Trà Mi-VOA
Phát biểu của Tổng thống Mỹ trong bài diễn văn với nhân dân
Việt Nam bị báo nhà nước xuyên tạc hoặc né tránh tại những đoạn liên quan tới vấn
đề nhân quyền, theo tố cáo của giới quan sát được loan tải trên các trang mạng
xã hội.
Tổng thống Barack Obama trong chuyến công du Việt Nam tuần
này đã diễn thuyết trước 2.000 người Việt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội)
hôm 24/5, nói về quan hệ Việt-Mỹ trong đó có nhắc tới giá trị của nhân quyền
trong sự phát triển thịnh vượng của quốc gia và vai trò của việc tôn trọng nhân
quyền trong mối bang giao hai nước.
Đối chiếu nguyên văn bài phát biểu của ông Obama được đăng lại
trên trang web của Tòa Bạch Ốc với các bản dịch mà truyền thông nhà nước Việt
Nam phổ biến gọi là ‘toàn văn’, giới phân tích chỉ ra rất nhiều chỗ đã bị dịch
sai, dịch lướt, dùng từ lệch nghĩa, hoặc thậm chí bị cắt bỏ hoàn toàn.
Bài viết trên báo Đất Việt mới đây trích dẫn bản dịch ‘Toàn
văn bài phát biểu của Tổng thống Obama trước 2000 người Việt Nam’ trên tờ Lao Động
với nhiều đoạn nhắc tới nhân quyền đã bị lược bỏ như đoạn ông Obama lưu ý rằng
Hiến pháp Việt Nam công nhận công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí,
tự do tiếp cận thông tin, tự do hội họp, lập hội và biểu tình và rằng ‘đây là một
vấn đề về tất cả chúng ta, mỗi nước, cố gắng luôn luôn áp dụng những nguyên tắc
này, để đảm bảo rằng chúng ta, những người trong chính phủ, thực tâm với những
lý tưởng ấy’.
Đoạn Tổng thống Hoa Kỳ đề cập tới cam kết của Việt Nam sửa đổi
luật cho phù hợp với hiến pháp mới và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cam kết cải
cách kinh tế và luật lao động theo thỏa thuận Hiệp định Tự do Thương mại TPP với
Mỹ cũng bị báo này cắt bỏ.
Trong bài phát biểu gốc đăng trên website Tòa Bạch Ốc, ông
Obama nhấn mạnh ‘Có tự do phát biểu, tự do ngôn luận, mọi người có thể chia sẻ
ý tưởng, có thể truy cập internet và các phương tiện truyền thông xã hội mà
không bị cản trở thì sẽ khơi mào cho những sáng kiến mà nền kinh tế cần có để
phát triển. Đó là nơi nảy sinh những ý tưởng mới, là cách khởi sự Facebook, là
cách mà một số công ty thành công nhất của chúng tôi khởi nghiệp, vì người ta
có ý tưởng mới, khác biệt, và họ có thể chia sẻ ý tưởng đó. Khi có tự do báo
chí – khi ký giả và blogger có thể phơi bày bất công và lạm quyền , thì cũng là
lúc buộc các quan chức phải chịu trách nhiệm và xây dựng lòng tin của công
chúng rằng guồng máy làm việc hiệu quả. Khi các ứng cử viên có thể ứng cử và
tranh cử tự do, và cử tri có thể lựa chọn các nhà lãnh đạo của mình trong các
cuộc bầu cử tự do-công bằng, thì đất nước ổn định hơn, bởi vì người dân biết tiếng
nói của họ được tôn trọng và sự đổi thay ôn hòa là điều khả dĩ. Và điều đó đưa
thêm nhiều người tham gia vào guồng máy của chính quyền.
Khi có tự do tôn giáo, không chỉ là cho phép người ta thể hiện
trọn vẹn tình yêu thương và lòng từ nhân cốt lõi của mọi tôn giáo, mà còn là
cho phép các nhóm tôn giáo phụng sự cộng đồng của họ qua các trường học, bệnh
viện, qua việc chăm sóc cho người nghèo, cô thế. Và khi có tự do hội họp, nghĩa
là khi người dân được tự do tổ chức trong xã hội dân sự thì các nước sẽ có thể
đối phó tốt hơn với những thử thách mà đôi khi chính phủ không thể tự mình giải
quyết. Vì vậy, tôi cho rằng bảo vệ những quyền này không đe dọa sự ổn định, mà
thực sự củng cố sự ổn định và là nền tảng của sự tiến bộ’.
Tuy nhiên, toàn văn hai đoạn phát biểu này của ông Obama
không có trong bản dịch đăng trên báo Lao Động của nhà nước Việt Nam.
Theo nhận xét của nhà báo Phạm Trần, cựu phóng viên Đài Tiếng
nói Hoa Kỳ, hầu hết các báo đài trong nước như Đài Tiếng Nói Việt Nam, Thông Tấn
Xã Việt Nam, hay báo Sài Gòn Giải Phóng ‘đã có hành động làm mờ nhạt và xuyên tạc
các ý tưởng nói về dân chủ, các quyền tự do và quyền ứng cử, bầu cử trong diễn
văn của ông Obama đọc tại Hà Nội ngày 24/05/2016’.
Vẫn theo phân tích của ông Phạm Trần, một số các tờ báo khác
‘đã theo lệnh ai đó tự ý nhét chữ vào miệng ông Obama làm sai lạc cả ý nghĩa’.
Chưa có bình luận chính thức từ Tòa Bạch Ốc về việc này.
Phản hồi trước sự việc, các cư dân trên mạng xã hội Việt Nam
cho rằng hành động của truyền thông nhà nước Việt Nam đối với họ không có gì lạ
vì Hà Nội không muốn người dân được nghe, được hiểu thế nào là giá trị thật sự
của dân chủ-nhân quyền, không muốn nhà lãnh đạo Mỹ nói với người dân Việt Nam
những gì về nhân quyền cũng giống như cách mà họ không muốn dân Việt chia sẻ với
Tổng thống Obama những vi phạm nhân quyền đang diễn ra hàng ngày tại Việt Nam.
Một số bình luận nói vì vậy họ cũng không ngạc nhiên khi các
nhà hoạt động trong nước bị lực lượng an ninh cản chân không cho gặp Tổng thống
Obama hôm 24/5 tại Hà Nội theo lời mời của phía Mỹ.
Nhà hoạt động cổ xúy quyền lợi đất đai Mai Phương Thảo, một
trong số các đại diện xã hội dân sự bị an ninh bao vây tại gia không cho đi gặp
Tổng thống Obama, chia sẻ với đài VOA những điều cô dự định chia sẻ với nhà
lãnh đạo Mỹ nếu cuộc gặp không bất thành:
‘Nếu gặp được ông, thông điệp của mình rõ ràng và rất mạnh mẽ
là ở Việt Nam thật sự không có một chút gì là nhân quyền hết, càng ngày càng
chà đạp và càng ngày càng tồi tệ. Tôi sẽ nói về tất cả những gì anh em chúng
tôi đã phải trải qua, chèn ép, sách nhiễu, các trò liên quan đến biểu tình chống
Trung Quốc và biểu tình bảo vệ môi trường cây xanh, cá chết, khi chúng tôi lên
tiếng đều bị họ bắt như thế’.
Chia sẻ trên Facebook, blogger Huỳnh Ngọc Chênh, người đoạt
giải Công dân mạng do Tổ chức Phóng viên Không biên giới trao tặng năm 2013, viết
rằng ‘Những gì ông Obama nói thì Hà Sĩ Phu, Phạm Đình Trọng, Trần Huỳnh Duy Thức,
Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh, Điếu Cày…đã từng nói. Ông nói được hàng triệu người
nghe và qua đó thuyết phục được nhiều người, và quan trọng hơn là sau đó ông
không bị bắt tù. Các bạn tôi nói thì hầu hết đều vào tù’.
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét