Ông Đoàn Nguyên Đức, vẫn thường được gọi là Bầu Đức, chủ
nhân công ty cổ phần Hoàng Anh-Gia Lai, và luôn được giới kinh tài xếp vào một
trong những người giàu nhất Việt Nam, xứng đáng là nhãn tiền cho bi kịch “người
giàu cũng khóc” ở đất nước mà ai cũng có thể chết này.
Kết cục “giấc mơ tỷ phú đô la”
Năm 2011, chỉ vài tháng trước khi Hoàng Anh-Gia Lai bất ngờ
bị một tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là Standard & Poor (S&P) hạ bậc
tín nhiệm từ B xuống B-, Bầu Đức đã tuyên bố rất tự tin với báo giới rằng chậm
nhất đến năm 2014, ông sẽ trở thành tỷ phú thế giới.
Hẳn là Hoàng Anh-Gia Lai đã từng trải qua buổi bình minh êm
dịu, trước khi ráng hoàng hôn đầu tiên hiện ra.
Năm 2013, màu tối hoàng hôn bắt đầu phủ sẫm lên Hoàng
Anh-Gia Lai. Công ty này bị một tổ chức hoạt động vì môi trường có tiếng trên
thế giới là Global Witness (GW) cáo buộc đã phá rừng ở Cambodia và Lào với việc
công bố một báo cáo mang tên “Các ông trùm cao su: Cách thức các công ty Việt
Nam và các nhà tài phiệt quốc tế đang tiến hành cuộc khủng hoảng chiếm đất tại
Cambodia và Lào.” Theo đó, tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai và tập đoàn Công Nghiệp
Cao Su Việt Nam (VRG) “có liên quan đến việc chặt đốn khu rừng nguyên vẹn trong
và ngoài phạm vi ranh giới nhượng quyền, trái với các quy định của pháp luật.”
Giới truyền thông không chỉ trong nước mà cả quốc tế lập tức lên tiếng mổ xẻ về
sự tàn nhẫn của Hoàng Anh-Gia Lai khi đuổi nông dân để lấy rừng. Bầu Đức đã phải
khốn khó mới “làm êm” được vụ tai tiếng này.
Có thể câu chuyện “làm ác” như thế đã không mang lại hậu sự
ngọt dịu. “Đến hẹn” năm 2014, những con số nợ nần lớn chưa từng thấy của Hoàng
Anh-Gia Lai phát lộ. Hai năm sau đó, trong bối cảnh số doanh nghiệp Việt Nam phải
ngừng hoạt động và phá sản vào quý 1 năm nay tăng tới 23% so với cùng kỳ năm
2015, một lần nữa người ta nghe tiếng kêu than từ Hoàng Anh-Gia Lai. Nợ nần
phát tác.
2016 rõ ràng là “một năm kinh tế rất khó khăn” - như trần
thuật của chính những chuyên gia nhà nước. Có người còn bình thêm: Tình hình
này không có đại gia chết mới là lạ.
Cuộc suy thoái kinh tế đã kéo dài đến năm thứ tám trên dải đất
hình chữ S, không chỉ vắt kiệt sức chịu đựng của tầng lớp bình dân, mà hàng
hàng lớp lớp đại gia nhiều ngành nghề khác nhau đã dần đội nón ra đi.
Mở đầu năm nay, không phải tập đoàn Tân Tạo của ứng cử viên
độc lập quốc hội vừa bị loại là Đặng Thành Tâm, mà chính Hoàng Anh-Gia Lai của
Đoàn Nguyên Đức đang là cái tên rơi vào vòng nguy khốn có thể phá sản.
Tính đến cuối năm 2015, theo báo cáo hợp nhất kiểm toán của
Hoàng Anh-Gia Lai, công ty này có tổng vay nợ gần 27,100 tỷ đồng, đặc biệt là
8,297 tỷ đồng sẽ đến hạn thanh toán trong năm 2016. Trong đó chủ nợ là các ngân
hàng chiếm 24,870 tỷ đồng còn lại là trái phiếu phát hành cho tổ chức tài chính
khác.
Để ngân hàng chấp nhận những khoản vay, Hoàng Anh-Gia Lai đã
phải thế chấp nhiều tài sản. Trong đó, đáng chú ý nhất chính là công ty của Bầu
Đức phải thế chấp cả khu liên hợp học viện bóng đá. Để vay một số khoản vay ngắn
hạn nữa, Hoàng Anh-Gia Lai cầm cố thêm bệnh viện đại học y dược Hoàng Anh-Gia
Lai.
“Domino” ngân hàng?
Trong số các chủ nợ là ngân hàng có Ngân Hàng Đầu Tư Phát
Triển (BIDV) với dư nợ lớn nhất - hơn 10,600 tỷ đồng, bao gồm 1,870 tỷ cho vay
ngắn hạn và 2,870 tỷ cho vay dài hạn và lượng lớn còn lại 5,900 tỷ đồng trái
phiếu.
Ngân hàng Eximbank cũng “dính” với Hoàng Anh-Gia Lai gần
4,000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cả BIDV và Eximbank đều là nhóm ngân hàng thuộc
loại mạnh nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong quan điểm của Ngân Hàng
Nhà Nước, có thể cho phá sản một số ngân hàng nhỏ, nhưng BIDV và Eximbak luôn
phải là những lô cốt cuối cùng.
Nhưng mới đây, một phó giám đốc chi nhánh BIDV tại Long An
đã treo cổ tự tử, chưa rõ vì nguồn cơn gì. Có thể cho đây là cái chết đầu tiên
theo nghĩa đen của một quan chức BIDV. Trước đó, nhiều vụ bị bắt bớ, truy tố và
“tự chết” chỉ thường xảy đến với lớp quan chức của Agribank - cũng là một trong
số ngân hàng “con cưng” của Ngân Hàng Nhà Nước.
Trong trường hợp Hoàng Anh-Gia Lai có “mệnh hệ” gì, chắc chắn
hai ngân hàng BIDV và Eximbank sẽ phải chịu ảnh hưởng không nhỏ. Vấn đề là khi
đó Ngân Hàng Nhà Nước có dang tay “cứu” BIDV và Eximbank, hay để hai ngân hàng
này “tự bơi.”
Vào năm 2014 và 2015, Ngân Hàng Nhà Nước đã tìm cách cứu vớt
ba ngân hàng Đại Dương, Xây Dựng và GP bằng cách mua lại với giá 0 đồng, nếu
không cả ba ngân hàng này đã hoàn toàn phá sản.
Cũng vào năm 2014, lần đầu tiên nợ xấu thực của Việt Nam được
chính ông Nguyễn Văn Bình, khi đó còn là thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, thừa nhận
lên đến khoảng 500,000 tỷ đồng, tức chiếm đến 17% tổng dư nợ, trong khi những
năm trước Ngân Hàng Nhà Nước và Chính phủ chỉ báo cáo tỉ lệ nợ xấu từ 3-4%.
Vấn đề đang trở nên căng thẳng hơn rất nhiều so với quá khứ.
Nếu trong quá khứ, không một cơ quan nào từ Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia
đến Ngân Hàng Nhà Nước biết rõ con số nợ xấu của từng ngân hàng thương mại cổ
phần là bao nhiêu, thì tình thế hiện thời cũng không thể khá hơn. Công ty quản
lý tài sản quốc gia (VAMC) được Ngân Hàng Nhà Nước đẻ ra từ năm 2013 để “ôm” nợ
xấu, nhưng cho đến nay mới chỉ mua được chưa đầy 10% nợ xấu bằng tiền mặt, số
còn lại chỉ “xử lý” trên giấy tờ.
BIDV là một trong những đại gia ngân hàng bị đồn đoán có tỉ
lệ nợ xấu cao hơn hẳn số báo cáo dưới 3%. Một trong những bằng chứng đáng lo ngại
nhất là số cho vay hàng chục ngàn tỷ đồng của ngân hàng này đối với Hoàng
Anh-Gia Lai sẽ “không cánh mà bay.”
Những chính khách nào?
Ông Đoàn Nguyên Đức từng được Wall Street Journal, một tờ báo
có uy tín bậc nhất trong hệ thống truyền thông tài chính của Mỹ, bình chọn là một
trong 29 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á. Nhưng ở chiều ngược lại, chưa cần
bàn đến kế hoạch phát triển hay giấc mơ tỷ phú đô la của ông, mà chỉ cần trong
năm 2016, Hoàng Anh-Gia Lai có đủ tiền để trả nợ ngắn hạn và lãi vay cho ngân
hàng cũng sẽ là một thành công khó tưởng tượng.
Chi tiết oái oăm là số nợ của Hoàng Anh-Gia Lai hiện thời lại
lên đến khoảng $1.2 tỷ theo tỷ giá quy đổi, vượt hơn cả “giấc mơ tỷ phú đô la”
của Bầu Đức cách đây năm năm.
Giờ đây, lần đầu tiên hàng chục ngân hàng phải ngồi lại với
nhau để kiến nghị chính phủ cho “tái cơ cấu nợ của Hoàng Anh-Gia Lai.” Cơ hội
kéo dài hấp hối của tập đoàn này cũng vì thế vẫn còn nhen nhóm.
Nhưng không có nghĩa là mọi rủi ro phá sản sẽ trôi tuột.
Nếu trong thời gian tới Hoàng Anh-Gia Lai phá sản, đây sẽ là
câu chuyện ra đi đầu tiên của một đại gia nằm trong số những người giàu nhất Việt
Nam, báo hiệu cơn khủng hoảng kinh tế rất cận kề của đất nước khốn khổ về tham
nhũng, phân hóa giàu nghèo và tính người này. Tiếp theo đó, gần như chắc chắn sẽ
xuất hiện hàng loạt cái tên ngân hàng khác lâm vào tình cảnh mất cân đối tài
chính mà Ngân Hàng Nhà Nước không thể mãi “ôm.”
Chưa kể, sự ra đi của Hoàng Anh-Gia Lai có thể làm bục ra
nhiều mối quan hệ với những chính khách nào đó - từ cấp địa phương đến cấp
trung ương. Nhất là trong bối cảnh chưa bao giờ các nhóm lợi ích và nhóm quyền
lực “sống chết” với nhau như hiện thời.
Thời gian tới lại có thể hiện ra một chiến dịch “chống tham
nhũng” của đảng cầm quyền để qua đó “tinh giản nhân sự” và cắt đi những hậu họa
không nên để quá lâu.
Phạm Chí Dũng/Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét