Mấy hôm nay Việt Nam chào đón
Barack Obama, vị tổng thống Mỹ thứ ba sang thăm một đất nước cựu thù từ khi Việt-Mỹ
bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Chuyến đi của ông Obama không
dài, nhưng để lại nhiều ấn tượng cho người Việt, đặc biệt là giới thanh thiếu
niên.
Ấn tượng đầu tiên về vị tổng thống
của cường quốc số một thế giới chính là thái độ gần gũi và thân thiện của ông.
Theo dõi ông qua truyền thông và báo chí Việt Nam mới thấy, ngay khi vừa xuống
máy bay và nhận bó hoa từ một cô sinh viên Việt Nam, ông đã nhìn thật kỹ vào bó
hoa, cười rồi bắt tay cô gái kèm lời khen “bó hoa rất đẹp”. Viết trên trang
Facebook cá nhân của mình, cô gái “may mắn” của Việt Nam nhận xét “tay của ngài
Obama thật ấm áp”. Không xa vời như nước Mỹ, cũng không cao sang như hàng hiệu
của Mỹ, ông Obama khiến giới trẻ cảm nhận được sự cao sang, phong độ nhưng rất
mực trẻ trung của một nhà lãnh đạo.
Ấn tượng về sự thân thiện của Tổng
thống Obama còn ở chỗ ông cho đàn cá trong nhà Bác Hồ một cách từ tốn, và trước
khi quay lưng đi không quên vẫy tay chào, như thể nói lời tạm biệt với những
chú cá dưới ao. Một cách ứng xử rất nhân văn và không hề tỏ ra khiêng cưỡng hay
“kịch nghệ”. Đó là chưa kể ông Obama chọn ăn bún chả và uống bia Hà Nội để thưởng
thức văn hóa Việt Nam. Việc ăn tô bún chả, nghe có vẻ giản đơn, nhưng cần lưu ý
việc sử dụng đũa và ăn nước mắm không phải là chuyện dễ làm đối với một Tổng thống
nước Mỹ.
Tôi nhớ có lần cựu tổng thống Mỹ
Nixon lần đầu tiên sang thăm Trung Quốc vào những năm 70 của thế kỷ trước, ông ấy
phải tập ăn đũa vài ngày liên tục trên máy bay riêng của mình. Việc chọn lựa
các món ăn, thức uống như vậy không đơn giản là chuyện xã giao, bởi suy cho
cùng ông Obama là ông chủ Tòa Bạch Ốc, đứng đầu nước Mỹ vốn nổi tiếng với học
thuyết “người đứng trên đỉnh đồi”, tức có góc nhìn từ trên xuống – nước lớn nước
nhỏ. Những nỗ lực hòa nhập của Obama cho thấy tâm ý và biểu tượng niềm tin rất
lớn từ người đứng đầu nước Mỹ với Việt Nam.
Điều cuối cùng đáng ghi nhận trong
chuyến đi thăm Việt Nam của ông Obama là bài phát biểu vô cùng xúc động và tạo ấn
tượng mạnh. Vị tổng thống này biết cách hài hước, nhưng cũng rất nghiêm túc; biết
cách nhắc lại quá khứ đầy xúc cảm, nhưng cũng biết hướng tới những hứa hẹn
trong tương lai; biết cách đề cập một cách khéo léo đến những vấn đề nhạy cảm,
nhưng cũng tỏ ra cương quyết về những lẽ phải được quy định trong hiến pháp
không chỉ ở Mỹ mà cả ở Việt Nam.
Ví dụ khi đề cập đến vấn đề nhân
quyền, ông Obama thẳng thắn nói (nhưng khéo léo) rằng bất kỳ quốc gia nào cũng
có những hạn chế nhất định, ngay cả nước Mỹ. Thời lập quốc, nước Mỹ cũng trải
qua những khó khăn (về vấn đề nhân quyền), và rồi cũng bị người dân lên tiếng
phản ứng, chê trách. Nhưng mọi thứ, theo ông Obama đều được cho phép và minh bạch.
Người dân không làm sai hiến pháp, và điều đó giúp nước Mỹ trở nên tuyệt vời
như ngày hôm nay. Bản thân ông Obama cũng thừa nhận bị chỉ trích thường xuyên
vì nhiều vấn đề, nhưng cái chính là ông không lờ đi hay chặn lại, mà minh bạch
xử lý để cải thiện bản thân và phát triển nước Mỹ.
Tôi bất ngờ khi ông dùng chính Hiến
pháp Việt Nam để nói về một vấn đề tương tự - quyền phát ngôn, quyền được thể
hiện cảm xúc, thậm chí là chê trách trước các nhà lãnh đạo. Nó làm tôi nhớ đến
Hồ Chí Minh sử dụng chính Hiến pháp của Mỹ, của Pháp đưa vào Tuyên ngôn độc lập
của Việt Nam, và dùng đó để nói chuyện với người Mỹ về chiến tranh, tự do dân
chủ và quyền được sống, mưu cầu hạnh phúc của người dân. Nay một tổng thống Mỹ
cũng nhắc lại một câu chuyện tương tự, không phải hướng đến nước Mỹ mà hướng đến
lãnh đạo Việt Nam và nhân dân Việt Nam.
Nhiều bạn trẻ trong chúng tôi thán
phục cái tài của Obama khi viện dẫn lịch sử, cả những bài thơ, bài hát mà nhiều
người có khi còn không nhớ hết. Ông kết nối, xâu chuỗi mọi chi tiết liên quan đến
văn hóa, lịch sử Việt Nam để rồi mang đến một thông điệp đầy niềm tin cho quan
hệ Việt-Mỹ. Bài phát biểu vỏn vẹn trong vòng khoảng 30 phút khiến giới trí thức
Việt Nam phải trải qua nhiều cảm xúc, có lúc buồn cười nhưng có lúc xúc động;
có lúc trầm tư nhưng cũng có lúc hào hứng. Tôi cảm nhận được năng lượng trong từng
câu chữ, sức sống trong từng cử chỉ và niềm tin trong cách mà ông diễn đạt và
truyền tải thông điệp đến người dân, lãnh đạo Việt Nam.
Một trong những ấn tượng không thể
bỏ qua chính là việc ông có bài phát biểu trước cộng đồng doanh nhân trẻ người
Việt với sức sống và nguồn năng lượng đáng nể. Phải thừa nhận khả năng truyền cảm
hứng của vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ. Bên cạnh đó, ông Obama cũng cho
thấy khả năng dẫn dắt chương trình, sự chân chất và gần gũi khi vừa đặt câu hỏi,
vừa trả lời câu hỏi với các bạn khởi nghiệp người Việt.
Tôi chưa có dịp gặp ông, nhưng quan
sát những gì ông làm cho nước Mỹ, và những gì ông làm cho quan hệ Việt-Mỹ, tôi
thật sự muốn hỏi ông rất nhiều điều, rằng: “Điều gì tạo ra một nhà lãnh đạo
chân chính? Và động lực nào để ông cùng nước Mỹ vượt qua được một giai đoạn vô
cùng khó khăn như thời gian qua?” Chợt nhớ đến một bài báo đăng trên tờ The New
York Times, rằng “tôi sẽ nhớ Barack Obama nhiều lắm!”.
VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét