Dương Danh Huy
Diễn tiến lằng nhằng phức tạp của biển Đông buộc người ta phải
đặt câu hỏi: thực sự người Trung Quốc đang nghĩ gì? và muốn gì? Và người lãnh tụ
hạt nhân của nước CHND Trung Hoa phải dành những đêm mất ngủ cho suy nghĩ về biển
Đông - nơi sẽ là điểm khởi đầu của một khúc khải hoàn trong thế kỷ mới của đất
nước ông, và chính bản thân ông.
1. Không có Việt nam trên bàn cờ biển Đông?
Nhìn trên bình diện toàn cầu, biển Đông chỉ là một trong các
vấn đề mà Trung quốc đang gặp, trên con đường thoát khỏi thế kỷ ô nhục, để trở
thành siêu cường hàng đầu thế giới. Ở đây, quan hệ Mỹ - Trung dường như đang
chiếm phần chính, bên cạnh sự trở mình của Nhật bản, ánh mắt e dè từ Ấn Độ,
Australia hay các quốc gia Tây Âu già cỗi đang mong còn chút thể hiện chút ảnh
hưởng tại vùng biển sôi động này. ASEAN, một thực thể quặc quẹo, đang vật vã
trong cơn đau tự khẳng định vai trò của mình, tự nó chẳng phải là một vấn đề.
Trong cuộc đối đầu với chiến lược xoay trục châu Á của tổng thống Obama, có vẻ
Tập chủ tịch đã ghi điểm trước. Bất chấp phán quyết của tòa Quốc tế The Hague về
biển Đông, thái độ kiên định phớt tỉnh luật pháp quốc tế đã có những thành công
bước đầu. Những động thái nhún nhường gần đây của Philipin, Malaysia, thái độ một
chiều của Campuchia cho thấy củ cà rốt cộng với món bắp cải trộn salami trên biển
Đông đã phát huy tác dụng.
Với tổng thống Donald Trump, cuộc gặp Kissinger mới đây, nhằm
đào mộ thông cáo Thượng Hải, mà đã mở ra con đường để nước Trung Hoa phát triển
thoát khỏi thế lưỡng đầu thọ địch kể từ năm 1972, chắc chắn đang lởn vởn trong
giấc mơ của Tập chủ tịch. Một cuộc đổi chác trên bình diện toàn cầu sẽ là điều
mà cả hai nhà lãnh đạo phải nhắm tới. Bề ngoài có vẻ khó nhằn hơn, đối với vị tổng
thống xuất thân thầu khoán kiêm bầu sô, vấn đề thật ra giản dị hơn nhiều. Mối
lo về tự do hàng hải ư: Trung Quốc sẽ đảm bảo một cơ chế phối hợp quốc tế,
trong đó vai trò của Mỹ và các nước phát triển là rất quan trọng, để ổn định bền
vững mạch máu thương mại này. Tranh chấp nguồn lợi biển và thềm lục địa ư: gác
tranh chấp, hợp tác cùng khai thác. Nếu muốn khai phá nguồn lợi thềm lục địa tại
đây, các công ty dầu khí Mỹ liên kết với Petrochina sẽ có lợi hơn nhiều, nếu so
với việc hợp tác với Việt Nam, khi phải e dè sự quấy phá từ phía Trung Quốc.
Trong thời điểm giá dầu thấp hiện nay, cùng với việc đã nắm được công nghệ khai
thác dầu biển sâu, ai có thể qua mặt Trung quốc tại đây? Tương tự là việc hợp
tác khai thác nguồn lợi hải sản, ưu thế của hạm đội đánh cá của Trung Hoa Nam Hải
tại đây là quá rõ ràng. Nếu cần trả giá: đình hoãn vô thời hạn việc lập vùng nhận
dạng phòng không trên biển Đông, rút bớt các vũ khí tấn công hạm đội đang bố
trí tại đây. Thậm chí nếu cần thêm: mở thêm cửa thị trường Trung Quốc, hạn chế
lao động trẻ em, cải thiện điều kiện lao động, mở rộng có mức độ quyền lập hội,
bạch hóa vụ Khí luân công, hứa hẹn phối hợp giải quyết vấn đề an ninh mạng và
gián điệp đánh cắp thông tin, chia sẽ gánh nặng khí thải toàn cầu, ngay cả
chính sách điều chỉnh tỷ giá đồng yuan cởi mở hơn theo cách nhìn của người Mỹ...
Mục đích tối hậu của Tập chủ tịch: thái độ công nhận de
facto sự hiện diện của lá cờ Trung Hoa tại các thực thể đá tại biển Đông. Và đằng
sau đó là sự thừa nhận ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây, bước đầu của việc thừa
nhận vùng ảnh hưởng của Trung quốc tại Tây Thái bình Dương, một điều rất hiển
nhiên theo quan điểm của ông Tập. Chỉ cần đừng làm người Mỹ quá mất mặt là được.
Vấn đề còn lại, chỉ là thời điểm thích hợp. Cho một sô diễn
ngoạn mục, với cây đinh là một cục xương to, bôi thật nhiều mỡ béo thơm lừng,
xong. Và tổng thống Trump sẽ ca khúc khải hoàn về nước Mỹ, với một thứ dạng như
"bản hiệp ước hòa bình và phát triển cho biển Đông" trên tay, và một
túi đầy những cục xương to, dán nhãn "quyền lợi Mỹ". Thời điểm thích
hợp nhất có lẽ là năm 2018.
Hoàn hảo cho một cái bánh to nhãn hiệu Munich ver 2. 0. Chỉ
thiếu một cái nhân: Việt Nam.
2. Nếu đại cục đã được xử lý trên bình diện quốc tế, chủ yếu
trong khuôn khổ mối quan hệ Mỹ - Trung, thì chuyện Việt Nam có lẽ chỉ là tiểu cục.
Vấn đề là giới lãnh đạo Việt nam nghĩ gì về biển Đông?
Một cách chính thức, biển Đông được ghi nhận trong cương
lĩnh của ĐCS lẫn chiến lược an ninh quốc phòng của đất nước như là một phần
không thể chia cắt của lãnh thổ Việt Nam. Dưới ánh sáng của phán quyết tòa án
The Hague, sẽ có những vấn đề mới được đặt ra. Tuy nhiên, cũng giống như các đồng
nghiệp Trung Quốc, các nhà chính trị chủ chốt Việt Nam vẫn xem xét vấn đề dưới
góc độ thềm lục địa của các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt
Nam. Không mở rộng đến mức lợi ích cốt lõi thông qua đường chín đoạn như nhà họ
Tập, người Việt đánh giá những ưu thế về lịch sử thông qua việc chiếm hữu các
thực thể nổi, chìm tại đây là điểm mấu chốt thể hiện khái niệm lãnh thổ Việt
Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Và do đó, các sự kiện chiếm đóng của Trung quốc
năm 1974 và 1988 là hành vi xâm lược, mà do bởi thực tế khách quan lúc đó, đã
không được Việt Nam đáp trả tương xứng. Vấn đề là liệu điều này có được phép lặp
lại, trong một tương lai gần?
Trái với quan điểm của các nhà đối lập luôn tận dụng vấn đề
biển đảo để quấy đảo đời sống chính trị ở Việt nam, nhận thức này đang là suy
nghĩ chủ đạo của giới chóp bu Hà Nội, và cũng không phải mới gần đây. Việc nhìn
nhận chính thức - trong bản Hiến pháp cũ 1980 - rằng Trung quốc là kẻ thù nguy
hiểm nhất của Việt Nam là một minh chứng rõ ràng cho điều này. Những cố gắng
hòa dịu giữa hai quốc gia cộng sản này, bắt đầu từ hội nghị Thành Đô - bên cạnh
mong muốn co cụm về ý thức hệ để chống đỡ trào lưu sụp đổ của khối Warsovie
trong thập kỷ 90 thế kỷ trước - còn thể hiện mong muốn, ít nhất là từ phía Việt
Nam để có một "khoảng thở" trước sức ép tham lam của người láng giềng.
Tận dụng cửa sổ này để thoát khỏi sự cô lập về chính trị và gánh nặng quốc
phòng, Việt nam đã lách qua một giai đoạn khó khăn nhất để phát triển như ngày
nay. Cái giá phải trả không hề rẻ, thiệt hại về kinh tế (nhập siêu toàn tập,
phá hoại kinh tế, khủng hoảng môi trường... ) tổn thất về danh dự (phản bội
xương máu nhân dân... ), chịu lấn ép nhục nhã về chính trị (điển hình là vụ bị
từ chối tiếp xúc khi xin trao đổi trong cuộc khủng hoảng dàn khoan 2015... ).
Phải chấp nhận đánh đổi lấy hòa bình để phát triển.
Chỉ có một câu hỏi: tại thời điểm hiện nay, trong mối quan hệ
hòa dịu bất tương xứng này, đâu là giới hạn của sự nhẫn nhục của Bộ Chính trị
ĐCS Việt Nam?
Câu trả lời cứng: khi chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm. Cụ thể:
• Các thực thể nổi, chìm do Việt nam thụ đắc ở Trường Sa bị
tấn công bằng lực lượng vũ trang, chủ yếu do hải quân và không quân Trung Quốc,
và hầu như chắc chắn bị chiếm đóng.
• Biên giới và lãnh thổ trên bộ của Việt nam bị xâm phạm.
Ngoài hai tình huống cứng như trên, các hoạt động khác của
Trung Quốc không chắc sẽ nhận được phản ứng thích đáng từ giới lãnh đạo Việt
nam, theo lối suy nghĩ chủ quyền và độc lập dân tộc đã bị xâm phạm - như kinh
nghiệm gần đây đã chỉ ra. Việc cải tạo, thành lập các đơn vị hành chính, bố trí
lực lượng quân sự tiến công tại các thực thể mà Trung Quốc chiếm đoạt từ Việt
nam trong các năm 1974 và 1988, cũng như lấn ép giành giật các quyền lợi về
kinh tế như tranh đoạt ngư trường, thăm dò và khai thác dầu khí, hay thậm chí
tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông... các món bắp cải trộn
salami này vẫn còn được các vị lãnh đạo Cộng sản Việt Nam dung nạp tốt.
Nhưng, trong một tình huống cứng cụ thể - dù muốn hay không
- bộ sậu lãnh đạo của ĐCS Việt Nam phải thể hiện lập trường dứt khoát về biển
Đông trước nhân dân. Lúc đó, phải thật sự rất ngớ ngẩn mới dám tuyên bố kiểu
như phải giữ vững ổn định chính trị để tiến hành Đại hội đảng, hay để chuyện
này cho con cháu lo!!!
Vậy, không hòa được thì đánh. Trong tình huống này, như lịch
sử đã nhiều lần chứng minh, bất kể là do giới nào lãnh đạo, người Việt sẽ nhanh
chóng chuyển các điểm yếu của mình thành lợi thế, và sẽ khai thác mạnh mẽ các vấn
đề của đối phương. Vốn liếng thì vẫn vậy, sự hy sinh của nhân dân, sự lỳ lợm đến
mức phi lý trí, vũ khí phi đối xứng và trường kỳ kháng chiến.
Không cần phải thông thuộc kinh sử, Tập Cận Bình cũng học được
bài học này. Duy trì một tình trạng đối đầu trực tiếp về quân sự kéo dài trên
biển Đông sẽ là một sự tự sát về chính trị, trong hoàn cảnh đang có nhiều chống
đối kế hoạch cải tổ trong nội bộ của chính ông. Tận dụng các ảnh hưởng từ các
thế lực cường quốc trên thế giới, để đưa Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán cho hiệp
ước hòa bình về biển Đông? Món Munich ver 2.0 khó mà ra lò nổi, nếu nhớ đến kỹ
năng vừa đánh vừa đàm của người Việt. Và kẻ nào ký xong bản hiệp ước này sẽ lập
tức theo chân các bậc tiền bối như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống sang tá túc Bắc
Kinh ngay.
Không cứng được thì mềm vậy. Trên thực tế, Trung Quốc đã và
đang áp dụng đường lối xâm lược mềm, với việc xuất khẩu không chỉ thực phẩm nhiễm
độc, đồ dùng chất lượng thấp, văn hóa từ phim ảnh cho đến Khổng giáo sang Việt
Nam. Trong khi đã có những thành quả đáng kể từ những hoạt động này, chắc chắn
còn rất lâu mới đạt được một hiệu ứng nô dịch theo kiểu lượng biến thành chất
mà họ Tập mong muốn. Trên biển Đông, các hoạt động gây căng thẳng kéo dài và
tăng dần, thông qua lực lượng chấp pháp, hoặc dân quân biển, hoặc lấn chiếm, bồi
đắp, mở rộng và quân sự hóa các thực thể đá tại đây... ghi được điểm đầu về việc
tạo ra vấn đề, song không thể đặt dấu chấm hết cho câu chuyện. Cả hai bên đang
trung thành với đường lối trì cửu chiến của Mao chủ tịch. Hơn thế nữa, lịch sử
chỉ ra rằng lũ đàn em này cũng chính là bậc thầy trong nghệ thuật ẩm thực kiểu
này. Việc mất 4 năm để đàm phán về hình dáng của cái bàn trong hội nghị Paris từ
1968 - 1972 là một loại ví dụ điển hình của các đệ tử môn "trì cửu chiến".
Vấn đề là ai sẽ mất kiên nhẫn trước?
Trong khi vẫn là người nắm quyền chủ động, có thể gia giảm
cường độ áp lực tùy thời điểm và tình huống cụ thể, không thể không nhìn thấy
những áp lực - chủ yếu từ nội bộ ĐCS Trung Quốc - lên ông Tập. Cuộc đấu "đả
hổ diệt ruồi" diễn tiến kéo dài, mức độ tập quyền vẫn chưa được như mong
muốn của ông, sự chống đối ngấm ngầm, đặc biệt từ địa phương... Đối ngoại, việc
chuyển từ vai trò "cha Tập mẹ Bành" sang một nhà đàm phán không hề là
thế mạnh, và đây sẽ là điểm yếu chí tử của ông, mà các đối thủ trong nước không
dễ gì bỏ qua. "Sự cố" phán quyết của tòa quốc tế The Hague vừa rồi là
một đòn nặng giáng vào uy tín của chính quyền Trung Quốc - điều này ai cũng biết;
nhưng chắc chắn ít người đánh giá được tổn thất về uy danh của nhà lãnh đạo cốt
lõi thế hệ thứ tư đối với các đảng viên và nhân dân trong nước qua vụ này. Những
xầm xì trong giới chóp bu về sự thiếu kinh nghiệm đối ngoại của ông giống như
muỗi chích, không nguy hiểm nhưng rất khó chịu. Vậy có cần phải có những thành
công ngoạn mục nào đó trong vấn đề biển Đông hay không?
Ở góc nhìn bên kia, sau khi tiêu hóa quá nhiều món bắp cải
trộn salami kiểu Tàu, những nhà lãnh đạo Việt Nam đang cảm thấy như thế nào?
Nói cho cùng, chứng khó tiêu khi dùng quá nhiều món salad
Tàu đã thể hiện thành bệnh lý, chủ yếu là phản ứng giận dữ từ người dân - vốn
đang được các nhà đối lập tận dụng tối đa - nhưng cũng là những câu hỏi hóc búa
mà Bộ Chính trị phải trả lời trong các kỳ đại hội để thể hiện tính chính danh của
mình trước các Đảng viên. Phản ứng mạnh miệng của vị cựu thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng trong cuộc khủng hoảng dàn khoan vừa rồi rõ ràng không phải là do buộc miệng.
Vấn đề là, chứng viêm đại tràng mãn tính này lại có thể là nguồn cơn của căn bệnh
ác tính: ung thư.
Có những dấu hiệu cho thấy giới chóp bu Việt nam đang thay đổi
dần nhận thức, từ việc dựa chủ yếu vào chính sách đi dây, đàm phán ngoại giao
thông qua các thực thể kém hiệu quả như Asean, dựa trên các bộ quy tắc ứng xử
quốc tế... chuyển sang việc lặng lẽ tăng cường năng lực phòng thủ bất đối xứng,
mở rộng đối ngoại quốc phòng sang những kênh phi truyền thống, và chuẩn bị dư
luận trong Đảng. Trong những tháng gần đây, rất ít nghe giới truyền thông nhắc
tới các bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông. Có vẻ người Việt cũng đang thích ứng
với trò chơi "trì cửu chiến" trên biển, họ chọn lựa thái độ kiên quyết
không bị khiêu khích để rơi vào thế phải khai chiến trước, nhưng cũng sẵn sàng
ra đòn đủ đau để làm nguội bớt những cái đầu nóng; luôn hô hào tham gia một cuộc
đàm phán lòng vòng, đủ các cấp độ, không song phương mà cũng chẳng đa phương,
mà kết quả chỉ là tuyên truyền quan điểm cho nhau; sử dụng Cam Ranh như một mồi
nhử cho bên này, và nút chặn để hù dọa bên kia... Một loại học trò xuất sắc của
một nền Khổng giáo phương Đông hủ lậu! ! !. Mục tiêu: duy trì nguyên trạng. Nếu
không duy trì nguyên trạng được thì chẳng ai được lợi ích gì từ đây. Và sẽ ảnh
hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu trong đó dĩ nhiên Trung quốc sẽ chịu ảnh hưởng
nặng. Mục đích tối hậu: Đợi.
Chọn cứng hay mềm, nhà lãnh đạo cốt lõi nước Trung Hoa trong
thế kỷ 21 cũng phải hết sức thận trọng, tránh sa lầy trên biển Đông.
Biển Đông, dưới con mắt họ Tập, chắc chắn không thể là một
vũng lầy. Nó cũng không phải là một con đường, một vành đai, một biển, hay thậm
chí một đại dương. Giấc mơ Trung Hoa vĩ đại đòi hỏi - trong công cuộc phục sinh
đế quốc Trung tâm thế giới mà thế kỷ đang đặt lên vai ông - một chiến thắng
toàn vẹn, một sự thần phục hoàn toàn, một sự nhìn nhận của cả thế giới, một sự
chứng minh cụ thể về sự vươn mình trở thành siêu cường của đế quốc thần thánh.
Và không thể có cách nhìn nhận nào khác. Tuyệt đối không.
Trong cái nhìn này, biển Đông chính là Việt Nam. Trong ván cờ
này, nền độc lập dân tộc của Việt Nam sẽ là con át, chứ không phải là tài
nguyên dầu khí, hải sản, vị trí địa chính trị, cuộc chống bao vây phong tỏa
"kiểu xoay trục" hay quyền lợi tự do hàng hải của cả thế giới còn lại,
bao gồm cả nước Mỹ. Vì vậy, vấn đề tranh chấp biển đảo - nói theo kiểu người Việt
Nam, hay đường chín đoạn - kiểu người Trung Hoa, chỉ là diện của một vấn đề mà
điểm chốt phải nằm ở Hà Nội.
Vì vậy, đột phá ở biển Đông sẽ xảy ra chỉ ở Hà Nội. Và thời
điểm? Đại hội đảng giữa nhiệm kỳ sắp tới, khi mà tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn
Phú Trọng - theo những thảo thuận ngầm mà ai cũng biết - phải bàn giao chức vụ
cho ai đó.
Nguồn: https://www.danluan.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét