Mới đây, truyền thông Việt Nam cho hay chính quyền Hà Nội muốn
thực hiện sự “đồng nhất” trên phố Thái Thịnh. Trước đó không lâu, đầu tháng
5-2016, Hà Nội hoàn thành cải tạo phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân), coi đây là tuyến
phố kiểu mẫu đầu tiên ở thủ đô với nhiều tiêu chí thống nhất giữa chính quyền
và người dân.
Báo chí Việt Nam cho biết “Phố có vỉa hè rộng 7,5 m làm bằng
đá xanh tự nhiên phục vụ người đi bộ, người khuyết tật, hệ thống chiếu sáng lần
đầu tiên sử dụng đèn led, cây xanh lấy bóng mát trồng xen kẽ với hoa cảnh.
Chính quyền cũng vận động các nhà mặt tiền chỉnh trang đồng bộ màu sơn, tháo dỡ
mái che, mái vẩy, thống nhất mẫu biển hiệu kinh doanh, quảng cáo”. Tuy nhiên,
việc xây dựng hình ảnh mà nhiều người lẫn báo chí Việt Nam gọi là “đồng phục”
này gây ra không ít tranh cãi.
Quan điểm đầu tiên cho rằng việc xây dựng đồng nhất cho phố
thị như vậy tích cực hơn là tiêu cực. Một tác giả viết trên một tờ báo rằng “Phố
kiểu mẫu Lê Trọng Tấn thực sự là kiểu mẫu. Vâng, nó thực sự là kiểu mẫu. Tôi
xin nhắc lại như thế, bởi, trên cả đất nước này, có tuyến phố nào được như thế
chưa? Đã có tuyến phố nào gọn gàng, ngăn nắp như thế chưa?... Hàng trăm cái biển
hiệu ấy cần phải được đồng bộ như vậy! Nó không thể mỗi cái một kiểu, cái to
cái nhỏ, cái ngược cái xuôi, cái trên cái dưới. Nó không thể là những cái biển
to uỳnh, sặc sỡ, chói lóa… dựng khắp nơi trên vỉa hè, thậm chí tràn xuống tận
lòng đường”.
Tác giả này còn so sánh rằng hãy thử đi qua những tuyến phố
từng được xem là “đẹp nhất Thủ đô” như đường Nguyễn Chí Thanh chẳng hạn. Nhà cửa
nhuộm nhoạm, cái nhô ra cái thụt vào, cái cao cái thấp. Hàng cây trồng hai bên
đường chỗ có chỗ không. Gạch lát vỉa hè mỗi đoạn một kiểu. Có đoạn gần như
không có vỉa hè.
Trái ngược với quan điểm trên, một học giả rất nổi tiếng của
Việt Nam đã có đoạn status xúc tích nhưng trào phúng, nhận được sự ủng hộ của
không ít người tham gia mạng xã hội. Vị này chụp hình cạnh phố Lê Trọng Tấn và
viết rằng “Tiếc quá không có mưa bay cho nó giống phim tình cảm (Bắc) Triều
Tiên. Khảo sát nhanh tại thực địa về chính sách mới của Thành phố Hà Nội. Thật
xúc động về sự nhiệt tình của các đồng chí đã đưa ra chính sách này. Như nhiều
lần, chỉ thiếu trí tuệ thôi”.
Thật sự thông tin chính thức phía sau chuyện chính quyền có
ép buộc các cơ quan, doanh nghiệp hay các tư nhân phải treo bảng đồng nhất cùng
màu như những gì nhìn thấy trên báo chí, đến nay bản thân tôi (và rất nhiều độc
giả theo dõi báo chí Việt Nam) vẫn còn rất mơ hồ. Tuy nhiên trong cuộc tranh luận
về phố kiểu mẫu, tôi cho rằng dù có ban bố chính sách đồng nhất thì cũng phải
lưu ý đến vấn đề bản sắc của những con phố nói riêng và của cả một Hà Nội – một
thủ đô của Việt Nam nói chung. Bản sắc mới chính là vấn đề, chứ không phải màu
sắc.
Tôi giải thích thêm về ý “bản sắc”. Tất nhiên, nó bao gồm cả
màu sắc, nhưng tuyệt nhiên không nên là những dãy màu xanh dương mà đỏ tía như
thể cả gần một dãy phố đang làm. Đúng như vị học giả bình luận, nó mang màu sắc
của Bắc Triều Tiên, hay ít nhất cũng làm cho người ta nghĩ đến Bắc Triều Tiên –
một đất nước bị cấm vận liên miên. Màu sắc đó chắc chắn không nên nằm trong bản
màu tạo nên bản sắc cỉa Việt Nam.
Bản sắc ở đây còn bao gồm cả hình dáng, có hình dáng riêng của
từng căn nhà, khu hộ và hình dáng chung của cả khu phố. Ngay cả những khu chung
cư, khu đô thị với các căn hộ cao xấp xỉ nhau, hình dáng na ná nhau ở Mỹ, Nga
hay Pháp, thì người dân cũng có quyền sáng tạo nên cái biển hiệu của họ, cái
kích thước nằm trong khuôn khổ quy định… chứ không phải theo kiểu rập khuôn của
phố Lê Trọng Tấn. Để có được cái hình dáng tạo nên bản sắc riêng, nhất thiết cần
có những kiến trúc sư, hay các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng chứ không phải đơn giản
tạo nên những tấm biển hiệu cùng kích cỡ, cùng màu là được. Muốn làm được điều
này, Việt Nam cần phải học hỏi thêm, vận động và kêu gọi thêm sự đóng góp ý tưởng
mang tính quy hoạch và có tầm nhìn.
Và quan trọng nhất là bản sắc phải được tạo ra từ con người
– phong cách, lối sống, cách làm ăn, thái độ, kỷ luật… Người ta sẽ nhớ đến một
Tokyo của Nhật Bản hiện đại, đông đúc nhưng cũng rất thiện cảm, đầy tình người.
Người ta nhớ đến những con phố ở Pháp vừa đẹp, vừa lãng mạn đầy quyến rũ xậy dựng bởi những con người
“không biết giận” nơi này. Người ta sẽ nhớ đến con phố khi bản sắc của nó được
xây dựng bởi những con người thân thiện, dễ gần, sống nhân văn và có môi trường
sống an toàn. Chứ không phải thói quen nói tục, chữi thề, thường xuyên thiếu lịch
sự, thậm chí khiếm nhã với khách du lịch, nạn “chặt chém” hay lừa đảo, ra đường
không đội mũ bảo hiểm, chạy xe đánh võng… của một bộ phận không nhỏ người Việt
trên khắp các con phố ở Hà Nội như báo chí đã phản ánh trong suốt những năm qua
mà cho đến nay vẫn không giảm bớt là bao.
Việc chính quyền Hà Nội chủ ý xây dựng những con phố tinh
tươm trên đất thủ đô, tôi xin có lời tán thưởng. Tuy nhiên cách làm gây phản ứng
như thời gian qua, mà phần nhiều là phản ứng khá tiêu cực, tôi nghĩ là cần phải
xem xét lại. Đừng chú trọng quá đến màu sắc, hãy để những cái nhân có sức sáng
tạo trong một khuôn khổ chung mang bản sắc của những con phố riêng nằm trong một
thủ đô chung. Muốn như vậy, thay vì những văn bản quy định cứ nối đuôi nhau kéo
đến và yêu cầu dân nghe theo, hãy lắng nghe ý kiến chuyên gia quy hoạch đô thị,
các sáng kiến, ý kiến từ phía những người am hiểu để có thêm thông tin.
Quan trọng nhất với một Hà Nội “ngàn năm văn vật” vẫn là bản
sắc, chứ không phải những dãy phố rập khuôn một cách nhàm chán như phố Lê Trọng
Tấn.
VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét