Ngoại
trưởng Mỹ John Kerry chúc mừng các sinh viên tốt nghiệp Chương trình
Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) ở TP.HCM ngày 14/12/2013. Ngoại
trưởng Kerry và Bí thư Đinh La Thăng đã chính thức tuyên bố thành lập
Đại học Fulbright Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng
thống Barack Obama.
Cựu Thượng nghị sỹ Mỹ Bob Kerrey, chủ tịch Hội đồng Tín thác của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), đã nhận giấy phép do Bí thư Thăng trao.
Giấy phép này cho phép trường FUV tuyển sinh học viên cao học khóa đầu tiên vào cuối năm nay. Đồng thời trường cũng sẽ bắt đầu chuẩn bị xây dựng trụ sở chính ở Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tại Quận 9. Sẽ mất ít nhất 2 năm để hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất cho giai đoạn một của FUV.
Trong một thông cáo, bà Đàm Bích Thủy, Hiệu trưởng sáng lập FUV, nói trường này sẽ là một đại học Việt Nam “kiểu mới”. Bà cho biết thêm trường “sẽ đưa vào những tiến bộ mới nhất về công nghệ và giảng dạy nhằm đem lại cho sinh viên một trải nghiệm giáo dục giúp họ trang bị những kỹ năng để thành công trong bất kỳ lĩnh vực khó khăn nào mà họ theo đuổi”.
Đại diện trường cho hay FUV sẽ cấp bằng Việt Nam và sẽ phấn đấu đạt kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định Mỹ. Tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ giảng dạy chính. Trường được tiên liệu sẽ có số lượng sinh viên từ 6.000 đến 10.000 khi đạt giai đoạn phát triển ổn định. Thông cáo của trường cho biết thêm rằng FUV mong muốn tạo ra tác động tích cực mang tính hệ thống thông qua chia sẻ kiến thức với cách tiếp cận “học liệu mở”.
FUV sẽ xây dựng một đội ngũ giảng viên quốc tế và sẽ đặc biệt chú trọng tuyển dụng những học giả và nhà khoa học người Việt đã được đào tạo quốc tế. FUV sẽ sử dụng đòn bẩy công nghệ bao gồm những nền tảng học tập từ xa để tối thiểu chi phí và cho phép giảng viên có thể giảng dạy cũng như hướng dẫn sinh viên ở vùng sâu vùng xa.
Đơn vị học thuật đầu tiên của FUV sẽ là Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, một trường đào tạo cao học chuyên ngành. Trường này sẽ khai giảng vào mùa thu năm nay với sự kế thừa đội ngũ nhân lực và các khóa học của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) đã hoạt động ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua.
Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright sẽ mở các khóa cao học và các chương trình đào tạo cao cấp về chính sách công, kinh doanh và những lĩnh vực có liên quan.
Giảng viên Nguyễn Hữu Lam thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM, đồng thời cũng giảng dạy cho FETP, đã nhận xét với VOA Việt ngữ về tầm quan trọng của việc thành lập FUV như sau:
“Việc nâng cấp lần này có ý nghĩa rất là lớn, vì ngoài việc đào tạo cán bộ cho Việt Nam, thì mô hình của một trường đại học phi lợi nhuận, độc lập, tự do về học thuật sẽ đóng góp rất là lớn cho vấn đề về xây dựng và phát triển hệ thống đại học Việt Nam. Và điều đó sẽ rất là tốt cho tương lai của Việt Nam”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người bảo trợ cho Chương trình Fulbright ở Việt Nam trong nhiều năm, đã tuyên bố kế hoạch thành lập trường FUV hồi tháng 8 năm ngoái.
Những người sáng lập trường ở cả hai phía Mỹ và Việt Nam đều tin rằng trường sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân Việt Nam, nhất là những người trẻ tuổi khao khát được hưởng nền giáo dục tiêu chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam.
Ông Lam, người cũng đã từng du học ở Mỹ với học bổng Fulbright, cho biết sự háo hức về FUV rất cao và những ngày này ông liên tục nhận các cuộc điện thoại để hỏi về việc tuyển sinh, chương trình học của trường. Ông phân tích thêm về lý do của sự háo hức này:
“Thực sự mô hình phát triển hiện đại là sáng tạo tri thức, và đồng thời là mô hình không chỉ dạy cho người ta kiến thức mà các thế hệ trước đã tích lũy, mà còn là mô hình giúp người ta độc lập suy nghĩ, sáng tạo, và phát triển. Đây là môi trường mà tôi nghĩ sẽ đóng góp rất là lớn cho sự phát triển của từng cá nhân cũng như phát triển chung cả hệ thống đại học Việt Nam”.
Ở một đất nước có hệ thống giáo dục lâu nay bị xem là lạc hậu và phương thức quản lý còn bảo thủ. Liệu một trường có tính sáng tạo như Đại học Fulbright Việt Nam có tạo ra xung đột hay thách thức gì đối với các nhà quản lý của Việt Nam hay không? Giảng viên Nguyễn Hữu Lam đưa ra nhận định:
“Tôi nghĩ những người làm khoa học thực sự họ sẽ nhìn vấn đề này một cách rất là thoải mái và họ sẽ tiếp thu cái hệ thống này. Và rất nhiều vị lãnh đạo của nhà nước và của Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ tiếp thu được. Nhưng tất nhiên là sẽ có những cái xung đột. Thế cho nên vừa rồi tôi thấy có tuyên bố của Tổng thống Obama và đồng thời là của Ngoại trưởng John Kerry về trường đại học độc lập, tự do học thuật, như thế thì tôi nghĩ nếu chính phủ Việt Nam cam kết cái điều đó thì có nghĩa là trường sẽ làm được và dần các trường đại học Việt Nam cũng đang trong xu thế đó. Tại vì hiện nay Việt Nam cũng đang trao quyền tự chủ cho các đại học. Và nếu trường FUV mà phát triển tốt thì sẽ giúp rất nhiều cho cái nỗ lực vì thử nghiệm, làm thí điểm về các trường đại học độc lập ở Việt Nam”.
Mặc dù là một tổ chức tư nhân và phi lợi nhuận, FUV nhận được hỗ trợ từ chính phủ Mỹ và Việt Nam. Đến nay chính phủ Mỹ đã cam kết tài trợ hơn 20 triệu đôla để hỗ trợ việc thành lập trường. Còn chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã dành cho FUV 25 hecta đất ở Quận 9.
FUV đã nhận được cam kết tài trợ bằng tiền mặt hay các hình thức khác trị giá hơn 60 triệu đôla. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều hơn nữa để có thể hiện thực hóa những kế hoạch đầy tham vọng của bà Hiệu trưởng Thủy. Bà cho biết ước tính sẽ cần huy động tối thiểu 100 triệu đôla trong ba năm tới.
Theo kế hoạch, năm 2018, FUV sẽ thành lập Trường Khoa học xã hội và Nhân văn Fulbright với chương trình giáo dục cử nhân bốn năm cho các ngành khai phóng (liberal arts) và khoa học-kỹ thuật.
VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét