Nguyễn Vũ Bình
Quan điểm về cộng sản thời hậu cộng sản (Bài 2: Quan điểm về
cộng sản ở Việt Nam)
Chế độ cộng sản ở
Việt Nam mang đầy đủ các đặc tính của chế độ cộng sản nói chung, nhưng còn có
thêm những điều khác biệt. Đó là cuộc nội chiến và hai cuộc chiến tranh với
Cam-pu-chia và Trung Quốc. Phải đến tận những năm 1988-1989 thì Việt Nam mới im
hẳn tiếng súng chiến tranh trên toàn lãnh thổ. Sự khốc liệt mà chế độ cộng sản
đem lại được cộng hưởng với sự khốc liệt của các cuộc chiến tranh càng làm cho
sự đau thương và tang tóc của nhân dân tăng lên gấp bội.
Điều khác biệt của Việt
Nam với các nước cộng sản Liên Xô và Đông Âu còn ở chỗ, từ khoảng những năm
1991-1993 đến nay, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã lợi dụng quyền lực, sử dụng
quyền lực để trục lợi từ các chính sách kinh tế. Đồng thời, để duy trì chế độ độc
tài toàn trị, duy nhất đảng cộng sản lãnh đạo đất nước, nhà cầm quyền đã dồn
nén mọi giai tầng xã hội, mọi tôn giáo một cách cực kỳ khốc liệt.
Để xác định thái
độ và phương cách ứng xử với di sản của chế độ cộng sản, chúng ta cần tham khảo
kinh nghiệm của thế giới trong vấn đề này. Việc đầu tiên, là thái độ hay đánh
giá khách quan về chủ nghĩa cộng sản và các chế độ cộng sản, chúng ta có thể
tham khảo nước Mỹ và các nước châu Âu. Nước Mỹ đã xây dựng công trình Đài Tưởng
niệm Nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản với mục đích để lịch sử về sự tàn bạo của
cộng sản sẽ được dạy cho thế hệ tương lai và để tưởng nhớ hơn 100 triệu nạn
nhân của chủ nghĩa cộng sản. Tượng Đài đã được Tổng thống Mỹ George W. Bush
khánh thành vào ngày 12/6/2007. Ở châu Âu, vào ngày 25/02/2010 nhiều chính trị
gia và các nhà hoạt động nhân quyền, các sử gia đã ký và ra tuyên bố về tội ác
của chủ nghĩa cộng sản tại Praha, Cộng hòa Séc. Đồng thời, Hội đồng Nghị viện của
Ủy hội châu Âu (Ủy hội châu Âu là cơ quan dân cử của 46 quốc gia châu Âu) đã ra
nghị quyết 1481 lên án chủ nghĩa cộng sản và coi chủ nghĩa cộng sản đã phạm tội
ác chống lại loài người, vào ngày 25/01/2006. Như vậy, việc đầu tiên là đánh
giá, xác định rõ thái độ đối với chế độ cộng sản. Ở Việt Nam chúng ta, cũng cần
phải có thái độ và quan điểm tương tự. Điều khác biệt là, ở Việt Nam, do nhận
thức của người dân còn rất nhiều hạn chế, chúng ta cần tập hợp tất cả tội ác của
chế độ cộng sản Việt Nam và dùng lý lẽ, lập luận và các dẫn chứng để chứng minh
tội ác của chế độ cộng sản. Nếu cần thiết, chúng ta sẽ để cho những ai chưa hiểu
trao đổi và phản biện, tranh luận. Khi đã giải quyết được tất cả những ý kiến
phản biện, chúng ta cần có động thái lên án chế độ cộng sản ở Việt Nam với toàn
thể nhân dân. Chúng ta cũng sẽ đưa ra thảo luận, về việc yêu cầu đại diện tập
thể lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đứng ra thay mặt chế độ cộng sản xin lỗi
nhân dân về những tội ác mà đảng cộng sản và chế độ đã gây ra.
Về chính sách, chế
độ của lực lượng cán bộ, công chức chế độ cũ, chúng ta cũng tham khảo ứng xử của
các quốc gia châu Âu khi chế độ cộng sản sụp đổ. Bản thân người viết chưa có điều
kiện tìm hiểu nhiều, nhưng thông qua báo chí và thông tin trên mạng Internet, hầu
như không có sự trả thù, cũng như tiêu diệt hay đày đọa các đảng viên cộng sản
(ngoại trừ những biến cố do hỗn loạn khi chế độ sụp đổ). Thậm chí, tiền lương
hưu, phụ cấp của những người công chức thuộc chế độ cộng sản vẫn được bảo toàn.
Tất nhiên, ở Việt Nam có những khác biệt cần phải làm rõ và có ứng xử khác. Như
đã nêu, ở Việt Nam, từ những năm 1991-1993 tới nay, nhà cầm quyền Việt Nam đã lợi
dụng và sử dụng quyền lực để trục lợi qua chính sách kinh tế, đồng thời để xảy
ra tình trạng tham nhũng khủng khiếp. Hậu quả để lại là khoản nợ lên tới trên
200% GDP của nền kinh tế. Đây là điều khác biệt cần làm rõ và gắn vào việc giải
quyết chính sách hậu cộng sản. Theo ý kiến của cá nhân người viết, cần gắn
trách nhiệm của lãnh đạo đảng cộng sản, nhà nước và chính phủ Việt Nam các giai
đoạn từ 1991 tới nay về vấn đề kinh tế. Cách thức và mức độ cần được bàn bạc công
khai, minh bạch và được sự đồng thuận của toàn dân.
Một quan điểm về
hồi tố, chúng ta không thể bỏ qua vấn đề hồi tố bởi vì sự oan khuất và hận thù
của người dân không được giải tỏa sẽ đưa tới những hậu quả khôn lường. Vấn đề
là giới hạn của hồi tố tới đâu? Đó là những vi phạm của cá nhân, cơ quan chức
năng đối với chính luật pháp mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đặt ra. Có
nghĩa là, sẽ hồi tố những vụ án, những sự việc mà các cán bộ và cơ quan của chế
độ cộng sản vi phạm chính pháp luật mà cộng sản đưa ra. Chúng ta cần có Ủy ban
hòa giải và hòa hợp dân tộc để xử lý hết những trường hợp này.
Quan điểm chung
là: chúng ta không trả thù, chúng ta không đày đọa người cộng sản sau khi chế độ
cộng sản sụp đổ. Nhưng chúng ta phải làm rõ đúng, sai, công, tội để thống nhất
nhận thức của nhân dân. Đồng thời, cần bắt họ chịu trách nhiệm về những việc họ
đã làm. Nếu chỉ là mù quáng về lý tưởng, dẫn tới những hậu quả cho cá nhân và đất
nước, như từ những năm 1990-1991 trở về trước, chúng ta có thể không truy cứu.
Nhưng còn việc trục lợi, gây ra hậu quả nghiêm trọng (khoản nợ khổng lồ) thì cần
truy cứu trách nhiệm. Mặt khác, khi đã đề ra pháp luật, mà cá nhân và cơ quan
nhà nước lại vi phạm chính pháp luật đó, gây đau khổ cho người dân và trục lợi
thì chúng ta cần bắt họ chịu trách nhiệm. Chỉ có làm công tâm như vậy, chúng ta
mới giải quyết triệt để di sản của quá khứ.
Một nguyên tắc cần
tuyệt đối tôn trọng, đó là khi trao đổi, bàn bạc các chính sách hậu cộng sản,
người dân phải được biết và tham gia đầy đủ. Chỉ khi nào có sự đồng thuận của
người dân, chúng ta mới thực hiện các chính sách đó./.
Hà Nội, ngày 31/12/2016
N.V.B
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét