Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Nguồn: “Why Japan and Russia never formally ended the second
world war“, The Economist, 12/12/2016
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm chính thức đầu
tiên tới Nhật Bản vào ngày 15/12, nơi ông cùng với ông Shinzo Abe ghé thăm các
suối nước nóng tại quê hương của Thủ tướng Nhật Bản ở Nagato. Ông Abe hy vọng sẽ
sử dụng dịp này để giải quyết bế tắc kéo dài 70 năm kể từ giai đoạn kết thúc Thế
chiến II, khi Liên Xô đột nhiên tham cùng quân Đồng minh tấn công Nhật Bản.
Sau
khi Nhật Bản đầu hàng, hai bên chưa bao giờ ký một hiệp ước hòa bình (mặc dù một
một tuyên bố chung năm 1956 đã phục hồi quan hệ ngoại giao và kết thúc tình trạng
chiến tranh). Quan hệ song phương đã luôn căng thẳng kể từ đó. Tại sao giữa Nga
và Nhật Bản chưa bao giờ chính thức kết thúc Thế chiến II?
Tình trạng bế tắc xoay quanh bốn hòn đảo nằm giữa Hokkaido của
Nhật Bản và bán đảo Kamchatka của Nga. Đối với Nga, các đảo nhỏ Kunashiri,
Etorofu, Shikotan và Habomai là một phần của chuỗi đảo Kurile, vốn bị Nhật chiếm
giữ trong suốt thế kỷ 19 và Liên Xô đã tái chiếm trong những ngày cuối của cuộc
chiến. Tuy nhiên, Nhật Bản lại coi các đảo này là “lãnh thổ phương Bắc” của
mình, mà theo lịch sử là đất đai của Nhật Bản bị chiếm bất hợp pháp bởi Nga cho
đến ngày nay. Năm 1956, Liên Xô đã đề nghị trả lại hai hòn đảo bé hơn (trong số
4 đảo) nhưng Nhật Bản từ chối, một phần do áp lực từ phía Mỹ. Những nỗ lực tiếp
theo tại các cuộc đàm phán bế tắc khi các nhà lãnh đạo Nhật Bản, cho đến bây giờ,
vẫn kiên quyết yêu cầu Nga trả lại cả bốn hòn đảo, một yêu cầu mà Liên Xô và
các nhà lãnh đạo Nga hiện nay đã kiên quyết từ chối.
Bất kỳ sự thỏa hiệp nào trong tranh chấp lãnh thổ này cũng
có thể gặp phải những trở ngại lớn. Những hòn đảo này đã mang một tầm quan trọng
mang tính biểu tượng đối với cả hai quốc gia, nơi mà di sản của cuộc chiến vẫn
phủ bóng. Ở Nga, chúng được xem như là một phần của câu chuyện chiến thắng về
cuộc chiến (một đài tưởng niệm các chiến sĩ Hồng quân đã được dựng tại
Kunashir). Nga mạnh mẽ phản đối việc trao trả thậm chí hai hòn đảo nhỏ hơn, và
ông Putin có thể sẽ thấy khó lòng có thể dung hòa hình ảnh người bảo vệ lãnh thổ
nước Nga của mình sau vụ sáp nhập Crimea với việc từ bỏ bất cứ phần lãnh thổ
nào khác.
Những người phản đối thỏa hiệp cũng chỉ ra những ngư trường
phong phú quanh các đảo và tuyên bố rằng chúng đóng một vai trò rất quan trọng
trong việc đảm bảo có thể sử dụng vùng biển Okhotsk của Nga làm bàn đạp triển
khai các tàu ngầm hạt nhân.
Các nhà dân tộc chủ nghĩa người Nhật coi việc trả lại các
hòn đảo này là một bước quan trọng hướng tới việc phục hồi danh dự đã mất của
Nhật Bản. Ông Abe là động lực đằng sau những hoạt động ngoại giao cấp tập mới
nhất. Một phần, đây là một vấn đề cá nhân: Cha của ông Abe, ông Shintaro Abe,
người từng là Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản trong những năm 1980, đã cố gắng
nhưng thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận về các hòn đảo này với
Mikhail Gorbachev.
Tuy nhiên các động cơ chiến lược của ông Abe vẫn có thể là một
yếu tố quan trọng hơn, khi những mối quan hệ đang ấm dần lên giữa Nga với Trung
Quốc khiến các nhà chiến lược tại Tokyo phiền muộn. Triển vọng về một trục Trung
– Nga tại Đông Á có thể đủ để thúc đẩy ông Abe phải chấp nhận giải pháp chỉ nhận
hai hòn đảo mà từ lâu được xem là không thể chấp nhận được. Ông Putin có thể
chào đón cơ hội để có thể cân bằng lại sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc ở
châu Á, chưa kể đến các luồng đầu tư được
hứa hẹn từ Nhật Bản cho nền kinh tế trì trệ của nước mình.
Người Nhật cũng hy vọng rằng ông Putin sẽ nắm lấy cơ hội để
phá vỡ cơ chế trừng phạt hậu Crimea của phương Tây nhằm vào Nga (mặc dù ông có
thể ít háo hức hơn sau khi Donald Trump đắc cử, với hy vọng rằng các lệnh trừng
phạt kiểu gì rồi cũng sẽ được dỡ bỏ). Tuy nhiên, triển vọng về một hiệp ước hòa
bình vẫn còn mong manh: các quan chức Nga đã tìm cách làm giảm các kỳ vọng trước
chuyến thăm, trong khi ông Putin tuyên bố rằng “chúng ta không buôn bán lãnh thổ”.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét