầy đủ hết rồi,
không thiếu đâu, nhưng mà ai làm mà làm ai và người ta thường nói ở Việt Nam là
nếu chống thì ai chống ai…
Tham nhũng là gì, là người có chức có quyền mà ăn cắp ăn trộm,
chiếm đoạt tài sản của nhà nước thì gọi là tham nhũng, cần nhớ là người đang có
chức có quyền… nếu chống người có chức có quyền thì là mình chống mình…”
Báo chí và chuyên gia từng nói chống tham nhũng ở Việt Nam
mang tính cách hình thức và không thực chất. Thực tế rất đơn giản, để có thể thực
hiện hành vi tham nhũng, thì cần có sự chống lưng, bao che, chia chác với cấp
cao hơn. Ở Việt Nam các vụ án tham nhũng chỉ thấy những cán bộ, công chức cấp
nhỏ hoặc cấp trung bị đem ra xử và không thấy truy xét trách nhiệm liên đới tới
cùng. Giới phản biện nhận xét trên mạng xã hội rằng, Việt Nam chỉ có thể đập
vài con ruồi lẻ tẻ, chưa thể diệt ruồi hàng loạt và hoàn toàn không có khả năng
đả hổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét