Jane Palmer
Quần đảo Lesser
Sunda là nơi ở của loài rồng Komodo dài 3m
Rồng Komodo tuy không khè ra lửa, cũng không bay lượn trên
không nhưng vẫn là một loài sinh vật kỳ diệu truyền cảm hứng cho chúng ta. Con người đang phải nỗ lực bảo tồn nếu không muốn chúng trở
thành những huyền thoại vĩnh viễn
Quần đảo Lesser Sunda, nằm hình vòng cung uốn qua Biển Java,
giờ đây trên bản đồ vẫn còn dấu ghi chú của những nhà vẽ bản đồ thời Trung cổ với
nội dung cảnh báo: Nơi đây có rồng.
Những con rồng này không phun ra lửa, cũng không bay lượn,
nhưng chúng kỳ diệu không kém gì những con rồng trong huyền thoại.
Dài tới 3m và cân nặng đến 70kg, chúng có thể chạy nhanh tới
29km một giờ để săn mồi.
Khi tóm được con mồi, dù đó là con trâu nước hay chú hươu, rồng
Komodo ngay lập tức dùng hàm răng tiêm vào vết thương con mồi chất chống đông
máu, khiến nó mất máu nhanh hơn.
Nạn nhân khốn khổ chỉ còn nước chảy máu dữ dội cho đến chết
- thật là một cái chết còn đau đớn, thống khổ hơn là bị thiêu đốt bởi ngọn lửa
phun ra từ miệng con rồng trong trí tưởng tượng của con người.
"Răng là vũ khí chính. Nếu không chết ngay lập tức vì vết
cắt ở động mạch đùi thì con mồi cũng chảy máu liên tục cho đến khi cạn máu rồi
chết," Bryan Fry từ trường Đại học Queensland ở Brisbane, Úc giải thích.
Quái vật có bị tuyệt chủng?
Những con quái vật thời hiện đại đó chính là rồng Komodo của
Indonesia (tên khoa học là Varanus komodoensis).
Chúng chỉ sống trên các đảo Rinca, Gili Motang, Nusa Kode,
Flores và Komodo.
Được xem là giống lớn nhất trong loài bò sát, người ta tin rằng
chúng là hậu duệ còn sót lại của loài thằn lằn bay khổng lồ từng sống ở Úc
hàng triệu năm trước.
Các nhà khoa học tin rằng những con rồng này đã di chuyển
lên phía tây, đến các đảo ở Indonesia khoảng 900.000 năm trước.
Giờ đây, loài rồng đã thoát khỏi tình trạng tuyệt chủng. Ảnh: WaterFrame/Alamy
Bởi vậy, chúng đã sống sót qua kỷ băng hà, thời kỳ nước biển
dâng và đã trải qua rất nhiều trận động đất, sóng thần liên tiếp ập xuống Quần
đảo Lesser Sunda.
Dù chúng bền bỉ chống chọi trước thiên nhiên để sinh tồn,
vào cuối thập niên 1970, các chuyên gia bắt đầu lo lắng cho sự tồn vong của
loài rồng này.
Hồi đầu thế kỷ đã xuất hiện những tay săn rồng Komodo và bán
chúng cho sở thú, cho các nhà sưu tập cá nhân.
Thậm chí ngay cả khi hoạt động này chấm dứt, những tay thợ
săn chuyên đi săn sư tử, voi châu phi, trâu rừng châu Phi, báo và tê giác vẫn
săn tìm rồng Komodo như một cách sưu tầm chiến tích, để cắt lấy chân hoặc lấy
da làm vật trang trí.
Kết quả là trong danh sách của Liên đoàn Quốc tế Bảo tồn Các
loài trong sách đỏ, rồng Komodo được liệt kê vào nhóm "dễ bị tổn
thương" và Công ước về buôn bán quốc tế các loài bị đe doạ đã cấm mua bán
loài động vật này ở cấp độ quốc tế.
Năm 1980, vì muốn bảo tồn loài rồng đầy tính biểu tượng này,
Indonesia thành lập Công viên Quốc gia Komodo rộng 1.810 km2.
Gồm ba hòn đảo chính, đảo Komodo, đảo Rinca, đảo Padar và
hàng loạt đảo nhỏ, công viên này được tuyên bố là Địa điểm Di sản Thế giới vào
năm 1986.
Các biện pháp bảo tồn thành công ở công viên đã giúp số lượng
rồng ổn định trở lại với khoảng 3.000 con, hầu hết sống trên đảo Komodo và
Rinca.
Trải qua hàng thập kỷ bị loài người săn bắn, loài rồng này
giờ đây có vẻ đã an toàn thoát khỏi nạn tuyệt chủng.
Tuy nhiên, số lượng rồng cái đẻ trứng vẫn còn cực kỳ thấp,
và những nguy cơ đe doạ dường như vẫn còn đó.
Việc loài rồng huyền thoại dài 7 mét này có sống sót được
bao lâu nữa hay không, có bị tuyệt chủng như tổ tiên của chúng không, vẫn là
điều chưa có gì đảm bảo chắc chắn cả.
Huyền thoại bí ẩn
Mãi đến những năm đầu thập kỷ 1900, các nhà khoa học mới lần
đầu tiên tiếp cận loài rồng này, mặc dù tin đồn về sự tồn tại của chúng đã được
nói đến nhiều từ trước đó.
Tim Jessop, một nhà sinh học tích hợp của Đại học Deakin ở
Geelong, Úc nói: "Kích cỡ của chúng thật quá mức tưởng tượng."
"Chúng không chỉ dài, mà còn cực kỳ mạnh mẽ, vững chắc
và to con," ông nói.
Năm 1912, một sĩ quan Hà Lan, Đại uý hải quân Steyn van
Hensbroek đến đảo Komodo, bắn chết một con rồng và gửi da của nó cho nhà nghiên
cứu tự nhiên Peter Ouwens, người sau này viết những nghiên cứu đầu tiên về loài
bò sát khổng lồ này.
14 năm sau, W. Douglas Burden người Mỹ khởi hành đến Quần đảo
Lesser Sunda ở Indonesia để bắt hàng chục con thằn lằn khổng lồ về cho Bảo tàng
Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ.
Hồi ký của ông về chuyến hành trình đã đặt cái tên rồng
Komodo cho chúng. Câu chuyện về chuyến phiêu lưu, cũng như những cuộc đối đầu với
"con quái vật trắng xám" đã tạo cảm hứng cho bộ phim King Kong sau
này.
Jessop nói: "Nội việc có giống loài kỳ lạ này ở một nơi
cùng trời cuối đất đã là điều cực kỳ đáng kinh ngạc rồi."
Những con rồng này thường sống ở các hòn đảo cheo leo, đá lởm
chởm nhô ra biển, Jessop nói.
Không giống những khu vực rừng rậm có nhiều mưa, ẩm ướt ở
Sumatra hay Java, Quần đảo Lesser Sunda khá khô ráo trừ một vài tháng ngắn có
gió mùa.
Trên đảo có cả rừng rậm và đồng cỏ savan, là môi trường sinh
sống của hươu, con mồi chính của rồng Komodo.
Trong môi trường này, những con rồng tỏ ra rất giỏi nguỵ
trang.
Chúng kiên nhẫn rình mồi. Một khi hươu, heo hay cả người đi
ngang (rồng Komodo không quá kén chọn trong việc ăn gì), con rồng sẽ bất ngờ
hành động với việc tung ra cú tấn công kép với cú táp bằng hàm răng sắc lẻm
như dao lam và sau đó là cú tiêm nọc độc.
"Tôi từng chứng kiến những gì con vật này có thể làm và
khả năng nó khiến người ta bị thương nặng đến mức nào," Achmad Ariefiandy
từ Chương trình Rồng Komodo Indonesia Sống sót (KSP) cho biết.
Nghiên cứu của Ariefiandy về loài rồng khiến ông đã đến những
vùng xa xôi, khá xa bệnh viện, để tìm hiểu về những con thằn lằn khổng lồ
này. Vì thế sự thận trọng của ông là hoàn toàn dễ hiểu.
Loài rồng có thể ăn được lượng thức ăn nặng bằng 80% trọng
lượng cơ thể của nó, và sau đó nhịn ăn nhiều tuần liền.
Hầu hết thời gian chúng nằm dài, thư giãn dưới ánh mặt trời.
Chúng không ngại ngần tấn công cư dân trên đảo. Đã từng có bốn
vụ tử vong vì rồng trong bốn thập niên qua.
Nhưng người dân địa phương kính trọng loài rồng và rất nhiều
người coi chúng là sinh vật thiêng liêng. Ariefiandy cũng có cảm giác này.
"Tôi phải lòng loài rồng và cảnh tượng tuyệt đẹp ở khu
vực loài rồng Komodo sinh sống ở miền Đông Nusa Tenggara ngay từ lần đầu tiên
tôi đặt chân lên Đảo Komodo," ông nói.
Công việc của Ariefiandy khiến ông dành hầu hết thời gian
trên thực địa, đi bộ 10-20km mỗi ngày qua những địa hình đồi nóng rát.
"Nhưng tôi hạnh phúc làm việc này để thực hiện giấc mơ
của mình, để bảo tồn loài rồng Komodo," ông nói.
Nỗ lực bảo tồn
Những nỗ lực bảo tồn được khoa học thông tin bắt đầu từ giữa
thập niên 1990 khi Claudio Ciofi, nay đã là một nhà sinh học tại Đại học
Florence, đến Indonesia để thực hiện luận án tiến sĩ về gene của loài rồng.
Bị quyến rũ bởi loài sinh vật này và nhận thấy không có
chương trình bảo tồn nào hỗ trợ chúng, Ciofi bắt tay thực hiện một dự án từ đầu.
Tin rằng chỉ có người địa phương mới có thể bảo tồn loài rồng
này bền vững và hiệu quả chứ không phải nhà khoa học hay các chuyên gia bảo tồn
người nước ngoài, Ciofi đặt mục tiêu tối hậu là chuyển giao dự án này cho người
Indonesia.
"Ở giai đoạn hiện nay, tôi nghĩ chúng tôi là một trong
số những dự án gốc thành công trong việc chỉ dẫn và chuyển giao cho người địa
phương," Ciofi nói. "Mọi dự án ở các quốc gia đang phát triển đều nên
làm theo cách này."
Hiện nay, các tổ chức chính phủ dưới sự quản lý của Bộ Môi
trường và Lâm nghiệp của Indonesia đang cùng với các nhà khoa học tại KSP quản
lý việc bảo tồn loài rồng.
Các nhà nghiên cứu của KSP thu thập thông tin khoa học trong
hệ sinh thái loài rồng sinh sống, với mục đích giúp các tổ chức này tập trung tốt
hơn vào nỗ lực của họ.
Trong vai trò bảo tồn, công viên và KDS cũng giúp cộng đồng
địa phương nâng cao nhận thức bằng việc tổ chức các chuyến giáo dục dành cho
các ngôi làng và trường học.
"Tôi thấy xấu hổ vì thấy quá nhiều người nước ngoài đứng
đầu trong việc bảo tồn các loài ở Indonesia," Ariefiady nói. "Rồng
Komodo là loài biểu tượng quốc gia, vậy thì phải là người Indonesia thực hiện
nghiên cứu và bảo tồn giống loài này."
Vì có nhiều đe doạ với rồng đến từ cư dân trên đảo, nên việc
hiểu văn hoá địa phương và tìm cách nào tốt nhất để quản lý các đòi hỏi cạnh
tranh trên đảo là điều quan trọng.
Môi trường sống bị đe dọa
Trước khi công viên bảo tồn được thành lập, nạn săn hươu là
vấn đề lớn.
Hươu là nguồn thức ăn chính của rồng. Vào thập niên 1980, việc
săn hươu quá mức ở Padar đã khiến số lượng rồng giảm.
Công tác quản lý công viên bảo tồn thành công đã giúp giảm
thiểu nạn săn bắn từ đó.
Nỗ lực bảo tồn đã dẫn đến số lượng rồng khá ổn định trên hai
hòn đảo chính ở Komodo, mỗi đảo có khoảng 1.100 con rồng sinh sống.
Nhưng bên ngoài ranh giới công viên, trên đảo Flores, câu
chuyện không được tốt đẹp như vậy.
Các nhà khoa học tin rằng rồng Komodo từng lang thang khắp
nơi trên đảo Flores, nhưng giờ số lượng giảm hẳn và chúng chỉ còn sống ở các bờ
biển phía bắc và phía tây, nơi khoảng 80km2 đảo nằm trong khu bảo tồn tự nhiên.
"Thủ phạm chính là việc chúng mất đi môi trường sống vì
đất rừng chuyển thành đất nông nghiệp," Jessop nói. "Dân làng bắt đầu
đốt rẫy lấy đất làm đồng cỏ chăn nuôi gia súc."
Rất nhiều con rồng sống bên ngoài khu bảo tồn và thường
xuyên đi vào các khu vực có người ở vốn đang ngày càng được phát triển rộng
thêm.
Vừa mất đi môi trường sống, chúng lại vừa phải cạnh tranh
nguồn mồi là hươu và heo với con người.
Trong thập niên vừa rồi, các nhà bảo tồn nỗ lực đối mặt với
thách thức đó trong khu bảo tồn Wae Wull ở Flores bằng cách tiếp cận đa chiều,
tích hợp việc giám sát động vật hoang dã với sự tham gia của dân địa phương để
bảo vệ số lượng rồng.
Các nhà quản lý chương trình đã mở lại một trạm gác, thiết lập
công tác tuần tra và khảo sát số lượng con mồi.
Họ cũng huấn luyện cho nhân viên kiểm lâm các kỹ thuật giám
sát động vật.
Xây dựng ý thức cộng đồng là điều quan trọng. "Tôi nghĩ
công thức là tích hợp khoa học với công tác dựa vào cộng đồng," Ciofi nói.
"Bạn không thể làm việc một mình mà không có người khác."
Một đánh giá gần đây về số lượng rồng ở Khu bảo tồn Wae Wull
cho thấy nó mới chỉ ổn định trong vài năm vừa qua và các nhà nghiên cứu đang
tìm cách áp dụng cùng phương thức tiếp cận vào khu vực phía bắc Flores nơi có
ba khu bảo tồn khác.
Chương trình thành công này cho thấy họ cần những gì để đối
mặt với các thách thức tương lai trong việc bảo tồn rồng, đó là phải kết hợp giữa
chính quyền địa phương với cư dân bản địa để sử dụng đất một cách bền vững.
"Nếu mọi người cùng nhau nỗ lực bảo tồn, và nếu người địa
phương nhận thức được họ cũng có thể có lợi từ loài rồng, thì giống loài này sẽ
còn tiếp tục sống hàng trăm, hàng ngàn năm nữa," Ariefiandy nói.
Tác động của thay đổi khí hậu
Nhưng hoạt động của con người không phải yếu tố duy nhất đe
doạ rồng. Chúng chỉ sống trên một vài hòn đảo trên cả thế giới, và sự đa dạng
gene của chúng cực kỳ giới hạn, nghĩa là loài rồng đặc biệt nhạy cảm với biến đổi
khí hậu.
Nước biển dâng có thể nhấn chìm các thung lũng thấp ven biển,
nơi có đông rồng sinh sống nhất.
Sự thay đổi lượng mưa cũng có nghĩa rừng rậm không còn là
nơi rồng có thể làm tổ và đẻ trứng nữa.
Vì rồng con phải trèo lên cây để an toàn, chúng có thể dễ bị
tấn công hơn, thậm chí là bởi các con rồng Komodo lớn hơn.
Ciofi tin rằng loài rồng sống trong khu vực cách bờ biển ít
nhất 500m và làm tổ ở rất nhiều khu vực thực vật đa dạng, nên biến đổi khí hậu
có thể vẫn chưa là đe doạ lớn nhất với loài rồng. Những điều đó chỉ làm giảm
khu vực sinh sống và giảm số lượng rồng.
Con người là người bảo vệ hay kẻ hủy diệt rồng Komodo?
Điều nguy hiểm nhất có thể xảy ra với sự sinh tồn của loài rồng
là vấn đề dân số con người tăng nhanh.
Có thể trong khoảng 20 năm nữa, con người sẽ quét sạch toàn
bộ môi trường sống của rồng Komodo. Nhưng với nỗ lực bảo tồn khá thành công hiện
tại, kịch bản này có thể tránh được.
"Trong vòng 10 năm, với sự hỗ trợ của chính quyền địa
phương, nếu chúng tôi có thể bảo tồn số lượng hiện tại của loài rồng thì như
vậy đã là đủ để đảm bảo cho sự sinh tồn bền vững của giống rồng này,"
Ciofi nói.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu Indonesia đang đi tàu lên các đảo
phía bắc Flores, lắp đặt các camera ghi hình để quan sát môi trường sống của rồng
trong khu vực này.
"Đây là một câu chuyện hoàn toàn của Indonesia,"
Ciofi nói. "Việc chăm sóc loài rồng giờ nằm trong tay người dân địa
phương."
Trong một chuyến đi như thế hồi năm 2015, các nhà nghiên cứu
ngạc nhiên nhận ra là lần đầu tiên đã có rồng làm tổ ở Đảo Ontole, ngoài khơi
hòn đảo phía bắc Flores.
"Điều này rất quan trọng vì nó cho thấy số lượng rồng
đang sinh sản ở miền bắc Flores và nếu được bảo vệ tốt, quần thể rồng này sẽ ổn
định về số lượng,"Ciofi nói. "Rất đáng hi vọng."
Tháng 3/2015, các nhà bảo tồn Indonesia từ Cục Lâm nghiệp,
các nhà nghiên cứu từ KSP và các cư dân địa phương đã làm "cha mẹ đỡ đầu"
trong công tác đảm bảo trứng rồng được nở và rồng con trèo lên cây an toàn.
16 chú rồng Komodo non giờ đang sống trên đảo, ăn thạch sùng
và những con mồi tương tự, và nằm phơi nắng như cách loài thằn lằn vẫn vậy từ
trước tới nay.
BBC Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét