Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Việt Nam cần cảnh giác với vốn vay dễ nhưng nguy hiểm của Trung Quốc

VOA


Việt Nam đã vay khoảng hơn 600 triệu USD vốn ODA từ Trung Quốc và 50 triệu USD vốn không hoàn lại từ chính phủ này trong 23 năm qua.


Các chuyên gia cảnh báo về sức cám dỗ của nguồn vốn rất dễ tiếp cận của Trung Quốc nhất là đối với những nước mới nổi lên để có mức thu nhập trung bình như Việt Nam.
 Các chuyên gia kinh tế và tài chính tham gia một hội thảo tổ chức hôm 29/11 về đánh giá tác động của vốn vay Trung Quốc, kêu gọi chính phủ phải thận trọng khi cân nhắc các khoản vay từ Trung Quốc vì chúng có những tác động xấu tới xã hội và môi trường.

Truyền thông trong nước đưa tin về hội thảo dẫn lời các nhà chuyên môn nói rằng vốn vay của Trung Quốc được đánh giá là dễ tiếp cận bởi các ràng buộc về môi trường, lợi ích dân quyền trong chính sách vay vốn không chặt chẽ, tuy nhiên họ cảnh báo tình trạng đó có thể đưa đến những hậu quả ghê gớm.

Giám đốc Chương trình Nghiên Cứu Trung Quốc của viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách Việt Nam (VEPR), tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, được báo chí trích lời nói rằng: “Vốn Trung Quốc được coi là dễ chứ không phải là rẻ.”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cũng có mặt tại cuộc hội thảo nhằm đánh giá tổng quan và đầy đủ về nguồn vốn vay ODA Trung Quốc, nhận định “khi vay vốn Trung Quốc thì gánh nặng nợ nần có khi sẽ lớn hơn cả khoản vay”. Bà Lan được báo chí trích lời đưa ra dẫn chứng bằng công trình đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội trong đó vốn vay ban đầu là 300 triệu USD nhưng hiện nay tổng số vốn vay là 900 triệu USD – “tăng gấp 3 lần vốn ban đầu mà vẫn chưa xong.”

Gần đây chính phủ đã có ý định vay 7.000 tỷ đồng để xây đường cao tốc Quảng Ninh. Bà Phạm chi Lan nói bà phản đối ý định này và khuyến nghị huy động vốn và trao những dự án như vậy cho các công ty Việt Nam đảm nhận.

Theo VietNamNet, do lo sợ những điều khoản ràng buộc về nhà thầu của Trung Quốc, chủ tịch tỉnh Quảng Ninh đã quyết định chọn nhà đầu tư trong nước xây cao tốc Vân Đồn-Móng Cái và không vay vốn của Trung Quốc.

Một đặc điểm khác của vốn vay từ Trung Quốc, theo tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, là “tiền đi tới đâu thì người đi tới đó.”

Báo Đất Việt trích lời ông Thành nói trong nhiều dự án khai thác tài nguyên của Trung Quốc ở các nước châu Mỹ La Tinh, châu Phi và Đông Nam Á, Trung Quốc đều đưa nhiều lao động phổ thông vào các dự án. Ông Thành nói “điều này là cảnh báo to lớn đối với các nước đang và chậm phát triển, lạm dụng vốn Trung Quốc.”

Các dự án ở miền Trung Việt Nam, theo ông Thành, cũng cho thấy đặc điểm này của vốn vay từ Trung Quốc. Nhưng một chuyên gia kinh tế của Đại học Texas cho VOA biết, điều đó còn phụ thuộc vào sự quản lý lao động của nước sở tại:

"Câu chuyện trên thực tế tại sao nó lại xảy ra chuyện có nhiều công nhân Trung Quốc ở vùng này vùng kia như vậy thì tôi nghĩ là nó có những lý do khác. Trên nguyên tắc Việt Nam có thể sử dụng luật để giải quyết những trường hợp đấy. Vào Việt Nam thì phải có work permit - giấy phép lao động - chứ có phải anh muốn vào làm là vào được đâu. Quá trình xét duyệt work permit ở Việt Nam không đơn giản chút nào, rất là phức tạp. Tôi nghĩ mình đã bỏ lơ về mặt quản lý hay lý do gì đấy thôi chứ còn giấy phép không có lỗ hổng đâu."

Theo số liệu của Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã Hội, phần nhiều trong số lượng lao động Trung Quốc được đưa sang Việt Nam không có giấy phép. Lượng lao động không có giấy phép trong các dự án ngành điện là hơn 1.000 trong tổng số hơn 1.700 người, trong ngành than khoáng sản là gần 1 nửa - hơn 700 trong tổng số hơn 1.900 và trong ngành dầu khí là gần 1/3 – hơn 500 trong tổng số hơn 1.700.

Theo trích lời của tiến sĩ Thành trên Người Lao Động, vốn vay của Trung Quốc chưa xử lý được vấn đề phát thải ô nhiễm, chống tham nhũng ngay từ chính sách quốc gia của họ, do đó cơ chế khá lỏng lẻo trong cho vay nên nhiều nước khát vốn dễ dàng dính bẫy với dòng vốn này.

Các sự cố môi trường gần đây ở Việt Nam như ô nhiễm môi trường biển tại Hà Tĩnh và sau đó là các cảnh báo từ nhiệt điện Vĩnh Tân đã làm dấy lên những tranh cãi về tác động từ những dự án công nghiệp từ dòng vốn của Trung Quốc.

Việt Nam đã vay khoảng hơn 600 triệu USD vốn ODA từ Trung Quốc và 50 triệu USD vốn không hoàn lại từ chính phủ này trong 23 năm qua. Hầu hết các khoản vay từ Trung Quốc vào các dự án nhiệt điện, hạ tầng đường sắt theo ghi nhận của Người Lao Động.

Theo Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Trung Quốc thuộc VEPR, trong vài năm qua, Trung Quốc đã cho các nước trên toàn thế giới vay hơn 116 tỷ USD và nhiều nước đang phát triển bị hấp dẫn bởi các khoản vay dễ dãi này. Tiến sĩ Thành của viện nghiên cứu này nói: "Có thể nói Trung Quốc giống như gã khổng lồ sẵn sàng cung ứng tiền cho cả thế giới, lấp chỗ trống cho những quốc gia vừa đạt mức thu nhập trung bình không còn đủ điều kiện vay ưu đãi của các định chế tài chính khác nữa, trong đó có Việt Nam."




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét