Người biểu tình cầm biểu ngữ phản đối công ty Formosa gây ô nhiễm dẫn tới vụ cá chết ở Hà Tĩnh.
Vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung và phát biểu gây sốc của
ông Giám đốc đối ngoại nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh Chu Xuân Phàm rằng “vì
không phải được cả hai nên phải lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm”
không chỉ đặt ra câu hỏi về trách nhiệm và đạo đức của Formosa, mà còn gây ra
những hoài nghi về năng lực lãnh đạo, quản lý của những người chịu trách nhiệm
về khu liên hợp Formosa Hà Tĩnh.
Cá nhân tôi, xin nhấn mạnh rằng, phát ngôn về việc “chọn
thép hay chọn cá tôm” của ông Chu, nếu tạm gác qua các lý thuyết về đạo đức học,
thì về cơ bản không sai về mặt kinh tế học. “Cái đuôi của con cáo Formosa”, như
đã nói trong bài trước, bị lộ, rằng họ đến Việt Nam để họ kiếm thép, kiếm tiền
chứ không phải để ủy mị, sướt mướt trước con cá, con tôm hay ngay cả… con người.
Đạo đức trong làm ăn kinh doanh là một phạm trù rất khó cân đo đong đếm và gây
nhiều tranh cãi, càng hiếm (nếu như muốn nói là không) có nước nào quy định một
cách đơn giản về đạo đức kinh doanh trong luật. Thế nên, nếu Formosa chứng minh
quy trình sản xuất, xả chất thải của họ không sai, chuyện cá tôm chết là chuyện
bình thường mà ai cũng biết, đặc biệt là lãnh đạo chính quyền đặt bút ký vào bản
chấp thuận cũng đã biết và chấp nhận đánh đổi, thì họ chẳng sợ ai cả vì họ
không trái luật.
Nói nôm na, bạn đi cho người ta thuê một mảnh vườn để họ trồng
cây ăn trái, và chấp nhận cho người thuê dùng phân bón hóa học nhiều để đạt
năng xuất cao mà không thỏa thuận hay quy định về hàm lượng, thì khi mảnh đất bạc
màu vì tác động của phân hóa học, bạn không có lý do nào để bắt bẻ người thuê cả.
Tuy nhiên, chuyện Formosa đúng hay sai luật thì còn chờ kết quả điều tra của
nhà chức trách; điều quan trọng là dựa trên sự đã rồi và những phát ngôn từ
phía đại diện Formosa, có nhiều vấn đề phải bàn về trách nhiệm của các nhà lãnh
đạo.
Thứ nhất, tôi thấy người Việt Nam hay nhắc nhau rằng “con dại
thì cái phải mang”, tức con cái có lỗi thì cha mẹ cũng liên đới trách nhiệm.
Chưa cần biết mọi sự ra sao, chính quyền Việt Nam quản lý Formosa có sai sót gì
hay không trong quá trình hoạch định, phân tích và quản lý dự án Formosa, thì
việc để xảy ra nạn cá chết kinh hoàng ảnh hưởng đến hàng ngàn người dân, kinh động
dư luận, gây thiệt hại nghiêm trọng đến thủy hải sản và môi trường, thì chính
người lãnh đạo phải tự thấy xấu hổ và có trách nhiệm dù có mang về cho đất nước
hàng triệu USD mỗi năm. Ở nhiều nước, nếu xảy ra các tình trạng tương tự, có
khi lãnh đạo còn phải lên tiếng nhận trách nhiệm và xin từ chức, vừa để dân
khoan hồng, vừa để người có tài và có tâm vào cuộc.
Thứ hai, phải tiến hành các cuộc điều tra để truy trách nhiệm
về sự việc đáng tiếc này, dù mọi chuyện đã rồi. Điều tra đó bao gồm cả việc điều
tra các đánh giá về tác động môi trường, lưu ý đến các vấn đề ai là người làm
và chịu trách nhiệm báo cáo? Nội dung báo cáo đúng hay sai? Quy trình soạn thảo,
nghiên cứu và đánh giá đúng hay không? Những gì diễn ra trong thực tiễn có đúng
như đánh giá tác động môi trường? Quan trọng không kém là sự đánh giá này có được
công khai minh bạch để đông đảo người dân được biết, để trù liệu và tính toán
hay không, hay là chỉ có vài ba người hay một vài nhóm lợi ích nào đó (nếu có)
biết? Dù không có căn cứ nhưng người ta có quyền hoài nghi tính trung thực,
chính xác và độ minh bạch cần thiết của sự đánh giá tác động môi trường, không
chỉ vì kiểm chứng phát ngôn gây sốc của đại diện Formosa, mà còn để truy vấn nếu
có dấu hiệu phạm tội, không ngoại trừ các tội cố ý đánh giá sai về tác động môi
trường của dự án, hoặc che giấu, thiếu minh bạch về các thông tin cho thấy tác
động tiêu cực không thể chấp nhận của dự án này đối với môi trường.
Thứ ba, phải rà soát lại các dự án của tập đoàn đầy tai tiếng
Formosa. Như tôi từng viện dẫn thông tin báo chí, khu liên hợp Formosa Hà Tĩnh
chỉ là một trong số rất nhiều dự án quy mô lớn mà Formosa đã đầu tư vào Việt
Nam từ chục năm nay. Một số công ty khác như Formosa Taffeta Đồng Nai, Formosa Taffeta
Việt Nam (chuyên về dệt - nhuộm) Formosa Gear (sản xuất linh kiện cơ khí)... đều
có quy mô vốn cũng như doanh thu lên đến cả trăm triệu USD. Nhất thiết phải ra
soát lại các bản đánh giá tác động môi trường của các dự án này, tránh để một
trường hợp tương tự xảy ra, chưa biết ở
đâu; và rồi lại có một ông giám đốc đối ngoại của công ty này đăng đàn phát biểu
“ngông cuồng” tương tự, có thể là “phải đổi không khí lấy nhiệt điện” hay phải
đổi lấy thứ gì đó gắn bó với dân mình hàng trăm, ngàn năm tới để lấy cái lợi
trước mắt.
Chưa tính đến những vấn đề đúng sai trong quá trình quản lý
của các ngành, các cá nhân có thẩm quyền và chức năng, thì vụ cá chết hàng loạt
và phát ngôn gây căm phẫn của lãnh đạo Formosa cho thấy tầm nhìn còn hạn chế của
một bộ phận lãnh đạo. Không chỉ riêng về các vụ bê bối của Formosa, mà bên cạnh
đó là các dự án nhiệt điện, boxit, hay các dự án tương tự tại Việt Nam thường
gây ra tai họa môi trường. Tôi hoài nghi về năng lực đánh giá và tầm nhìn của
những người lãnh đạo khi bắt tay cùng những đối tác như Formosa, hay việc cho
phép các công ty có triết lý đổi môi trường lấy lợi nhuân như Formosa vào hoạt
động mà không quản lý hết được, để gây ra nhiều vụ tai tiếng có hậu quả nghiêm
trọng. Một nhà lãnh đạo có tầm và có tâm phải nhìn thấy rằng cá không phải chỉ
là những sản vật có giá trị bán ra không bằng thép, mà nó còn là biểu tượng hay
biểu hiện của một xã hội đang phát triển bền vững, ít nhất là trong hàng trăm
năm tới; phải nhìn thấy rằng những nguy cơ kinh hoàng, có thể gây hỗn loạn xã hội
nếu môi trường bị phá hủy để đổi lấy tiền; phải biết rằng sinh kế của người dân
không phải là thép, mà là biển, là muối, là môi trường du lịch, hơn nữa là niềm
tin về sự sống và môi trường sống đang ổn định, an toàn, chứ không phải đang bị
đe dọa.
Chẳng ai bán rẻ môi trường, và thậm chí rằng người ta còn phải
đổ tiền để giúp môi trường phát triển. Tôi lại phải mượn lời của Mỹ nhân ngư để
nói rằng dù có nhiều tiền, nhưng không có không khí sạch, nước sạch thì cũng chả
thể nào sống được. Kẻ nào trên đời này, đánh đổi cá tôm và cả vùng biển để lấy
thép họa chăng là những kẻ thiếu đạo đức, thiếu lương tâm. Kẻ nào làm lãnh đạo
mà cho phép điều ấy diễn ra cũng gây tội ác không kém. Mong rằng trong giới cầm quyền Việt Nam không tồn tại - hoặc nếu có thì
phải nghiêm khắc trừng trị - những kẻ vừa không có tâm, vừa không có tầm như vậy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét