Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Về chuyến đi thăm Việt Nam của Tổng thống Obama

 Phạm Nhật Bình - Web Việt Tân
 
Chuyến viếng thăm Việt Nam 3 ngày từ 22 đến 25 tháng 5 của Tổng Thống Barack Obama đã kết thúc.


Mặc dù là chuyến viếng thăm ngoại giao, đáp lễ lời mời của ông Nguyễn Phú Trọng trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ hồi tháng 7 năm 2015, chuyến viếng thăm của ông Obama đã để lại nhiều hình ảnh gieo vào lòng người Việt Nam nhiều cảm tình sâu đậm.

Đây là một cuộc viếng thăm được mô tả là sẽ mở ra một thời kỳ mới cho bang giao hai nước vốn là hai kẻ đối đầu nhau trên chiến trường hàng chục năm, khi ông Obama công bố bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho CSVN. Nói cách khác là việc Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí được coi như xóa tâm lý bị “cô lập” của CSVN kéo dài từ nhiều thập niên qua.
Tuy mang một món quà đặc biệt và bất ngờ như vậy đến cho lãnh đạo CSVN, nhưng nhìn lại chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama có mấy điều đáng lưu ý.

Thứ nhất, sự đón tiếp lạnh nhạt của nước chủ nhà là điều khá ngạc nhiên khi so sánh với những cuộc đón tiếp các lãnh tụ Bắc Kinh. Lần này Hà Nội chỉ cho 3 viên chức trung cấp ra đón phái đoàn tại phi trường mà người cao cấp nhất là một thứ trưởng ngoại giao.
Hai cách tiếp đón tương phản của chính phủ Việt Nam với hai vị khách nguyên thủ quốc gia.
Hai cách tiếp đón tương phản của chính phủ Việt Nam với hai vị khách nguyên thủ quốc gia.
Trái ngược lại với thái độ của nhà nước cộng sản, dân chúng Hà Nội lẫn Sài Gòn lại tỏ ra hân hoan chờ đón Tổng Thống Obama hai bên đường trước đó nhiều giờ. Hình ảnh hàng ngàn người đứng quanh khu vực Chùa Ngọc Hoàng ở Sài Gòn để đón phái đoàn Tổng thống Obama cho thấy là người dân Việt Nam đã có một thiện cảm đặc biệt với Tổng Thnốg Obama nói riêng và đất nước Hoa Kỳ nói chung.

Điều này trái ngược với chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình vào đầu Tháng 11 Năm 2015, lãnh đạo đảng thì đưa ủy viên Bộ Chính Trị Đinh Thế Huynh và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ra đón tận phi trường, trong khi người dân thì thật hờ hững.

Đón Tổng thống Hoa Kỳ, Hà Nội tỏ ra e dè, không dám đón tiếp linh đình vì vẫn còn ngại quan thày Trung Cộng. Xét ra, tâm lý khấu tấu thiên triều Bắc phương vẫn còn tồn tại trong não trạng các lãnh đạo đảng, lúc nào cũng nhìn về “đại cục” theo mệnh lệnh thiên triều.

Trong lúc ấy, dân chúng ở Hà Nội lẫn Sài Gòn đều ghét các lãnh tụ Trung Nam Hải và nhìn họ như những tên xâm lược. Và họ không che giấu tình cảm với các Tổng thống Hoa Kỳ như lúc đón ông Bill Clinton trước đây. Phải chăng người dân ngày nay đã vượt qua quá khứ và đây cũng là một thứ định mệnh chắc chắn sẽ là nền tảng để tạo ra sự chuyển đổi trong tương lai.

Thứ hai, trong cuộc họp báo chung, tuyên bố của Tổng Thống Obama luôn hướng về một tương lai phát triển, thịnh vượng của Việt Nam làm nền tảng cho bang giao lâu dài, vững chắc giữa hai nước. Nhưng đồng thời ông cũng trân trọng quá khứ và nhấn mạnh không nên ôm mãi quá khứ mà hãy thay đổi để thích ứng với thời gian. Đây cũng là một bài học dạy cho lãnh đạo CSVN đừng cưỡng bách người dân phải sống với quá khứ chiến tranh do đảng lãnh đạo để rồi phải để cho đảng thống trị đất nước muôn đời.

Đặc biệt là bài nói chuyện của Tổng thống Obama tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế Mỹ Đình trước khoảng 2000 người đã đưa ra thông điệp là người Việt Nam phải đứng trên đôi chân của mình để hướng về tương lai. Tương lai đó, theo Tổng thống Obama nhằm tạo dựng một Việt Nam mới tôn trọng các quyền tự do phổ cập của loài người như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp để làm nền tảng phát triển.
Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Phủ Chủ tịch sáng 23-5-2016. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Phủ Chủ tịch sáng 23-5-2016. Ảnh: Getty Images
Trong lúc ấy, phát biểu của ông Trần Đại Quang vẫn còn đậm nét quá khứ, nhắc lại những thù nghịch và những cản trở phải vượt qua. Trước vị khách từ nước Mỹ, ông Quang cũng không ngớt khoe khoang thành tích “luôn tôn trọng và bảo vệ quyền con người” mà ai cũng biết là quá tệ, ngay trong thời gian đón khách. Được bầu vào Ủy ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc 2014 -2016 đó là điều mà ông Quang hãnh diện, cho đó là minh chứng rõ ràng nhất về thành tích nhân quyền của mình.

Thứ ba, bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương là vấn đề mấu chốt trong chuyến viếng thăm đã được Tổng thống Obama chính thức công bố. Kết quả này tuy có giúp cho CSVN thấy rằng họ không còn bị cấm đoán, có thể mở rộng ngoại giao với Hoa Kỳ toàn diện, nhưng đây có thể coi như một sự “bãi bỏ cấm vận có điều kiện” vì trong tương lai Việt Nam có mua đươc vũ khí hay không còn tuỳ thuộc vào sự ứng xử về quyền con người.

Tổng thống Obama đã nhấn mạnh rằng “Tương tự như mọi thỏa thuận trong lĩnh vực quốc phòng với tất cả các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, việc bán vũ khí của chúng tôi cần phải kèm theo các yêu cầu nghiêm ngặt, bao gồm cả các yêu cầu liên quan đến vấn đề nhân quyền.” Như thế, nhân quyền vẫn là trọng tâm trong chính sách Mỹ và là điều kiện để ràng buộc Việt Nam mua những loại vũ khí gì.

Trong tương lai chính hành động bãi bỏ cấm vận vũ khí này đặt Hà Nội vào thế lưỡng nan như mỡ treo miệng mèo. Cộng sản dù tráo trở đến đâu cũng phải chọn nới lỏng sự khắc nghiệt để được mua vũ khí của Mỹ như mong ước lâu nay. Nếu không, bãi bỏ cấm vận vũ khí trở thành một ước mong vô ích đối với Hà Nội, trong khi đòi hỏi mở rộng dân chủ của người dân ngày càng thúc bách.

Thứ tư, có lẽ dấu ấn tồi tệ nhất trong chuyến đi của ông Obama là sự kiện an ninh CSVN đã ngăn chận 4 người là Tiến sĩ Nguyễn Quang An, Nhà báo Đoan Trang, Blogger Thảo Teresa và Luật sư Hà Huy Sơn không tham dự được buổi gặp gỡ giữa ông với một số đại diện các đoàn thể xã hội dân sự vào sáng ngày 24 tháng 5, tại Khách Sạn Marriott, Hà Nội.

Tòa Đại sứ Hoa Kỳ dự tính mời ít nhất là 10 người đại diện các tổ chức XHDS để trao đổi về tình hình XHDS tại Việt Nam, nhưng chỉ có 6 người đến được. Điều này đã khiến cho ông Obama thất vọng và Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã chính thức nêu vấn đề này với Bộ ngoại giao CSVN đối với những khách mời của Tổng thống Obama.
Ghế để trống vì công an ngăn chận không cho người được mời đến dự buổi gặp gỡ với Tổng thống Obama. Ảnh: BBC
Ghế để trống vì công an ngăn chận không cho người được mời đến dự buổi gặp gỡ với Tổng thống Obama. Ảnh: BBC
Tuy kết quả không hay nhưng ít ra qua sự kiện này đã cho thấy là CSVN đang rất lo sợ sự phát triển của các tổ chức XHDS tại Việt Nam, sau chuyến gặp gỡ với Tổng Thống Obama. Nhưng điều quan trọng là chính Tổng thống Obama đã kiểm nghiệm tình trạng đàn áp nhân quyền của CSVN như thế nào để phải cứng rắn hơn trong những đàm phán bán vũ khí cho Hà Nội trong tương lai.

Thứ năm, trước khi rời Việt Nam, sáng ngày 25/5 tại Sài Gòn Tổng thống Obama đã có buổi nói chuyện và trả lời câu hỏi trực tiếp với khoảng 800 giới trẻ thuộc chương trình YSEALI do chính ông đề xướng. Phải nói là qua buổi nói chuyện, Tổng thống Obama đã như truyền một nguồn sinh lực mới cho giới trẻ Việt Nam về nhu cầu tự mình phải tham gia để thay đổi xã hội nếu muốn nó tốt hơn.
Có rất nhiều câu hỏi đã được giới trẻ nêu lên liên quan đến xã hội, âm nhạc, học tập và kể cả những cuộc đời riêng tư của Tổng thống Obama. Có một câu hỏi rất sâu sắc cần ghi lại ở đây là khi có một bạn trẻ hỏi về nhu cầu làm sao thoát khỏi tình trạng chảy máu chất xám thì Tổng thống Obama cho rằng chảy máu chất xám thường diễn ra ở những xã hội tham nhũng, độc tài khiến cho những doanh nhân trẻ chán nãn bỏ đi.

Nhưng qua câu hỏi này, Tổng thống Obama đã cho giới trẻ hiểu rằng không ai muốn bỏ quê hương ra đi nhưng họ phải đi vì kết quả làm việc và đóng góp của họ không được “tưởng thưởng” xứng đáng khi mà họ phải sống trong một xứ sở đầy bất công, hệ thống luật pháp tồi tệ, giáo dục lạc hậu.

Sau cùng, có lẽ chuyến đi của ông Obama sẽ ghi vào lịch sử ngoại giao Việt Nam là một vị Tổng thống Hoa Kỳ không thèm ăn đại yến, lại chọn đi ăn tối ở một quán ăn bình thường vào tối ngày 23 Tháng 5 sau khi dự lễ đón tiếp linh đình vào buổi sáng.

Chưa có một nhà lãnh đạo nào đến thăm Việt Nam có được một phong cách vừa bình dân thân thiện vừa lịch lãm như ông. Hình ảnh ông tươi cười bắt tay và nói chuyện với công chúng cho thấy ông Obama muốn truyền hấp lực của mình đến mọi người Việt Nam. Đó cũng là trợ lực mà ông đem lại cho họ trên con đường tranh đấu cho những thay đổi trong tương lai.
Tổng thống Obama trò chuyện với người dân dưới trời mưa to. Ảnh: Nguyễn Hưởng
Tổng thống Obama trò chuyện với người dân dưới trời mưa to. Ảnh: Nguyễn Hưởng
Người Việt Nam sẽ đón nhận trợ lực đó như thế nào còn tùy vào lòng quyết tâm hướng về một thể chế dân chủ, tôn trọng quyền sống của con người.

“Tương lai nằm trong tay các bạn”. Đó cũng là lời nhắn gởi chân tình của Tổng thống Obama mà những người trẻ Việt Nam cần thấy được để tận dụng mọi cơ hội đưa đất nước vươn lên.


 https://chantroimoimedia.com/2016/05/26/ve-chuyen-di-tham-viet-nam-cua-tong-thong-obama/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét