Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Trung Quốc bình luận về chuyến thăm Việt Nam của Obama


Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Sáng ngày 23/5/2016 (giờ Hà Nội), Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) phát đi bài xã luận dưới tít “Obama không có cách nào biến Việt Nam thành Philippines“. Bài báo viết:

Từ ngày 23 Tổng thống Mỹ Obama bắt đầu thăm Việt Nam. Mối quan hệ Việt-Mỹ được coi là một xu hướng động không xác định và nhạy cảm, vì thế được quan tâm nhiều. Mối quan hệ ấy có thể đi bao xa, vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau.
Đây là một chuyến thăm muộn màng chẳng đi đâu mà vội của Obama. Năm ngoái tròn 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam và tròn 20 năm Việt-Mỹ lập quan hệ ngoại giao, nhưng năm nay Obama mới đến, điều đó nói lên Việt Nam “không phải là quan trọng nhất” với Mỹ, “có thể thu xếp đến sau”, đồng thời cũng nói lên mức độ quan trọng của Việt Nam đòi hỏi Obama “phải đến nước này một chuyến trước ngày mãn nhiệm”.

Obama sẽ ở lại Việt Nam 3 ngày, [quãng thời gian ấy] không phải là ngắn. Dự kiến ông sẽ bàn với các nhà lãnh đạo Hà Nội về vấn đề TPP, e rằng sẽ không thể không bàn vấn đề Nam Hải [Việt Nam gọi là  Biển Đông]. Việt Nam mong muốn Mỹ hoàn toàn xóa bỏ cấm vận vũ khí đối với họ, nhưng điểm này [Thời báo Hoàn Cầu] khẳng định không làm được. Ngoài ra dư luận Mỹ mong mỏi Obama sẽ nêu vấn đề nhân quyền với Hà Nội.

Vấn đề Nam Hải đang kéo Mỹ và Việt Nam lại gần nhau, nhưng hệ tư tưởng [nguyên văn hình thái ý thức] lại không ngừng đẩy hai nước ra xa nhau. TPP giúp Mỹ “cải tạo Việt Nam”, còn Việt Nam thì cảnh giác cao với “diễn biến hòa bình”. Có thể nói đó là bộ mặt tổng thể đầy mâu thuẫn của mối quan hệ Việt-Mỹ.

Việt Nam mong muốn lực lượng Mỹ đến Nam Hải để ngăn chặn, cân bằng Trung Quốc, trở thành con bài của Việt Nam trong cuộc đấu với Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ. Hà Nội còn muốn qua tăng cường quan hệ với Mỹ để phát triển kinh tế nước mình. Đối với Mỹ, nếu Việt Nam có thể gần gũi Mỹ như Philippines, Singapore thì Mỹ có thể sử dụng căn cứ ở Việt Nam như sử dụng căn cứ ở Philippines, Singapore, [chiến lược] “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ sẽ hình thành tình thế mới.

Nhưng [Việt Nam và Mỹ] lại không thể nào vượt qua các e ngại của đôi bên. Quan điểm của Mỹ về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam cũng na ná như về vấn đề này ở Trung Quốc. Trong tay Washington có danh sách hơn 100 người được cho là nhân sĩ bất đồng chính kiến bị Việt Nam “giam giữ bất hợp pháp”. Xã hội Mỹ có thành kiến cực kỳ sâu sắc với chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhất là một lượng lớn người Việt chạy sang Mỹ trong thời kỳ sau chiến tranh Việt Nam, họ quan tâm vấn đề lật đổ chính quyền hiện nay ở Việt Nam nhiều hơn nhiều so với mối quan tâm về vấn đề Nam Hải.

Công nghệ Internet của Việt Nam lạc hậu xa so với Trung Quốc, [vì thế] xã hội Việt Nam tự nhiên tiếp thu các phương tiện mới về truyền thông xã hội của phương Tây như Facebook. Hà Nội hiểu biết sâu sắc rằng toàn cầu hóa có nghĩa là một thách thức như thế nào đối với Việt Nam, một nước trong quá khứ từng bị phương Tây chiếm làm thuộc địa nhiều năm. Đảng CSVN đã có cởi mở ở mức độ nhất định với việc bầu cử trong Đảng nhưng đồng thời rất coi trọng sự lãnh đạo của Đảng đối với tầng lớp trí thức. Cộng đồng nhân sĩ bất đồng chính kiến ở Việt Nam không nổi bật như Lưu Hiểu Ba, Phổ Chí Cường ở Trung Quốc, cho tới nay cũng chưa có nhiều những vụ việc dư luận công chúng sôi sục. Trong phần lớn các trường hợp, nhà nước vẫn giữ được toàn bộ ảnh hưởng và sự kiểm soát đối với tầng lớp xã hội cơ sở.

Hà Nội không thể làm bạn đồng minh của Mỹ như Philippines. Đối với Mỹ, Hà Nội có tâm thái luôn luôn suy tính hơn thiệt, nhìn trước ngó sau, tâm trạng đề phòng cực nặng. Cũng vì thế mà quan hệ Việt-Mỹ không thể nào được coi là mục tiêu quốc gia tuyệt đối ưu tiên để [Việt Nam] theo đuổi.

Trung Quốc là đối thủ chính của Việt Nam trên vấn đề Việt Nam lên tiếng đòi chủ quyền lãnh thổ Nam Hải, nhưng đồng thời Trung Quốc lại được giới tinh hoa dòng chính của Hà Nội coi là chỗ dựa chính trị vững chắc cho sự ổn định quốc gia Việt Nam. Đổi mới ở Việt Nam hầu như là phiên bản của công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc, Đảng CSVN coi trọng mối quan hệ với Đảng CSTQ, hai bên đều cho rằng việc phát triển mối quan hệ giữa hai đảng có ý nghĩa đặc biệt đối với mối quan hệ giữa hai nước. Hà Nội hiểu rõ, cho dù Đảng CSVN có tiến hành một số cải cách chính trị nhưng còn rất xa mới đạt yêu cầu của phương Tây. Quy mô của Việt Nam quá nhỏ, không thể trở thành một đơn nguyên độc lập về hệ tư tưởng. Tính hợp pháp cầm quyền của Đảng CSVN có một phần không nhỏ phụ thuộc vào sự ổn định và phồn vinh lâu dài của Trung Quốc xã hội chủ nghĩa.

Nên nói rằng Việt Nam không có tâm tư nào [nguyên văn vô tâm] đối lập về chiến lược với Trung Quốc, sự bất đồng về Nam Hải hầu như là toàn bộ trở ngại trong mối quan hệ giữa hai nước. Hai nước đã hoạch định đường biên giới trên bộ, ranh giới vịnh Bắc Bộ cũng đã vạch xong. Việt Nam đồng thời lên tiếng đòi chủ quyền Tây Sa [Hoàng Sa] và Nam Sa [Trường Sa], nhưng Tây Sa từ lâu đã bị Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát, yêu cầu đòi của Việt Nam không có chút ý nghĩa thực tế nào; gây sự tại Nam Sa nhiều hơn [chỉ] là kế sách đối phó [nhằm] tranh thủ hợp pháp hóa các đảo đá [Việt Nam] đã chiếm ở Nam Hải. Ngoài ra [địa điểm] Việt Nam hiện nay khai thác dầu khí tại Nam Hải đều tiến hành ở bên ngoài đường chín đoạn. Mặt trận tranh chấp giữa hai nước không coi là dài, nhưng cường độ cao.

Việt Nam sẽ đồng thời coi trọng phát triển mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, khi Nam Hải căng thẳng, họ sẽ dựa về phía Washington. Khi Nam Hải lặng yên và sức ép chính trị trong nước lên cao, họ sẽ dựa về phía Bắc Kinh. Người Việt Nam thường xuyên nhấn mạnh với người Trung Quốc rằng họ “không phải là Philippines”, và mong muốn người Trung Quốc chớ có lẫn lộn.

Đúng vậy, Việt Nam không phải là Philippines, điều này Bắc Kinh, Washington đều rõ. Hiện nay các nước lớn ở Châu Á-Thái Bình Dương đều coi trọng Việt Nam, Hà Nội vừa có chút cảm giác được yêu chiều mà giật mình, lại vừa rất khó xử. Họ muốn giành được lợi ích lớn nhất nhưng cũng biết rằng mình phải hành động cực kỳ thận trọng.


Nguyễn Hải Hoành biên dịch



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét