Phạm Chí Dũng
Nốt trầm đột ngột
Thực tế phũ phàng khó có thể bỏ qua
là sự hiện diện lịch sử của Tổng thống Obama tại Việt Nam vào tháng 5/2016
không những không tạo cú hích cho phong trào dân chủ nhân quyền ở đất nước này,
mà còn khiến không khí tranh đấu từ sôi động trở nên trầm buồn đột ngột.
Nếu cả những tờ báo của Mỹ còn phải
dằn vặt tổng thống về hành động “lùi bước nhân quyền”, về triển vọng “được” Cam
Ranh của Mỹ để đổi lấy việc hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam,
cùng thái độ được mô tả là “nhịn nhục” thái quá của Obama khi không hề lên tiếng
phản ứng một cách thích đáng về thực tế sống sượng có đến 60% khách mời của tổng
thống Mỹ bị công an Việt Nam chặn không cho tham dự cuộc gặp giữa ông và Xã hội
dân sự, giới dư luận viên Hà Nội lại reo mừng lộ liễu.
Trong lúc báo chí quốc tế thi nhau
khai thác đề tài “tương lai Việt - Mỹ”, những dư luận viên hung hăng nhất bắt đầu
công kích “tương lai của phong trào dân chủ”. Lý lẽ được hệ thống tuyên giáo
tung hê nhiều nhất là “tương lai của Việt Nam sẽ do chính người Việt Nam quyết
định” - như một đoạn diễn từ được coi là then chốt trong diễn văn của Obama trước
2000 đại diện thanh niên và các tổ chức hội đoàn nhà nước tại Hà Nội.
Nếu suy diễn theo một cách nào đó,
Mỹ đã “buông” nhân quyền.
Vì lợi ích ở Biển Đông và đặc biệt
là lợi ích Cam Ranh, dường như Washington đã tạm gác lại chủ đề nhân quyền ở Việt
Nam - vốn được xem là “còn tồn tại những cách hiểu khác nhau” giữa hai nhà nước
cựu thù. Hệ quả là một khi đã nhận được quy chế “bình thường hóa quan hệ hoàn
toàn” và được “tôn trọng thể chế chính trị”, chính quyền Việt Nam có thể tự cho
phép mình muốn làm gì thì làm. Đây là một kịch bản đã được hình dung trước đây.
Chỉ có điều, kịch bản này xảy ra khá sớm so với dự đoán của nhiều người.
Kịch bản “thỏa thuận quân sự” giữa
Mỹ và Việt Nam lại có thể dẫn đến một kịch bản khá xấu về nhân quyền trrong thời
gian tới: công an Việt Nam sẽ gia tăng đàn áp phong trào đấu tranh dân chủ tại
đất nước này. Những hằn học ức chế mà giới công an trị phải nuốt vào lòng từ
khoảng thời gian cuối năm 2015, đầu năm 2016 đến nay có thể trào ngược ra miệng
nhằm mục đích “hồi tố”: một số nhân vật dân chủ đã tham gia vào phong trào tự ứng
cử đại biểu quốc hội, một số thành viên của Xã hội dân sự đã gián tiếp hoặc trực
tiếp góp tay vào những cuộc biểu tình số đông về bảo vệ môi trường sẽ có thể bị
tạo cớ nhằm sách nhiễu, bắt bớ và thậm chí có thể bị truy tố.
Tự do tôn giáo cũng bởi thế có thể
tiếp tục bị siết bức. Ngược lại với đòi hỏi của giới lập pháp Mỹ, Nhà nước Việt
Nam sẽ tiếp tục không chấp nhận các hoạt động của tôn giáo ly khai, bao gồm
Công giáo, Phật giáo Thống Nhất, Tin Lành, Cao Đài và Hòa Hảo Thuần Túy.
Ngay sau khi Obama rời Việt Nam, đã
có những biểu hiện và dấu hiệu cho thấy một chiến dịch “hồi tố” như thế đang được
chính quyền và công an thăm dò.
Tuy nhiên, kịch bản “hồi tố” sẽ
không quá xấu, thậm chí sẽ không thành hình, nếu cân nhắc đến từng chi tiết về
khả năng chính quyền Việt Nam sẽ thất lợi đến mức nào nếu gia tăng đàn áp nhân
quyền.
TTP và tự do tôn giáo
Trong toàn bộ câu chuyện được Mỹ
chính thức dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, cái lợi lớn nhất và
rõ ràng nhất của Việt Nam không phải là được mua vũ khí, chưa tính đến việc tìm
đâu ra nguồn tài chính để mua, mà là sự vay mượn hình ảnh của cường quốc số một
thế giới nhằm đối trọng quân sự với âm mưu thôn tính đang hiển hiện từng ngày của
Trung Quốc.
Nếu được Việt Nam thỏa thuận để gia
tăng sự hiện diện lực lượng hải quân tại Cam Ranh, Mỹ sẽ là một lá chắn chắc chắn
để hạn chế đến mức tối thiểu một cuộc tấn công quy mô lớn của Trung Quốc trên
Biển Đông và vào đải đất miền Trung Việt Nam. Chế độ cầm quyền ở Việt Nam cũng
bởi thế sẽ tránh được một mối lo sầu thảm.
Nhưng khác với một thập kỷ trước,
cái lợi lần này của Việt Nam mới chỉ mang tính tượng trưng. Vào những năm 2006
- 2007, Việt Nam đã được “bình thường hóa” hơn với Mỹ thông qua việc được Mỹ nhấc
ra khỏi Danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC). Sau
đó, cái lợi trực tiếp và hữu hình đã đến với Việt Nam khi chính quyền quốc gia
này được chấp nhận là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO),
mang lại một nguồn lợi kinh tế lớn, mà bằng chứng hiển hiện là tình hình xuất
siêu của Việt Nam vào Mỹ lên tới vài chục tỷ USD hàng năm, trong khi Việt Nam
luôn phải nhập siêu ít nhất 30 tỷ USD mỗi năm từ Trung Quốc.
Còn giờ đây, TPP vẫn chưa thấy đâu.
Triển vọng gần nhất là hiệp định thương mại này chỉ có thể được Quốc hội Mỹ
thông qua vào năm 2017. Nhưng nếu Việt Nam được chính thức tham gia vào TPP thì
cũng phải mất ít nhất vài năm sau đó, các doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu thu
lợi để góp phần vực dậy nền kinh tế đình
đốn của quốc gia này.
Khác hẳn với thời điểm 2007 là lúc
nền kinh tế việt Nam “lên đỉnh”, giờ đây tất cả đang lao xuống đáy. Không có
TPP, tất cả sẽ tuyệt đối bế tắc.
Nhưng muốn được tham dự vào bữa tiệc
mang tên TPP, phía Việt Nam lại phải thỏa mãn một số điều kiện về nhân quyền và
tự do tôn giáo. Hẳn chính quyền quốc gia này chưa quên vai trò của Quốc hội Mỹ
đã trở nên quan trọng đến thế nào từ năm 2014. Khi đó, phần lớn giới lập pháp
lưỡng viện Mỹ đã đồng thuận để cài điều kiện tự do tôn giáo vào cơ chế Quyền
đàm phán nhanh (TPA) - một tiền đề không thể thiếu để dẫn đến việc biểu quyết
TPP sau này.
Từ cuối năm 2015 khi quá trình đàm
phán TPP giữa 12 quốc gia được hoàn tất, trách nhiệm chính đối với TPP đã không
còn nằm trong phần hành của Chính phủ Mỹ, mà chuyển sang tay Quốc hội nước này.
Như vậy, có thể hiểu là sau chuyến thăm Việt Nam của Obama và từ nay đến khi Quốc
hội Mỹ họp để biểu quyết về TPP, toàn bộ vi phạm tự do tôn giáo của chính quyền
và công an Việt Nam đều được “ghi sổ”. Nếu không cẩn thận, Việt Nam rất có thể
sẽ bị loại thẳng thừng khỏi TPP, cho dù đã mon men gần đích.
Nợ công và những kịch bản nhân quyền
khác
Không chỉ TPP, tương lai của chính
thể Việt Nam vẫn còn nhiều hứa hẹn kèm thách thức. Thách thức tồn vong của
chính quyền này không chỉ nằm ở tác nhân Trung Quốc, mà còn là gánh nặng nợ
công, nợ xấu và kinh tế suy sụp - di sản của nạn tham nhũng quốc gia và “triều
đại Nguyễn Tấn Dũng”.
Cho tới giờ, Việt Nam vẫn chưa thể
trả món nợ nước ngoài đến hơn 20 tỷ USD cho riêng năm 2015, chưa tính năm 2016
và những năm sau đó. Có nhiều dấu hiệu cho thấy những chủ nợ lớn nhất của Việt
Nam - Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế ((IMF) - bắt đầu tăng cường
“siết nợ”. ODA không còn là món quà từ trên trời rơi xuống mà lãi suất sẽ theo
giá thị trường. Nếu không thể trả nợ, nhà nước Việt Nam đương nhiên sẽ bị tuyên
bố vỡ nợ. Khi đó sẽ là “khủng hoảng toàn diện và sâu sắc” - như lo lắng đến mất
ăn mất ngủ của giới lãnh đạo nước này.
Trong bối cảnh đó, có thể hiểu Việt
Nam mong đợi đến thế nào một kịch bản được giãn nợ, hoặc tốt nhất là được xóa nợ
- điều đã từng đơm hoa kết trái ở Myanmar khi quốc gia này được Câu lạc bộ
Paris, Đức, Nhật, Na Uy… xóa đến 6 tỷ USD nợ vay vào cuối năm 2012.
Nhưng làm thế nào để Việt Nam vừa
được tham gia TPP vừa được giãn nợ hoặc được xóa nợ, nếu giới lãnh đạo chính thể
này vẫn giữ nguyên thủ đoạn vừa trẻ con vừa tiểu nhân khi dùng Cam Ranh để trả
treo với Mỹ và “việc nào ra việc nấy” khi vẫn tiếp tục đàn áp nhân quyền?
“Thực tiễn” hiện nay là quá khó để
chính thể Việt Nam quay lại thời “đàn áp vàng” từ năm 2008 đến năm 2012, khi vừa
nhận được lợi ích kinh tế vừa quay lại bắt bớ những người bất đồng chính kiến
và dân oan đất đai.
Bây giờ thì mọi chuyện đã khác,
khác hẳn, thậm chí khác về bản chất. Sau “nốt trầm” mà Obama để lại Việt Nam, một
lần nữa xuất hiện những dấu hiệu vừa kín đáo vừa lộ liễu cho thấy Mỹ vẫn quan
tâm đến nhân quyền, nhưng “để dành” chủ đề này cho những cuộc đàm phán song
phương khác hơn là Cam Ranh. Trong bối cảnh đó, bất cứ một sự gia tăng đàn áp
nhân quyền đáng kể nào của chính quyền Việt Nam sẽ càng khiến chế độ này tự siết
chặt hơn dây thòng lọng vào cổ mình.
Bởi thế, ngoài kịch bản chính quyền
gia tăng đàn áp, vẫn còn những kịch bản khác: duy trì đàn áp nhưng “kềm chế bắt
bớ” như thời gian trước khi Obama đến Việt Nam; hoặc có thể nới hơn một chút
cho Xã hội dân sự nói chung trong lúc đàn áp mạnh tay hơn đối với một số tổ chức
dân sự nói riêng và chưa nói gì đến Công đoàn độc lập…
VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét