Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016
Ai bóp méo chính sách để trục lợi? - Phạm Nhật Bình
“Nhóm lợi ích” và tác hại của nó ở Việt Nam đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần cùng với vấn nạn tham những như một cặp song sinh bất trị.
Ngày nay, nói tới nhóm lợi ích, ai cũng biết nó hình thành từ đâu, do ai, có mục đích gì và thao túng nền kinh tế đất nước như thế nào. Tuy nhiên việc chỉ mặt điểm tên những nhóm lợi ích đang khống chế nền kinh tế nước nhà thì những người trong cuộc chỉ mới đề cập thoảng qua như phe phẩy quạt trong mùa hè.
Mới đây, trong một cuộc hội thảo mang chủ đề “Chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ: tầm nhìn và hành động” do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển tổ chức tại Hà Nội, vấn đề này lại được mang ra thảo luận như một thực trạng không mấy lạc quan.
Thực trạng ấy được một viên chức từng giữ chức Phó ban Tổ chức Trung ương mô tả là có những thế lực mờ ám “bẻ ghi”, cố tình bóp méo các chủ trương, lèo lái chính sách và luật pháp của Nhà nước để trục lợi cho nhóm lợi ích của mình.
Từ khi khoác lên mình hai chữ “đổi mới”, trong phút chốc cả bộ máy kinh tế chỉ huy sản sinh bởi chủ nghĩa Mác hăm hở lao vào kinh tế thị trường. Doanh nhân thời đổi mới, nhất là tầng lớp cán bộ cao cấp vừa ngoi lên từ bộ tam “đạp đồng đài” đã nhanh chóng nhận ra cơ hội bằng vàng để làm giàu theo con đường bất chính. Với quyền lực sẵn có trong tay, họ cấu kết lẫn nhau thành những mạng lưới khép kín, chia vùng làm ăn và làm giàu phi pháp.
“Bẻ ghi” hay lèo lái chính sách kinh tế chệch sang hướng khác không phải là một phát giác mới mẻ mà chỉ là tiếng kêu muộn màng trong bức tranh u ám của nền kinh tế đất nước, từ lâu bị thao túng bởi những thế lực kinh tế-chính trị mang màu sắc mafia. Nhìn trong thực tế, người ta nhận ra nhiều điều.
Thứ nhất, hiện nay đó không còn là một hiện tượng nhỏ, lẻ của một vài cá nhân hay của vài cơ quan cấp dưới muốn thu vén bỏ túi riêng. Mà các nhóm lợi ích đã hình thành từ những lãnh đạo cao cấp, không ai khác hơn chính là những ủy viên Bộ Chính Trị hay ủy viên trong Ban Chấp Hành Trung Ương.
Những tai to mặt lớn này đồng thời giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ. Họ có đầy đủ quyền lực chính trị để kết hợp và ban phát quyền lợi trong các khu vực kinh tế béo bở. Tay chân của họ kinh doanh như một hệ thống chân rết và tuân phục luật lệ chung của nhóm và chỉ vì quyền lợi của nhóm. Luật pháp của nhà nước đối với họ chỉ là những manh giấy vô giá trị hay chỉ là bức bình phong cho các hoạt động mờ ám. Do đó kinh doanh thì ít mà đục khoét, vơ vét công quỹ thì nhiều, bất chấp những hậu quả tồi tệ.
Ví dụ điển hình nhất cho thấy lối làm ăn của “quốc doanh là chủ đạo” trong phạm vi nhóm lợi ích. Tin tức cho biết ngày 3 Tháng 6 vừa qua, Tổng Công Ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) đã bán đấu giá xong ụ nổi 83M với giá 38,5 tỷ đồng, chưa đến 2 triệu đô-la. Trong khi năm 2008, Vinalines mua ụ nổi này của Nga với giá 9 triệu USD, tổng chi phí được kê lên đến 19,5 triệu USD. Sự thiệt hại ấy không gì bù đắp nổi nhưng đem lại món lợi kết sù cho các quan chức đảng.
Thứ hai, luật pháp của CSVN thường được diễn tả bằng một câu nói bất hủ “Việt Nam có cả một rừng luật nhưng khi áp dụng thì theo luật rừng”. Điều này cũng cho thấy luật pháp Việt Nam đã bị chính lãnh đạo CSVN là những kẻ làm ra đủ thứ luật lệ cho áp dụng vô cùng tùy tiện.
Việc hình thành các nhóm lợi ích để đục khoét ngân sách, trục lợi trên vốn vay các dự án là vi phạm pháp luật nhưng được bỏ qua vì nó hợp với quyền lợi của các lãnh đạo đầu sỏ. Đó cũng chính là “chủ trương lớn” của đảng, dùng sức mạnh đồng đô-la để mua sự trung thành của đảng viên.
Khi đã là nhu cầu của đảng, trước hết là nhu cầu của nhóm lãnh đạo thượng tầng nên việc các nhóm lợi ích bóp méo chính sách để trục lợi là lẽ đương nhiên. Chỉ có những nhân vật cao cấp trong đảng mới có điều kiện xài luật rừng trong mọi trường hợp.
Từ đó dẫn đến những hành vi đứng trên và đứng ngoài luật pháp để cho phe nhóm của mình hưởng lợi. Luật rừng chẳng những giúp các nhóm lợi ích “bẻ ghi” tác động lên các dự án hái ra tiền mà còn nảy sinh hình thức gian ác “rải đinh dưới thảm đỏ”, tìm cách triệt hạ nguồn lợi nhuận của các nhóm khác.
Những hiện tượng nói trên ngày nay đang lan tràn và xuất hiện gần như công khai tạo thành những vụ tham nhũng “gộc” mà ông Nguyễn Phú Trọng thỉnh thoảng lớn giọng gọi đó là những “đại án”. Nhưng xem ra đại án này chưa xét xử xong, đã thấy đại án mới xuất hiện mà thủ thuật của tham nhũng và nhóm lợi ích ngày càng tinh vi hơn.
Việc xét xử chỉ là trò đánh trống bỏ dùi vì đảng lúc nào cũng cần những người trung thành chống đỡ cho chế độ lúc lâm nguy.
Giờ đây trong khoảng thời gian được đánh giá là cuối trào của chế độ, mọi người đều thấy chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam không thể nào tồn tại như một vật cản trước trào lưu dân chủ. Hơn lúc nào hết, các phe nhóm trong đảng cũng đã nhìn thấy quyền lực của chế độ trở nên rất mong manh.
Áp suất của sự sụp đổ do chính chế độ tạo ra khi không còn chịu nổi nữa, tất nhiên đi đến sự bùng nổ không sớm thì muộn, chỉ là vấn đề thời gian. Một vài sự cảnh báo lẻ loi trong một buổi hội thảo cũng không ngăn chặn được những gì phải xảy ra mà cần có một sự thay đổi triệt để.
Với tình hình đen tối đó tạo nên tâm lý hoảng sợ hiện nay nơi cán bộ các cấp từ trên xuống. Không phải ngẫu nhiên mà các phe nhóm đang tranh nhau tìm cách vơ vét, đục khoét đất nước đến tận cùng trước khi bỏ trốn. Ai bóp méo chính sách để trục lợi, câu trả lời nay tưởng cũng đã rõ.
https://chantroimoimedia.com/2016/06/13/ai-bop-meo-chinh-sach-de-truc-loi/
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét