Nguồn: “The difference between legalization and
decriminalisation“, The Economist, 18/06/2014.
Cuộc chiến chống lại cần sa dường như đang dần dần đi
đến hồi kết. Ngày 26/02/2014, việc sở hữu và trồng một lượng nhỏ cần sa
trở nên hợp pháp ở Washington DC. Hai ngày trước đó, việc sở hữu cần sa đã
trở nên hợp pháp tại Alaska. Hiện tại, bốn tiểu bang, cũng như thủ đô Hoa
Kỳ, đã bỏ phiếu để hợp pháp hóa việc sử dụng nhằm mục đích giải trí của
cần sa, và hơn 19 bang đã hợp pháp hóa cần sa cho mục đích y tế (thuật ngữ
này thường được giải thích khá rộng). Uruguay cũng đã hợp pháp hóa loại ma
túy này. Những nơi khác thì đưa ra một cách tiếp cận khác, phi hình sự hóa
chứ không hợp pháp hóa.
Vào ngày 25/02/2014, Jamaica đã thông qua một đạo luật phi
hình sự hóa đối với việc sở hữu một lượng nhỏ cần sa. Nhiều quốc gia
khác, chủ yếu ở châu Âu và châu Mỹ La tinh, đã làm điều tương tự; Bồ Đào Nha đã
phi hình sự hóa việc sở hữu tất cả các loại ma túy. Có nhiều người đã sử dụng
nhầm lẫn các thuật ngữ “hợp pháp hóa” (legalization) và “phi hình sự hóa”
(decriminalization). Vậy sự khác biệt là gì?
Việc buôn bán ma túy bất hợp pháp gây thiệt hại trên hai
phương diện. Thứ nhất, bản thân các loại ma túy gây ra tổn hại về mặt thể
chất ít nhất là đối với một vài người sử dụng chúng, chủ yếu ở các nước
giàu nhưng đang ngày càng gia tăng ở các thị trường mới (ví dụ, Brazil hiện
là nước tiêu thụ ma túy đá lớn nhất thế giới).
Thứ hai, việc buôn bán này làm gia tăng các băng nhóm tội
phạm, từ đây mở rộng phạm vi tham nhũng và giết người từ Sydney đến São
Paulo. Trong một thời gian dài, gần như mọi chính phủ đều nghĩ rằng cách tốt
nhất để giảm cả hai loại tác hại là đưa ra những hình phạt nặng nề cho những
người mua bán ma túy. Nhưng sau nhiều thập kỷ áp dụng cách tiếp cận đó, với
rất ít hiệu quả được thể hiện, một số quốc gia đang chuyển sang các
chiến thuật thay thế.
Phi hình sự hóa không có nghĩa là mọi người có thể sử dụng
ma túy mà không bị trừng phạt. Thay vào đó, nó có nghĩa là việc sở hữu một
lượng nhỏ không còn khiến đối tượng phải mang tiền án hoặc phải chịu án
tù. Theo luật mới của Jamaica, những người bị bắt với tối đa hai ounce (57
gram) cần sa có thể bị phạt tiền, nhưng sẽ không bị bắt hoặc bị đưa ra tòa.
Những người sử dụng ma túy ở Bồ Đào Nha có thể bị buộc phải tham dự các lớp học
nhằm mục đích đưa họ quay trở lại với cách hành xử đúng đắn và chuẩn
mực. Những người bị phát hiện có cần sa ở Ý có thể bị tịch thu giấy phép
lái xe.
Ngược lại, hợp pháp hóa, tức hình thức được áp dụng
tại Uruguay và một số bang của Mỹ, có nghĩa là người tiêu dùng sẽ không phải
đối mặt với bất kỳ hình phạt nào (trừ khi họ hút ma túy ở những nơi công cộng
chẳng hạn). Quan trọng hơn, nó có nghĩa là phía cung của hoạt động buôn bán –
tức việc trồng, vận chuyển và bán lẻ – cũng là hợp pháp. Ở Jamaica, bán cần
sa sẽ vẫn là một tội hình sự; ở Alaska, nó sẽ sớm trở thành một nghề hợp
pháp, phải đóng thuế.
Phi hình sự hóa có thể là bước hữu ích đầu tiên hướng tới
một cách tiếp cận hợp lý hơn đối với ma túy. Đấu tranh với một tỷ lệ giết
người cao đến đáng sợ, cảnh sát Jamaica chắc chắn có nhiều thứ để làm hơn là
đi bắt những người đang phê thuốc. Trong mọi trường hợp, tống người nghiện
ma túy vào tù thường là một hành động tốn kém thời gian một cách lãng phí.
Nhưng khiếm khuyết của phi hình sự hóa là nó không thể giúp làm suy yếu
tình trạng độc quyền tội phạm trong ngành công nghiệp ma túy trị giá
nhiều tỷ đô la. Cocaine thuộc dạng được phi hình sự hóa (được tiêu thụ mà
không gây ra hậu quả hình sự) ở Bồ Đào Nha vẫn được cung cấp bởi các băng
nhóm giết người ở Colombia.
Phiên bản của Washington DC về hợp pháp hoá cũng có
khiếm khuyết tương tự: mặc dù việc sở hữu đã được hợp pháp hóa, Quốc hội đã
ngăn cản không cho thành phố này hợp pháp hóa việc mua và bán ma túy.
Ngành kinh doanh cần sa của thủ đô do đó sẽ vẫn là một hình thức độc quyền
tội phạm. Luật mới là tin tốt cho những người phê thuốc một cách vô hại.
Nhưng nếu nó rốt cuộc không được nối tiếp bằng việc hợp pháp hoá phía
cung của hành vi buôn bán ma túy, thì nó vẫn là tin tốt cho những kẻ bán
ma túy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét