Hợp đồng mà Vietjet Air mua 100 máy bay Boeing 737 trị giá
$11.3 tỷ USD được ký kết giữa hãng hàng không nhỏ của Việt Nam với đại diện
công ty Boeing trong sự chứng kiến của Tổng Thống Mỹ Barack Obama và chủ tịch
nước CSVN Trần Đại Quang khi ông Obama tới thăm Việt Nam hôm 23 tháng 5, 2016.
Máy bay của hãng Vietjet Air tại phi trường Nội Bài, Hà Nội.
(Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Hãng hàng không Vietjet Air mới chỉ được thành lập từ năm
2011, có một số đường bay quốc nội và một ít chuyến bay ra các nước trong khu vực
với giá vé rẻ. Nhưng với tầm vóc như thế họ lấy tiền ở đâu ra để mua một số lượng
máy bay nhiều như vậy, được mô tả là kỷ lục trong lịch sử mua sắm của các hãng
máy bay tại Việt Nam, gồm cả hãng quốc doanh Vietnam Airlines.
Hồi tháng 8 năm 2012, Vietjet Air đã làm thiên hạ trợn tròn
mắt khi phóng lên youtube và trang mạng của công ty một video clip dài 3 phút
màn biểu diễn của một số cô gái mặc bikini và quấn xà rông trên máy bay, quảng
cáo đường bay mới từ Sài Gòn tới Nha Trang.
VietJet Air nói đây là lần đầu tiên họ có hoạt động làm hành
khách “ngạc nhiên và thú vị” như thế này tại Việt Nam. Hãng cũng tặng tất cả
các hành khách trên chuyến bay Sài Gòn-Nha Trang quà lưu niệm. Tuy nhiên
VietJetAir đã bị phạt 20 triệu đồng (khoảng 1,000 USD) vì đã “không đăng ký việc
tổ chức tặng quà hay màn biểu diễn trên máy bay với cơ quan quản lý.”
Tháng 2 vừa qua, Vietjet Air đã đặt mua một số động cơ của
hãng Mỹ Pratt & Whitney trọ giá $3 tỷ USD để lắp trên các máy bay họ mua của
tập đoàn sản xuất máy bay Âu Châu Airbus.
Vietjet Air là một công ty cổ phần hỗn hợp phát triển khá
nhanh. Theo thống kê, đến giữa quý 1 của năm 2016, công ty này đã chuyển vận được
18.7 triệu lượt hành khách, gia tăng 31% so với cùng thời kỳ của năm ngoái. Hiệp
Hội Vận Chuyển Hàng Không Quốc Tế (IATA) phỏng định Việt Nam là một trong 10 nước
có tỉ lệ tăng trưởng ngành hàng không nhanh nhất thế giới từ nay đến 20 năm tới.
Hiện công ty này đang có 250 chuyến bay mỗi ngày trên 50 đường
bay nội địa và một số nước lân cận như Singapore, Đài Loan, Myanmar. Vietjet
Air nói rằng kể từ khi thành lập đến nay, công ty tăng trưởng mỗi năm 20%. Năm
ngoái, lợi tức của họ đạt $488 triệu USD và lợi tức ròng đạt được $50 triệu
USD.
Sự khấm khá này cũng không phải là hoàn toàn suôn sẻ với các
tiếng tốt. Giữa năm 2014, một chuyến bay Vietjet từ Hà Nội đi Đà Lạt đã không
đáp xuống đây mà lại đổ hành khách tới Nha Trang. Tháng 10 năm ngoái, một chuyến
bay đáp xuống đúng phi trường nhưng lại đáp ngược phi đạo. Những tai nạn như thế
cùng với những tai tiếng về bay không đúng giờ, phục vụ khách hàng kém, chẳng
làm công ty đẹp mặt chút nào.
Hai cô gái mặc bikini biểu diễn trên máy bay Vietjet Air quảng
cáo đường bay mới mở Sài Gòn-Nha Trang. (Hình: Traveling)
Trước đó, hồi tháng 8, 2015, báo chí tại Việt Nam đưa tin
phi công của Vietjet Air đánh nhau với hành khách. Tháng 4, 2015, dư luận phẫn
nộ khi báo chí đưa tin tiếp viên Vietjet Air từ chối phục vụ người khuyết tật.
Đứng đầu công ty này là một phụ nữ mới 45 tuổi tên Nguyễn Thị
Phương Thảo. Bà là một trong những nữ tỷ phú đô la của Việt Nam. Chồng bà, Nguyễn
Thanh Hùng, chủ tịch của công ty Sovico Holdings, công ty mẹ của Vietjet Air.
Công ty Vietjet Air dự trù bán cổ phần ra công chúng vào cuối năm nay.
Hiện chưa có chi tiết gì về việc bán cổ phần của Vietjet Air
nhưng nhiều phần công ty này sẽ bán khoảng 30% trị giá cổ phần với ước tính khoảng
$1 tỷ đô la sẽ đạt được.
Bà Thảo, những ngày gần đây, được nêu tên trên danh sách “Hồ
sơ Panama” - là hồ sơ mà giới chuyên môn cho là bao gồm những người “lách luật.”
Trong số hàng chục người được nêu tên trong “Hồ sơ Panama”
người ta thấy có ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Kiêm tổng giám
đốc công ty chứng khoán Sài Gòn, bà Đàm Bích Thủy, cựu CEO ngân hàng ANZ, bà
Nguyễn Thị Phương Thảo, bà chủ Vietjet Air.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét