Huy Đức
Sáng qua, trên lề đường phố Bát Đàn, khi tôi đang đọc bài
trên Zing về Bob Kerrey thì gặp nhà báo Quoc Phong dẫn một ông Tiến sỹ Việt Kiều
(qua Mỹ từ 1968) tới ngồi cùng hàng chè chén.
Vị Giáo sư - từng thiên tả thời sinh viên - kể, mấy đứa con
của ông sinh ra ở Mỹ, cũng đang trở nên rất "tả", chúng bức xúc với
các "mặt trái của xã hội Mỹ". Nhưng, khi về Việt Nam, theo một dự án,
được Trung ương Đoàn đón tiếp "nồng ấm" lại ca ngợi Việt Nam như là một
xã hội không có bao nhiêu "mặt trái".
Rồi chúng tôi bàn một chút về "thiên tả". Tôi nói
với ông Tiến sỹ, Marx không phải không đúng khi chỉ ra những khiếm khuyết của
CNTB thời ông. Nhưng Marx và các cộng sự đã không nhận ra rằng, CNTB ngay cả
khi "hoang dã" nhất vẫn có thể sinh ra và chứa chấp Marx, những người
có thể chỉ ra sai lầm của nó. Marx và các cộng sự đã sai khi không nhận ra khả
năng đón nhận chỉ trích và tự điều chỉnh của mô hình mà các ông ấy sống.
Chính phủ Mỹ cấp học bổng cho hàng nghìn sinh viên Việt Nam và tôi
chưa từng nghe nói họ đưa ra ràng buộc nào với những người này ngoại trừ việc
phải quay về VN phục vụ. Cũng có nhiều du học sinh choáng ngợp với sự "phồn
vinh", trong khi cũng có nhiều người trở nên "tả" hơn khi tiếp cận
với môi trường đại học Mỹ – nơi cả sinh viên và Giáo sư thường xuyên chỉ trích
chính quyền của mình.
Họ (các Giáo sư và sinh viên Mỹ) làm thế vì cho rằng, bổn phận
của chính quyền là phải làm tốt, cho nên chính quyền có làm gì đó tốt là đương
nhiên – báo chí và trí thức không việc gì phải khen – chỉ khi chính quyền làm
sai, chính khách nói bậy thì báo chí và trí thức mới phải ào ào chỉ trích.
Chính Obama khi ở Hà Nội cũng thừa nhận nước Mỹ vẫn còn rất
nhiều vấn đề. Những việc làm của Bob Kerrey trong chiến tranh Việt Nam bị báo
chí Mỹ điều tra khi ông đang còn là một Thượng nghị sỹ có nhiều quyền lực.
Việc làm đó của các nhà báo ở Washington Post, New York
Times... thật đáng ngưỡng mộ. Tôi nghĩ, các nhà báo Việt Nam coi trọng sự thật
và đề cao tính minh bạch ngoài việc thông tin các thành quả của đồng nghiệp, nếu
thực sự yêu nước, cũng nên làm những cuộc điều tra tương tự về phía chính quyền
mình.
Có thể các trí thức, nhà báo khi chỉ trích Mỹ đã tin rằng
chính quyền Việt Nam tốt hơn chính quyền của Mỹ. Nhưng theo tôi, nếu muốn VN
không xấu đi thì thay vì chỉ chỉ trích Mỹ vẫn phải chỉ ra những cái sai hiện tại
và những cái sai trong quá khứ của chính quyền mình. Chỉ có minh bạch mới giúp
các chính quyền bớt đi những hành vi mờ ám.
Tôi cũng rất muốn biết vì sao FUV lại chọn một người dễ gây
tranh cãi như Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng tín thác. Nhưng tôi nghĩ, ông
Thomas J. Vallely – người dành gần ba thập niên giúp Việt Nam và đang dồn hết sức
mình cho FUV, vừa được trao giải thưởng Phan Châu Trinh – chắc chắn có lý do
khi đưa ra quyết định đó. Tôi nghĩ, các nhà báo thay vì chỉ trích, nên tạo điều
kiện cho hai ông nói thêm những cân nhắc của họ khi đưa ra quyết định này.
Lần trở lại mới đây của Bob Kerrey làm tôi nhớ tới sự kiện
năm 1998, năm kỷ niệm 30 năm cuộc thảm sát Sơn Mỹ. Khi đó, đài truyền hình CBS
đưa Hugh Thompson và Lawrence Colburn – hai phi công Mỹ dùng trực thăng cứu
hàng chục người dân Sơn Mỹ khỏi cuộc thảm sát bởi những lính Mỹ khác – tới Quảng
Ngãi.
Những người làm phim của chương trình "60 phút",
bao gồm cả phóng viên huyền thoại Mike Wallace, muốn có một cuộc gặp giữa hai
ông với chính quyền tỉnh. Nhưng Quảng Ngãi từ chối. Đúng lúc đó thì Thủ tướng
Phan Văn Khải công cán đến tỉnh này.
Trong giờ ăn trưa, khi có Bí thư Võ Đức Huy, tôi kể chuyện
đó với Thủ tướng. Ông Phan Văn Khải nói ngay: "Huy, sao lại không tiếp họ;
ngay cả những người lính đã bắn vào mình trong cuộc thảm sát đó mà tới đây, muốn
gặp, mình cũng sẵn sàng gặp để nghe xem họ muốn nói gì". Tỉnh Quảng Ngãi
sau đó đã đưa một Phó chủ tịch tiếp Thompson, Colburn và các nhà báo Mỹ (Đương
Phạm).
Không phải Thủ tướng Phan Văn Khải quên "tội ác" của
họ, tôi nghĩ, ông hiểu, ngay cả những người "đã gây tội ác" bây giờ
quay trở lại VN đã ở trong tâm thế khác và đặc biệt là họ không còn mang theo
vũ khí.
Theo tôi, báo chí VN cũng không nên né tránh chuyện ông Bob
Kerrey đã từng tham gia "thảm sát phụ nữ trẻ em". Nhưng đừng sử dụng
những ngôn từ súng đạn. Bob Kerrey đến VN lần này không phải là lần đầu và ông ấy
không còn là "đại úy biệt kích" lăm lăm dao súng nữa.
H.Đ.
Phụ lục
Ông Bob Kerrey nói về Đại học Fulbright
Ông Kerrey nói sẵn sàng rút lui nếu việc tham gia gây bất lợi
cho Đại học Fulbright Việt Nam
Chủ tịch Đại học Fulbright ở Việt Nam Bob Kerrey nói ông đã
vận động để thành lập trường này từ đầu thập niên 1990 nhưng nay 'sẵn sàng rút
lui'.
Trang mạng có tiếng ở Việt Nam, Zing, hôm 30/5 chất vấn việc
chọn ông Kerrey, một người họ nói từng "tham gia thảm sát" phụ nữ và
trẻ em trong cuộc chiến Việt Nam.
Trong điện thư trả lời Nguyễn Hùng của BBC Tiếng Việt hôm
31/5, ông Kerrey viết:
"Tôi tham gia dự án này từ năm 1991 khi Chiến tranh Lạnh
chấm dứt và chúng tôi phân bổ tiền [từ quỹ] Fulbright Hoa Kỳ để lập trường đại
học ở thành phố Hồ Chí Minh mà đứng ra tổ chức là một trung tâm ở [Đại học]
Harvard. Chúng tôi tăng cường chương trình đại học theo [khuôn khổ] pháp lý hồi
năm 1995 vốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và đã được mở rộng thêm nữa hồi
năm 2000 với điều luật mà tôi đồng bảo trợ.
"[Trường] Harvard và New School, lúc đó tôi là lãnh đạo,
đã thực hiện hai nghiên cứu cho Bộ Giáo dục của Việt Nam về vấn đề Việt Nam cần
làm gì để có một đại học độc lập ưu việt. Đại học Fulbright Việt Nam là kết quả".
clip_image004Ông Kerrey [không có trong hình] từng là lính đặc
nhiệm trong Cuộc chiến Việt Nam và bị thương ở chân tới mức phải giải ngũ
Cựu Thượng Nghị sỹ bang Nebraska cũng nói những người tham
gia thành lập trường đã cố gắng thuyết phục Quốc hội Hoa Kỳ cung cấp ngân khoản
để trường có thể hoạt động. Cuối cùng Quốc hội đã đồng ý với điều kiện Việt Nam
góp vốn tương ứng mà trong trường hợp này bằng việc cấp đất cho trường ở thành
phố Hồ Chí Minh.
Ông Kerrey nói thêm có nhiều khả năng Quốc hội sẽ cung cấp
thêm tiền cho trường và bản thân trường cũng đã bắt đầu những cố gắng riêng để
gây quỹ, nhất là quỹ để hỗ trợ tài chính cho sinh viên.
Vị Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam cũng nói ông được Hiệu
trưởng Đàm Bích Thủy và những người liên quan đề nghị làm Chủ tịch và giải
thích thêm:
"Chức danh này, tôi tin là hợp lý khi nói, nó to tát
hơn ở Việt Nam so với ở Hoa Kỳ nơi chức danh dành cho người đóng vai trò chính
trong việc gây quỹ cho Hiệu trưởng.
"Tôi chắc chắn là có nhiều người đủ khả năng để làm Chủ
tịch và tôi sẽ vui lòng rút lui nếu tôi thấy vị trí của tôi ảnh hưởng không tốt
tới sự phát triển của trường".
'Hành động kinh khủng'
Nói về sự cố trong chiến tranh mà trong đó ông bị cáo buộc
chỉ huy nhóm đặc nhiệm gây ra vụ "thảm sát" hơn 10 phụ nữ và trẻ em,
ông Kerrey viết cho BBC:
"Hành động của tôi ở Việt Nam là kinh khủng và tôi tin
là đã được xem xét kỹ...
"Đó không phải là Mỹ Lai. Tuy nhiên, như phim tài liệu
của Ken Burns sẽ sớm được phát cho thấy: Chiến thuật của chúng tôi đã khiến ít
nhất một triệu người vô tội thiệt mạng".
Chúng ta phải đối diện quá khứ một cách thành thật ngay cả
khi nó gây đau khổ. Nhưng chúng ta không được sống trong quá khứ. Tương lai là
tất cả những gì chúng ta có - Cựu Thượng Nghị sỹ Bob Kerrey
Một phóng sự điều tra trên New York Times cách đây nhiều năm
từng dẫn lời cựu sỹ quan quân đội Hoa Kỳ nói trước mùa hè năm 1968 binh lính chỉ
được nổ súng khi bị bắn.
Tuy nhiên sau đó họ đã được quân đội cho phép nổ súng khi cảm
thấy bị đe dọa.
Ông Kerrey nói thêm: "Chúng ta phải đối diện quá khứ một
cách thành thật ngay cả khi nó gây đau khổ. Nhưng chúng ta không được sống
trong quá khứ. Tương lai là tất cả những gì chúng ta có".
Trước đó trong điện thư trả lời trang Zing ông cũng viết:
"Tôi đã xin lỗi người Việt về những gì tôi gây ra trong
chiến tranh và giờ tôi xin lỗi lại một lần nữa. Một cách chân thành và cùng những
nỗi đau của ký ức mãi mãi ám ảnh, tôi xin lỗi những người mà tôi đã gây hại tới...
"Nhưng một lời xin lỗi sẽ luôn là không đủ. Nó giống
như món xúp cá mà thiếu con cá vậy. Vì thế, tôi cố gắng giúp người Việt mỗi khi
có thể. Như đóng góp chấm dứt đạo luật TWEA (coi Việt Nam như nước thù địch),
bình thường hoá quan hệ, ủng hộ đàm phán BTA, và đặc biệt là ủng hộ nỗ lực cải
thiện hệ thống giáo dục Việt Nam thông qua chương trình Fulbright".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét