Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Trả nợ công: Lại 'nhìn trộm' túi quần dân chúng

Phạm Chí Dũng


Việt Nam vào Tháng Năm, 2016. Vừa lộ thêm một dấu hiệu rất “minh bạch” về ngân sách kiệt quệ: Xuất phát từ “gợi ý” của Hiệp Hội Kinh Doanh Vàng Việt Nam để chỉ cần Ngân Hàng Nhà Nước “gật,” một cơ chế huy động khoảng 500 tấn vàng - trị giá hàng chục tỷ đô la - sẽ được tung ra.

Lại “lấy mỡ nó rán nó”

Sau năm năm, một lần nữa trong khá nhiều lần, phương châm “lấy mỡ nó rán nó,” hoặc có thể hiểu một cách thô kệch hơn là “lấy dân rán dân,” từ thời Thống Ðốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình được lăm le bổn cũ soạn lại. Chỉ có điều, tác nhân vào lần này lại là Bộ Tài Chính chứ không phải thống đốc mới Lê Minh Hưng - con trai của cố Bộ Trưởng Công An Lê Minh Hương.
Bộ Tài Chính, cơ quan tỏ đặc biệt nóng ruột trước tình trạng “không biết lấy tiền đâu để chi” trong khoảng một năm qua, cũng phải nói tuột ra: Nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam những năm tới rất lớn, nhưng dự kiến đến Tháng Bảy, 2017 có thể không còn được vay vốn ODA mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường với lãi suất cao. Bởi vậy, việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển kinh tế là rất cấp bách trong điều kiện hiện nay. Ngân Hàng Nhà Nước cần nghiên cứu sớm thành lập Sở Giao Dịch Vàng Quốc Gia để huy động vàng trong dân.

Có thể hình dung tình hình nợ công và ngân sách đang thực sự bi đát. Báo cáo mới nhất của chính phủ Việt Nam dù vẫn “thu xếp” mức nợ công chỉ khoảng 62.2% GDP, tức còn thấp hơn ngưỡng nguy hiểm 65%, nhưng đã phải thừa nhận rằng không những nợ công tăng khá nhanh trong giai đoạn năm năm qua mà nghĩa vụ trả nợ công cũng đang tăng lên nhanh chóng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ tăng từ 185,800 tỷ đồng năm 2013 lên 296,200 tỷ đồng năm 2015. Còn nếu tính cả nợ bảo lãnh chính phủ, nợ chính quyền địa phương, con số nghĩa vụ nợ còn lớn hơn rất nhiều, dự kiến năm 2015 là 418,400 tỷ đồng.

Như vậy, số nợ công mà Việt Nam phải trả năm 2015 là khoảng $20 tỷ. Ðây là một con số quá lớn, chiếm đến 10% GDP hàng năm, nhưng lại trong tình trạng ngân sách rỗng ruột và có thể sụp đổ.

Chết đến nơi mới chịu kêu cứu. Vào năm 2015, những con số do một số cơ quan nhà nước công bố đã cho thấy Việt Nam chỉ có “trách nhiệm” trả nợ công khoảng $7 tỷ. Con số này là quá thấp so với con số $20 tỷ mà chính quyền Việt Nam vừa buộc phải thừa nhận.

“Việt Nam không bao giờ vỡ nợ công?”

“Việt Nam không bao giờ vỡ nợ công” được coi là một tuyên bố vô trách nhiệm nhất của giới quan chức vào năm 2015. Thế nhưng vào Tháng Tám, 2015, chính báo giới nhà nước đã đồng loạt phát tin “Việt Nam là quốc gia có rủi ro nợ công lớn nhất khu vực Ðông Nam Á” và “được” ngân hàng Bank of America (Mỹ) xếp hạng rủi ro thứ 12 trên thế giới.

Thứ hạng 12 trên lại khá tương đồng với vị trí từ dưới đếm lên của Việt Nam trong bảng xếp hạng về độ minh bạch của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (TI).

Tỷ lệ thực về nợ công/GDP do những chuyên gia phân tích độc lập đưa ra lại khác xa số liệu bít bùng của chính phủ. Từ cuối năm 2013, nợ công/GDP đã được một chuyên gia nhà nước thừa nhận là tăng đến 98%, tức làm ra 100 đồng thì phải dành đến 98 đồng để trả nợ.

Thậm chí những chuyên gia độc lập khác đã nêu ra tỷ lệ nợ công/GDP lớn hơn: 106%, nếu tính đầy đủ nợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước theo tiêu chí hướng dẫn cách tính nợ công của Liên hiệp quốc.

Còn gần đây, cùng với thông tin mới nhất về tỷ lệ nợ công của Trung Quốc đã lên đến 250%/GDP, một chuyên gia kinh tế là Tiến Sĩ Lê Ðăng Doanh cho rằng nếu tính đủ các khoản nợ từ cấp xã đến nợ xây dựng cơ bản của các bộ ngành, địa phương, nợ của doanh nghiệp nhà nước& thì nợ công của Việt Nam có lẽ lên đến 110-120% GDP, khoảng trên 4.5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng $220 tỷ. Ðáng chú ý, nhận định của ông Doanh phát ra trong một cuộc hội thảo khoa học nhận diện về nợ công diễn ra mới đây - ngày 18 Tháng Năm - tại Hà Nội.

Thậm chí có những đánh giá không chính thức cho rằng tỷ lệ nợ công của Việt Nam đang vào khoảng 150%/GDP, tức lên đến khoảng $300 tỷ, hoàn toàn có thể làm cho nền kinh tế Việt Nam lao vào vùng phá sản trong ít năm tới - không khác mấy trường hợp Argentina năm 2001.

“Lòng tin chiến lược” sụp đổ

Quả thực, tình hình ngân sách Việt Nam ngày càng “minh bạch.” Nếu vào những năm dưới thời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, tình trạng ngân sách mặc dù khá xấu nhưng vẫn bị ém nhẹm, thì đến lúc này chính Bộ Tài Chính đã phải thừa nhận về tương lai gần như bế tắc trong vay vốn ưu đãi ODA.

Nhìn lại quá khứ gần, có thể thấy rõ “lòng tin chiến lược” của quốc tế vào chính thể đầy rẫy tham nhũng và lãng phí ở Việt Nam đã thực sự sụp đổ từ năm 2014.

Không quá ngạc nhiên khi vào Tháng Mười Hai, 2015, đại diện của Ngân Hàng Thế Giới (WB) tuyên bố: WB ngưng các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam.

Tới Tháng Ba, bà Christine Lagarde, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), đến làm việc tại Việt Nam. Cũng tương tự như kết quả chuyến làm việc tại Việt Nam của ông Jim Yong Kim, chủ tịch WA, vào Tháng Hai, tổ chức này không hứa hẹn cung cấp bất cứ một khoản cho vay mới nào đối với giới lãnh đạo Hà Nội, dù cả chủ tịch WB tổng giám đốc IMF đều được những nhân vật cao nhất Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng tha thiết đón tiếp.

Sau hai cú sốc mang tên WB và IMF, giới lãnh đạo Việt Nam còn bị giáng thêm một đòn nữa, cũng vào Tháng Ba, khi Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) cũng tuyên bố chấm dứt cho vay ưu đãi.

Chẳng còn kiểu cười tươi rói như địa chủ được mùa. Mà bi kịch tiếp nối bi kịch.

Vào năm 2015, một con số ước tính của Bộ Kế Hoạch và Ðầu Tư cho rằng trong năm 2016, Việt Nam phải trả khoảng 360,000 tỷ đồng nợ công, tương đương khoảng $15 tỷ. Nhưng nếu căn cứ vào con số nợ công khoảng $20 tỷ Việt Nam phải trả trong năm 2015, chắc chắn số nợ công phải trả trong năm 2016 còn cao hơn $20 tỷ.

Lại “nhìn trộm” túi quần dân chúng

Tình trạng ngân sách Việt Nam đã đến thời điểm Minsky nợ và có thể vỡ nợ. Hai mươi tỷ đô la năm 2015 phải bị “hồi tố,” chưa kể năm 2016 và những năm tới...

Một lần nữa trong cơn bỉ cực, chính quyền lại “nhìn trộm” túi quần dân chúng. “Huy động vàng trong dân” là một chiêu sách có tính tình thế nhất. Từ năm 2011 đến nay, đã ít nhất ba lần chính quyền rất muốn “hốt vàng” như thế.

Hai lần trước, cuối năm 2011 và đầu năm 2015, chính phủ và Ngân Hàng Nhà Nước đã tung ra chính sách “sẽ huy động vàng” trong dân, theo phương châm “lấy mỡ nó rán nó.”

Thế nhưng, lần nào cũng vậy, dư luận người dân tích trữ vàng lại lo lắng về “quyết tâm thu hồi vàng trong dân” của Ngân Hàng Nhà Nước, vì trong thực tế chính quyền hoàn toàn chẳng có nổi một giải pháp đủ thuyết phục để bảo đảm vàng của dân không bị bốc hơi từ két sắt ngân hàng, dù đã có rất nhiều ý kiến của giới chuyên gia và người dân yêu cầu Ngân Hàng Nhà Nước phải có những biện pháp thật sự an toàn cho người gửi vàng.

Hàng loạt vụ đổ bể ở nhiều ngân hàng như Agribank, ACB, Vietinbank,... cùng các vụ thụt két và siêu lừa như Huỳnh Thị Huyền Như,... chưa kể hàng loạt ngân hàng có lãnh đạo bị tống giam từ năm 2014 đến nay như Ngân Hàng Xây Dựng, Ðại Dương, GP, hoặc hiện tượng “tiền tiết kiệm bốc hơi,” khiến cho dân chúng mất đi đáng kể niềm tin vào giới ngân hàng. Trong tình thế đó, nhiều người dân thà chôn giấu vàng dưới gầm giường, thay vì gửi vào ngân hàng mà không thể chắc chắn là vàng của mình sẽ “không cánh mà bay.”

“Chứng chỉ vàng” hay “trái phiếu vàng” mà Bộ Tài Chính lấp ló muốn trưng ra đã trở nên quá thô kệch và còn có thể là lừa lọc. Vào lần này, “sáng kiến” huy động vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục thất bại, và sẽ chẳng có 500 tấn vàng nào từ túi quần dân tuồn sang ngân quỹ của giới ngân hàng chỉ biết thủ lợi bất kể nhiều triệu dân không biết sẽ tồn tại ra sao trong những tháng năm tới.


Phạm Chí Dũng - nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét