Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Hư và thực của Vladimir Putin

Hùng Tâm/Người Việt


 


Nỗi lo sợ quá đáng về Liên Bang Nga

Tuần qua, thế giới chú ý đến việc thủ tướng Nhật chính thức viếng đài tưởng niệm chiến binh Hoa Kỳ tử trận trong vụ Nhật Bản tấn công quân cảng Mỹ tại Trân Châu Cảng. Biến cố bất ngờ vào ngày 7 Tháng Mười Hai năm 1941 mở ra Đệ Nhị Thế Chiến khiến Hoa Kỳ tiến vào Thái Bình Dương cho tới ngày nay. Trong dịp này, đứng bên Tổng Thống Barack Obama, Thủ Tướng Shinzo Abe chia buồn cùng các nạn nhân của cuộc chiến – nhưng không xin lỗi – và long trọng tuyên bố rằng dân tộc Nhật Bản sẽ từ bỏ giải pháp chiến tranh.
Việc hai cường quốc trên hai bờ Đông Tây của Thái Bình Dương chính thức hòa giải và tăng cường hợp tác không chỉ là biểu tượng lịch sử mà còn có ý nghĩa thời sự: cùng lúc đó, Hải Quân Trung Cộng đưa hàng không mẫu hạm duy nhất của họ xuống vùng biển Đông Nam Á đang có tranh chấp về chủ quyền. Vì những biến động ấy, người ta quên một biến cố khác: đúng 25 năm trước, Liên Xô sụp đổ ngay sau ngày Giáng Sinh và Chiến Tranh Lạnh kết thúc.

Ngày nay, hình như thế giới đang tự trấn an rằng tình hình Đông Á chưa nguy ngập bằng nguy cơ xung đột tại Đông Âu vì vai trò của Liên Bang Nga, hậu thân của Liên Xô. Hồ sơ Người Việt tìm hiểu chuyện này, như một cách nhìn lại nước Nga từ 25 năm, qua năm tới.

Mâu thuẫn Cộng Sản Liên Xô

Năm tới, thế giới kỷ niệm 100 năm xuất hiện chế độ Cộng Sản khiến hơn trăm triệu người mất mạng trên toàn cầu theo nhiều cách khác nhau.

Chế độ Cộng Sản khởi đầu tại Liên Xô vào Tháng Mười Một năm 1917, sau “Cách Mạng Tháng Mười” của Nga. Từ đấy chủ nghĩa cộng sản mới bành trướng khắp nơi rồi gieo rắc tai họa cho các nước. Qua năm 2017, người ta sẽ còn trở lại tai họa ghê gớm này. Nhưng năm nay thì ai cũng nên tự hỏi vì sao thế giới lãi bị bất ngờ khi Liên Xô tan rã từ năm 1989 rồi sụp đổ năm 1991?

Thời đó, ai tiên báo sự sụp đổ thì bị đả kích là “chống cộng quá khích,” nếu chưa bị chế độ bỏ tù hay thủ tiêu, chứ mấy ai tin siêu cường Liên Xô sừng sững ngang tầm Hoa Kỳ lại có đôi chân đất xét và bất thần tiêu vong? Khả năng tuyên truyền ưu việt của chế độ cộng sản khiến người cộng sản cũng lầm. “Bọn ngu xuẩn hữu ích” (chữ của Lenin về những kẻ đồng hành với chế độ cộng sản trong các nước kia) làm nốt phần vụ tuyên truyền cho thế giới ngu ngơ có nhiều vẹt hơn vịt.

Tuy nhiên, thành phần khôn ngoan nhất và có nhiều thông tin nhất trong chế độ Liên Xô thì biết rõ sự thật.

Đó là bộ máy công an, mật vụ và tình báo có nhiệm vụ bảo vệ chế độ. Là chất keo sơn của hệ thống kiểm soát sắt thép, họ giúp chế độ tồn tại trong ảo giác “ổn định,” bất chấp những mâu thuẫn căn bản giữa chủ nghĩa và sự vận hành của đời sống. Nhưng, vòng kim cô sắp thép ấy lại bị han rỉ và biến chất vì quyền tham ô vô hạn. Khi chất keo sơn tan rã thì chế độ tan theo.

Từ trên chí dưới, từ Bộ Chính Trị của trung ương đảng tới thần dân ở dưới, ai cũng ngạc nhiên, kể cả Tổng Bí Thư Mikhail Gorbachev, trừ đám người ưu tú trong thế giới mật vụ, mà biểu hiện là cơ quan KGB. Nhờ có nhiều thông tin nhất, từ mọi nơi mọi cấp, họ hiểu ra và thấy trước sự bất toàn của bộ máy bảo vệ chính trị ở bên ngoài hai khu vực Moscow và St Petersburg, thời đó còn có tên là Leningrad. Rồi vì là phần tử khôn ngoan nhất – hay gian hùng nhất – họ tự chuẩn bị cho… chế độ mới.

Một nhân vật xuất chúng trong thế giới đó chính là Vladimir Putin.

Sau khi cầm quyền từ năm 1999 và lãnh đạo Liên Bang Nga từ năm 2000, Putin đang xây dựng và củng cố chế độ mới. Vì vậy, ngày nay thiên hạ mới sợ nước Nga, hay sự tái xuất hiện của Liên Xô thời Chiến Tranh Lạnh.

Liên Bang Nga xa hoa vĩ đại

Sau khi ngạc nhiên về sự sụp đổ của Liên Xô, nhiều người cho rằng hậu thân của đế quốc này là Liên Bang Nga sẽ tiếp tục bị khủng hoảng như đã bị trong 10 năm, từ 1989 đến 1999. Tranh chấp âm thầm rồi công khai giữa Tổng Bí Thư Gorbachev và bí thư Nga – sau là Tổng thống Liên Bang Nga – là Boris Yeltsin được Tây phương quy diễn sai lạc, cũng sai lạc như nhận định về thời kỳ “ổn định” của Leonid Brezhnev.

Các phần tử ưu tú trong hệ thống an ninh đã làm giàu trong buổi giao thời giữa chế độ Cộng Sản và dân chủ, cũ và mới, không thể duy trì tình trạng hỗn loạn và khủng hoảng dưới sự lãnh đạo của Yeltsin. Từ quãng 2000, họ là thế hệ lãnh đạo mới, đã sát cánh với Putin để tìm lại sự vĩ đại của Đế Quốc Nga. Họ đáp ứng một yêu cầu văn hóa chính trị của quần chúng: là người hùng quyết đoán và dám cứng rắn cầm quyền. Mục tiêu của giới lãnh đạo này có hai mặt chập một: sự lớn mạnh vàng son của nước Nga là sự vững mạnh sắt thép của quyền lực tập trung.

Vladimir Putin giữ vị trí nào trong hệ thống đó?

Là đảng viên Cộng Sản và sĩ quan KGB, ông đánh giá sự sụp đổ của chế độ Liên Xô là biến cố lịch sử của nhân loại và “tai họa lớn nhất cho nước Nga” – chứ không là sự giải phóng như các nước Tây phương vẫn ca ngợi. Năm ngoái, Putin còn phát biểu rằng ông “không là người triệt để bênh vực ý thức hệ cộng sản, nhưng với các vấn đề ấy, tôi có thái độ rất tế nhị.” Ai muốn hiểu sao thì hiểu! Cũng Putin là người đã dự thánh lễ của Giáo Hội Chính Thống Giáo của Nga, cho nên là người vô thần, duy vật hay là đệ tử Chính Thống Giáo? Sự thật thì Putin dùng Chính Thống Giáo Nga kết hợp các Giáo Hội Chính Thống từ Đông Âu qua Trung Á, dưới sự lãnh đạo của nước Nga. Putin muốn gây ra ảo giác vĩ đại cho một nước Nga anh hùng.

Nghệ thuật gây ảo giác là một thuộc tính của các chế độ Cộng Sản, Putin kế thừa nghệ thuật đó, nhưng cho một nước Nga đã co cụm. Sự thật thì Vladimir Putin lang bang trong cõi mộng du.

Vang bóng một thời

Từ hơn 300 triệu dân thời Liên Xô, Liên Bang Nga có dân số suy sụp, nay chỉ còn 146 triệu, với sắc dân Nga chừng 117 triệu, bị giảm mạnh nhất, vì dù sinh suất cao hơn trung bình Âu Châu, tử suất lại còn cao hơn nữa. Dân Nga chết nhiều hơn đẻ, trên một lãnh thổ rộng nhất thế giới, là 17 triệu cây số vuông. Làm sao cai trị một quốc gia kỳ quái ấy? Giải pháp truyền thống của Nga được Puttin tận dụng là tập trung quyền lực dưới hào quang tuyên truyền.

Ông vẽ lại cái bánh của Liên Xô: đệ nhất siêu cường đã từng phóng vệ tinh Sputnik và gửi Yuri Gagarine lên không gian hay hy sinh 20 triệu người yêu nước chống lại Đức Quốc Xã. Ông cố xóa nhiều gai góc trong cái bánh vẽ, như các vụ tàn sát nhuốm mùi diệt chủng, hay nạn chết đói trong và ngoài các quần đảo ngục tù gọi là trại lao cải, gulaks. Ông cũng phát huy khả năng tình báo Liên Xô mà không nói gì về tài ăn cắp kỹ thuật chế tạo võ khí nguyên tử. Vì vậy, ông có thể ỡm ờ hài lòng với sự kiện dư luận Mỹ xôn xao về nạn tình báo Nga xâm nhập mạng lưới điện toán của đảng Dân Chủ để tác động vào cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ.

Những “thành tích” ấy mới khiến người ta nói đến sự tái xuất hiện rất đáng ngại của Liên Xô. Nhưng đấy chỉ là một thời vang bóng.

Từ khi tấn công Cộng Hòa Georgia vào Tháng Tám năm 2008 rồi đánh lừa chính quyền Obama để chiếm đóng Ukraine năm 2014, Putin muốn xây dựng lại vùng trái độn tại biên vực với Âu Châu. Tại Thủ đô Kyiv của Ukraine, ông đã có chính quyền thân Nga là Viktor Yanukovych, nhưng khi quần chúng Ukrain biểu tình lật đổ Yanukovych vào đầu năm 2014 và bầu lên một chính quyền mới, Putin lấy đó làm lý cớ can thiệp.

Nhưng kết quả là dân Ukraine tại miền Đông không nổi dậy đón mừng “quân giải phóng” Nga và Putin chỉ chiếm được bản đảo Crimea nhờ đã có sự hiện diện tại quân cảng này. Chứ thực tế thì Putin thất bại tại Ukraine trong khi bị Tây phương trừng phạt bằng lệnh cấm vận kinh tế.

Nói về kinh tế, nước Nga chỉ là… Saudi Arabia, vì sống chết nhờ dầu thô và khí đốt. Khi giá dầu sút giảm thì ngân sách và quỹ an sinh cạn tiền, nhiều người sống ngoài hai tủ kính Moscow và St Petersburg chẳng còn lãnh lương. Đấy là lúc Putin thổi lên ảo giác khác: đưa quân vào Syria bảo vệ chế độ Bashar al-Assads tại Damascus. Khỏi giải thích rằng sự tồn tại của chế độ hiếu sát này liên quan thế nào với quyền lợi sinh tử của nước Nga, ông chỉ cần chứng minh là ta làm được việc đó. Thế giới Tây phương còn giúp ông minh chứng khả năng rất đáng sợ của người hùng nước Nga.

Ngày xưa, Liên Xô kiểm soát được khu vực Trung Đông trải rộng từ Algeria qua Libya, Syria, Egyp và Iraq, và huấn luyện đặc công khủng bố của dân Ả Rập tại Palestine để gây rối khắp Âu Châu. Ngày nay, Putin chỉ kiểm soát được một phần bất ổn của Syria mà thôi! Ngày xưa, Liên Xô, Đệ tam Quốc tế hay KGB còn đào tạo và lập ra nhiều đảng Cộng Sản trên thế giới để làm khối tự do suy yếu. Ngày nay, Putin chỉ có vài chế độ độc tài cực hữu trong sổ lương mà kinh tế thì mấp mé khủng hoảng.

Dĩ nhiên, Putin có thể nhắc thiên hạ rằng nước Nga có võ khí hạch tâm (nuclear) còn tàn khốc hơn võ khí nguyên tử (atomic), và có khả năng tấn công ba nước Cộng Hòa vùng Baltic, hoặc can thiệp vào cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Nhưng ông là người lạnh lùng tỉnh táo, chứ chẳng là người điên.

Nhờ tỉnh táo, Putin biết các công thần của chế độ, y như chính mình ngày xưa, đều canh chừng. Nếu ông hết là người hùng và hào quang vĩ đại bị tắt ngấm, họ sẽ tự chuẩn bị cho chế độ mới. Và đưa ông vào lịch sử qua một cuộc chính biến mà Gorbachev và Yelstin đều đã chứng kiến.

Kết luận ở đây là gì?

Thảm kịch Nga là chuyện ngàn đời. Màn biểu diễn của Putin là hài kịch. Sự sợ hãi của Tây phương mới là bi kịch… khi Tây phương coi Putin là mối nguy còn đáng sợ hơn Tập Cận Bình ở bên kia Thái Bình Dương.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét