Hoa Kỳ vẫn ngự tại Đông Á
Hùng Tâm
Tổng Thống Barack Obama đã rời Việt Nam đi Nhật để dự Thượng
Đỉnh G-7 và thăm viếng nước Nhật nên thời sự đã sang trang khác. Nhưng một di sản
của ông vẫn còn tồn tại. Đấy không là văn kiện gì ghê gớm mà cũng chẳng là quyết
định gỡ bỏ lệnh cấm vận võ khí sát thương cho Hà Nội. Nó chỉ là tấm hình do nhiếp
ảnh gia Pete Souza của Tòa Bạch Cung chụp tại Hà Nội vào tối Thứ Hai 23 khi tổng
thống Hoa Kỳ ăn bún chả và uống bia cùng tay đầu bếp trứ danh Anthony Bourdain.
Hồ Sơ Người-Việt xin nghiêng mình ngó vào chuyện ấy.
Tâm tình của tấm hình
Tại thủ đô có bốn triệu dân của một quốc gia trước đây từng
là địch thủ đã đánh cho Mỹ cút, việc tổng thống Mỹ thong dong đi nhậu như một
thường dân là một sự dàn dựng. Miếng ăn trị giá có sáu Mỹ kim, lại do Anthony
Bourdain thanh toán như ông ta đã khoe.
Phần tốn kém khác thì khó ai biết...
Việc bảo vệ một yếu nhân có ảnh hưởng nhất thế giới vì lãnh
đạo siêu cường toàn cầu là bài toán đau đầu cho các cận vệ Mỹ lẫn cơ quan an
ninh của Việt Nam. Khu phố đã được rà soát từ nhiều ngày trước và tối đó các
ngôi nhà chung quanh được lệnh đóng cửa bớt đèn ở tầng trên để phòng ngừa. Thực
đơn, nước uống, bát đĩa hay đũa ăn đều được chuẩn bị và kiểm soát từng chút. Vị
trí bàn ăn và các “thực khách” ngẫu nhiên ngồi quanh đều được bố trí kỹ lưỡng để
có hình ảnh bắt mắt cho ống kính của nhiếp ảnh gia chính thức của Tòa Bạch
Cung. Kể cả mẫu giấy gói đũa màu đó nằm chơ vơ dưới chân tổng thống cũng là một
cách điểm xuyết sắc thái “bình dân” của nhà hàng...
Ngay sau khi tổng thống Mỹ thưởng thức xong miếng ngon và thức
uống Hà Nội trước ống kính, tất cả những gì ông chạm tới trong tiệm đều được cơ
quan Mật Vụ (Secret Service) của Mỹ thu hồi và xử lý, để không một tế bào hay
DNA nào của ông có thể lọt ra ngoài, vào tay ai khác. Đấy chỉ là nghiệp vụ
thông thường và dễ hiểu của mọi sở bảo vệ yếu nhân của một cường quốc, huống hồ
là cường quốc Hoa Kỳ. Ông Obama cũng gián tiếp xác nhận đặc tính thận trọng ấy
khi ra ngoài bắt tay những người ngưỡng mộ và kín đáo tháo nhẫn cưới bỏ vào
túi. Ông ta không chỉ ngại trộm cắp...
Nhưng vì sao tổng thống Hoa Kỳ lại phải mất công như vậy? Vì
ông muốn chứng tỏ là người bình dị, bậc lãnh đạo một cường quốc dễ thương. Thế
thôi!
Nhu cầu chứng tỏ một điều gì đó là đặc tính của mọi chính
khách, nhất là chính khách của một xã hội khoái biểu dương như Hoa Kỳ.
Là chính khách đảng Dân Chủ, Barack Obama được hai thành phần
chủ yếu bầu lên năm 2008 và bầu lại năm 2012: người Mỹ da trắng, khá giả và có
học tại thành phố cùng các nhóm thiểu số da màu. Ông phản ảnh rõ đặc tính ấy của
thành phần cử tri đã dồn phiếu cho mình: dân da trắng điệu nghệ, thích thăm thú
nơi xa lạ, tìm ra qua phương tiện thông tin hiện đại, và sống hòa mình với
thiên hạ một cách an toàn và mang đầy vẻ bình dân với các sắc tộc khác. Rất dễ
thương, kiểu Mỹ có tiền.
Vừa nhậm chức, Obama đã được giải Nobel Hòa Bình năm 2009
sau khi trình bày với thiên hạ đặc tính khiêm nhượng của một nước Mỹ chẳng có
gì là xuất chúng. Khi tranh cử, ông cũng hứa hẹn sẽ triệt thoái khỏi hai chiến
trường Iraq và Afghanistan để cải tạo xã hội ở nhà, v.v...
Nhưng sắp hết hai nhiệm kỳ, ông vẫn chưa thể rút hết quân khỏi
Trung Đông, lại còn mở rộng chiến tranh qua Libya và triệt để sử dụng máy bay tự
động để ám sát các lãnh tụ khủng bố, thành tích mới nhất là bắn chết thủ lãnh
Mullah Mohammad Mansour của lực lượng Taliban.
Nghịch lý ấy giải thích hai chuyện trái ngược: Hoa Kỳ là một
đế quốc đáng sợ trong khi ông Obama muốn tạo ra hình ảnh của một nước Mỹ đáng
yêu. Vì đáng yêu nên lãnh tụ có thể chà lết trong quán cóc như mọi người bình
thường trên đời. Nhưng dưới tay lãnh tụ vẫn là sức mạnh rợn mình của một đế quốc
đang chế ngự hai đại dương lớn nhất địa cầu.
Tấm hình bún chả Hà Nội là biểu tượng của màn kịch hiền hòa dễ
mến đó. Chúng ta có thể tạm quên tấm hình mà quay về chuyện kỳ này: vì sao Hoa
Kỳ phải dụng công như vậy? Có gì đâu!
Đế quốc bất đắc dĩ
Từ khi lập quốc, Hoa Kỳ theo thể chế Cộng Hòa, với lãnh đạo
do dân bầu lên, và như các bậc quốc phụ đã căn dặn, cố tránh can thiệp vào xung
đột của nước khác, thời ấy là các cuộc chiến tại Âu Châu khi Napolén Bonaparte
là Hoàng đế của đế quốc Pháp.
Nhưng dù cố tránh, qua thế kỷ 20 Hoa Kỳ vẫn miễn cưỡng tham
dự vào hai trận thế chiến (1917-1918 và 1941-1945) rồi bị lôi vào nhiều cuộc
xung đột hay khủng hoảng khác để là cường quốc có kinh nghiệm tác chiến phong
phú và liên tục nhất. Nghịch lý ở đây là Hoa Kỳ không là một Đế quốc theo định
nghĩa cổ điển hay định nghĩa của Lenin vì thật ra chẳng chiếm đóng xứ nào,
không coi nước khác là chư hầu và tổng thống cũng chẳng là một hoàng đế mà quyền
lực còn bị Hiến Pháp giới hạn. Nhưng ngược lại, Hoa Kỳ vẫn hành xử như một đế
quốc, có sức mạnh quân sự tỏa rộng trên toàn cầu và ảnh hưởng đến quyết định của
nhiều xứ khác.
Đối sách ngoại giao của nước Mỹ phản ảnh hai trạng thái trái
ngược đó, khi thì nấn ná không muốn can dự vào tranh chấp của xứ khác, khi lại
ào ạt đổ quân và nã đạn vào nhiều nơi nhân danh những giá trị tinh thần của nước
Mỹ.
Hoa Kỳ thành hình từ nỗ lực đấu tranh chống đế quốc Anh
nhưng trưởng thành là một cường quốc có khả năng kiểm soát toàn cầu qua hai đại
dương và nhiều lúc không thoải mái với cả ảnh hưởng lẫn trách nhiệm quá lớn đó.
Barack Obama là người muốn triệt thoái mà sau cùng lại bành trướng hơn người tiền
nhiệm. Lý do chẳng phải vì ông hiếu chiến mà vì “cây muốn lặng gió chẳng muốn đừng,”
các thế lực hung đồ đều muốn chạm súng và thành danh chống Mỹ nên dù Tổng Thống
Obama có muốn xin lỗi toàn cầu thì vẫn phải nổ súng để bảo vệ quyền lợi của quốc
gia. Nếu không, ông sẽ là một Jimmy Carter, người đi lo đếm phiếu bầu cử cho xứ
khác nhưng vẫn tránh Việt Nam!
Cho nên, tấm hình bún chả là một cố gắng vẽ lại chân dung của
một đế quốc bất đắc dĩ nhưng được cái dễ thương. Khả năng tuyên truyền của báo
chí dòng chính làm nốt phần vụ quảng cáo còn lại. Còn sự thật thì dù tổng thống
Mỹ có ngồi ghế đẩu trong quán cóc hay giữa rừng già, thiên hạ vẫn thấy sợ nước
Mỹ. Ông Thiện Obama có thể cười toe vì quanh ông có nhiều tay hộ pháp mặt lạnh
như tiền thu vai ông Ác có súng. Bây giờ, ta nhìn qua chuyện Đông Á.
Đế quốc Đông Á
Lãnh đạo Trung Cộng có thể mơ màng trò “Trung Quốc Mộng,”
nhưng ngoài góc Đông Á thì chưa làm ai sợ mà đã khiến thiên hạ ghét. Còn Chính
Quyền Obama cứ nói đến “chuyển trục” rồi “tái phân lực lượng về Đông Á” từ năm
2011 để thiên hạ tại Đông Á trông mong mà vẫn cứ như chưa làm gì cả.
Chúng ta nên làm nhiệm vụ kế toán: quân lực và binh lính Hoa
Kỳ đang hiện diện đông đảo nhất ở những nơi nào?
Hiện nay, quân số Hoa Kỳ của bốn binh chủng Lục, Hải, Không
Quân và Thủy Quân Lục Chiến đang có mặt tại 150 quốc gia ngoài nước Mỹ, cấp số
lên tới 150 ngàn binh lính. Số quân tác chiến của Mỹ tại ba chiến trường nóng
là Iraq, Afghanistan và Syria chỉ có 13 ngàn 650 lính thôi, chưa bằng một phần
trăm tổng số quân gọi là “viễn chinh” của đế quốc Hoa Kỳ.
Tại các nước Bắc Phi Trung Đông khác thì Mỹ cho trú đóng sáu
nghìn 724 lính, còn ít hơn ba chiến trường kia. Tại các nước ở sát nách Hoa Kỳ,
từ Trung Mỹ tới Canada và đất Greenland, Mỹ có hơn hai ngàn bảy trăm lính, lơ
thơ tơ liễu buông mành. Khu vực Âu Châu của các đồng minh chí thiết là một trọng
điểm bảo vệ của Hoa Kỳ nên có 62 ngàn 753 lính, nhiều gấp bội so với cục diện
Trung Đông. Sau cùng, tính đến Tháng Hai năm nay, quân số Hoa Kỳ tại Đông Á (Nhật
Bản, Nam Hàn, Thái Lan, Singapore và Úc) lên tới 77 ngàn 806.
Lực lưọng “viễn chinh” hay phòng vệ lớn nhất của Hoa Kỳ
chính là tại Đông Á, 52 ngàn tại Nhật và gần 25 ngàn tại Nam Hàn! Không kể tới
các hạm đội thì cái trục của nước Mỹ vẫn nằm tại Đông Á và nay sẽ được tăng cường
với sự tham dự của Nhật Bản cùng Philippines. Nhìn cách khác, Hoa Kỳ là Đế quốc
tư bản tại Đông Á và đang tung hứng võ khí với ba xứ cộng sản là Bắc Hàn, Trung
Cộng và Việt Nam, trong khi vẫn buôn bán mạnh nhất với Trung Cộng.
Việc Barack Obama mở cửa cho Hà Nội được phép mua võ khí sát
thương của Mỹ nên được phân tách qua thực tế đó.
Ý thức hệ tự do hay cộng sản không quan trọng, việc Hà Nội
có tôn trọng nhân quyền hay không thì cũng thế. Nhưng từ nay, Hà Nội sẽ bị Quốc
Hội Mỹ rà soát kỹ hơn mỗi khi mua võ khí của Hoa Kỳ. Và chắc chắn là không thể
thụ đắc những gì tiên tiến nhất của hệ thống quân sự Mỹ tương tự như nhiều quốc
gia đồng minh khác. Vả lại, “không có mợ thì chợ vẫn đông” vì Hoa Kỳ đã có các
đồng minh chiến lược khác như Nhật, Hàn, Úc....
Ngoài quân số và nếu nói tới nghiệp vụ xuất cảng võ khí Hoa
Kỳ, các nước Đông Á đang là khách hàng rộng chi nhất. Khi Đông Á thi đua trang
bị để ứng phó với Trung Cộng thì kỹ nghệ sản xuất võ khí của Mỹ phải chạy ba
ca, toàn thời. Việt Nam còn xếp hàng sau rất nhiều xứ khác và chưa sờ tới bửu bối
Mỹ thì đã bị hỏi tội về nạn chà đạp nhân quyền!
Chẳng lẽ ông tổng thống đi ăn bún chả ngoài chợ lại gián tiếp
yểm trợ kỹ nghệ sản xuất võ khí của Hoa Kỳ? Đế quốc này dễ sợ có tổng thống dễ
thương, mà hơi ác! Trong khi đó, Hà Nội lại biểu dương trò vặt của một chế độ độc
tài, mới chỉ lên hàng láu cá mà thôi.
Kết luận ở đây là gì?
Đừng nên coi thường cái đế quốc quái đản này! Và nếu Mỹ đưa
đạn cho các nước Cộng Sản giết nhau thì... cũng tốt thôi.
Nguoi-viet.com
Miễn là dân Việt đừng đứng giữa hai ba lằn đạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét