Anh Vũ RFA
Hàng loạt thợ lặn ở khu công nghiệp Formosa Vũng Áng có biểu
hiện bị nhiễm độc nước biển. Tuy vậy sau gần một tháng kiểm tra sức khỏe họ
không nhận được kết quả và còn bị đe dọa chấm dứt hợp đồng lao động.
Thảm họa môi trường ở vùng biển 4 tỉnh Miền Trung từ Hà Tĩnh
đến Thừa Thiên – Huế đầu tháng 4/2016 vừa qua, đã không chỉ làm cá biển chết
hàng loạt hay những rạn san hô quý hiếm và sinh vật dưới đáy biển bị hủy hoại.
Mà sức khỏe của những người thợ lặn ở khu công nghiệp Formosa cũng bị đe dọa
nghiêm trọng.
Theo báo Giao thông online cho biết, trùng vào thời điểm cá
chết hàng loạt, nhiều thợ lặn dưới biển thi công xây dựng đê chắn sóng cảng Sơn
Dương, Formosa khi lên bờ cảm thấy tức ngực, khó thở. Anh Lê Văn Ngày (SN 1970,
quê ở Khánh Hòa), là công nhân của Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động
Quốc tế Nibelc đã tử vong.
Anh Hoàng Quang, thợ lặn Formosa, cho biết đã có 21 thợ lặn
của Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động Quốc tế Nibelc đã có triệu chứng
bị nhiễm độc nước biển ở khu vực Vũng Áng. Ông nói với chúng tôi:
“Ở vùng đang xây đê chắn sóng Cảng Sơn Dương – Vũng Áng, cá
nhiễm độc chết rất nhiều do nước bị nhiễm độc. Do vậy anh em thợ lặn chúng tôi
có những triệu chứng bị choáng, tức ngực và khó thở. Sau đó công ty đưa anh em
vào Bệnh viện (BV) Trung ương Huế để khám sức khỏe, khi khám xong chỉ lấy được
các kết quả khác, còn kết quả xét nghiệm độc tố thì BV có hứa 3 ngày sau thì sẽ
cho kết quả. Nhưng cho đến bây giờ thì chưa có kết quả gì.”
Theo anh Đặng Lê Vũ cho biết, sau khi có hiện tượng cá chết
hàng loạt, các thợ lặn ở đây vẫn làm việc bình thường dưới biển. Sau đó khoảng
2 tuần họ bắt đầu có các dấu hiệu sức khỏe không bình thường. Tuy vậy cho đến
nay anh và các bạn bè vẫn chưa nhận được kết quả xét nghiệm độc tố. Anh tiếp lời:
“Sau này đi làm về bọn tôi cảm thấy tức ngực, khó thở và triệu
chứng khát nước. Đến ngày 28/4 thì Công ty Nibelc cho đi khám sức khỏe ở BV
Trung ương Huế. Sau đó chúng tôi đã nhiều lần gặp trực tiếp Giám đốc và những
người điều hành Công ty Nibelc để yêu cầu lấy kết quả. Nhưng họ cứ chối vòng
vo, đến khi ấy chúng tôi mới đi đến quyết định viết đơn cho công ty và cho đến
nay vẫn chưa có kết quả. Mà họ còn gọi chúng tôi đến để thanh lý hợp đồng.”
Nói về kết quả kiểm tra sức khỏe, Hoàng Quang khẳng định:
“Bên BV thì không thấy trả lời, nhưng bên công ty thì lại
nói là bên BV Trung ương Huế chưa trả lời cho công ty, nên công ty chưa có kết
quả để trả lời cho anh em.”
Còn anh Đặng Lê Vũ cho biết:
“Về việc chuyển giao kết quả khám sức khỏe thì tôi thấy Bệnh
viện đã giao cho Công ty kết quả khám các loại. Nhưng chỉ có tờ giấy khám sinh
hóa máu thì hình như không có. Tóm lại kết quả là công ty Nibelc giữ hết nhưng
không đưa cho chúng tôi cái gì.”
Một thợ lặn của Công ty Nibelc tử vong sau khi lặn xuống đường
nước thải của Vũng Áng. Youtube screenshot
Cũng theo anh Đặng Lê Vũ cho biết, theo quy định 6 tháng một
lần các thợ lặn phải kiểm tra sức khỏe phổ quát và họ đều nhận được kết quả kiểm
tra sức khỏe. Song trong lần kiểm tra sức khỏe đột xuất do biển bị nhiễm độc lần
này thì họ không nhận được kết quả xét nghiệm độc tố trong máu. Điều đó khiến
cho họ hết sức lo lắng. Ông chia sẻ:
“Nói chung chúng tôi muốn họ phải làm cho ra rạch ròi về việc
nhiễm độc trong máu hoặc hóa chất trong máu. Chúng tôi hiện đang hết sức lo lắng
về sức khỏe của mình, vì họ không trả kết quả khiến cho mình càng lo, vì mình
không biết rằng mình có bị bệnh gì hay không? Nhìn chung chúng tôi đang rất lo
lắng.”
Theo báo Infonet online ngày 27/4/2016 bình luận rằng, khi
chậm trễ trong việc đưa ra các kết luận khách quan, khoa học, thì mọi đối sách
khác đều sẽ ít tác dụng. Cũng đừng trách dư luận cực đoan, tâm lý người dân hoảng
hốt. Dư luận điềm tĩnh và tâm lý cân bằng sao được khi người ta không thể rõ mô
tê gì.
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc tới lãnh đạo Khoa khám bệnh,
BV Trung ương Huế, Công ty cổ phần Xây dựng và Cung ứng lao động Quốc tế Nibelc
và Cục Quản lý Sức khỏe Bộ Y tế… để tìm
hiểu vụ việc thì không nhận được sự trả lời hoặc yêu cầu gửi văn bản đến để xem
xét.
Một cán bộ Cục Quản lý Sức khỏe Bộ Y tế nói với chúng tôi:
“Yêu cầu các anh làm công văn gửi tới Bộ Y tế, Cục Quản lý
khám chữa bệnh để chúng tôi trình lãnh đạo xem xét và giao cho các bộ phận xử
lý và trả lời.”
Chị Xoan, thân nhân của một thợ lặn thấy rằng, việc thiếu minh
bạch trong việc công khai kết quả kiểm tra sức khỏe của các thợ lặn thuộc Công
ty cổ phần Xây dựng và Cung ứng lao động Quốc tế Nibelc đã khiến người thân của
họ hết sức lo lắng. Và cũng là nguyên nhân của các tin đồn đoán không có lợi.
Chị trình bày:
“Chồng tôi làm việc ở Formosa, hôm trước các Cha muốn đưa mấy
anh em thợ lặn đi khám, nhưng bác sĩ trong Sài Gòn (SG) nói rằng, trên Bộ cấm rồi
nên họ không dám làm. Tôi còn nghe có Bác sĩ nói rằng, bây giờ đi khắp VN, cả
Hà nội, Huế, SG cũng không có ai dám cho anh kết quả.”
Nói về trách nhiệm của ngành Y tế và giải pháp cho cho những
người bệnh. Một Bác sĩ tại Bệnh viên
công tại Sài gòn, yêu cầu dấu danh tính giải thích:
“Trong vụ việc này phải hỏi BV Trung ương Huế là anh đã khám
những cái gì và nếu anh nói anh đã đưa kết quả cho Công ty rồi, thì anh phải chứng
minh anh đã gửi. Ở đây cứ tạm coi các bệnh nhân bị nhiễm độc kim loại nặng,
theo tôi hiểu thì với điều kiện ở VN thì không đến một tháng sẽ có kết quả và
có thể trả lời được. Không thể thoái thác được. Theo Luật Bảo vệ Sức khỏe thì,
bệnh nhân và cha mẹ vợ con phải được biết; thứ 2 là giả thiết bị nhiễm độc cấp
mà anh không cho bệnh nhân biết, rồi để thời gian trôi đi thì ai sẽ chịu trách
nhiệm? Trường hợp như thế này thì đương sự kiến nghị lên Thanh tra Bộ Y tế, Cục
Quản lý Khám chữa bệnh và Bộ trưởng Bộ Y tế và đơn thư được phát chuyển nhanh,
có báo phát.”
Trao đổi với báo Lao Động, Ủy viên thường trực Ủy ban về các
vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Khá khẳng định rằng:
“Theo cái thông tin báo chí phản ánh về vụ cá chết hàng loạt
mấy tỉnh ven biển miền Trung, tôi nghĩ rằng vấn đề này rất bức xúc, cả người
dân đánh bắt và cả người tiêu dùng đều bức xúc. Tuy nhiên, đến giờ phút này
cũng chưa xác định rõ nguyên nhân vì sao. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng, phải
kiên quyết sớm làm rõ nguyên nhân và phải xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm.”
RFA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét